![]() |
Ảnh minh họa: Internet |
Một vài nhóm các nhà đầu tư tài chính bao gồm Andreessen Horowitz, Index Ventures (một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Anh) và Silver Lake Partners tỏ ra rất hứng thú với việc mua lại Skype. Quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz được điều hành bởi các thành viên Marc Andreessen, đồng sáng lập Netscape, và Ben Horowitz. Andreessen cũng là một thành viên của ban giám đốc eBay.
Ebay chịu nhún nhường thua lỗ, mong muốn đạt được mức giá 2 tỉ USD khi bán Skype trong lần "rao bán" này trong khi mức giá mà hãng này bỏ ra để thâu tóm dịch vụ hội thoại Internet (VoIP) Skype là 2,6 tỉ USD vào tháng 9-2005 (eBay thâu tóm Skype với giá 2.6 tỉ USD).
Ebay chiến thắng 2 "gã khổng lồ" Google và Yahoo trong cuộc thâu tóm Skype vào năm 2005 nhằm trang bị thêm phương thức liên lạc trực tiếp cho người mua (Buyer) và người bán (Seller) giao dịch trên hệ thống đấu giá. Hai năm sau khi mua Skype, eBay hạ giá trị dịch vụ VoIP này xuống 1,4 tỉ USD khi muộn màng nhận ra Skype không mang lại lợi nhuận như mong đợi và việc tích hợp vào hệ thống thương mại điện tử của eBay không thành công.
Mặc dù vậy, Skype vẫn đang giữ vị trí hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ VoIP. Theo eBay, lợi nhuận của Skype tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm ngoái (170 triệu USD trong quý 2-2009), số người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ tăng thêm 37,3 triệu cũng trong quý 2 nâng tổng số lượng người dùng Skype lên hơn 480,5 triệu (số liệu vào cuối tháng 6-2009).
Theo kế hoạch của eBay, cổ phần Skype sẽ được rao bán công khai vào năm tới nhưng một vài nhóm đầu tư tài chính đã bắt đầu liên hệ để đàm phán việc mua lại cổ phần Skype bao gồm cả người sáng lập Skype là Janus Friis và Niklas Zennstrom.
Rắc rối bản quyền công nghệ sử dụng
Một câu hỏi vẫn chưa được sáng tỏ trong bất kỳ cuộc mua bán của Skype là quyền hạn sử dụng công nghệ P2P (peer-to-peer: mạng ngang hàng), công nghệ củng cố cho dịch vụ hội thoại VoIP. Trong tháng 7-2009, eBay tuyên bố tiến hành phát triển một công nghệ mới thay thế cho công nghệ hiện tại được Skype sử dụng nhưng cuối cùng đành thất bại vì việc đàm phán về bản quyền với chủ sở hữu công nghệ không thành.
Khi eBay mua Skype vào năm 2005, thương vụ không bao gồm công nghệ được sử dụng để vận hành dịch vụ VoIP. Công nghệ này được sở hữu bởi công ty Joltid.
Không dàn xếp ổn thỏa, Skype và Joltid đã đưa nhau ra tòa tại Anh vào đầu năm nay để xử lý về vấn đề bản quyền. Joltid không cho phép Skype chiếm hữu, sử dụng hay thay đổi mã nguồn phần mềm và Skype đã vi phạm quy ước bản quyền. Skype "phản pháo" việc "cắt" quyền sử dụng công nghệ bằng cách yêu cầu tòa án phải tuyên bố "cắt quyền sử dụng" là không có hiệu lực. Vụ việc sẽ được tòa án công bố vào tháng 6-2010.
Ebay đã "chào giá" Skype với Google nhưng "gã khổng lồ" đã từ chối vì e ngại làm mếch lòng các hãng cung cấp dịch vụ mạng không dây vốn đang hỗ trợ cho hệ điều hành ĐTDĐ nguồn mở Google Android trên các dòng ĐTDĐ của họ. Hiện số phận Skype vẫn còn đang "treo lơ lửng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận