![]() |
Cần phải nhắc lại - chiếc thuyền rồng - nhà rường của ông Nguyễn Chơi không phải là mô hình của nhà rường Huế xưa. Kiến trúc được pha trộn theo kiểu thuyền và nhà rường Huế và nhà rường của Trung Quốc. Ngay cả đầu rồng trang trí cho thuyền cũng không phải là rồng triều Nguyễn hay hình con "gà cồ" như thường thấy ở các thuyền rồng trên sông Hương, mà là rồng của Trung Quốc.
Thuyền có phần trên được làm bằng gỗ kiền, gồm 3 gian, 24 cột; tiền đàn (phần trước của thuyền) gồm 1 gian, 2 chái. Mái thuyền lợp bằng tôn giả ngói lưu ly.
Trên thuyền trang trí các hình dơi, và tứ linh (long, ly, quy, phụng) sư tử, chữ "thọ" (chữ Hán), hệ thống đèn lồng được đặt từ Hội An. Sân khấu để phục vụ ca hát cũng được làm bằng gỗ kiền, "phông màn" là những chiếc án, tủ được trang trí theo phong cách xưa của Huế...
Đã có nhiều người, trong đó có cả giới nghiên cứu văn hoá cổ xúy cho việc làm và sản phẩm của ông Nguyễn Chơi.
Họ coi đó như là một sản phẩm văn hóa táo bạo, độc đáo và mới lạ, góp phần vào việc phát huy và bảo tồn vốn cổ, cũng như cứu vãn phần nào nạn "chảy máu" và hư hại của nhà rường Huế và nhất là trong bối cảnh du lịch và các sản phẩm du lịch truyền thống của Huế đã và đang trong tình trạng cũ kỹ, èo ọp.
Tuy nhiên, tại sao ông Nguyễn Chơi không tham khảo, học tập mô hình thuyền rồng thời Nguyễn (hiện đang trưng bày mô hình cũng như bản vẽ ở Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) mà lại đi góp nhặt từ thuyền, trộn lẫn giữa nhà Việt Nam và Trung Quốc để tạo thành một sản phẩm "lai tạp", mà chắc chắn khi hoàn thành, sẽ không ai tìm thấy được ở đó một dấu ấn hay là bản sắc văn hoá Huế thuần tuý?
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên, sự lai tạp về mặt kiến trúc rất phản cảm xuất hiện ở Huế. Ví như một nhà hàng, nhưng kiến trúc bên ngoài nhìn hao hao một ngôi chùa hoặc nhà thờ họ ở đường Trương Định.
Không thể trách tư duy của một người làm ăn, nhưng khi cấp phép đóng thuyền, ông Nguyễn Chơi đã không được những người có trách nhiệm của các cơ quan chức năng và ngành văn hoá định hướng phải là một sản phẩm như thế nào để phù hợp với sông Hương, với Huế.
Nếu đặt sản phẩm của ông Nguyễn Chơi vào hệ quy chiếu bảo tồn, phát triển, thì có thể xem đó là một sự thụt lùi, nếu không muốn nói là xuống cấp về văn hóa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận