07/09/2004 07:53 GMT+7

Gặp hậu duệ nhà yêu nước Kỳ Đồng

TƯƠNG LAI
TƯƠNG LAI

TT - Vào đầu thế kỷ 20, khi tiếng “kêu hồn nước”của các sĩ phu vang lên thống thiết thì nhà yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã đặt câu hỏi: “Thiên hạ phân phân nại nhược hà”(Việc thiên hạ rối bời biết tính sao?).

qRJB9xTR.jpgPhóng to

Một số gương mặt hậu duệ Kỳ Đồng và hai cựu chiến binh Đông Dương trong chuyến đi "Tìm về kỷ niệm" (anh Reid Heinui phía sau - thứ ba từ trái sang và Charles - thứ hai từ phải sang) trên tờ báo La Dépêche de Moorea (Tahiti)

TT - Vào đầu thế kỷ 20, khi tiếng “kêu hồn nước”của các sĩ phu vang lên thống thiết thì nhà yêu nước Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm đã đặt câu hỏi: “Thiên hạ phân phân nại nhược hà”(Việc thiên hạ rối bời biết tính sao?).

Để rồi tự trả lời bằng một ứng xử rất dứt khoát “Sự thế đáo đầu an đắc trụ, Tiềm long nhưng tự tác phi long” (*) (Sự thế đến nơi rồi, sao có thể chần chừ được, Rồng náu mình liền vươn dậy thành rồng bay). Cuộc mưu sự bại lộ, ông bị thực dân Pháp bắt lưu đày tại đảo Tahiti trong quần đảo Polynésie hơn 20 năm và mất tại nơi đất khách quê người vào ngày 17-7-1929.

Và rồi, hôm nay, chọn đúng dịp đất nước kỷ niệm 59 năm ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2-9, những hậu duệ của nhà yêu nước Kỳ Đồng về thăm lại quê cha đất tổ.

Họ gồm hai người cháu nội, hai người chắt nội và một cháu dâu của nhà ái quốc bị lưu đày từ đầu thế kỷ 20, trở lại xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình để thắp nén hương trên mộ hai cụ thân sinh nhà yêu nước.

Ông Charles, cháu nội nhà yêu nước, năm nay đã 71 tuổi, thay mặt cụ thân sinh đã 101 tuổi đang phải ngồi xe lăn không về được, cùng với những người thân của mình tìm về cố hương để sung sướng trào nước mắt trong vòng tay thân thiết của bà con cả làng đón tiếp những đứa con trở về từ phương xa. Xúc động chỉ vào mạch máu trên cánh tay mình, ông nói: “Đây là tiếng gọi của máu, máu của ông tôi đang chảy trong huyết quản của tôi”.

Tình cảm thiêng liêng và sâu nặng ấy giục giã ông nói lên những lời xúc động trước thầy trò Trường Kỳ Đồng tại TP.HCM trong buổi gặp mặt: “Cây không thể lớn lên nếu không có rễ ăn sâu xuống lòng đất. Rễ ở đây là ông nội chúng tôi, cụ Kỳ Đồng, và mảnh đất rễ ăn sâu vào là quê hương đất nước mà hôm nay chúng tôi được trở về”. Ý này ông đã nói khi đứng giữa khu di tích hoàng thành cách đây bốn hôm trong dịp ra thăm thủ đô.

Những lời gan ruột đó được nói bằng tiếng Pháp, nhưng rào cản về ngôn ngữ không hề ngăn cách dòng chảy của những giọt máu chuyển về tim. Anh Reid Heinui, chắt nội nhà ái quốc, nói với tôi trong bữa cơm thân mật: “Cây thế nào thì quả thế ấy, tôi tự hào để nói lên điều này và sẽ cố gắng làm sao cho xứng đáng với cụ cố của chúng tôi”.

Đưa bàn tay mân mê chiếc lá sen gói cơm và cánh hoa sen đặt bên cạnh, Reid cũng như những người thân bồi hồi xúc động khi được cho biết đây là loại hoa có mặt ở tất cả các miền Bắc, Trung, Nam của Tổ quốc mình, được cả sắc lẫn hương! Reid nói: “Bông hoa như một trái tim hồng, trái tim đó đang đập trong ngực tôi, trong đó nuôi dưỡng hình ảnh cụ cố của tôi, cụ Kỳ Đồng”.

Trong suy ngẫm mông lung, ý nghĩ của tôi cứ dồn vào một điệp khúc xoáy mãi trong tim : tinh thần dân tộc và lòng yêu nước có sức níu kéo và ràng buộc thật kỳ lạ. Những người tôi vừa mới chia tay kia, những hậu duệ của nhà yêu nước Kỳ Đồng, họ trở về thăm quê cha đất tổ, tuy không nói được tiếng Việt nhưng họ lại rất tự hào về nguồn cội của mình. Và tôi hiểu rằng niềm tự hào ấy không chỉ có ở những hậu duệ của nhà ái quốc Kỳ Đồng, mà đang ấp ủ và giấu kín trong tim mỗi con người VN ở bốn phương trời.

Vấn đề là biết phát hiện, khởi động và quy tụ được nguồn lực quí báu đó lại để biến thành động lực đẩy tới sự nghiệp chấn hưng đất nước. Điều này không hề mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng thiết tha căn dặn: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quí. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy, nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quí kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày”. (**)

Muốn làm được điều căn dặn ấy phải có cái tâm thật trong sáng để có thể dung nạp và trân trọng những ý kiến khác nhau nhưng cùng hướng về lợi ích của đất nước, của dân tộc; biết khai thác cái “đại đồng” mà quên đi cái “tiểu dị” để có thể đứng được ở tầm cao của thời đại để tập họp lực lượng.

Ngẫm nghĩ mông lung, bất giác nhớ đến điều mà nhà thơ yêu nước, nhà chí sĩ Kỳ Đồng đã viết từ những năm đầu của thế kỷ 20 trước khi bị lưu đày :

Thử nội tài hoa chân bất thiểu,Thư ngôn vương đạo đãng bình minh

(Đất Việt người tài đâu phải hiếm, Còn cơ hưng thịnh nước non mình) (*)

Nghĩ kỹ cái bối cảnh của buổi ấy mới thấy được cái tầm của ông cha mình trong suy xét về thời cuộc để giữ cho được niềm tin vào hồn thiêng của đất nước đặng có nghị lực mà hành động.

--------------------------

(*) Tổng tập Văn học Việt Nam. Tập 17. NXB KHXH.2000, tr.464 và tr.475.(**)Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 1. NXB CTQG.Hà Nội 1995 tr. 466 và 467; và tập 6, tr.172.

TƯƠNG LAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên