Là GV, tôi và có lẽ hầu hết các bạn đồng nghiệp đặc biệt vui mừng và xin nhiệt liệt hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã bật đèn xanh, tạo điều kiện cần thiết cho đội ngũ GV "tháo cũi xổ lồng” nhằm đạt hiệu quả giảng dạy cao nhất mà không bị gò bó bởi cái vòng kim cô “SGK là pháp lệnh, sách GV là cơ sở” bấy lâu nay vẫn tồn tại trong cung cách quản lý giáo dục cũng như trong suy nghĩ của hầu hết GV ta.
Vấn đề SGK quá nặng nề về nội dung chúng ta ai cũng biết và dư luận cũng đã bàn nhiều. Để bảo đảm quy chế chuyên môn, GV và HS buộc phải gồng mình để tiêu thụ hết số lượng kiến thức được ghi trong SGK theo phân phối chương trình. Nhiều ý kiến cho rằng chính tình trạng này là nguyên nhân của lối dạy và học nhồi nhét, GV muốn “không đọc chép” cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong thực tế, nhiều GV có bản lĩnh nghề nghiệp đã lén thoát ly SGK trong quá trình giảng dạy của mình. Nói là lén vì GV nào dạy không đúng và không hết nội dung SGK sẽ bị cho là vi phạm quy chế chuyên môn cho nên GV chỉ có thể thực hiện việc “thoát ly” trên cơ sở có sự thỏa thuận với HS của mình, tất nhiên phải bảo đảm chuẩn kiến thức (theo nhận thức cá nhân). GV không dám để cho cán bộ quản lý biết, thậm chí là đồng nghiệp cùng tổ, cùng bộ môn biết. Đối với những tiết được thanh tra, được dự giờ thì càng phải tuân thủ nghiêm ngặt việc truyền thụ một cách đầy đủ những gì mà SGK có.
Tuy nhiên, phần lớn GV đều không dám và thậm chí là không muốn "thoát ly SGK". Điều này không có gì là lạ, không có gì là đáng trách bởi họ đã làm đúng quy chế chuyên môn và còn bao nhiêu thứ khác ràng buộc như vấn đề kiểm tra đánh giá HS, vấn đề chất lượng điểm số bộ môn, tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp, danh hiệu thi đua... nói chung là vì vấn đề hình thức và thành tích. Chỉ có điều trong tình trạng đó GV và HS không thể thả sức phát huy tính năng động, sáng tạo của mình, đổi mới phương pháp dạy và học của mình, trong đó có vấn nạn “không đọc chép” cũng không được.
Một nguyên nhân nữa thuộc về công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn. Từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT luôn đặt ra yêu cầu “ linh hoạt, sáng tạo” trong quá trình giảng dạy, trong đó có vấn đề sử dụng SGK. Trong chừng mực nào đó có thể hiểu là bộ gián tiếp cho phép GV “thoát ly SGK”. Thế nhưng, vì không có văn bản chỉ đạo cụ thể nên các cấp quản lý bên dưới, đặc biệt là ban giám hiệu, các chuyên viên bộ môn của sở - phòng, các cộng tác viên thanh tra đều “quyết tâm giữ vững quy chế”, thành ra mọi biểu hiện của sự “thoát ly SGK” của GV đều không được chấp nhận.
Đề của các kỳ thi, các kỳ kiểm tra chưa “mở” cũng là một nguyên nhân làm GV không thể “thoát ly”.
Nay Bộ GD-ĐT đã cho phép và sẽ ban hành bộ tài liệu dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với cả bậc giáo dục tiểu học và trung học, đây sẽ là cơ sở để GV mạnh dạn linh hoạt, sáng tạo. Tuy nhiên, việc làm này chỉ có hiệu quả khi có sự đồng thuận trong toàn ngành, nhất là ở các nhà quản lý giáo dục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận