Người tị nạn ngồi chờ đợi ở một ga tàu hỏa tại Croatia - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố: “Không thể có chuyện chỉ riêng Đức, Áo, Thụy Điển và Ý chịu gánh nặng này. Điều đó không phù hợp với tinh thần đoàn kết của châu Âu. Nếu không có cách nào khác, chúng tôi sẽ xem xét việc sử dụng công cụ thế đa số”.
EU với 28 quốc gia thành viên thường thông qua các chính sách chung trên cơ sở đồng thuận và nhượng bộ. Tuy nhiên EU có quy định đặc biệt là có thể áp dụng chính sách bắt buộc nếu 55% quốc gia thành viên, đại diện 65% dân số đạt được thỏa thuận chung.
Trước đó nhiều quốc gia Đông Âu như Hungary, Ba Lan, CH Czech và Slovakia đều phản đối quyết liệt kế hoạch chia sẻ 120.000 người tị nạn đang mắc kẹt ở Ý, Hi Lạp và Hungary. Cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ EU mới đây đã không đạt được thỏa thuận cần thiết.
Theo yêu cầu của Đức và Áo, một cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU sẽ được tổ chức vào ngày 23-9 tại Brussels (Bỉ) để tìm giải pháp tháo gỡ khủng hoảng tị nạn.
Hôm nay, chính quyền Hungary tiếp tục tỏ quan điểm cứng rắn khi quân đội nước này bắt đầu dựng hàng rào thép gai ở biên giới với Croatia để ngăn dòng người tị nạn.
“Chúng tôi sẽ bảo vệ biên giới nước mình” - Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Raad Al Hussein chỉ trích hành động của Hungary là “bài ngoại, chống Hồi giáo”.
Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic cũng lên án động thái của Hungary là “tra tấn người tị nạn”. “Những hành vi phản châu Âu cần phải chấm dứt ngay lập tức” - ông Vucic nhấn mạnh.
Trong khi đó, Croatia đang trở thành điểm nóng tị nạn mới khi hơn 11.000 người đã đi vào nước này từ Serbia chỉ trong hai ngày qua.
Ở miền đông Croatia, nhiều người dân địa phương đã đổ ra đường chia sẻ thức ăn cho người tị nạn, gây sự xúc động lớn.
Dù vậy, do lo ngại tình trạng quá tải, Croatia đã đóng cửa biên giới với Serbia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận