Phóng to |
Một cách viết khẩu hiệu chưa rõ nghĩa - Ảnh: Minh Hải |
1. "Ðể bảo đảm an toàn cho bạn hãy đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện".
Trong khẩu hiệu này, về mặt cấu trúc diễn đạt chưa rõ ràng, về mặt nội dung thì diễn đạt chưa đủ ý.
Về cấu trúc, trong câu có hai thành tố: "Ðể bảo đảm an toàn cho bạn" là trạng ngữ chỉ mục đích và "hãy đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện" là mệnh đề chính. Ðể ngăn cách giữa trạng ngữ (mệnh đề phụ) và mệnh đề chính cần phải có dấu phẩy (,).
Về nội dung, khẩu hiệu này yêu cầu người lưu thông bằng xe đạp điện, xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm. Ðiều này đúng nhưng chưa đủ. Vì với thực tế hiện nay, Luật giao thông đường bộ bắt buộc cả người lưu thông bằng xe gắn máy cũng phải đội mũ bảo hiểm và đây là đối tượng chính phải chấp hành. Với khẩu hiệu này, vô tình người đọc có thể hiểu rằng chỉ có người đi xe đạp điện, xe máy điện mới được khuyến cáo nên đội mũ bảo hiểm, còn những đối tượng khác thì không.
Vì vậy khẩu hiệu này nên sửa thành: "Ðể an toàn, hãy đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy và xe đạp điện".
2. "Vượt đèn đỏ tạm giữ xe 30 ngày".
Khẩu hiệu ở dạng câu cầu khiến này có hai vế: "vượt đèn đỏ" và "tạm giữ xe 30 ngày". Về chủ thể thực hiện, câu có hai đối tượng khác nhau: người lưu thông và lực lượng cảnh sát giao thông; về cấu trúc, câu có hai hành động độc lập nhau nhưng có quan hệ nhân quả - hành động sau phát sinh từ hành động trước, theo dạng "làm A thì B". Nhưng cách thể hiện khẩu hiệu này gần như đồng nhất hai chủ thể thực hiện hành động, dẫn đến không rõ nghĩa.
Vì vậy nên sửa lại thành "Vượt đèn đỏ: tạm giữ xe 30 ngày".
3. "Không sử dụng mũ bảo hộ lao động, mũ sắt thay mũ bảo hiểm hoặc loại mũ bảo hiểm có vành".
Theo cách viết của khẩu hiệu này thì người lưu thông (xe gắn máy, môtô...) không được sử dụng mũ bảo hộ lao động, mũ sắt và được sử dụng mũ bảo hiểm, mũ bảo hiểm có vành. Dạng câu này là "không dùng A, B thay cho C hoặc D".
Trên thực tế, ngoài mũ bảo hộ lao động, mũ sắt, mũ bảo hiểm có vành loe (mũ bảo hiểm cách điệu) cũng được khuyến cáo không nên sử dụng vì khả năng bảo vệ phần đầu của người lưu thông rất thấp khi xảy ra tai nạn. Nhưng với cách thể hiện này, vô tình người viết khẩu hiệu cho rằng mũ bảo hiểm có vành cũng được chấp nhận (do đặt cùng vế với "mũ bảo hiểm" trong cụm từ sau từ "thay cho").
Do đó khẩu hiệu nên viết là: "Không sử dụng mũ bảo hộ lao động, mũ sắt và loại mũ bảo hiểm có vành thay mũ bảo hiểm".
4. "Ðường dốc cua nguy hiểm cấm phóng nhanh giành đường vượt ẩu".
Khẩu hiệu này có hai thành tố: trạng ngữ chỉ trạng thái "đường dốc cua nguy hiểm" và mệnh đề chính có tính bắt buộc "cấm phóng nhanh giành đường vượt ẩu". Nhưng với cách thể hiện này, chưa có sự rạch ròi giữa trạng ngữ và mệnh đề chính. Ðồng thời mệnh đề chính còn thể hiện mơ hồ trong các hành động: lẽ ra phải rạch ròi ba hành động "phóng nhanh", "giành đường", "vượt ẩu". Vì nếu không ngăn cách thì có thể hiểu là người lưu thông chỉ bị cấm khi thực hiện đồng thời cả ba hành động, còn nếu có "phóng nhanh" nhưng không "giành đường", không "vượt ẩu" thì không bị cấm... Trên thực tế cả ba hành động này đều bị cấm (với trạng thái đã được xác định bằng trạng ngữ).
Vì vậy nên sửa câu này thành: "Ðường dốc cua nguy hiểm: cấm phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu".
* Ý kiến của bạn
* Tôi chưa từng thấy các biển báo nào như biển báo ở VN. Chữ viết thì nhỏ, viết nhiều và thiếu hình ảnh minh hoạ. Thiết nghĩ chỉ cần một hình ảnh đơn giản nhưng rõ ràng, ai thoáng nhìn cũng hiểu mà không cần phải ngừng xe lại, đọc và hiểu được hướng dẫn, gây tình trạng kẹt xe. Điều này rất quan trọng nhất là cho du khách nước ngoài khi họ tham gia giao thông.
Ở xứ họ, không có biền báo chi chít tiếng địa phương như ở xứ ta. Ví dụ: Từ Hà Nội cho đến Sài Gòn, hầu hết các biển báo đều có hình mũi tên và kèm theo đó là: "Hướng đi..." Thêm hai chữ này vào nói lên cái thiếu "tầm nhìn"của ngành giao thông. Chỉ thêm rối mắt, nhiều chữ và các chữ khác phải viết nhỏ lại cho vừa khung. Đề nghị bỏ hai chữ "Hướng đi" và chỉ để mũi tên (thẳng, cong hoặc quẹo) sau đó thứa chỗ để viết lớn hơn là "Hàng Xanh, TSN, Trung Tâm, Chợ Lớn..." là đủ. Chắc chắn ai cũng hiểu!
* "Không sử dụng mũ bảo hộ lao động, mũ sắt và loại mũ bảo hiểm có vành thay mũ bảo hiểm". Phần sửa này vẫn có chỗ không ổn. Dù không đúng quy cách, nhưng mũ bảo hiểm có vành vẫn là một loại mũ bảo hiểm. Vì vậy, không thể viết như thể "mũ bảo hiểm quy cách" và "mũ bảo hiểm" là hai khái niệm tách biệt hoàn toàn. Có lẽ ý tác giả là người đi xe không nên sử dụng mũ bảo hiểm có vành để thay thế cho những loại mũ bảo hiểm đạt chuẩn/đúng quy cách. Nên thay ba chữ "mũ bảo hiểm" ở cuối câu bằng "mũ bảo hiểm đạt chuẩn/đúng quy cách" để câu văn hợp lí hơn.
* Qua bài viết này, tôi cũng xin có chút ý nghĩ về vài cách dùng từ ngữ của một số người. Câu "Kiên quyết không để dân bị thiếu đói" trong các bài báo chính luận thật không rõ nghĩa cho lắm. Tôi xin phân tích từ "thiếu" ở câu trên. Tiếng Việt có thiếu tiền, thiếu ăn, thiếu mặc. Vậy từ "thiếu" ở đây nghĩa là không có tiền, không có ăn, không có mặc. Vậy "thiếu đói" là không có đói. Không có đói thì còn gì để giải quyết. Câu "Kiên quyết không để dân bị thiếu đói" nên sửa lại "Kiên quyết không để dân bị đói"...
Phóng to |
Đến tranh ảnh tuyên truyền cổ động còn sai chính tả thế này... (Ảnh do bạn Nguyen Dinh Dong cung cấp) |
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bạn có ý kiến ra sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Xin cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận