LTS: Nhà văn Nguyễn Khải đã ra đi, nhưng văn Nguyễn Khải, con người Nguyễn Khải vẫn sống trong tâm trí nhiều người. Tuổi Trẻ Online giới thiệu bạn đọc bài viết của tác giả Bùi Thị Hải Hạnh, biên tập viên xưởng phim giáo khoa, công ty Học Liệu, NXBGD, người đã "may mắn có cuộc gặp gỡ với ông" khoảng hai tuần trước lúc nhà văn lâm bệnh.
Phóng to |
Nhà văn Nguyễn Khải và chiếc máy đánh chữ đã gắn bó với ông cho đến cuối đời - Ảnh: T.N. |
Nguyễn Khải, nhà văn tài năng nhất của thế hệ chúng tôiNhà văn của Mùa Lạc đã ra điNhà văn Nguyễn Khải - Tôi chỉ là người của một thời
Nghề nghiệp mới đặt ra những thử thách và cả những cơ hội. Có những con người, trước đây khi là một cô giáo tỉnh lẻ tôi chẳng mơ tới có ngày mình được gặp huống gì trò chuyện. Vậy mà một sáng đẹp trời, tôi ngồi đối diện với Nguyễn Khải, nhàn đàm thế sự cùng văn chương. Ông Khải của bao mối quan tâm, từ giới phê bình mũ cao áo dài đến các tờ báo trong nước, ngoài nước, đến cả số đông quần chúng yêu mến hoặc chẳng màng để ý đến văn hóa nghệ thuật một mảy may. Ông Khải con người khôn ngoan, kín kẽ; con người sống và viết trong nỗi ích kỷ hồn nhiên đến chân thành như lời khen chê nửa nạc, nửa mỡ của đồng nghiệp. Ông Khải, chân dung người đương thời tiêu biểu với ý nghĩa là tấm gương nghị lực, vươn ra khỏi bóng râm tẻ nhạt của cuộc đời để bước những bước dài trên thảm đỏ trong cái nhìn ngưỡng mộ của văn giới, vân vân và vân vân…
Cho nên khi tôi được ông nhận lời cho gặp mặt, mấy hôm sau vẫn tưởng mình nằm mơ. Sáng hôm ấy, đứng trong thang máy tòa nhà K95 cao to lừng lững mới tin là có thật. Thực lòng, nếu cho tôi gặp Bill Gates có lẽ tôi cũng không thích bằng vì tôi chẳng ấn tượng gì với anh chàng người Mỹ tài giỏi ấy mà chỉ mê văn ông già 77 tuổi này. Mê từ khi còn là thiếu nữ, khi ấy tôi 17 tuổi, đọc Gặp gỡ cuối năm thấy cuốn hút như mạt sắt gặp nam châm dù thời đó quyển sách in giấy đen sì, câu chữ nhập nhòa, lẫn lộn đó đây mấy sợi rơm chưa xay hết. Từ đó là một hành trình lượm lặt từng truyện ngắn trên các báo, đặc biệt là các số báo Tết.
Hai mươi năm dạy học cũng cho tôi có cơ hội mấy bận tương tri với ông từ Tầm nhìn xa đến Mùa lạc, gần đây lại là Một người Hà Nội. Độ dài thời gian ấy cũng đủ để người đọc trong tôi cảm nhận được sự dồi dào của một bút lực, thấy được những đứa con tinh thần của ông đổi thịt thay da trong những cơn vặn mình trước ba đào của văn nghệ. Nhưng tôi cũng thấy có một con người nhất quán, xuyên suốt qua từng trang viết: tỉ mẩn, khó tính nhưng chu đáo; đang riết róng, tai quái bỗng thoắt trầm lắng, sâu sắc như một triết gia; đằng sau lời văn lạnh lùng là tấm lòng đôn hậu, ấm áp, ân tình.
Đón tôi ở cửa phòng là một ông cụ tóc lốm đốm hoa râm, hồng hào, khỏe mạnh, quần lửng, áo thun nhưng bước chân có phần nặng nhọc. Ngồi chưa yên chỗ, ông đã quay sang cô bạn đi cùng hỏi thăm gia cảnh nhà văn Xuân Thiều. Cô bạn ấy gọi ông Xuân Thiều là bác. Hai nhà văn là bạn bè chí cốt từ thuở còn ở bãi Phúc Xá ven sông Hồng. Tôi lặng lẽ ngồi quan sát căn phòng. Rõ là chỗ ở của người đàn ông sống một mình, bất giác tôi liên tưởng đến những ca cẩm gần đây của ông về những xung đột của tuổi già.
Chợt tôi chững người trước dấu tích sống động của một thời lính tráng: trên tấm nệm dày đặt giữa sàn, chăn gối xếp vuông thành sắc cạnh. Chỉ thế thôi, còn lại là sư bề bộn: la liệt sách vở trên bàn làm việc; ngổn ngang chè xanh, trà tàu, bột sắn, ấm chén… trên bàn nước. Nên những thứ tiện nghi đắt tiền chễm chệ đó đây trong phòng như lạc điệu không hợp với những thứ xung quanh, với không khí rất văn nghệ của căn phòng và cả với ông già đang nói cười hồn nhiên trước mặt tôi.
Mắt tôi lướt ra xa và dừng lại trên những vách tường màu khói. Hàng hàng, lớp lớp những gương mặt người trong màu quân phục xanh thẩm. Và tôi nhận ra Phùng Quán, Xuân Thiều, Anh Đức, Lê Lựu… những gương mặt của thời trai trẻ sáng ngời và của cả tuổi già mệt mỏi. Đang miên man tôi giật nảy người khi ông đột ngột quay sang: ”Thế các cháu gặp bác có việc gì nào?”. Khi tôi nói mục đích muốn làm phim chân dung về ông để dạy học trong nhà trường, ông tỏ vẻ rất phấn khởi. Một dòng tự sự dào dạt cảm hứng như suối nguồn tuôn trào lai láng.
Ông có lối nói rất đặc biệt, nhảy cóc từ chuyện nọ sang chuyện kia nhưng vẫn liền mạch, lớp lang. Từ chuyện những ngay cơ cực ở bãi sông Hồng đến chuyện những bà vợ lính vú vê thỗn thện chen nhau hứng từng xô nước trong khu gia binh ông nói sang nỗi tẽn tò khi bê lối ứng xử buông tuồng của người bình dân Hà nội đi xồng xộc vào nhà người Sài Gòn, bị phản ứng đến dại mặt. Rồi ông kể về cô cháu gái chê chồng không vì nhân tình, nhân ngãi mà chỉ vì không chịu nổi cảnh đêm đêm thằng chồng nhấm nước bọt để đếm tiền.
Đang khi chúng tôi cười thích chí vì ông kể có duyên quá, hài hước quá, ông đột ngột buông một câu: “Ra thế, mỗi thời có quan niệm về hạnh phúc thật khác nhau”. Tôi nhận ra một ông Khải quen thuộc, cà kê những chuyện rất đời, để rồi khái quát những chiêm nghiệm, những triết lí nho nhỏ nhưng làm người khác phải giật mình nhìn lại.
Câu chuyện lấn dần sang văn chương. Tôi nói về hình tượng ”những con người mặc áo chật”, niềm cảm hứng ông say mê đeo đuổi trong nhiều truyện ngắn sau 1975 của mình. Ông hào hứng hẳn lên và kể cho tôi nghe về những nguyên mẫu có thật của bà Bơ, bà Hoàng, cô Hiền ông Phúc... Gương mặt ông sáng lên một thứ ánh sáng kì lạ, mắt lấp lánh, cười nói thoải mái như thể họ đang hiện ra trước mắt ông. Tôi chợt nhận ra một điều rất xót xa: ông già cô đơn trong căn phòng rộng rãi, tiện nghi trên nóc tòa nhà cao tầng, hiện đại. Sự hiện diện của chúng tôi như những hòn sỏi làm cho mặt hồ gợn sóng. Những làn sóng của nhu cầu giao tiếp, tâm tình. Và còn nỗi khao khát được nói, được người khác lắng nghe, ngưỡng mộ, thói quen của một thời quá khứ vàng son.
Giữa chừng câu chuyện ông khoe với tôi mảnh vườn trên sân thượng. Tôi hé cửa nhìn ra, cỏ cây lơ thơ, bất giác chạnh lòng, con người từng tung hoành ngang dọc giờ tự mãn nguyện với góc sân và khoảng trời bé tí. Nhưng đột ngột ông nói với tôi: ‘’Bác sắp được xuống đất rồi”, giọng trầm lắng vẫn không giấu được nỗi vui. Tôi phụ họa theo: “À, bác hạ sơn". Tôi lại nghĩ đến sức sống bền bỉ của tâm hồn người nghệ sĩ. Có lẽ thế mà bọn người trần mắt thịt chúng ta không giống họ, vừa qua dốc đã muốn lao xuống cho xong đời.
Nhân lúc câu chuyện đang hồi hào hứng, tôi hỏi nhà văn vì sao ông rời Hà Nội, chia tay nhà số 4 Lí Nam Đế, nhà văn nói rất hồn nhiên: ”Sài Gòn lúc ấy hấp dẫn vì nhiều lẽ. Cái mạch ngầm sôi động của nó là nguồn đề tài phong phú, dạt dào lắm. Không vào làm sao viết nổi Gặp gỡ cuối năm, Sư già chùa Thắm và hàng loạt truyện ngắn sau này và cũng sẽ không có Nguyễn Khải hôm nay. Không bỏ Hà Nội đi làm sao viết về Hà Nội với niềm nhớ thương khắc khoải lòng người đến thế.
Còn một lý do nữa, trần tục nhưng rất thật là nhuận bút ở miền Nam rất cao. Những tờ báo như Tuổi Trẻ, Lao Động... đã dùng nhuận bút như một thước đo giá trị lao đông nghệ thuật để nhà văn có thể yên tâm mà sống, nuôi dạy con cái và sáng tác. Nên lâu lâu cũng gửi ra nhà số 4 một truyện để trọn vẹn tình nghĩa trước sau, còn phải sống trong này, đăng truyện trong này để kiếm tiền nuôi con ăn học".
Những con trai, con gái của nhà văn hôm nay có người là nghệ sĩ, có người là doanh nhân kiếm tiền tỉ nhưng vẫn một lòng tri ân những đồng nhuận bút của bố ngày xưa: “Vài mươi triệu con kiếm hôm nay cũng không bằng vài triệu bố viết văn ngày đó, bố nhỉ”, nhà văn kể và cười tự hào. ”Bằng sao được, đồng tiền xương máu đó nuôi dưỡng thành tài cả một đàn con, vài trăm cũng chẳng bằng". Ai nói ông Khải kín kẽ, khôn khéo, khó khăn? Hay tuổi tác đã cho ông được sống hồn nhiên với con người thật của mình?
Mọi việc về phim ảnh đã thống nhất, tôi xin phép nhà văn cho tôi được viết về cuộc gặp gỡ hôm nay. Ông dứ dứ ngón tay: ”Liều liệu mà viết, đừng bê vào hết đấy. Cho bác gửi lời cảm ơn đến thành phố này và đời sống văn nghệ cởi mở của nó. Nhưng suy cho cùng mảnh đất thiêng của lòng bác vẫn là Hà Nội và nhà số 4. Nhớ đấy". Tôi lặng lẽ trong bùi ngùi nhưng âm thầm vui. Nguyễn Khải của tôi đây, con người ân tình tôi ngưỡng mộ trong văn chương cũng chính là con người bằng xương thịt trong cuộc đời, đang ở trước mắt tôi. Chưa lúc nào câu nói “Văn là người” thấm thía lòng tôi như lúc này.
Tiễn khách ra về, ông chợt níu tôi lại bên bức tường treo đầy ảnh. Ngón tay người già run run lướt qua từng khung ảnh, lần lượt điểm danh từng gương mặt mất còn. Ông nói nhẹ như hơi thở: ”Mất gần hết rồi cháu à". Tôi tần ngần trước tấm ảnh ông đang đứng ở khu tập thể. Ông nói: ”Phúc Xá đấy”. Bất giác tôi hỏi bâng quơ: ”Bác có nhớ chi tiết cái ngấn nước trong truyện của bác không?“. Ông xúc động: ”Nhớ chứ. Ngấn nước trên vách nhà tập thể sau mùa lũ. Cháu đọc bác nhiều và kỹ nhỉ! Vậy là đủ để viết về bác rồi đấy”. Tôi lặng im trong cảm động. Có niềm vui nào bằng niềm vui tôi vừa nhận lúc này.
Tôi đang viết dở bài viết này thì nhận tin nhà văn Nguyễn Khải lâm trọng bệnh. Mới hai tuần trước ông còn vui vẻ là thế, khỏe mạnh là thế. Chợt liên tưởng đến câu nói hôm nào: “Bác săp hạ sơn rồi”, không lẽ là điềm gỡ? Tôi lại nghĩ đến hình ảnh cây si đền Ngọc Sơn bật gốc rồi sống lại trong truyện ngắn Một người Hà Nội. Tôi tin vào sự tồn tại bền vững của những giá trị văn hóa. Con người và văn chương Nguyễn Khải mãi là một giá trị văn hóa vững bền, dẫu có thể không vượt thoát khỏi quy luật “Trôi theo tự nhiên” như tên tác phẩm ông vừa hoàn thành.
Mấy lần liên hệ để đến thăm, đưa ông xem trước bài viết nhưng không thành vì bệnh tình diễn biến xấu. Sáng nay đọc báo thấy tin ông qua đời, ly cà phê như đắng hơn. Trong tôi trào lên một cảm xúc khó tả, vừa tiếc nuối vừa ân hận. Tôi thầm trách mình phải chi ráo riết, quyết tâm hơn có lẽ đã hoàn thành được bộ phim về ông. Chí ít hôm ấy mang theo máy quay, ghi hình cuộc gặp gỡ, thì giờ đây cũng lưu giữ được ít nhiều tâm tư, hình ảnh tươi đẹp cuối cùng của ông cho hậu thế… Thôi thì bài viết này như một nén hương tạ lỗi cùng ông. Mong rằng một ngày không xa, tôi sẽ làm được những gì đã trao đổi cùng ông hôm ấy, để những giờ học văn học sinh không chỉ học văn chương mà còn được cảm nhận vẻ đẹp văn hóa của con người Nguyễn Khải.
TP.HCM, 16-1-2008
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận