04/08/2009 17:05 GMT+7

Gãy hai xương cẳng tay

ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên CTCH BV ĐH Y dược TP.HCM)
ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên CTCH BV ĐH Y dược TP.HCM)

TTO - * Em năm nay 17 tuổi, bị tai nạn xe nên gãy hai xương cánh tay trái. Đi chụp X-quang bác sĩ bảo gãy xương rất nặng, bó bột và nói một tháng sau đi chụp hình lại. Nếu xương không lành phải mổ để ghép xương.

Hiện em đang bó bột nhưng chỗ gãy vẫn đau dù đã uống thuốc. Cho em hỏi nếu bó bột không lành thì:

- Tuổi của em có thể phẫu thuật ghép xương lại không? Phẫu thuật ghép xương có nguy hiểm và để lại di chứng không?

- Chỗ gãy có lành như trước không, có bị cong không?

- Chế độ ăn uống có kiêng cữ không?

- Sau khi hồi phục em có thể chơi những môn thể thao nào?

Quach Tuan

- Trả lời của Phòng mạch online:

Theo như em mô tả, chúng tôi nghĩ em bị gãy hai xương cẳng tay chứ không phải cánh tay vì cánh tay chỉ có một xương là xương cánh tay, còn cẳng tay có hai xương là xương quay và xương trụ.

Tuổi của em là độ tuổi đang lớn nên xương rất dễ lành, tuy nhiên vì hai xương cẳng tay có chức năng giúp bàn tay sấp và ngửa để làm các động tác sinh hoạt hằng ngày nên cần phải phục hồi đúng giải phẫu ban đầu. Có thể hiểu nôm na là xương quay quay trên xương trụ để giúp sấp ngửa bàn tay. Do vậy nếu xương quay hay xương trụ bị di lệch sẽ hạn chế sấp ngửa bàn tay.

Trong nguyên tác điều trị gãy xương bằng bó bột thì sau khi nắn ngay ngắn xương và bó bột, xương sẽ được theo dõi sự lành xương và sự di lệch của xương gọi là di lệch thứ phát trong bột hay sau khi bó bột. Thông thường bác sĩ sẽ hẹn em khám lại sau ba ngày, một tuần, hai tuần, ba tuấn, bốn tuần và sau đó mỗi tháng. Nếu trong thời gian theo dõi đặc biệt là tháng đầu tiên mà xương bị di lệch thì có thể phải nắn lại hay phải mổ nắn lại và cố định bên trong bằng nẹp và vít.

Tuổi càng trẻ càng phải cẩn thận trong điều trị gãy xương vì khi xương lành xấu dễ để lại di chứng hạn chế vận động tay và như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc sinh hoạt sau này. Không có giới hạn tuổi trong việc mổ kết hợp xương, do vậy nếu xương em di lệch thì vẫn có thể mổ được.

Về chế độ ăn uống không kiêng cữ, trừ việc không nên hút thuốc lá vì sẽ làm xương chậm lành hơn. Hạn chế rượu bia vì say xỉn dễ té làm gãy xương trở lại.

Sau khi xương gãy lành thì xem như là người bình thường nên em có thể chơi môn thể thao nào tùy ý thích. Không có hạn chế trừ khi xương của em lành tư thế xấu làm hạn chế vận động tay, khi đó em sẽ khó chơi một số môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo của tay.

Tóm lại em nên đi tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi sự lành xương và có hướng xử trí kịp thời nếu xưng bị di lệch.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên CTCH BV ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên