18/03/2007 14:12 GMT+7

Edith Piaf không có gì hối tiếc

XUÂN SƯƠNG
XUÂN SƯƠNG

TTCT - Giữa tháng 2-2007, phim La Môme về cuộc đời nữ ca sĩ ngoại hạng Edith Piaf của đạo diễn Olivier Dahan ra mắt khán giả khắp nước Pháp. Qua diễn xuất tài tình của nữ diễn viên Marion Cotillard cao 1,7m, bỗng dưng Edith Piaf chỉ cao 1,47m lừng lững bước ra khỏi mộ, đau đớn trữ tình, và cả nước Pháp rưng rưng nghe lại giọng ca có một không hai trong lịch sử nhạc Pháp.

9ZCHlOaC.jpgPhóng to
TTCT - Giữa tháng 2-2007, phim La Môme về cuộc đời nữ ca sĩ ngoại hạng Edith Piaf của đạo diễn Olivier Dahan ra mắt khán giả khắp nước Pháp. Qua diễn xuất tài tình của nữ diễn viên Marion Cotillard cao 1,7m, bỗng dưng Edith Piaf chỉ cao 1,47m lừng lững bước ra khỏi mộ, đau đớn trữ tình, và cả nước Pháp rưng rưng nghe lại giọng ca có một không hai trong lịch sử nhạc Pháp.

Theo khai sinh Piaf chào đời ở Bệnh viện Tenon, quận 20, Paris ngày 19-12-1915 dưới tên Edith Gassion. Thuở bé của Piaf, bố cô sống bằng nghề làm xiếc ngoài đường, mẹ người Algérie hát dạo chẳng quan tâm gì đến con nên Piaf được gửi gắm cho bà ngoại. Khi nhập ngũ, bố gửi Piaf cho bà nội là tú bà ở Normandie.

Sau chiến tranh bố trở về đem con đi sống nay đây mai đó bằng nghề nhào lộn ngoài đường. Để giúp bố, cô bé hát và kiếm được tiền nhiều hơn trò xiếc sơ đẳng của bố. Dần dà Piaf nhận ra giọng đặc biệt của mình; đến năm 15 tuổi cô từ giã bố để bay nhảy với đôi cánh riêng nhỏ bé và chọn khu Belleville - Pigale hát dạo.

Con chim sẻ nhỏ hát vang

hlEIbBKQ.jpgPhóng to
Marion Cotillard trong vai Edith Piaf của phim La Môme
Năm 17 tuổi Piaf gặp người đàn ông đầu tiên trong đời, năm sau sinh đứa con gái để rồi hai năm sau nữa khóc con chết vì viêm màng não. Người đàn ông bỏ đi. 20 tuổi, hầu như mồ côi, Piaf bên bờ vực nghèo đói, sa sút tinh thần, nghiện ngập và suýt làm gái điếm. Định mệnh khiến một chiều năm 1935 Louis Leplée, chủ phòng trà ca nhạc Gerny's, đi ngang và muốn thu nhận cô. Gerny's là phòng trà sang trọng nằm trên đại lộ Champs Elysée.

Chính Leplée đã đặt tên Môme Piaf cho cô. Môme là tiếng gọi thân mật con bé, thằng bé; Piaf là tiếng lóng, nghĩa là con chim sẻ. Giọng mạnh, khàn, rung rền, bình dân, đầy kịch tính rất hạp với nhạc Pháp của Môme Piaf đã chinh phục ngay khách của Leplée.

Tháng 2-1936 Leplée giúp cô thu đĩa hát 78 vòng thì hai tháng sau ông bị ám sát tại nhà riêng. Piaf bị điều tra rắc rối và báo chí khai thác tối đa, bởi vì những người nhúng tay vào vụ ám sát là dân tứ chiếng khu Belleville - Pigale, giống đám anh chị “bảo trơ” Piaf. Người ta tẩy chay cô dù vụ án chẳng bao giờ được làm sáng tỏ.

Nhưng chẳng bao lâu, Raymond Asso, kẻ phiêu lưu và là cựu lính lê dương rất yêu Piaf, đã giúp cô trở thành tài năng âm nhạc. Chính Asso, với sự phụ họa kiên nhẫn của nữ nhạc sĩ dương cầm Marguerite Monnot, đã luyện tập cho Piaf cách phát âm, cách diễn xuất, cả cách ăn mặc lên sân khấu.

Năm 1937, Môme Piaf vĩnh viễn trở thành Edith Piaf và là tình nhân của Asso đến khi Asso nhập ngũ. Ba năm sau Piaf gặp kịch sĩ Paul Meurisse trong giới trưởng giả, một người lịch lãm dè dặt, khác với một Piaf sôi nổi, bộc tuệch. Trong hai năm tình nghĩa, chính Paul đã dạy cô cách cư xử trong xã hội thượng lưu. Vào tuổi 30, dày kinh nghiệm và không biết mùi thất bại, Piaf giúp đỡ những người cô cho là xứng đáng.

Vì vậy khi gặp Yves Montand cuối hè 1944, không những Piaf bị tiếng sét ái tình mà còn lo cho sự nghiệp của Yves, từ các bài hát đến tủ quần áo. Cho Yves, Piaf viết bài La vie en rose (Đời màu hồng), một trong những bản nhạc của mọi thời đại đã bay khắp thế giới. Hai năm sau, Piaf quen nhóm ca sĩ trẻ Compagnon de la Chanson (Bạn Ca Hát), cũng tự thấy có trách nhiệm lo cho sự nghiệp họ nên đề nghị thu chung bài Les trois cloches (Ba quả chuông), bán cả triệu đĩa. Piaf quyết định dẫn họ cùng qua Mỹ trong vòng trình diễn đầu tiên của cô vào năm 1947.

Tình yêu và đỉnh cao danh vọng

IQNkzyCp.jpgPhóng to
Edith Piaf trên bìa đĩa nhạc
Chuyến đi đã thay đổi đời Piaf bởi hai cuộc gặp gỡ quan trọng. Một, với ngôi sao Marlène Dietrich, Piaf trở thành bạn thân và họ giữ liên lạc với nhau đến ngày Piaf lìa đời. Hai, quan trọng hơn, Piaf yêu điên cuồng nhà vô địch quyền anh thế giới Marcel Cerdan, người Pháp, đang ở New York.

Chuyện tình “Vua đánh bốc, hoàng hậu ca sĩ” giữa cô ca sĩ mảnh khảnh, giọng ca như tiếng chuông đồng cùng anh lực sĩ to như gấu với tiếng cười giòn giã sảng khoái, đã có vợ và bốn con làm tổn hao bao giấy mực. Cái chết bất ngờ của Cerdan tối 27 rạng ngày 28-10-1949 trên chuyến bay Paris - New York đã biến câu chuyện tình thành thảm kịch. Muốn được sớm gặp nhau, Piaf gọi điện bảo Marcel hãy lấy máy bay thay vì tàu thủy.

Ngày 28-10 ấy Piaf có chương trình biểu diễn. Khóc suốt ngày rồi đến đêm, một Piaf nghị lực phi thường ra sân khấu. Nhưng đến bài thứ sáu thì Piaf bật khóc ngất xỉu. Đó là bài Le chant d'amour (Ca khúc tình yêu). Cái tang này đã khiến Piaf triền miên suy sụp tinh thần cho đến mãn đời.

Năm 1952, Piaf thành hôn với ca nhạc sĩ nổi tiếng Jacques Pills. Dù bị rượu và morphin tàn phá, thời gian này Piaf lên tuyệt đỉnh vinh quang nghệ thuật, các đĩa hát hay các buổi trình diễn đều thành công ngoại hạng.

Đến năm 1955, khi biết sẽ hát ở Olympia tiếng tăm nhất Paris, Piaf tìm lại sinh lực làm việc mặc dù sức khỏe đã hết sức tàn tạ, và vẫn thành công rực rỡ. Rồi Piaf lại du diễn dọc ngang nước Mỹ với chương trình dày đặc, và kết thúc ở New York đầu năm 1956 với buổi trình diễn 22 bài tại thính phòng Carnegie Hall, 10.000 ghế ngồi chật kín khán giả. Bà là ca sĩ nhạc nhẹ đầu tiên hát tại “ngôi đền” nhạc cổ điển này.

NgLNgFtN.jpgPhóng to
Cùng nhóm nhạc Bạn Ca Hát
Năm 1956 Piaf ly hôn với Jacques Pills. Sở thích của Piaf là nắm vận mệnh đàn ông, dìu dắt rồi biến họ thành ngôi sao. Georges Moustaki, người cùng Marguerite Monnot viết ca khúc Milord trong danh sách những bài hát thành công nhất của Piaf, cũng không là ngoại lệ. Đôi tình nhân Piaf - Moustaki sống những ngày náo động và bị tai nạn xe hơi thập tử nhất sinh vào mùa thu 1958.

Đầu năm sau, đang trên đỉnh vinh quang ở New York, Piaf ngất xỉu trên sân khấu, phải đưa vào bệnh viện mổ cấp cứu rồi trở về Paris trong tình trạng thảm thương. Moustaki bỏ đi. Piaf sống trong bệnh hoạn, vật vờ... Cho đến một ngày, nhạc sĩ trẻ Charles Dumont đem bản Nonje ne regrette rien (Tôi chẳng còn tiếc gì nữa) đến. Đầu năm 1961 Piaf bất chấp can ngăn của bác sĩ và người thân cận, vẫn giữ lời hứa hát để cứu phòng trình diễn Olympia đang trên đường khánh tận. Lại đạt vinh quang.

Mùa hè 1961, Piaf gặp và yêu người đàn ông cuối cùng trong đời cũng là người cuối cùng Piaf lăngxê: ca sĩ Theophanis Lamboukas gốc Hi Lạp. Tháng sáu, Piaf nhận giải đĩa hát của Viện hàn lâm Charles Cros cho toàn bộ sự nghiệp. Tháng 9-1962, Piaf hát lần cuối ở Olympia với chương trình chỉ gồm những bản nhạc tâm tình và ngày 25 từ trên tháp Eiffel, Piaf hát cho phim Le jour le plus long (Ngày dài nhất) lần chiếu ra mắt đầu tiên, bên dưới khán giả hầu hết là diễn viên điện ảnh.

Đầu tháng mười, Piaf làm đám cưới với Lamboukas. Tháng 2-1963 họ cùng trình diễn bài A quoi c5a sert l'amour? (Tình yêu ích gì?). Chẳng ích gì vì quá trễ rồi: hai tháng sau Piaf rơi vào tình trạng hôn mê. Qua đời ngày 10-10-1963, thi hài Piaf được kín đáo mang về Paris an táng tại nghĩa trang Père La Chaise với cả Paris đưa tiễn.

Piaf viết lời (có khi cả nhạc) cho khoảng 80 bản nhạc, đóng nhiều phim và kịch. Để tưởng nhớ bà, có viện bảo tàng Edith Piaf (đường Crespin du Gast, quận 11, Paris) và quảng trường Edith Piaf kế cận Bệnh viện Tenon, nơi La Môme chào đời.

XUÂN SƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên