Phóng to |
Ảnh: Đ.L.Q. |
* Thưa ông, ông đã biết quá rõ thực trạng phổ biến: quá nhiều di tích có vẻ đẹp tuyệt kỹ, sau trùng tu đã biến thành những đống vật liệu mới chết cứng. Theo ông, đâu là điều quan trọng phải tuân thủ trong trùng tu di tích?
- Trong việc trùng tu di tích cổ có nhiều quan điểm khác nhau. Hoặc giữ nguyên hiện trạng như nó đang có, kể cả bức tường nghiêng người ta cũng giữ nguyên như vậy sao cho khỏi đổ, giữ nguyên cả rêu phong và màu thời gian. Hoặc tháo ra xếp lại, cố gắng theo thiết kế ban đầu, có thể bổ sung vài chi tiết đã mất nhưng tuyệt đối phải chạm khắc và dùng chất liệu đúng thời đại của nó.
Nếu các di tích biến mất hoặc hiện đại hóa, chúng ta sẽ trở thành anh nông dân thất học và anh trọc phú lắm tiền |
Tất nhiên còn kể đến đã trùng tu di tích không được dùng đến nguyên vật liệu hiện đại, như sắt và ximăng. Các nhóm thợ chỉ muốn làm nhanh để còn làm việc khác, trong khi phục chế, trùng tu lại phải chậm. Sơn ta chỉ làm được vào mùa xuân ẩm ướt hoặc trời mưa, sơn Nhật thì làm được quanh năm, nên chả tội gì họ dùng sơn ta. Rất nhiều quy trình kỹ thuật bị bỏ qua trong việc trùng tu hiện nay.
* Các ngôi đền như đền Và, các đình, chùa, trong lịch sử tồn tại của mình, chúng đều ít nhiều được sửa sang hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc nhiều hoặc ít. Tham khảo trong tư liệu cũ, ông có thấy các di tích xưa kia có bị đồng loạt dỡ ra rồi dựng mới như hiện nay không?
- Xây dựng một công trình nghệ thuật đã khó, nhưng tháo dỡ một công trình còn khó hơn, tháo ra thế nào để còn lắp lại như cũ, chứ không phải phá đi thì quá dễ. Những đội thợ bây giờ có thể mới biết xây chứ chưa biết tháo nên đại bộ phận các công trình được trùng tu thường dẫn đến làm lại hoàn toàn. Việc đồng loạt bị dỡ ra rồi dựng mới chỉ có hiện nay làm, thời xưa không ai, không ở đâu trùng tu như vậy. Chưa kể tùy tiện thay đổi kết cấu, thêm bớt vào di tích như Lam Kinh chẳng hạn. Hoặc làm biến dạng hoàn toàn tinh thần một ngôi đình cổ như đình Tây Đằng, tháp Rùa.
* Chúng tôi xin hỏi một câu hỏi hoàn toàn cá nhân: nếu ông là người quản lý toàn bộ việc trùng tu tôn tạo di tích hiện nay, ông sẽ làm việc theo phương án nào?
- Tôi chỉ có vài suy nghĩ như thế này: 1. Cấp bằng khẩn trương công nhận mọi di tích cổ không cần xét duyệt, để tránh xâm hại. Đánh giá từng cấp độ hủy hoại của các di tích (đây phải là đề tài cấp nhà nước). 2. Mở trường đào tạo học nghề phục chế cho các tay thợ, chỉ học nghề mà thôi và thiết lập các cơ sở khoa học cho công tác phục chế. 3. Mời các nhà nghiên cứu nghệ thuật cổ làm cố vấn cho các công trình trùng tu, với quyền hạn chuyên môn. 4. Đề nghị toàn bộ các địa phương và sư tăng các chùa chiền tạm dừng sửa chữa, tô tượng và xây mới vào các di tích cổ, nếu không có chuyên gia giám sát. 5. Ngành du lịch khai thác lợi lộc rất nhiều từ các di tích cổ cần đóng góp kinh phí bảo tồn.
Phóng to |
Khu tường thành cổ xung quanh đền Và hiện bị phá một khúc lớn, đá cổ chỏng chơ, đơn vị thi công giải thích “phá để ôtô đi vào”! - Ảnh: Đ.L.Q. |
Sự phá hoại hợp pháp Tôi đã từng dùng cụm từ “vùng thiên nhiên đặc biệt” để nói đến một môi trường văn hóa xung quanh một di tích văn hóa hay một di sản thiên nhiên. Bởi đã hàng chục năm nay, có quá nhiều những vùng thiên nhiên đặc biệt như vậy đã bị chúng ta phá hủy. Và những gì đang xảy ra ở đền Và là một bằng chứng của sự phá hoại ấy. Hiện nay, ở nhiều thành phố và cả nông thôn, có những ngôi chùa hoặc những di tích văn hóa vô giá. Nhưng càng ngày những di tích văn hóa này càng bị phá hoại. Trước hết là sự phá hoại đối với một môi trường và cảnh quan xung quanh. Người ta tùy tiện cấp phép cho việc xây dựng những công trình dân sinh hoặc những khu thương mại áp sát các di tích văn hóa đến mức nào họ có thể. Bạn tôi là họa sĩ Lê Thiết Cương, một người quan tâm đặc biệt đến việc trùng tu hay phục chế ở các di tích văn hóa, từng gay gắt cảnh báo về sự phá hoại ngay trong chính những hành động gọi là “bảo tồn các di tích văn hóa”. Có không ít những ngôi đền, ngôi chùa được đầu tư rất nhiều tiền để tu sửa. Chủ trương chính sách của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng những người trực tiếp thực thi chính sách ấy đã gây nên những sai lầm nghiêm trọng. Nó biến những di sản văn hóa lâu đời thành những mặt hàng Mỹ Ký. Có những nơi, người ta đào tất cả những viên gạch lát nền có hàng trăm hay hàng ngàn năm tuổi của ngôi đền hay ngôi chùa chỉ vì có một số viên gạch đã hỏng và chỉ vì họ phải “giải ngân” và thay vào đó là những viên gạch thời mới sáng bóng như gạch men. Tôi đã từng biết một nhóm tư vấn trùng tu một ngôi đình. Nhóm này nhận luôn việc thầu tốp thợ trùng tu. Chính vì những lợi ích vật chất của mình mà nhóm này đã “tư vấn” như phá ngôi đình đó đi. Lẽ ra chỉ thay một vài trăm viên ngói thì họ bắt thay cả mái đình bằng một loại ngói lợp nhà thông thường. Lẽ ra phải dùng sơn ta để “sơn son thếp vàng” lại những tượng Phật hay những đồ thờ khác trong đình thì họ dùng “sơn tây” cho rẻ công. Lẽ ra phải làm lại từng viên gạch cho đúng kích cỡ, đúng màu... thì họ cứ điềm nhiên mua ào ào loại gạch lát nhà sản xuất theo công nghệ hiện đại... Người dân cứ tưởng các di tích văn hóa ở địa phương họ đang được bảo vệ. Nhưng họ đâu biết rằng những di sản vô giá đó đang bị phá hoại. Sự phá hoại này xuất phát từ hai nguyên nhân chính: thiếu hiểu biết và vô lương tâm với những di sản của tổ tiên, ông bà trong khi chúng ta có không ít chuyên gia có chuyên môn cao và lương tâm. Nhưng nhiều người trong số họ lại không được sử dụng cho công việc bảo vệ những di sản văn hóa đang ngày càng bị phá hủy. |
......................
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện: Xin đừng “ăn gỏi” di tích!
Đọc bài viết trên Tuổi Trẻ, tôi bức xúc nhất là cách trả lời của những người làm công tác tu bổ di tích đền Và. Họ không biết cái gì là cái mới, cái cũ, không biết niên đại của di tích nó ra làm sao thì làm sao họ “sửa” được đền thiêng của chúng tôi, của tất cả chúng ta, của muôn đời con cháu? Vậy mà họ đã sửa, họ đã phá cả bức tường thành.
Tòa tường thành đá ong cao 3m đó là một sáng tạo của người dân vùng đồi đá ong (về sau thành Sơn Tây cũng làm theo cách ấy). Tường thành quây kín khu vực đền Và, chỉ trừ khu vực có nghi môn (cổng). Khi đóng cửa nghi môn, đền trở thành một nơi khép kín thâm nghiêm. Trùng tu phá tường thành như vậy có nghĩa là “ăn sống nuốt tươi”, là “ăn gỏi” di tích.
Còn gác chuông, gác trống... nó chưa hề hỏng, tôi biết rất rõ điều đó. Tôi khẳng định là không hề hỏng. Mà hơn thế, nguyên tắc của việc bảo tồn bảo tàng là hỏng đâu thì sửa đấy. Nếu nó hỏng cấu kiện nào, thì sửa cái đó thôi, chứ không thể dỡ tất cả ra làm lại như vậy. Như người bị hoại tử chân hoặc ngón tay thì cắt sửa chỗ ấy để cứu người ta thôi, chứ ai lại giết cả con người ấy đi. Toàn bộ khu vực đền Và chưa có gì hỏng đến mức cần phải dỡ hoàn toàn ra cả!
Cần phải thẩm định sự xuống cấp, mức độ sửa chữa của di tích, phải thám sát khảo cổ khu vực đền Và trước khi trùng tu, đào đất đá trong nền đền đổ đi, bởi theo tương truyền và theo thư tịch cổ, đền có từ thế kỷ 7, rất nhiều lớp lang văn hóa đã ngưng đọng dưới đó... Đừng để như chùa Phật Tích (Bắc Ninh), khi vỡ lở ra vụ trùng tu “cẩu thả” phải đình chỉ thi công lòi ra một sự thật: sư trụ trì cùng ông giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch địa phương có nói thám sát rồi mới “tiến hành trùng tu”, nhưng thật ra không có cuộc thám sát nào trừ cuộc đào thám sát từ trước Cách mạng Tháng Tám do một người nước ngoài tiến hành!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận