![]() |
Rạch Chắc Ri - nơi cánh buôn lậu đường chuyển hàng - Ảnh: Đức Vịnh |
Tranh mua, giá mía tăng cao!
Đến thời điểm này trên 6.000ha mía ở huyện Cù Lao Dung - một vựa mía lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng - đã thu hoạch được khoảng 85%. Trên 700ha còn lại đang trở thành “điểm nóng” của cuộc cạnh tranh thu mua giữa các nhà máy đường và thương lái, đẩy giá tăng lên từng ngày.
Đến chiều 30-3, giá mía tại đây không còn là 330đ/kg như hai ngày trước mà đã tăng đến 355 đồng/kg - mức cao nhất từ trước đến nay. Anh Phạm Văn Tùng - xã An Thạnh Nhì (Cù Lao Dung) - còn gần 1ha mía nhưng hiện nay vẫn chưa chịu bán. “Tôi thấy tình hình này giá mía sẽ còn tăng nữa, có khi sẽ lên đến 400đ/kg. Đợi lúc đó bán vẫn chưa muộn” - anh Tùng giải thích.
Sản lượng mía giảm 15%, sản lượng đường giảm 10% Theo số thống kê bước đầu của các nhà máy đường, vụ sản xuất mía đường 2003-2004 sản lượng mía cả nước giảm khoảng 15% nhưng do chất lượng mía được cải thiện nên sản lượng đường chỉ giảm 10%, ước đạt 900.000-950.000 tấn đường. Trong đó sản lượng mía ở khu vực miền Bắc giảm 10%, miền Tây giảm 20-25%, miền Trung giảm 12-15%, miền Đông giảm 15-20%... Nguyên nhân chính là do giá mía vụ trước quá thấp, nông dân không đầu tư trồng mía. Hầu hết các nhà máy đường ở miền Đông đã dừng sản xuất sớm do hết mía. Các nhà máy ở khu vực miền Tây cũng bắt đầu “nghỉ”. Các nhà máy còn hoạt động cũng chỉ khoảng 30% công suất. Thiếu đường, giải quyết thế nào? Năm nay ước tính có thể thiếu từ 200.000-250.000 tấn đường (nhu cầu tiêu thụ khoảng 1,2 - 1,25 triệu tấn đường). Đã có hai đơn vị đang xin nhập khẩu đường với số lượng khá lớn. Tuy nhiên các nhà máy đường lại cho rằng cần cân nhắc khi cho nhập đường. Theo các nhà máy đường, số thiếu hụt là con số cân đối tính đến hết năm 2004. Trong khi từ tháng 10-2004 các nhà máy đường phía Nam đã vào vụ sản xuất, mỗi tháng được 80.000-90.000 tấn đường. Do mía được giá nên nông dân đầu tư nhiều hơn cho mía và các nhà máy có thể vào vụ sản xuất sớm hơn một tháng. Như vậy trong bốn tháng cuối năm 2004 thị trường đã được bổ sung thêm 320.000 tấn. Các nhà máy đường ở miền Tây, miền Đông, miền Trung đều cho rằng vụ sản xuất đường tới sẽ đủ mía, thậm chí dư thừa nhờ tác động của giá mía tăng cao trong vụ sản xuất 2003-2004 vừa kết thúc. Nếu không tính toán kỹ trong nhập khẩu sẽ tác động đến giá mía trong vụ sản xuất tới. |
Nhà máy đường Ấn Độ có công suất 3.000-4.000 tấn/ngày, vùng nguyên liệu ở Long An không đủ nên họ đầu tư qua giá để thu hút nguyên liệu về mình. Cụ thể nếu cách nay một tuần, giá thu mua mía ở Bến Tre là 260.000đ/tấn, họ thu mua: 270.000đ/tấn. Khi Nhà máy đường Bến Tre nâng lên 270.000đ/tấn, họ lại đẩy lên 280.000đ.
Hơn nữa, thương lái mua mía cho Nhà máy đường Ấn Độ còn có những chiêu khuyến mãi như mua xô (không phân loại mía) nên nông dân khoái bán mía cho thương lái của nhà máy này. Hệ quả là chỉ có 50% nông dân thực hiện đúng hợp đồng với Nhà máy đường Bến Tre.
Việc tranh mua mía đã đẩy một số nhà máy đường vào cảnh “khát mía” và nếu chấp nhận mua với giá như hiện nay thì sẽ lỗ. Theo ông Nguyễn Thái Hòa, phó giám đốc Nhà máy đường Trà Vinh, công suất của nhà máy là 1.500 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, khả năng đến trung tuần tháng 4-2004 sẽ ngừng hoạt động vì không còn nguyên liệu.
Vụ mía năm 2003-2004, tỉnh Trà Vinh trồng hơn 7.600ha mía, giảm 523ha so với vụ trước. Sản lượng cũng chỉ đạt 534.800 tấn, giảm 147.200 tấn. Do khan hiếm mía nguyên liệu nên Nhà máy đường Trà Vinh đã nâng giá để thu mua hết mía nguyên liệu còn lại của nông dân và thu hút một số lượng mía của tỉnh Sóc Trăng.
Ở tỉnh Bến Tre, năm 2003 giá mía vào đầu vụ chỉ ở mức 110.000-150.000đ/tấn, đến cuối vụ rớt giá thảm hại chỉ còn 80.000đ/tấn. Thậm chí nhiều ruộng mía cho không cũng không có người thèm ngó tới! Quá lỗ lã, nhiều nông dân đành chặt bỏ mía, ban bờ vườn lấp mương làm ruộng hoặc chuyển sang trồng bắp lai, cây ăn trái khiến diện tích mía giảm. Nay đùng một cái giá mía tăng, nhiều nông dân tiếc rẻ vì đã không trồng mía!
Đường lậu có mặt!
Khi nhiều nhà máy đường tranh nhau mua mía đẩy giá mía lên kéo theo giá đường tăng cũng là lúc đường Thái Lan tràn qua biên giới các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An... Những ngày qua, tại xã Vĩnh Nguơn (Châu Đốc, An Giang) từng chiếc xuồng máy từ bờ Đa Phước (huyện An Phú) vượt ngang sông Châu Đốc luồn sâu qua biên giới buôn lậu đường.
Những xe cải tiến chất đầy bao đường Thái cũng bắt đầu đổ qua. Hàng nhanh chóng chuyển xuống xuồng, ào ào xuôi về tập kết bên Đa Phước. Từ đây, từng bao đường 50kg được xé lẻ, hoặc ngụy trang đưa xuống giấu trong ghe hàng rồi xuôi ra dòng sông Hậu, chờ cơ hội đưa vô các vựa ở Châu Đốc. Người dân làm lúa ở đây mách: “Đường Thái bắt đầu vượt biên giới gần một tuần nay, có hôm bên kia đổ xuống cả chục xe cải tiến!”.
Những “đại lý” bán đường Thái cho biết đường Thái lúc này đang bán chạy vì giá rẻ hơn đường nội địa từ 200-500đ/kg. Trước đây đường qua khá nhiều loại, mà dân trong nghề dựa vào nhãn hiệu ngoài bao quen gọi như cây mía, mặt trời, con kiến, con ong... Nhưng hiện chủ yếu qua hiệu tam giác, cây đuốc…
Cánh cửu vạn ở Vĩnh Nguơn qua lại biên giới như cơm bữa bảo: “Bên gò Tà Mau trên đất Campuchia đường đầy cả kho!”. Còn vợ chồng anh C. cho biết gần nửa tháng trước giá đường Thái chỉ 225.000 đồng, nay tăng lên khoảng 248.000đ/bao trong khi đường mình trên 260.000 đồng/bao”.
Chị Hoa - bán đường tại chợ Châu Đốc - cho biết: “Nếu bán lẻ thì bán đường Thái có lời hơn. Với lại một số khách hàng chuộng nó hơn vì có màu trắng tinh, sạch đẹp, hạt mịn màng, không thể lẫn với đường nội địa…”. Chiều 29-3, ông Đinh Văn Tươi - cục phó Hải quan tỉnh - cho biết: “Đường Thái nhập lậu tăng lên thấy rõ từ hai tuần trở lại đây dưới những hình thức như phân ra từng bao nhỏ, thay đổi bao bì đai vác băng đồng rồi vận chuyển bằng xe đạp, xe gắn máy; hoặc dùng xuồng vận chuyển, cả ban đêm… Trạm kiểm soát Vĩnh Xương vừa thu giữ được 200kg, cánh Vĩnh Nguơn mới bắt 500kg”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận