![]() |
Đối với Việt Nam hiện nay, mục tiêu tối thượng của hệ thống tiền tệ phải là làm sao góp phần làm lành mạnh nền kinh tế thật và hệ thống đó phải hoàn toàn nằm trong khả năng quản lý, giám sát của nhà nước. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á - Ảnh: DNSGCT |
Trước hết tôi muốn bàn về hai thuật ngữ ít được nói đến nhưng xét ra rất quan trọng cho Việt Nam ở giai đọan hiện nay. Đó là nền kinh tế thật (real economy) và nền kinh tế tiền tệ (monetary economy). Để tránh hiểu lầm, “thật” ở đây không có nghĩa ngược lại với “giả” mà chỉ có nghĩa là “hiện vật”, “thực thể” như số thép sản xuất, số lúa gạo tiêu thụ, số hàng may mặc xuất khẩu, số lao động tham gia sản xuất, số lượng điện cung cấp...
Do đó, đối chiếu với kinh tế thật, kinh tế tiền tệ không có nghĩa là kinh tế giả tạo hay kinh tế ảo mà là nền kinh tế đã quy đổi ra tiền tệ mọi hàng hóa và dịch vụ theo giá trị trên thị trường. Tuy nhiên khi giá cả của bất động sản hoặc của chứng khoán bị nâng lên quá cao, vượt khỏi giá trị thực của đất đai, của nhà cửa, cao ốc hoặc giá trị thực của công ty thì trong trường hợp đó, kinh tế tiền tệ bao gồm cả ý nghĩa giả tạo. Nền kinh tế bong bóng là hiện tượng của một nền kinh tế giả tạo.
Dĩ nhiên, trên thực tế, trừ những nền kinh tế còn ở giai đoạn sơ khai, kinh tế tiền tệ đã trở thành phổ biến ở mọi nước. Tại những nước đang phát triển như Việt Nam, kinh tế tiền tệ ngày càng phát triển, đã lan rộng đến cả các vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, mục tiêu tối thượng của hệ thống tiền tệ vẫn là làm sao góp phần làm mạnh nền kinh tế thật và hệ thống đó phải hoàn toàn nằm trong khả năng quản lý, giám sát của nhà nước.
Để được như vậy, phải ưu tiên củng cố hệ thống ngân hàng, làm cho ngân hàng trở thành chỗ tin cậy và gần gũi với dân chúng là những người gửi tiết kiệm, là những nhà đầu tư. Phải tạo cơ chế để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với vốn mới có thể xúc tiến đầu tư phát triển, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng cường nền kinh tế thật. Mặt khác, thị truờng chứng khoán nên được phát triển từng bước vững chắc và lành mạnh.
Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc từ đầu thập niên 1990, Thái Lan không kịp chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu lên cao hơn để tránh cạnh tranh từ Trung Quốc, hoặc không kịp cải tiến công nghệ để tăng năng suất nhằm duy trì cạnh tranh trong cơ cấu cũ. Do xuất khẩu không tăng, cán cân thương mại ngày càng nhập siêu. Điều nầy vừa làm tăng nhập khẩu tư bản (nhất là tư bản ngắn hạn), vừa tạo tâm lý lo ngại giữa những nhà đầu tư nước ngoài về sự mất giá của đồng baht. Đây là trường hợp nền kinh tế thật suy yếu đưa đến bất ổn trong kinh tế tiền tệ. |
Lý luận nổi tiếng của David Ricardo về lợi thế so sánh của một nước là một ví dụ dựa trên phân tích một nền kinh tế thật. Trong thực tiễn, suy nghĩ kỹ ta cũng thấy “kinh tế thật” vẫn hiện diện rất rõ nét. Chẳng hạn, với thời gian lao động mỗi tuần, người công nhân ở khu công nghiệp ở TP.HCM vào tháng 10 năm nay mua được bao nhiêu cân gạo, bao nhiêu lít nước mắm, và so với tháng 10 năm ngoái lượng gạo, lượng nước mắm tăng giảm ra sao... là những ý niệm của một nền kinh tế thật rất thời sự hiện nay.
Mục tiêu của phát triển kinh tế là nâng cao mức sống của dân chúng. Dù kết quả của phát triển phản ảnh ở thu nhập tính bằng tiền, mức sống của dân chúng phải được xét trên sức mua của thu nhập bằng tiền ấy. Mức sống được nâng cao khi điều kiện về nhà ở, về ăn mặc, đi lại... được cải thiện so với trước, và đây là phạm trù của nền kinh tế thật.
Trường hợp ở nước ta hiện nay, cán cân thương mại vẫn nhập siêu lớn. Nguyên nhân chính một mặt là vì cơ cấu xuất khẩu không được cải thiện, vẫn còn tùy thuộc vào các mặt hàng dùng nhiều lao động giản đơn và ít giá trị gia tăng, mặt khác chậm thay thế nhập khẩu nhiều mặt hàng mà Việt Nam có tiềm năng trong lợi thế so sánh.
Để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, cải thiện cán cân thương mại, cần phải tăng năng lực cạnh tranh. Phải nâng đỡ hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (giúp tiếp cận với vốn, với công nghệ và thông tin về thị trường) để có khả năng liên kết với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài tạo thế liên hợp hàng dọc, và như vậy sẽ thay thế dần một cách hiệu quả các sản phẩm đang nhập khẩu. Phải nhanh chóng hiệu suất hóa các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm cung cấp đủ điện, nước và phương tiện lưu thông cho họat động sản xuất. Trong trung hạn, phải cung cấp đủ lao động lành nghề, các nguồn nhân lực có khả năng quản lý trung và cao cấp... Tất cả các mặt này đều thuộc lãnh vực của một nền kinh tế thật.
Trong tình hình kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới nói chung đang cuốn vào cơn lốc của nền kinh tế tiền tệ, Việt Nam cần quay về với nền kinh tế thật, dồn sức lực củng cố nền kinh tế thật. Đây là con đường để có phát triển ổn định, bền vững.
* Tin, bài liên quan:
100 ngày cứu nguy thế giới tài chínhSuy thoái kinh tế của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến thế giớiMỹ: Phố Wall có thể mất 36.000 việc làm do khủng hoảng tài chínhFED chi thêm tiền cho hệ thống ngân hàng MỹMỹ có thể chi 800 tỉ USD để giải cứu thị trườngBỏ phiếu dự luật giải cứu tài chính MỹĐịa chấn tài chính: Hạ viện Mỹ bác dự luật 700 tỉ USDThượng viện Mỹ thông qua dự luật ứng cứu tài chínhDự luật ứng cứu tài chính Mỹ: Thượng viện chờ hạ việnMỹ thông qua giải pháp 700 tỷ USD, chứng khoán vẫn sụt giảm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận