10/06/2016 09:21 GMT+7

Đừng tự biến mình thành bị can, bị cáo!

ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự  TAND tối cao)
ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)

TTO - Việc tự biến mình thành bị can, bị cáo một phần là do người dân không am hiểu pháp luật nên cứ tưởng mình là nguyên đơn thì được tòa bảo vệ.

Trong thực tế, có nhiều trường hợp do đánh số đề, thua bạc, bị giật hụi hoặc vì nhiều lý do khác nhau phải viết giấy “vay tiền” để hợp thức hóa hành vi vi phạm pháp luật của mình và của người khác. Ngược lại, có trường hợp chủ nợ đi đòi nợ nhưng cũng viết giấy “vay tiền” thì người vay mới chịu trả.

Trong giao dịch dân sự cũng vậy, có trường hợp tài sản đã bán, đã thế chấp ngân hàng vay tiền nhưng vẫn ký hợp đồng bán cho người khác... Khi người mua tài sản đó phát hiện không mua nữa thì người bán kiện người mua ra tòa như trường hợp TAND TP Sóc Trăng khi giải quyết vụ kiện “tranh chấp, hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hủy quyết định hành chính” của giữa nguyên đơn là bà K.T. và bị đơn là ông N.V.T. đã phải gửi văn bản đến Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Sóc Trăng đề nghị khởi tố bà H.K.T. (chủ một quán ăn ở phường 3) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Có thể nói, việc tự biến mình thành bị can, bị cáo một phần là do người dân không am hiểu pháp luật nên cứ tưởng mình là nguyên đơn thì được tòa bảo vệ. Mặt khác do lòng tham, lại có người, trong đó có cả luật sư, vì tiền thù lao hậu hĩnh nên tư vấn cho người dân kiện ra tòa, nếu thắng thì ngoài khoản thù lao còn được thưởng có khi đến 50% giá trị hợp đồng. Bởi vì “nguyên đơn dân sự” trong trường hợp này có mất gì đâu mà không kiện.

Đơn cử, ở Bình Phước có trường hợp do thua bạc nên buộc phải viết giấy “vay nợ” trên 1 tỉ đồng. Chờ 5-10 năm sau, thấy hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc thì mới kiện ra tòa và xuất trình giấy “vay tiền”. Nếu tòa án nào non kém về nghiệp vụ cứ thấy có giấy “vay tiền” là xử cho nguyên đơn dân sự thắng kiện!

Tuy nhiên, không phải tòa án nào cũng vội tin vào tờ giấy biên nhận hay giấy vay tiền. Nếu tòa án chịu khó xác minh sẽ thấy những vụ kiện như vậy không đơn thuần là quan hệ dân sự mà có dấu hiệu tội phạm hình sự, từ đó đề nghị công an vào cuộc như trường hợp TAND TP Sóc Trăng mà báo chí đã nêu.

Mới đây ở một quận tại TP.HCM có trường hợp bà N.T.T. kiện ông V.T.L. đòi 50.000 USD. Cơ sở để bà T. khởi kiện là tờ giấy “vay tiền” mà ông L. đã ký cách đây 15 năm. Sau khi từ nước ngoài trở về bà T. được “cò” xúi kiện ông L. ra tòa, nếu thắng thì “cưa đôi”. Tại tòa, ông L. giải thích đó là tiền bà T. trả nợ ông nhưng ông buộc phải viết giấy “vay tiền” vì trong hoàn cảnh lúc đó ông không thể làm khác được.

Sau khi ông L. xuất trình bằng chứng chứng minh đó là tiền bà T. vay của ông để hoạt động phạm tội thì tòa án đã đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc. Trong trường hợp này, tội phạm mà bà T. thực hiện cách đây 15 năm có thể đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà T. thì được tính từ thời điểm bà T. kiện ông L. đòi lại 50.000 USD, chứ không phải tính từ ngày ông L. viết giấy “vay tiền”.

Như vậy, không phải trong mọi trường hợp cứ có giấy “vay, mượn” hay hợp đồng kinh doanh là quan hệ dân sự, mà khi giải quyết vụ án, nếu tòa án thấy có dấu hiệu tội phạm thì phải yêu cầu công an khởi tố hình sự để tiến hành điều tra.

Còn đối với người dân cũng đừng vì lòng tham mà nghe lời xúi giục của “cò” kiện nhau ra tòa theo kiểu cầu may mà “tiền mất tật mang”, không khéo lại tự biến mình thành bị can, bị cáo.

ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên