18/06/2009 13:50 GMT+7

Gãy mâm chày

ThS-BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên chấn thương chỉnh hình BV ĐH Y dược TP.HCM)
ThS-BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên chấn thương chỉnh hình BV ĐH Y dược TP.HCM)

TTO - Tôi không may bị gãy kín mâm chày trái, tôi đã làm phẫu thuật nẹp vít được một tháng. Vậy khi nào chân tôi hồi phục bình thường và có thể mổ để lấy vít ra, khi mổ lấy vít ra tôi phải mất thời gian bao lâu mới bình phục hoàn toàn?

Trường hợp tôi không muốn mổ lấy vít ra thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Tôi rất mong nhận được hồi âm của bác sĩ.

Nguyễn Thị Bích Tuyền

- Trả lời của Phòng mạch online:

Trước hết xin trả lời với bạn về mâm chày. Đây là phần xương cấu tạo nên một phần khớp gối. Khi chúng ta đi, phần lồi cầu xương đùi sẽ đè lên phần mâm chày và trọng lượng của chúng ta sẽ tải qua mâm chày để xuống cẳng chân. Như vậy mâm chày là phần xương sẽ chịu sức nặng trực tiếp của cơ thể.

Mâm chày là phần xương xốp nên khi gãy dễ lành. Tuy nhiên vì là xương xốp nên khi bị gãy mâm chày hay bị lún mất xương. Mặt khác mâm chày mang mặt sụn khớp gối nên khi gãy dễ gây ra tình trạng cấp kênh mặt khớp tức là mặt khớp không bằng phẳng, do đó nếu không nắn lại chính xác dễ gây ra tình trạng thoái hóa hư mặt sụn khớp sau này.

Vì là xương xốp nên sau khi phẫu thuật thường bệnh nhân sẽ không được phép đi chống chân bị gãy, do mâm chày sẽ bị bung ra dưới sức nặng của cơ thể. Thời gian để xương tạm gọi là lành khoảngba tháng. Khi đó bệnh nhân sẽ được đi chống chân xuống đất và tăng lực chống chân dần dần cho đến khi chịu toàn bộ sức nặng của cơ thế mà không gây đau.

Tùy thuộc vào loại gãy, kiểu kết hợp xương và trọng lượng bệnh nhân mà thời gian đi chống chân có thể thay đổi. nhưng ít nhất phải sau ba tháng. Thời gian bình phục hoàn toàn bao gồm có thể đi lại bình thường, gập duỗi gối bình thường thông thường khoảng 6-8 tháng.

Thời gian mổ lấy dụng cụ ốc vít sau hai năm. Nhưng cần lưu ý thời gian này còn tùy thuộc rất lớn vào tốc độ lành xương của bệnh nhân. Sự lành xương sẽ được đánh giá chủ yếu qua phim X-quang chụp mỗi 4-6 tuần khi tái khám. Những loại ốc vít sau này nếu có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng tốt có thể không cần lấy ra. Không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe nếu còn ốc vít trong cơ thể.

Tuy nhiên vì đây vẫn là vật lạ trong cơ thể nên một khi bạn bị nhiễm trùng từ nơi khác, vi trùng vẫn có thể tạm trú vào ốc vít và gây ra ổ nhiễm trùng, giống như trường hợp bạn mang khớp giả hay van tim nhân tạo. Nếu còn trẻ tuổi thì nên lấy ốc vít ra.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

ThS-BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên chấn thương chỉnh hình BV ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên