20/01/2008 00:01 GMT+7

Fischer - thiên tài cờ vua lập dị - đã ra đi

TẤN PHÚC tổng hợp
TẤN PHÚC tổng hợp

TT - Hôm 17-1, người được mệnh danh "Mozart" của làng cờ vua thế giới gốc Mỹ Bobby Fischer đã qua đời ở tuổi 64 tại Iceland. Fischer ra đi và để lại những câu chuyện gây hao tốn quá nhiều giấy mực cho giới truyền thông.

U8uocLi1.jpgPhóng to

Fischer với phong cách rất bụi đời - Ảnh: Viewimages

TT - Hôm 17-1, người được mệnh danh "Mozart" của làng cờ vua thế giới gốc Mỹ Bobby Fischer đã qua đời ở tuổi 64 tại Iceland. Fischer ra đi và để lại những câu chuyện gây hao tốn quá nhiều giấy mực cho giới truyền thông.

Tin Fischer qua đời nhanh chóng được lan truyền khắp thế giới. Đa số các tờ báo, hãng tin châu Âu coi đây là một sự kiện về sự ra đi của một thiên tài nhiều tật. Nhật báo Guardian (Anh) viết: "Kẻ điên vì cờ đã ra đi".

Bobby Fischer sinh ngày 9-3-1943 tại Chicago, Mỹ. Ngay từ nhỏ, do được thừa hưởng khả năng tư duy logic từ bố là nhà vật lý học người Đức Hans-Gerhardt Fischer, cậu bé Bobby Fischer đã sớm bộc lộ tài năng trong cờ vua. Từ năm lên sáu tuổi, Fischer đã bắt đầu được làm quen với những quân cờ.

Khi tròn 13 tuổi, Fischer đã tạo ra sự kiện chấn động khi cầm quân đen và đánh bại kiện tướng Donald Byrne. Cũng trong năm đó, Fischer đã đoạt chức vô địch cờ vua dành cho những kỳ thủ trẻ toàn nước Mỹ. Đó chính là những bước ngoặt đánh dấu sự nghiệp lừng lẫy của Fischer.

Nhà vô địch Mỹ đầu tiên thắng giải thế giới

nOcIE3TH.jpgPhóng to
Fischer (phải) và Spassky tranh ngôi vô địch thế giới năm 1972 - Ảnh: AFP
Chỉ một năm sau, Fischer bắt đầu ngự trị làng cờ vua nước Mỹ. Chức vô địch toàn quốc năm 1957 đã giúp Fischer trở thành kỳ thủ trẻ nhất trong lịch sử cờ vua Mỹ có được danh hiệu kiện tướng. Chín năm sau đó từ 1958-1967, Fischer bất bại tại giải vô địch trong nước. Những chiến thắng như chẻ tre đã giúp Fischer trở thành một trong những kỳ thủ lừng danh nhất thế giới của thập niên 1960. Tuy nhiên, đó cũng là lúc Fischer bắt đầu bộc lộ bản tính ngang tàng và sau đó là căn bệnh hoang tưởng.

Năm 1967, nhà vô địch người Mỹ này bỏ ngang khi đang dẫn đầu về điểm số tại giải Sousse Interzonal vì cho rằng mình bị ban tổ chức ép khi họ cho ông nghỉ quá ít ngày. Sau sự kiện này, Fischer gần như "ở ẩn" suốt gần hai năm, một phần do ông bị vướng vào căn bệnh hoang tưởng, dư âm của những trận đấu căng thẳng.

Nhưng sự đam mê đã kéo Fischer trở lại với những trận đấu trí từ năm 1970. Ông nhanh chóng có được vị trí số 1 thế giới trong bảng xếp hạng của Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE). Sự kiện đã làm lừng lẫy tên tuổi của Fischer chính là trận đấu quyết định ngôi vị số 1 thế giới với kỳ thủ người Nga Boris Spassky vào năm 1972 tại Iceland.

Do Fischer không muốn chơi trận này nên ông đã làm khó ban tổ chức bằng nhiều cách như yêu cầu đổi địa điểm thi đấu từ Iceland sang Nam Tư, tiếp theo là hàng loạt lời ta thán về điều kiện phòng ốc, bàn cờ, quân cờ, khán giả ồn ào... Thậm chí ông còn tỏ ra bực mình với cả những chiếc... camera.

Tuy nhiên, thời điểm diễn ra trận đấu giữa Fischer và Spassky rất nhạy cảm vì Mỹ và Liên Xô đang căng trong cuộc chiến tranh lạnh. Chính vì thế, trận đấu này không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa thể thao mà còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn, và đích thân bộ trưởng ngoại giao Mỹ Henry Kissinger phải thuyết phục Fischer thi đấu. Nhưng Fischer vốn là người "coi trời bằng vung" nên đã làm ngơ trước tất cả. Ông chỉ đồng ý thi đấu sau khi nhà tài phiệt Anh Jim Slater quyết định nâng số tiền thưởng cho kỳ thủ vô địch lên đến 231.000 USD, gấp 165 lần con số 1.400 USD mà Spassky nhận được khi vô địch giải lần trước, và người thua cũng nhận được 168.000 USD.

Đồng ý thi đấu nhưng Fischer không quên ra điều kiện: phòng thi đấu phải tách biệt với giới báo chí. Trận đấu đã diễn ra vô cùng kịch tính khi Fischer thua liền hai ván đầu tiên nhưng đã lội ngược dòng để giành thắng lợi chung cuộc với điểm số 12,5-8,5. Chức vô địch này giúp Fischer trở thành người Mỹ đầu tiên vô địch cờ vua thế giới và cũng là duy nhất đến thời điểm hiện nay.

Hành động bóc tiền thưởng trong phong bì ra đếm trước mặt nhiều người ngay sau trận đấu của Fischer đã khiến nhiều người Mỹ cảm thấy bị mất mặt. Nhưng chiến thắng của Fischer được xem như chiến thắng của Mỹ trước Liên Xô ngay ở lĩnh vực mà lâu nay Liên Xô được xem là "bất khả chiến bại" nên Fischer vẫn được đón tiếp như một người hùng khi về nước.

Người hùng thành tội đồ

Một trong những vũ khí lợi hại nhất giúp đưa tên tuổi Bobby Fischer trở thành một trong những kỳ thủ cờ vua xuất sắc nhất thế giới chính là những thế cờ khai cuộc rất lợi hại. Fischer cũng được xem là người đã đóng góp rất nhiều cho lý thuyết khai cuộc môn cờ vua đang được sử dụng hiện nay.

Sau sự kiện này, Fischer đã "ở ẩn" lần 2 gần 16 năm trời. Năm 1992 là cột mốc quan trọng trong cuộc đời Fischer khi ông quyết định sang Nam Tư tái đấu với Spassky, kỷ niệm 20 năm ngày ông đăng quang ngôi vô địch thế giới, và cũng bởi số tiền hấp dẫn 3,3 triệu USD cho người thắng cuộc.

Bất chấp những lời khuyên can, Fischer đã đến Nam Tư dù biết điều này là vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Vì thế, chưa kịp vui mừng với 3,3 triệu USD tiền thưởng thắng cuộc, Fischer đã phải trốn chui nhủi do Chính phủ Mỹ phát lệnh truy nã ông. Đó là một cú sốc thật sự khi Fischer đang là người hùng dân tộc trở thành tội phạm bị truy nã.

Fischer sang Hungary tìm chốn nương thân và sau đó bị bắt khi đang làm thủ tục tại sân bay của Nhật bằng hộ chiếu giả vào tháng 7-2004. Sau 8 tháng bị giam tại Nhật, Fischer bị trục xuất vào năm 2005 cùng cô vợ người Nhật Miyoko Watai (nhà vô địch cờ vua của Nhật) và đất nước Iceland đã cho phép ông trở thành công dân nước họ.

Trong thời gian phải sống lưu vong, Fischer bị rơi vào một cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Ông nhiều lần phải nhập viện tại Iceland do căn bệnh hoang tưởng nặng. Đó cũng là khoảng thời gian làm Fischer đâm ra hận thù nước Mỹ. Thậm chí trong một lần phát biểu trên đài phát thanh Philippines năm 2001, Fischer lớn tiếng hoan nghênh những kẻ thực hiện vụ khủng bố 11-9. Sau tuyên bố khùng điên này, Fischer chính thức trở thành kẻ thù của nước Mỹ. Trong thời gian bị giam ở Nhật, Fischer đã "nuôi" một bộ râu y hệt trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Hôm 17-1, Fischer đã trút hơi thở cuối cùng tại Iceland vì căn bệnh thận. Tờ Guardian mô tả: "Trước lúc chết, Fischer còn tin rằng những tinh túy cờ vua cũng sẽ chết theo ông".

TẤN PHÚC tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên