![]() |
Trọng tài Duy Anh tại sân cầu lông trung tâm Asiad 16 - Ảnh. D.U. |
Sau hơn năm năm làm nhiệm vụ ở các giải vô địch thế giới, Olympic, Super series... hiện Duy Anh được đánh giá là một trong những trọng tài giỏi của làng cầu lông thế giới. Tại Asiad 16, ông được phân công điều hành 19 trận đấu, trong đó có trận chung kết đôi nam (Malaysia gặp Indonesia), trận chung kết đơn nam.
Để có được điều này, Duy Anh đã trải qua nhiều thử thách. Trước đó, với tư cách là trọng tài chính, ông đã phủ quyết một quyết định có lợi cho phía chủ nhà của trọng tài biên trong trận đôi nam Trung Quốc - Hàn Quốc.
Trong trận chung kết đôi nam, một lần nữa trọng tài 38 tuổi này đã có quyết định dũng cảm bắt lỗi giao cầu của đôi Malaysia khi điểm số 23-22 nghiêng về đôi Malaysia. Đây là bước ngoặt giúp đôi Indonesia gỡ 1-1 và sau đó lội ngược dòng giành chiến thắng 2-1 để đoạt chức vô địch.
Và sự công tâm này đã giúp Duy Anh được hội đồng trọng tài giao nhiệm vụ bắt chính trong trận chung kết Lin Dan - Lee Chong Wei.
Duy Anh cho biết: “Dù biết đây là trận đấu được cả thế giới xem qua truyền hình trực tiếp, nhưng tôi không quá căng thẳng bởi trước đó đã một lần làm trọng tài giữa hai tay vợt này trong một trận chung kết thuộc hệ thống Super series tại Macau”.
Theo Duy Anh, để không bị tác động từ ngoại cảnh, trọng tài cần rèn luyện bản lĩnh từ công việc thực tế và phải công tâm. Cụ thể như hai trận chung kết Asiad 16, nếu không có kinh nghiệm từ những lần đi làm nhiệm vụ ở các giải Super series, chắc chắn sẽ không đạt được kết quả như mong muốn.
Với bằng thạc sĩ tiếng Anh ở Úc, hiện Duy Anh là giảng viên dạy ngoại ngữ ở Trường đại học Văn Lang, Đại học Ngoại ngữ - tin học và Anh văn Hội Việt - Mỹ.
Về chế độ bồi dưỡng cho trọng tài cầu lông ở các giải quốc tế, Duy Anh cho biết: “Theo quy định của Hội đồng trọng tài quốc tế, chỉ những giải vô địch thế giới, Olympic, Asiad các trọng tài mới được ban tổ chức giải đài thọ chi phí di chuyển, ăn ở và bồi dưỡng khoảng 100 USD/ngày. Còn với những giải thuộc hệ thống Super series, trọng tài được mời điều hành phải tự lo chi phí di chuyển, ban tổ chức chỉ hỗ trợ chi phí ăn ở và tiền tiêu vặt khoảng 50 USD/ngày. Do đó, nghề trọng tài cầu lông chỉ sống được là mừng. Nhưng với tôi, đó là cái nghiệp khó mà bỏ được”.
Và từ đây anh chấp nhận làm giảng viên thỉnh giảng ở các trường đại học để có thể làm nhiệm vụ trọng tài ở các giải quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận