20/04/2008 09:00 GMT+7

"From Vietnam, with love"

NHƯ BÌNH - KINH LUÂN
NHƯ BÌNH - KINH LUÂN

TTCT - Sáu tháng chuẩn bị, ba lần khăn gói sang VN, lặn lội hết miền Tây rồi ngược lên miền Đông, Cheryl Tan và Melvin Sim - hai sinh viên báo chí Trường Thông tin và truyền thông Wee Kim Wee thuộc ĐH Nanyang - kết thúc hành trình đi tìm câu trả lời cho thắc mắc “Những cô dâu VN là ai?” bằng một cuộc triển lãm ảnh mang tên “From VietNam, with love”. Đây là một phần trong đề tài tốt nghiệp của họ.

dw3EdO3R.jpgPhóng to
Em Nguyễn Thị Tuyết, 11 tuổi, và bà ngoại năm nay đã 71 tuổi. Những cô gái hàng xóm nhà em đều đi cưới chồng Đài Loan. Đây là tấm hình được chọn làm poster cho cuộc triển lãm
TTCT - Sáu tháng chuẩn bị, ba lần khăn gói sang VN, lặn lội hết miền Tây rồi ngược lên miền Đông, Cheryl Tan và Melvin Sim - hai sinh viên báo chí Trường Thông tin và truyền thông Wee Kim Wee thuộc ĐH Nanyang - kết thúc hành trình đi tìm câu trả lời cho thắc mắc “Những cô dâu VN là ai?” bằng một cuộc triển lãm ảnh mang tên “From VietNam, with love”. Đây là một phần trong đề tài tốt nghiệp của họ.

Triển lãm diễn ra tại Singapore trong hai tuần đầu tháng tư là câu chuyện về những cô dâu Việt rời quê hương theo chồng ngoại được kể bằng hình ảnh sinh động. Chọn cách tiếp cận ở một góc nhìn mới lạ về đề tài cô dâu VN, triển lãm giúp người xem hình dung một cách đầy đủ, trọn vẹn về con người, tâm tư của cô gái Việt lấy chồng ngoại qua môi giới.

Đi tìm tiếng nói chân thật

28 bức ảnh là 28 khoảnh khắc khác nhau nhưng lột tả chân thực một mặt khác của nền công nghệ mai mối. Từ bức ảnh những cô gái đang háo hức chờ đợi bên ngoài trung tâm môi giới đến cảnh gặp gỡ phút chốc để nên vợ nên chồng. Hay chân dung các đôi vợ chồng tại Singapore, cuộc sống của những người thân, gia đình cô dâu ở VN lần lượt đưa người xem đi từ khám phá này đến ngạc nhiên khác.

Cuộc sống của vùng quê ĐBSCL hiện lên với những ngôi nhà mái tôn lụp xụp, ở đó người ta thấy được khát vọng đổi đời, mong muốn được giúp đỡ gia đình thoát cảnh nghèo của những cô gái. Ở đó người xem nghe được tiếng nói của chính cô dâu Việt - những người chưa bao giờ được lên tiếng trong tất cả các bài báo về vấn đề này tại Singapore. Điều mà chưa một người dân Singapore nào từng nghĩ đến.

Melvin tâm sự: “Chân dung cô dâu Việt trên mặt báo Singapore thường được khắc họa như những người tham lam chỉ mong trục lợi từ gia đình chồng và gần như không có bất cứ hình ảnh nào về cuộc sống tại VN của họ”. Còn Cheryl cho biết cô có cảm giác những bài báo viết về cô dâu Việt trước giờ gần như phiến diện, vì nó chỉ là cái nhìn từ phía người chồng nước ngoài và cơ quan môi giới, trong khi cô dâu Việt chỉ biết câm lặng.

Và cũng thật đặc biệt, khách đến tham quan triển lãm chính là những người trong cuộc. Melvin hớn hở khoe: “Có những người là đối tượng chúng tôi từng phỏng vấn, là những gia đình có con dâu Việt, những người làm nghề môi giới. Tất nhiên có không ít sinh viên đang sống và học tập tại Singapore. Họ đến để tìm thấy mình trong đó, để hiểu hơn mặt trái của công nghệ mai mối này. Chúng tôi chỉ hi vọng thay đổi phần nào về cách nhìn nhận bấy lâu nay”.

Dấn thân theo cách của người trẻ

IxK5n4aQ.jpgPhóng to
Cheryl và Melvin (phải) trên phà tại tỉnh Đồng Tháp

Để đi đến quyết định sang VN tìm tiếng nói thật sự từ phía cô dâu Việt và gia đình, Melvin và Cheryl đều có sự chuẩn bị riêng cho mình. Melvin chấp nhận làm thêm mọi công việc để đủ số tiền trang trải cho chuyến đi. Từ làm bồi bàn nhà hàng, nhân viên quét dọn tại một khách sạn 5 sao đến nhận thiết kế web cho các sự kiện mang tính mùa vụ...

Melvin vừa nai lưng kiếm tiền vừa tằn tiện chi tiêu. Không những thế, trong tay Melvin lúc nào cũng có cuốn sách tiếng Việt giao tiếp. Cậu tự học tiếng Việt. “Học tiếng Việt là một cách tôi tiếp cận với người Việt” - Melvin giải thích. Với vóc dáng tròn trĩnh của mình, Melvin luôn tạo sự gần gũi, thân thiện cho những người cậu gặp. Khuôn mặt hiền hậu thường trực nụ cười và luôn nói: “It's okie” (Không sao đâu) mỗi lần Melvin gặp tình huống khó khăn.

Cheryl thì khác. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, bỏ lại tính tiểu thư ở Singapore, Cheryl đến VN trong tâm thế “khổ mấy cũng cắn răng chịu”. Cô bạn gần như khóc ré lên khi lần đầu ngồi sau xe gắn máy hay thấy gián bò lổm ngổm. Nhưng cô gái này là người phụ trách thu thập thông tin, liên hệ với các trung tâm môi giới, tiếp cận cô dâu VN cũng như tính toán lộ phí của hành trình. Vì cả hai tự bỏ tiền túi ra nên tiết kiệm vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu.

“Chưa bao giờ người nóng ran như thế”

6QybbL2Y.jpgPhóng to
Cheryl chụp hình đôi vợ chồng có hai người con gái cưới chồng Đài Loan
Năm tuần ở VN trong ba lần đi và về giữa Singapore - VN là quãng thời gian đôi bạn rong ruổi ở các vùng sâu vùng xa thuộc TP Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp với mong muốn tiếp cận và phỏng vấn càng nhiều gia đình cô dâu Việt càng tốt. Chưa từng đi xe gắn máy, nhưng khi đến VN hai người đã dùng mọi phương tiện: xe máy, xe đò, xe buýt, xuồng, vỏ lãi, đò, cuốc bộ... để thực hiện những cuộc phỏng vấn.

Cheryl và Melvin đã gặp được rất nhiều gia đình có con gái lấy chồng nước ngoài để rồi hỏi những câu hỏi nhàm chán và có phần hơi riêng tư như: “Con gái bà đã gửi về bao nhiêu tiền?”, “Tại sao gia đình lại quyết định cho con gái lấy chồng nước ngoài?”, “Ông, bà có nhớ con gái nhiều không?”, “Con gái ông, bà đã bao giờ về thăm gia đình chưa?”, “Con gái ông, bà có than phiền gì về chồng không?”, “Khi về VN, chàng rể có hòa đồng không? Tối chàng rể ngủ ở đâu?”...

Những câu hỏi riêng tư đó hầu hết đều được trả lời thành thật và thân thiện - một điều khiến chính Cheryl cũng như Melvin rất ngạc nhiên, từ đó ấn tượng sâu đậm nhất của họ về người VN là tốt bụng và dễ mến. Có lần tại Đồng Tháp, sau khi phỏng vấn một gia đình, Cheryl và Melvin còn được gia chủ bắt gà đãi cơm, nằng nặc mời ngủ qua đêm.

Lúc ở Cần Thơ, trong cơn mưa tầm tã, bước lên chiếc vỏ lãi có bề rộng vừa đủ thân người, Melvin cho biết trải nghiệm này cực khổ và nguy hiểm hơn nhiều so với thời gian hai năm anh đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc tại Singapore. Còn Cheryl sau đó đã tự nhận mình là “người sống sót từ sông Mekong”. Chỉ qua lần đi vỏ lãi dưới cơn mưa tầm tã trong buổi chiều nhập nhoạng xám xịt đã khiến Cheryl và Melvin thấm thía nỗi cực khổ của những người nông dân nghèo VN.

Để chụp cho bằng được những tấm hình chân thật nhất về các cô dâu Việt, có lần Cheryl vác nguyên cái máy chụp hình to đùng đứng ngay trước Sở Tư pháp Cần Thơ - nơi có đông dân môi giới hôn nhân nước ngoài và cô đã nhận rất nhiều ánh mắt thiếu thiện cảm. Đây là cảm giác mà Cheryl thú nhận “chưa bao giờ thấy người nóng ran như thế”.

Trở về TP.HCM, Cheryl và Melvin còn lặn lội vào khu vực đường Lãnh Binh Thăng, lân la khu công viên Đầm Sen để chụp và phỏng vấn những đôi vợ chồng cô dâu Việt đến đây chụp ảnh cưới. Trước khi quay lại VN lần thứ 2, Cheryl và Melvin đã chủ động làm quen với một người Singapore sắp sang VN tìm vợ. Theo chân người đàn ông này sang VN, Cheryl và Melvin đã tiếp cận gần và hiểu rõ hơn về các hoạt động môi giới lấy chồng nước ngoài. “Người ta đã cưới vợ chỉ trong ba ngày sau một lần gặp gỡ” - Cheryl vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại.

Trước khi sang VN, câu hỏi lớn nhất đối với Cheryl là nguyên nhân nào khiến những phụ nữ VN lại bỏ quê hương để theo chồng đến một đất nước xa lạ mà họ hầu như không biết gì về nó. Sau khi trở về từ VN, cả Cheryl lẫn Melvin đều có chung cảm nhận là khâm phục các cô dâu Việt vì đã hi sinh bản thân không chỉ với mong muốn thay đổi cuộc sống cho mình mà còn cho cả gia đình.

NHƯ BÌNH - KINH LUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên