17/06/2016 16:32 GMT+7

Dùng điện ảnh lật mở thân phận 20.000 người Việt sang Pháp

NHO QUÂN
NHO QUÂN

TTO - Trong bộ phim “Công binh”, đạo diễn Lê Lâm giúp người xem hiểu hơn về số phận những người Việt Nam sang Pháp trong Thế chiến thứ hai.

Hình ảnh trong phim “Công binh”
Hình ảnh trong phim Công binh - Ảnh tư liệu

Công binh là phim tài liệu của đạo diễn Pháp gốc Việt Lê Lâm. Trong buổi chiếu phim chiều tối ngày 16/6 tại Hà Nội, vị đạo diễn gốc Hà Nội mắt đỏ hoe nhìn khắp khán phòng chật kín người xem - phần đông là người trẻ.

Sở dĩ Lê Lâm cảm động bởi mục đích của ông khi làm bộ phim này là để thế hệ trẻ hôm nay hiểu về cha ông họ - những người Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp những năm 1939.

Bằng ngôn ngữ điện ảnh, Lê Lâm thể hiện rõ thông điệp ấy trong suốt 116 phút dung lượng phim.

Một cảnh trong phim Công binh - Ảnh tư liệu

Câu chuyện của những người cha

Ngay từ mở đầu phim, câu trích dẫn mang hàm ý “Lịch sử là sự lật mở của người con về cuộc sống người cha” được đưa lên như một gợi mở cho khán giả xem phim. Và cả bộ phim là một cuộc lật mở lịch sử như thế.

Phim bắt đầu bằng những hình ảnh của thời hiện tại. Một thanh niên ở Nam bộ mở trang báo Tuổi Trẻ, anh chỉ vào tấm hình tư liệu trong bài báo và nói với anh em của mình: “Này, hình ông già trên báo này”. 

Trên đường phố Paris, một thanh niên khác lái ô tô, khuôn mặt đầy ưu tư như đang muốn lý giải căn cước của mình. Một thiếu nữ Pháp gốc Việt chậm rãi lật mở những trang sách về chủ nghĩa thực dân như: Những người đau khổ trên trái đất (Franz Fanon), Diễn văn của chủ nghĩa thực dân (Aime Cesaire). Tất cả họ đều là con cháu của những người Việt Nam sang Pháp năm 1939. 

Họ hầu như không hiểu gì về cha ông mình, cho tới khi chính những người bị đưa sang Pháp năm nào lên tiếng.

Poster phim Công binh
Poster phim Công binh - Ảnh tư liệu

Phần lớn dung lượng phim là sự trải lòng của 20 nhân vật, 10 người đang sống ở Việt Nam, 10 người sống ở Pháp. Qua lời kể của, một trang trong lịch sử nước Pháp tưởng chừng bị che mờ, đã hiện hữu rõ nét.

Họ là 20 trong 20.000 người Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp trước Thế chiến thứ hai. Họ sang Pháp thay thế công nhân sản xuất vũ khí, bị hiểu lầm là lính đánh thuê nên bị quân đội Hitler hành hạ, bóc lột.

Do là những công nhân làm việc theo kỷ luật nhà binh, nên họ được gọi là “công binh”. Sống trên đất Pháp giữa chế độ thực dân mà lòng họ vẫn luôn nhớ về Việt Nam. Họ góp công, góp sức ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những năm 1950 - 1952, một số người về nước, một số người ở lại. Một số người hồi hương phấn đấu có cuộc sống bình thường, nhưng một số bị mang điều tiếng là “đi lính cho Pháp”.

Những người ở lại Pháp cũng không có chút gì vinh quang. Họ rơi vào quên lãng, đến con cháu mình cũng không hiểu nổi trước đây cha ông là người như thế nào.

Xen kẽ những lời kể của các công binh năm xưa là hình ảnh trò rối nước. Đạo diễn Lê Lâm sáng tạo nên 14 con rối nước để dẫn chuyện giúp người xem hiểu hơn về bối cảnh lịch sử. Âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý trong phim với những ca từ như “Em sinh ra lạc thời” gieo vào lòng người xem những bâng khuâng về một thế hệ chịu nhiều đau khổ mà chỉ biết đổ tại thời thế.

Đạo diễn Lê Lâm và nhà sử học Dương Trung Quốc trong tọa đàm sau buổi chiếu phim - Ảnh: Nho Quân
Đạo diễn Lê Lâm và nhà sử học Dương Trung Quốc trong tọa đàm sau buổi chiếu phim - Ảnh: Nho Quân

 

Sự lật mở lịch sử của con cháu

Có mặt tại buổi chiếu phim, một số người là con cháu của các công binh không giấu nổi xúc động. Từ Tứ Kỳ (Hải Dương), chị Nguyễn Thị Hải tới buổi xem phim. Nước mắt giàn giụa trên khuôn mắt người phụ nữ khi xem những thước phim về cha mình - cụ Nguyễn Huy Cương - một công binh đã trở về Việt Nam.

Chị Hải tâm sự trước đây vẫn nghe cha kể từng có lúc sang Pháp, nhưng chỉ khi xem phim thì gia đình con cháu mới hiểu được cha ông mình phải trải qua những đau thương, vất vả như nào.

Anh Nam - một người cháu của công binh - tự động bắt máy bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội khi biết có buổi chiếu phim. Anh kể trong bao năm qua mình luôn đau đáu tìm lại di cốt của ông nội tại Pháp. Câu chuyện đi tìm thông tin ông nội của anh Nam khiến cả khán phòng xúc động.

Cho tới nay, anh Nam tìm được nơi an nghỉ của ông nội nhưng vẫn phải cầu cứu các cơ quan chức năng Pháp để đưa được hài cốt của ông nội anh hồi cố hương.

Không chỉ có thế hệ sau tại Việt Nam, con cháu công binh trên đất Pháp cũng có những cuộc tìm hiểu nguồn cội tương tự. Đạo diễn Lê Lâm kể, trong khoảng 100 buổi đi chiếu phim tọa đàm khắp nước Pháp, ông xúc động khi gặp một phụ nữ 60 tuổi. Bà nói rằng đã đi xem phim Công binh bốn lần, cứ địa phương nào chiếu là bà tới để xem.

Bà vốn là con của một công binh mà không hiểu gì về cha mình. Sinh ra lớn lên trên đất Pháp, chỉ tới khi được xem phim của Lê Lâm, bà mới hiểu rõ về cha, để rồi giải thích cho con cháu của bà về nguồn cội.

Đạo diễn Lê Lâm trước buổi chiếu phim tại Hà Nội - Ảnh: Nho Quân
Đạo diễn Lê Lâm trước buổi chiếu phim tại Hà Nội - Ảnh: Nho Quân

Tham dự buổi tọa đàm ngay sau buổi chiếu phim, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định Công binh là một bằng chứng lịch sử đã lùi vào 80 năm, khi mà phần lớn các nhân chứng lịch sử không còn nữa.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói: “Những nhà hoạt động nghệ thuật, nhất là điện ảnh, đã sử dụng vũ khí quan trọng là ngôn ngữ nghệ thuật để trở lại vấn đề quá khứ một cách sắc sảo, thuyết phục”.

Theo nhà sử học, bộ phim không chỉ nói về trách nhiệm của nước Pháp với một trang lịch sử từng bị lãng quên của họ, mà còn đặt ra trách nhiệm với các nhà sử học trong nước. Ông Dương Trung Quốc tin rằng những vấn đề của lịch sử nhất định phải giải quyết trong thời gian tới, cho chính những thế hệ hôm nay và mai sau.

NHO QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên