13/02/2012 09:55 GMT+7

Em trai tôi

NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG
NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG

AT - Ai cũng bảo: con út thường được bố mẹ và anh chị cưng chiều. Nhưng với gia đình tôi thì em lại phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả hơn, dù em là con út. Nhà có bốn anh em, trên tôi có hai anh và em trai nhỏ hơn tôi 3 tuổi.

MuZC3NLm.jpgPhóng to
Ảnh: Flickr

Hai anh trai tôi đi học nghề ở xa, tôi đậu đại học xa nhà, mọi công việc trong gia đình đều dồn lên đôi vai em tôi đang tuổi ăn, tuổi chơi - khi đó em đang học lớp 9. Gia đình tôi làm nông, cuộc sống khó khăn vất vả, bố mẹ tôi làm thêm nghề buôn gà và máy xay xát phụ kiếm tiền để nuôi bốn anh em tôi ăn học. Vì vậy, công việc càng bận rộn hơn.

Không được như những bạn bè cùng trang lứa, đi học về em không được đi chơi, mà phải phụ bố mẹ làm những công việc nặng nhọc. Em cùng mẹ đi cấy, đi gặt… Nhìn những gánh lúa, gánh mạ trên vai em, tôi thấy thương em vô cùng. Mồ hôi nhễ nhại ướt đầm áo nhưng em lúc nào cũng vui vẻ, hát, huýt sáo…, làm mọi người trên đồng ai cũng rôm rả hát theo.

Hằng ngày, có hôm em phải xay xát hàng tấn lúa, mồ hôi túa ra nhưng những bao lúa vẫn được xay đều trong đôi tay em. Đi học về, làm mệt em không học bài được mà toàn ngủ. Bố mẹ mắng lười, em khóc. Nhìn dòng nước mắt trên má em, lòng tôi quặn lại.

Tôi khuyên em và em đã nói: “Để vào đời, kiếm được nhiều tiền, đâu phải chỉ có con đường duy nhất là vào đại học đâu chị. Em cũng có ước mơ, hoài bão của em, nhưng giờ điều kiện nhà mình như vậy em chưa thực hiện được thôi. Chị yên tâm, em không làm bố mẹ và mọi người thất vọng đâu”.

Em ngoan ngoãn, giản dị không đua đòi chơi bời như những người bạn khác. Năm em học lớp 12, tôi phải khuyên nhủ mãi em mới đồng ý làm hồ sơ thi đại học. Em nói: “Em thi năm nay thôi, không đậu, em đi làm lấy tiền nuôi chị học”. Nghe em nói mà tôi chợt thấy chạnh lòng, em tôi đã lớn hơn so với tuổi. Em không nghĩ cho mình mà luôn nghĩ cho tôi, cho bố mẹ. Mặc dù cố gắng nhưng em thi đại học với kết quả không mong muốn. Nhận kết quả, những giọt nước mắt lại lăn trên má em. Em khóc vì ước mơ hoài bão của mình, khóc vì tủi thân, khóc vì những khát vọng dang dở.

Gia đình đã khó khăn, bố tôi lại bị căn bệnh ung thư quái ác. Bệnh của bố đã phát ra ngoài, vỡ ra thành một hốc sâu hoắm, xếp thành từng tầng như tổ ong ngay dưới cổ, ăn tận sâu vào xương quai hàm. Tôi nhìn mà không thể nào tin được. Vết thương làm khuôn mặt bố tôi biến dạng hoàn toàn: miệng méo, mắt lệch. Mọi sinh hoạt của bố đều khó khăn, kể cả nói chuyện. Nhìn bố đau đớn, em đã không đi làm mà ở nhà phụ mẹ chăm sóc bố. Tôi về nhà nhìn tay em rửa vết thương, thay băng, xay cháo cho bố một cách nhẹ nhàng. Cho dù bố đau, khó tính, luôn chửi mắng em, nhưng em không cãi lại và tiếp tục làm.

Khi bố tôi bị bệnh, bao nhiêu tiền đều dành chữa bệnh cho bố và cho tôi tiền hằng tháng đi học. Em không đi ôn thi mà nói: “Em đi làm rồi tính sau, chị à! Giờ em mà đi, nhà mình không nuôi ba nổi đâu, chị ơi. Đợi chị ra trường rồi em tính sau”. Giờ tôi cảm nhận được em tôi lớn thật rồi, không còn là đứa em bé bỏng ngày nào hay nũng nịu nữa.

Bố tôi ngày yếu dần, cuộc sống lay lắt như ngọn đèn trước gió, chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua là có thể vụt tắt bất cứ lúc nào. Em không chịu đi đâu cho đến khi anh tôi lấy vợ. Được cậu xin việc làm ngoài Hà Nội, em vui mừng chuẩn bị đi và gọi điện cho tôi: “Em đi làm có tiền sẽ mua đồ đẹp cho chị”. Nhưng do bệnh tình bố tôi ngày càng nặng, bố đã khóc và không cho em đi. Một lần nữa em lại chịu thiệt. Em ở nhà buổi sáng đi đánh giấy thuê cho xưởng mộc của chú, buổi chiều ra quán xát gạo và phụ mẹ tôi làm vườn, làm đồi. Em già đi nhiều so với tuổi và bạn bè cùng trang lứa.

Nhìn căn nhà bị mối ăn sắp sập, mẹ ngày nào cũng tính từng đồng chi tiêu và thuốc thang cho bố, em không ngủ được và lại gọi điện cho tôi. Những lúc nghe em nói tôi chỉ muốn òa khóc, nhưng em lại động viên tôi, nói tôi cố gắng học hành. Em đã cho tôi sức mạnh, niềm tin để bước tiếp.

Em khi nào cũng muốn tôi mặc đẹp, muốn tôi bằng bạn bằng bè. Mỗi lần tôi đi đâu là em lại chọn quần áo cho, khi nào ưng ý em rồi em mới cho tôi đi. Trong khi em chỉ có vài bộ quần áo may đã mấy năm mà không một đòi hỏi gì cả. Là em nhưng lúc nào em cũng nhường nhịn tôi, chăm lo cho tôi.

Gia đình tôi tìm mọi cách để chữa trị cho bố, chỉ cần nghe nói chỗ nào có thuốc là mẹ và em tôi lại đi lấy, em không quản đường xa hay mệt nhọc, ánh mắt em chan chứa hy vọng. Nhưng ông trời vẫn nhẫn tâm cướp đi người bố thân yêu của chúng tôi. Tôi về nhà mà không kịp nhìn mặt bố lần cuối. Nhìn vành khăn tang trắng trên đầu em, tay cầm gậy chống, đôi mắt trũng sâu sau bao đêm mất ngủ… Vậy mà em lại vỗ về, động viên tôi: “Bố mong chị học tốt, không muốn chị về lại ảnh hưởng đến việc học hành. Năm nay là năm cuối rồi”. Tôi nghe mà cảm thấy như dao cắt vào tim.

Sự ra đi của bố là mất mát quá lớn đối với gia đình tôi. Mọi việc trong nhà giờ lại đổ dồn lên đôi vai em. Em vừa phải chăm lo cho mẹ và cho tôi. Em nén lại nỗi đau của riêng mình, để làm chỗ dựa cho mẹ và tôi. Em luôn mong tôi cố gắng học hành như mong mỏi của bố trước lúc đi xa.

Không biết từ bao giờ em đã như một người anh trai trong tim tôi - một người anh trai với bờ vai vững vàng cho tôi dựa vào mỗi khi tôi mệt mỏi, cảm thấy tủi thân.

Dù giờ em chỉ ở nhà, học vấn em chưa cao, nhưng tôi luôn tự hào khi có em. Em đã cho tôi biết những tình cảm quý giá trong cuộc sống; tình thương và sự hi sinh của em là động lực để tôi phấn đấu.

9d4TIiAA.jpgPhóng to

Áo Trắng số Tân Niên (số 2) ra ngày 01/02/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên