08/05/2010 06:21 GMT+7

Ép con sống theo "quy hoạch"!

CÔNG LÊ - VINCENT PHẠM
CÔNG LÊ - VINCENT PHẠM

TT - Khi phải sống theo cách mà cha mẹ mong muốn, liệu con cái có cảm thấy hạnh phúc?

tfWkqyVB.jpgPhóng to

Là con duy nhất trong một gia đình trí thức, P. là niềm tự hào của bố mẹ. Giành suất học bổng ngành điện tử ở Pháp, sau hai năm đèn sách P. trở về nước với tấm bằng thạc sĩ. Chưa kịp hòa nhập lại với cuộc sống ở VN, ba P. đã tâm sự: “Ba mẹ không cần con kiếm nhiều tiền, chỉ cần con đi học tiến sĩ, thành công trên con đường khoa học là ba mẹ vui lòng”.

“Chắc mình sẽ ráng...”

P. nhớ lại cảm giác khi đem khoe bài của mình lần đầu tiên đăng trên báo thì ba đùng đùng nổi giận xé toạc tờ báo, từ đó P. giấu biệt luôn sở thích viết báo của mình. “Thôi thì đã theo nguyện vọng của ba mẹ từ hai mươi mấy năm qua, chỉ còn có bốn năm nữa, chắc mình sẽ ráng theo” - P. rầu rĩ nói.

Tốt nghiệp ĐH, T. đăng ký hồ sơ thi lên thạc sĩ. Rớt lần một, gia đình động viên, đến lần hai T. đã có một suất học cao học ngành sinh học ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Nhưng trong suốt quá trình học, nhận thấy mình thích hợp với kinh tế hơn là nghiên cứu khoa học, T. mở quán cà phê, tập tành kinh doanh. Tám năm sau ngày ra trường, bạn bè gặp lại T. trong trường ĐH: “Cả nhà vẫn muốn mình có tấm bằng thạc sĩ, mình sẽ cố gắng học xong rồi quay lại con đường kinh doanh”. Không chút đam mê về ngành học đang theo đuổi, tiến độ đề tài cứ trì trệ, bạn bè tự hỏi khi nào T. mới đạt được mục tiêu số một do gia đình đặt ra?

Con cái sống với ước mơ của bố mẹ không còn là chuyện hiếm trong thời đại ngày nay. Không đạt được ước mơ thời trẻ, bố mẹ bắt đầu kỳ vọng con cái sẽ thay họ thực hiện. Thay vì trở thành bệ phóng cho con vững bước vào tương lai, họ lại vô tình tạo một áp lực nặng nề cho con cái khi những đứa con còn có ước mơ riêng cho chính cuộc đời họ.

Sống hết mình khi cha mẹ cho cơ hội

Trường hợp cha mẹ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống, sự nghiệp của người trẻ tại các nước phương Tây là vô cùng hiếm.

Tiếp xúc với một số người bạn đến từ Anh, Mỹ... hầu hết cho biết bản thân họ đều có quyền tự quyết định về nghề nghiệp, tương lai từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông.

Emory (bang Minnesota, Hoa Kỳ) khiến chúng tôi ngạc nhiên khi kể về việc cô chọn ngành học ở ĐH dễ và đơn giản như... trở bàn tay! “Tôi chỉ về nhà và nói: “Mẹ, con sẽ theo ngành khảo cổ học nhé”. Và mẹ tôi chỉ hỏi lại một câu duy nhất: “Con chắc chứ?” - Emory bật cười khi nhớ lại khoảnh khắc đó. Cô cho biết chính nhờ sự thoải mái đó mà gia đình luôn là điểm tựa đầu tiên mỗi khi cô mệt mỏi. Emory chẳng bao giờ giấu giếm gia đình bất kỳ thông tin gì dẫu có thể sẽ gây bất lợi. “Vì tôi tin họ luôn cho tôi những lời khuyên tốt nhất” - cô khẳng định.

Tương tự, Jim (Trường Salford, Manchester) từng khiến nhiều người sửng sốt khi quyết định theo học ngành kinh tế dẫu gia đình anh đang sở hữu một công ty truyền thông riêng. “Tôi đã nói với cha trước khi nộp hồ sơ vào đại học rằng tôi không phù hợp với lĩnh vực truyền thông cũng như khó thể ngồi vào vị trí quản lý, vì vậy tôi sẽ không đi theo con đường của ông”.

Lẽ dĩ nhiên cha của anh rất buồn, nhưng ngày tiễn Jim dọn vào ký túc xá gần trường, ông đã khoác vai Jim rồi nói: “Cha tin con đã đủ trưởng thành để tự quyết định hướng đi cho cuộc đời mình”. Chính nhờ câu nói đó mà những khi thất bại, chán nản với ngành học đã chọn, Jim đã không cho phép mình gục ngã. “Tôi đã được cho cơ hội tự chịu trách nhiệm về mọi thứ nên tâm trạng lúc nào cũng thoải mái, cũng sống hết mình” - anh bộc bạch.

Trái lại, các bạn trẻ Mỹ gốc Việt lại thở dài khi thú nhận mình không có đủ tự do như chúng bạn, và mâu thuẫn giữa họ với gia đình thậm chí còn nhiều và căng thẳng hơn khi ở VN. Bởi người Việt tại Mỹ thường có khuynh hướng muốn con cái theo đuổi các ngành nghề cấp cao như dược, y, luật... và không chấp nhận việc con cái theo đuổi một số lĩnh vực như nghệ thuật, lao động tay chân nên rất nhiều trường hợp cấm cản đã xảy ra.

Justin T. (một Việt kiều) tâm sự: “Đầu tôi lúc nào cũng căng như dây đàn bởi theo đuổi nghề luật sư rất nhiều khổ cực, đòi hỏi phải có tình yêu nghề thật sự, mà đó đâu phải là sự lựa chọn của chính tôi! Còn ngày đám cưới của tôi, phải nói là tôi như bị đày dưới địa ngục! Nếu cho tự quyết định, tôi sẽ mời khoảng vài chục người bạn thân nhất để có một ngày vui thật sự, hơn là mời tới mấy trăm người mà hơn phân nửa tôi và vợ chưa từng gặp bao giờ. Đôi khi tôi thấy cuộc sống mình thật tẻ nhạt, vô nghĩa vì chính kiến của mình chẳng bao giờ được lắng nghe...”.

Mong mỏi con cái nên người, thành đạt vốn dĩ là mơ ước hợp lý của cha mẹ. Dẫu thỏa mãn niềm mong mỏi của bố mẹ là niềm hạnh phúc to lớn của những đứa con, nhưng nếu ước mơ ấy vượt quá khả năng hãy biết chấp nhận thực tế và đấu tranh cho ước mơ của mình. Tận cùng của tình yêu thương, hạnh phúc lớn nhất của những bậc bố mẹ là nhìn thấy con mình trưởng thành và tự gầy dựng cuộc sống riêng.

Bao giờ mẹ mới sẵn sàng buông tay?

Tôi biết đi xe đạp khá sớm.

Cuối năm lớp 3, cũng là lúc mẹ đi học nghiên cứu sinh ở Nga về, mẹ mua cho tôi một chiếc xe đạp. Tôi vẫn nhớ đó là chiếc xe đạp nhỏ màu xanh lá cây, của Nga hay Tiệp mà theo mẹ là rất “oách”, phanh bằng chân chứ không phải bằng tay. Tức là khi nào cần phanh xe lại, chỉ việc đạp ngược bàn đạp về đằng sau. Tôi thích chiếc xe lắm, và cũng tự hào về bản thân mình nữa, khoe với khắp bạn bè. Bạn tôi vẫn chưa đứa nào có xe. Tôi đi chợ hoặc ra nhà bà ngoại với mẹ, chứ trường tôi gần, đâu cần đi xe.

Đến năm lớp 4, tôi bắt đầu phải đi những nơi xa nhà hơn. Đầu tiên là lớp học bóng bàn, rồi đến lớp học tiếng Anh.

Thế nhưng, cái hào hứng lúc ban đầu của việc mà khi đó mẹ gọi là “học cách tự lập” đã tiêu tan ngay từ buổi đầu tiên. Tôi bị trấn lột. Gọi là trấn lột cho ghê chứ thật ra cũng chỉ là mấy thằng choai choai nhỉnh hơn tôi một chút giật của tôi cái mũ. Ngày hôm sau, bằng mọi giá mẹ đưa tôi đi học và đón về.

Sau này, khi tôi đã lớn, mẹ mới kể lại mẹ đã rất hồi hộp và lo lắng cái ngày đầu tiên cho tôi tự đạp xe đi học, đến nỗi mẹ đã lén đi theo cho đến khi tôi đến tận nơi mới dám thở phào đi làm. Và mẹ cứ ân hận là đã không đến đón tôi lúc tan học, để tôi bị trấn lột như vậy. Chưa kể những nỗi lo ngã xe, tai nạn và một nghìn thứ lo lắng khác nữa.

***

Tôi bỗng nhớ đến chuyện này khi ngày hôm nay nhà tôi có chút to tiếng do mâu thuẫn trong quan niệm về việc làm, lối sống của tôi, mà nói chung là về tôi. Bố mẹ hốt hoảng khi tôi bỗng dưng bỏ ngang một công việc, mà theo quan niệm chung là khá tốt, để theo đuổi “một số thứ phù phiếm”.

Và tôi chợt nhớ đến câu chuyện xe đạp.

Mẹ muốn tôi có công việc ổn định, cuộc sống ổn định. Giống như ngày xưa mẹ đã chọn cho tôi ngôi trường gần nhà để tôi có thể đi bộ đi học cho an toàn.

Còn tôi lại nghĩ đã đi bộ làm sao có thể đi xa được. Mà tôi thì muốn đi xa hơn.

(Mẹ có nhớ ngày xưa mẹ buộc phải cho con tự đạp xe đi học xa cũng chỉ vì lớp tiếng Anh đó rất tốt?)

Thế nhưng con đường mà tôi muốn đi lại khác biệt với những con đường mà mẹ đã quen thuộc, giống như khi tôi đi học xa nhà mẹ sẽ khó dõi theo tôi hơn là tôi chỉ đi học gần nhà; và vì thế mẹ càng lo lắng, càng sốt ruột và thật lòng không muốn buông ra cho tôi đi theo con đường xa đó.

Thế nhưng mẹ lại không thể đi học thay con hay cứ đưa đón con mãi.

Tôi chỉ muốn hỏi mẹ một câu: “Bao giờ mẹ mới sẵn sàng buông tay cho con tự đạp xe đi học xa nhà một lần nữa?”.

CÔNG LÊ - VINCENT PHẠM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên