Đi đến giờ này đã là sự may mắn. Tôi không còn sợ chết vì đã không ít lần cận kề sinh tử. Nhưng tôi muốn nếu mình còn sống, tôi phải là phiên bản tốt nhất của chính mình.
Nguyễn Ngọc Duy
Và điều kỳ diệu lại lần nữa xảy ra. Chàng trai 9 năm chiến đấu với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối đã hồi sinh để viết tiếp câu chuyện cuộc đời mình ở tuổi 32.
Vượt lên số phận
Ghé nhà anh trong buổi sáng ngày chủ nhật ở Buôn Ma Thuột, giọng nói vẫn còn khá khó khăn khi trò chuyện vì chưa phục hồi hẳn, điều đầu tiên anh giải thích về chiều cao khi đã lùn xuống đến cả chục phân: "Thấy Duy lạ quá hả? Duy bị lùn đi 16cm từ đợt đó tới giờ". Anh ngồi vào ghế, dùng tay trái nâng cẳng chân phải lên để cho vào giày, rồi cột dây giày bằng một tay.
"Tôi chưa bình phục hẳn. Giọng vẫn còn bị đứt, vẫn đang phải tập luyện để nói được bình thường và chỉ mới cử động được nửa người bên trái. Nhưng giờ đỡ nhiều lắm rồi. Cách đây vài tháng, miệng còn méo xẹo như thế này nè" - anh vừa nói vừa làm điệu bộ méo miệng để diễn tả.
Duy của hiện tại là sự hồi sinh kỳ diệu, mẹ anh - cô Phạm Thị Nhung - bảo. Bởi chỉ riêng việc Duy vẫn còn sống là một điều nhiệm mầu khi mà bệnh tình đã ở mức độ "chỉ còn nằm chờ chết". "Bác sĩ bảo phải mất ít nhất 2-3 năm thì bệnh nhân xuất huyết não mới có khả năng phục hồi, đi lại được. Nhưng 9 tháng Duy đã bước ra khỏi cái xe lăn" - cô kể.
Một năm trước, chúng tôi gặp Duy ở phòng cấp cứu cùng với cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp đứng chật cả hành lang. Kể cả người cậu, chị gái Duy ở xa đều bay vào Sài Gòn. Vì ai cũng sợ đó sẽ là lần cuối gặp Duy.
Những đoạn chat họ chia sẻ với nhau lúc ấy đầy lo lắng: Duy bị vỡ mạch máu não, bị liệt một nửa bên phải, mất chức năng ngôn ngữ. Anh bệnh suy thận lâu năm nên cơ thể suy kiệt, không thể can thiệp phẫu thuật hay điều trị thuốc. Nhưng mọi người đều nhận thấy Duy không đầu hàng: không nói được, anh vẫn ra hiệu để được đút yến, đút cháo mỗi khi tỉnh táo.
Những ngày trôi qua sau đó, Duy không rơi vào hôn mê sâu như dự liệu của bác sĩ. Ảnh chụp não mỗi ngày một khá hơn. Duy vẫn liệt nửa người, nửa mặt và không nói được nhưng tỉnh táo. 28 tết anh xuất viện, rồi mùng 4 tết anh sốt cao đến mức co giật, mê sảng và lại nhập viện. Nhưng Duy vẫn sống và dần hồi phục. Như một phép mầu!
Duy và mẹ bên những chậu dạ ngọc minh châu - Ảnh: VŨ THỦY
Sống như thể chỉ còn một ngày để sống
Đó là câu nói mà người ta vẫn thường nhắc nhau để sống ý nghĩa hơn và càng đúng hơn với hoàn cảnh của Duy trải qua từng ngày, kể từ khi phát hiện bệnh thận mãn giai đoạn cuối. Lúc đó, Duy đang là sinh viên năm 3 khoa tâm lý giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM. Chưa kể anh còn mang theo một loạt căn bệnh hiểm nghèo khác: lao phổi, suy tim, suy giảm thị lực và men gan cao.
Bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô đều nể phục Duy bởi dù lệ thuộc vào cái máy, "không thể đi đâu xa bệnh viện quá hai ngày", anh vẫn hoàn thành chương trình ĐH, rồi tiếp tục lấy bằng thạc sĩ tâm lý, lập công ty chuyên về đánh giá, phát triển tinh thần và khai phá tiềm năng con người, thành lập CLB tâm lý Ngôi nhà trái tim với các dự án giáo dục, tập huấn kỹ năng cho trẻ em nghèo, tổ chức những chương trình thiện nguyện hỗ trợ trẻ vùng sâu vùng xa...
Anh còn cộng tác với hàng loạt chương trình tâm lý của đài truyền hình, viết sách tâm lý, làm diễn giả các buổi nói chuyện chuyên đề ở trường học... Khối lượng công việc gấp 2-3 người bình thường với một người có khoảng thời gian và sức khỏe chưa được bằng phân nửa người thường.
Làm việc - đó là cách để Duy thấy mình vẫn đang sống và sống ý nghĩa. Câu trích dẫn quen thuộc của Duy là "muốn tự do phải tự lo" nên suốt nhiều năm bệnh nặng, Duy vẫn tự mình bươn chải ở Sài Gòn, không để cha mẹ phải bận tâm, dù tiền chạy thận hằng tháng khá lớn đối với anh.
Nhiều lúc Duy chạy đong từng bữa để đủ tiền chạy thận. Anh bảo sau khi đột quỵ, vì "không còn tay còn chân nên đành phải về nhà nhờ bố mẹ chăm sóc", thế mà anh vẫn mang tinh thần chiến đấu không ngưng nghỉ.
Mỗi ngày anh tự tập luyện bằng cách đi bộ đến nhà thờ cách nhà hơn 2 cây số, dù một bên chân vẫn đang cứng đơ. Anh tham gia tập huấn cho các bạn trẻ về phương pháp giáo dục trẻ em và kiên trì đi châm cứu hằng ngày để chóng mạnh khỏe, song song với việc chạy thận ba bữa mỗi tuần.
Muốn là phiên bản tốt nhất của chính mình
Chỉ sử dụng tay trái để gõ điện thoại, nhưng mấy bữa nay Duy cũng khởi động lại shop Mr Ba trên Facebook để bắt đầu bán các đơn hàng sản vật Đắk Lắk cho mùa tết cùng những chậu dạ ngọc minh châu đã rủ hoa trắng mà mẹ anh trồng cả năm nay. "Công việc ở công ty, các dự án cộng tác với các đài... đều đang tạm đóng. Tôi cần dành một năm để thực sự hồi phục sức khỏe và có thêm tiền, thực hiện dự định ghép thận" - Duy nói về kế hoạch tương lai.
Một người bạn thân thiết từ thời sinh viên đồng ý hiến thận cho Duy nhiều năm nay nhưng "phần vì tiền bạc không đủ do chi phí ghép thận, phần vì muốn dành sức lực để phát triển bản thân, tập trung cho công việc" nên Duy mãi vẫn chưa quyết. Anh bảo: "Tôi không còn sợ chết vì đã không ít lần cận kề sinh tử. Nhưng tôi muốn nếu mình còn sống, tôi phải là phiên bản tốt nhất của chính mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận