![]() |
Mỹ Phượng và Lê Hoàng Anh, hai cô Việt kiều Mỹ, trong chuyến về nước theo chương trình và trao đổi giáo dục Fulbright để nghiên cứu về văn hóa VN |
Đề tài Mỹ Phượng đăng ký trong chương trình này là nghiên cứu nhiếp ảnh với chủ đề gia đình Việt Nam. Còn Hoàng Anh chọn nghiên cứu sự khác biệt giữa phụ nữ Việt trong nước và phụ nữ Việt ra định cư ở nước ngoài. Nhưng điều thú vị nhất lại là câu chuyện dẫn dắt hai cô đến quyết định theo đuổi những đề tài này.
Không hẹn mà gặp, hai cô gái này đều ấp ủ một tâm nguyện mà giờ đây đang đến gần hiện thực: ”gầy dựng” lại ký ức về cội nguồn của mình. Đấy là cái ký ức với Hoàng Anh là rất mờ nhạt, còn Mỹ Phượng lại gọi “đã bị đánh cắp”.
Hai cô tâm sự: ”Thiệt thòi lớn nhất của chúng tôi khi lớn lên là không có được hình ảnh về quê hương”. Thật dễ nhận ra tình cảm này, khi nghe hai cô say sưa kể những ngày đi lục tìm tư liệu ở khu phố bán đồ cũ Lê Công Kiều. Có khi mất 5 - 6 tiếng đồng hồ để bới tung các thùng thư từ, ảnh cũ. Mỹ Phượng và Hoàng Anh săm soi từng tấm ảnh cảnh sinh hoạt gia đình, những thanh niên, thiếu nữ thời những năm 60-70 như những báu vật. Mặc sau những tấm ảnh còn lưu lại nhiều bút tích của bạn bè, người thân gởi cho nhau.
Điều làm Mỹ Phượng và Hoàng Anh ngạc nhiên là trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh nhưng đa số thư từ chỉ là lời nhắn gởi, chia sẻ tình thương yêu giữa những người xa cách, ít khi nói đến cảnh đạn bom…
Có thể gọi lớp Mỹ Phượng và Hoàng Anh là những người Việt thế hệ thứ hai sống ở Mỹ sau 1975, vì họ đều lớn lên trên đất Mỹ.
Quê nội Mỹ Phượng ở Nam Định, nhưng lại sinh ra tại Lào, theo gót chân phiêu doanh của cha. Năm 1975, gia đình cô sang định cư tại Mỹ. Nên cô mù tịt quê hương. Đất nước Việt Nam mà Mỹ Phượng được học qua sách vở hoặc được nghe kể lại chỉ là hình ảnh vùng đất gắn liền với chiến tranh. Mỹ Phượng nghĩ không thể như vậy và ngay từ khi còn đi học phổ thông, cô đã say sưa tìm kiếm sách báo, phim ảnh về Việt Nam. Công việc này đã cuốn hút cô chọn vào ngành nhiếp ảnh.
Mỹ Phượng kể lại, mãi đến năm 1998, cô mới có cơ hội đầu tiên về thăm quê. Lần đó, cô vác về cả trăm cuộn phim dành cho nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Qua chỉ vẽ của người bà con ở Sài Gòn, cô ra Bắc tìm về quê nội. Mỹ Phượng gọi đó là lần cô mãn nguyện nhất, bởi cô được thỏa thích ngắm nhìn ruộng vườn, hàng tre, con đường nhỏ dẫn về ngôi làng nơi cha cô được sinh ra. Đấy là những cảnh sinh hoạt rất hiền hòa, yên bình.
Cô cảm nhận mình còn may mắn hơn nhiều bạn bè, những người chỉ được biết về Việt Nam qua lời kể, đôi khi toàn là những câu chuyện về chiến tranh. ”Ngay cả lần này, trước khi tôi trở về, nhiều người ở Mỹ vẫn nhắc đến Việt Nam với hình ảnh của bom đạn, máy bay chuồn chuồn…”, Mỹ Phượng kể. ”Điều này càng thôi thúc tôi chứng minh có một Việt Nam hoàn toàn khác với những gì họ nghĩ. Đề tài của tôi có thể cũng nói về chiến tranh, nhưng là những hình ảnh gia đình ly tán và bây giờ là cảnh yên ấm, đoàn tụ…!”
Khác với Mỹ Phượng, Hoàng Anh được sinh ra tại Sài Gòn, lên 6 (1965) đã theo gia đình sang Mỹ. Cô vừa tốt nghiệp cao học ngành văn chương và đang đi dạy trung học tại Mỹ.
Hoàng Anh cũng vừa cho ra tập thơ đầu tay viết về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Cô cho biết, “hẳn nhiên đấy là thơ bằng tiếng Anh, vì tiếng Việt của cô chưa được tốt. Cô chỉ muốn ghi lại những hình ảnh của những người mẹ, người dì với chiếc nón lá, gánh hàng trên vai, chiếc xe đẩy bán hàng rong… làm “trụ cột” gia đình những năm khó khăn”. Đấy là những ký ức về những năm đầu 1980 còn lại rất mờ nhạt trong đầu cô. Nhưng cô mong muốn qua đó góp phần có cái nhìn khác về người phụ nữ Việt Nam, chứ không như những gì trong văn chương Mỹ thể hiện lâu nay.
Từ nhiều năm nay, Hoàng Anh vẫn trăn trở mãi, không biết vì sao các tác phẩm văn hóa nghệ thuật ở Mỹ hầu hết đều thể hiện người phụ nữ Việt Nam đánh đồng với phụ nữ các nước Châu Á khác, hoàn toàn không có tính cách đặc trưng nào. Đấy là những phụ nữ sinh ra trong cảnh loạn ly và sống phụ thuộc vào gia đình, chồng con. Ngay cả văn chương Việt Nam trong trường học tại Mỹ cũng chỉ được biết đền Truyện Kiều. Ở đó thân phận người phụ nữ Việt Nam bị đẩy đưa, trôi dạt theo thời cuộc.
Thực tế Hoàng Anh cảm nhận được lại có nhiều điều rất khác. Phụ nữ Việt Nam có những nét rất riêng. Tận tâm chăm chút cho gia đình nhưng cũng sẵn sàng hòa nhập với xã hội. Khi ra sinh sống ở nước ngoài, người phụ nữ Việt Nam lại càng tỏ ra năng động hơn nam giới trong quan hệ với cộng đồng, mở mang các cơ sở kinh doanh, dù là quy mô nhỏ nhưng đã tạo ra những ngành nghề dịch vụ mà cộng đồng người Việt chiếm ưu thế ở nước ngoài.
Cô gái có gương mặt bầu bĩnh này có nhận xét khá kinh tế. Cô nói: Dù hòa nhập rất nhanh với xã hội công nghiệp nhưng phụ nữ Việt Nam ở Mỹ vẫn chú ý giữ truyền thống của mình. Họ vẫn xem “công – dung – ngôn – hạnh” là chuẩn mực không thể thiếu của người phụ nữ Việt Nam. Cuộc sống đòi hỏi họ ngày càng phải xa dần với mái nhà, góc bếp gia đình nhưng bên cạnh công việc ngoài xã hội những phụ nữ cô dì của Hoàng Anh vẫn luôn muốn tự tay lo bữa cơm cho chồng con. Ngày cuối tuần họ vẫn muốn sửa soạn chút món ăn Việt Nam để gia đình quây quần.
Điều Hoàng Anh muốn chia sẻ là đa số thế hệ sau này – những bạn bè của cô, đang ngày càng có xu hướng ít quan tâm đến truyền thống dân tộc. Công việc và nhịp sống công nghiệp làm họ không còn khoảng trống để nghĩ đến gốc gác của mình chăng (?). Hoàng Anh cho rằng có lẽ nguyên nhân chính là môi trường, mà ở đó cái thiếu nhất với lớp bạn trẻ Việt Nam sinh sống tại Mỹ hiện tại là thông tin về quê hương, đất nước. Chính vì vậy những công việc mà Mỹ Phượng và Hoàng Anh đang làm sẽ là bước đi khai phá, mở rộng hơn con đường để các bạn trẻ Việt Nam ở Mỹ trở về với cội nguồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận