![]() |
Từ trái qua: TS Đinh Phương Duy, bạn Nguyễn Thị Kim Xuyến, thầy Trần Tuấn Anh và ca sĩ Chí Thiện trao đổi tại bàn tròn trực tuyến sáng 20-3 - Ảnh: M.Đức |
Chưa thể khẳng định "bạo lực học đường" gia tăng
Trung tá Nguyễn Văn Tráng (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an) cho biết thống kê về tình hình tội phạm cố ý gây thương tích cho trẻ em và người chưa thành niên phạm tội cố ý gây thương tích của năm 2009 cho thấy số vụ đều giảm. Riêng nạn bạo lực học đường không có chiều hướng tăng so với những năm trước mà chỉ xảy ra một số vụ học sinh mâu thuẫn bột phát rồi đánh nhau gây thương tích, được đăng lên mạng nên tạo ra những phản cảm với xã hội.
Vậy tại sao các sự kiện này chỉ mới rộ lên và gây sự chú ý, thảng thốt từ xã hội thời gian gần đây? Lý giải điều này, ca sĩ Chí Thiện cho rằng có thể xuất phát từ việc giới trẻ hiện nay tiếp cận, sử dụng công nghệ nhiều hơn hẳn trước đây.
Việc đánh giá hạnh kiểm của học sinh hiện nay khiến tiến sĩ tâm lý Ðinh Phương Duy (chủ tịch Hội Khoa học - tâm lý TP.HCM) và thầy Trần Tuấn Anh (giáo viên môn giáo dục công dân Trường THCS Bạch Ðằng, Q.3, TP.HCM) băn khoăn. Tiến sĩ Ðinh Phương Duy cho rằng năng lực học tập và hạnh kiểm của học sinh nên được đánh giá độc lập để đem lại sự công bằng cho những học sinh ngoan nhưng năng lực học tập không được tốt. Nếu chúng ta cứ quy định "học sinh trung bình thì hạnh kiểm không được xếp loại tốt" là vô tình phủ nhận sự nỗ lực, cố gắng và giá trị thật của các em.
* Nếu xảy ra tình huống đánh nhau trước mắt mình hoặc nghe bạn bè đồn đoán sắp có vụ đánh nhau, bạn sẽ làm gì? - Nguyễn Thị Kim Xuyến (HS lớp 11A9 Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, Q.3, TP.HCM): Tôi có nhiều biện pháp lắm. Chẳng hạn như báo với thầy, cô giám thị, can thiệp vào vụ đánh và khuyên các bạn ngồi xuống, bình tĩnh, ăn miếng bánh, uống miếng nước, có chuyện gì từ từ nói. Nếu nghe bạn bè đồn sắp có đánh nhau thì xác nhận lời đồn trước. Nếu tin đồn đúng, tôi sẽ gặp trước từng bạn để khuyên nên giải quyết bằng lời nói thay vì hành động. |
Thầy Duy cũng chia sẻ những học sinh hay đánh lộn, học dở thường rất khao khát được chia sẻ, thông cảm, thương yêu. Vì vậy nên chăng có sự thay đổi trong cách đánh giá hạnh kiểm, điểm môn đạo đức của học sinh theo hướng chân thực, gần gũi hơn.
Cần sự cộng hưởng từ nhiều phía
Các khách mời giao lưu và nhiều bạn đọc đã gặp nhau ở quan điểm trách nhiệm giáo dục học sinh thuộc về cả nhà trường, gia đình và xã hội. Theo thầy Trần Tuấn Anh nên tăng cường các hoạt động ngoại khóa để giáo dục đạo đức các em một cách sinh động nhất. Thầy cho biết: "Hiện nay trường chúng tôi, hằng tuần luân phiên tổ chức cho các lớp đi thăm trẻ mồ côi, khuyết tật".
Trong vai trò tổ chức "người bạn của thanh niên", tiến sĩ Vũ Thanh Mai - phó trưởng ban thanh niên trường học Trung ương Ðoàn - cho biết: "Chương trình hành động của Ðoàn luôn đặt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh thiếu niên là nhiệm vụ hàng đầu và thường xuyên. Ðoàn thanh niên luôn có nhiều phong trào, môi trường lành mạnh cho thanh thiếu niên, học sinh sinh hoạt, hướng các em đến những giá trị chân, thiện, mỹ, tránh xa các hoạt động thiếu lành mạnh. Như vậy bạo lực học đường được ngăn chặn từ đầu khi chưa hình thành, chứ không phải để khi xảy ra vụ việc cụ thể mới tìm cách xử lý, lúc đó bị xem là mang tính đối phó".
Theo tiến sĩ Thanh Mai, nơi nào có thanh niên vi phạm thì nơi đó tổ chức đoàn, Hội chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Môi trường sinh hoạt, hoạt động của tổ chức đoàn, hội ở đó chưa thật sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của thanh thiếu niên, chưa tổ chức tốt, hiệu quả các hoạt động rèn luyện kỹ năng ứng xử văn hóa, phòng ngừa bạo lực trong thanh thiếu niên.
Học sinh cũng cần có trách nhiệm với bản thân. Ðó là quan điểm của thầy Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch Hội Khoa học - tâm lý giáo dục Hà Nội: "Nguyên lý giáo dục muốn thành công là phải biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Trường THPT Ðinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chúng tôi luôn cố gắng đề cao phương pháp giáo dục nhân cách được hình thành không phải bằng những điều nghe và nói, mà phụ thuộc vào nỗ lực hành động của mỗi cá nhân".
Sự cộng hưởng trong giáo dục đạo đức học sinh giữa gia đình - nhà trường - xã hội và bản thân học sinh đang nhịp nhàng đến đâu vẫn là trăn trở của nhiều người qua nhiều câu hỏi bạn đọc đặt ra tại buổi giao lưu. Trong đó, nhiều người lên tiếng cảnh báo đừng để bạn trẻ tự mình dò dẫm chứng tỏ cái tôi, chứng tỏ mình đang lớn...
6 vụ đánh “hội đồng” trong 9 ngày 1 - Ngày 10-3-2010, cộng đồng mạng xôn xao vì đoạn phim một nữ sinh bị đánh “hội đồng” rất dã man ở một vườn hoa ngay giữa Hà Nội nhưng không ai can ngăn. Sau khi dư luận lên tiếng, Sở Giáo dục - đào tạo và Công an TP Hà Nội vào cuộc, đến ngày 15-3 đã có kết quả điều tra. Cơ quan công an xác định vụ việc bắt nguồn chỉ vì cái giẫm chân trong giờ ra chơi. Có đến 10 cá nhân liên quan vụ việc, trong đó chủ yếu là học sinh lớp 10, 11. 2 - Ngày 15-3, một đoạn phim mới xuất hiện trên mạng quay cảnh một nữ sinh bị đánh “hội đồng” và lột áo dài gần 4 phút. Có ba cô gái trực tiếp thay phiên nhau đánh với gần 10 thanh niên khác đứng xung quanh. 3 - Ngày 17-3, tại Bình Dương xôn xao đoạn phim quay bằng điện thoại cảnh bốn học sinh nữ cùng nhảy vào xé áo, kéo tóc, ném dép vào người rồi đạp và tát vào mặt một học sinh nữ khác. Sự việc được thầy hiệu trưởng Trường THPT Bình Phú (thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương) xác định diễn ra ở trường này. 4 - Trưa 17-3 ở cổng Trường cấp III dân lập Victoria Hoàng Diệu (Hà Nội), hai thanh niên bất ngờ rút dao giấu trong áo chém tới tấp làm học sinh N.M.T. (lớp 11D6 trường này) nhập viện. 5 - Chiều 18-3, em N.T.T.L., học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Bội Châu, TP Pleiku (Gia Lai), bị một nhóm học sinh đánh ở cổng trường. Nhóm học sinh sau đó chở L. vào rừng thông rồi quay lại đánh tiếp N.T.T.H.. Đến tối cùng ngày, nhóm học sinh trên mới chở em L. về nhà. 6 - Ngày 19-3, tin từ Gia Lai cho biết chiều 13-3, thấy bạn cùng phòng trong ký túc xá bị đánh, L.V.L. (học sinh lớp 8) vào can ngăn và xảy ra xô xát với U.G.S. (lớp 7). Sau đó L. đã đến nhận lỗi với S.. Khoảng 11g30 ngày 14-3, S. cùng hai học sinh T.T.H. và L.B.H. tìm đến phòng của L. ở ký túc xá để đánh “hội đồng”. Hậu quả L. bị tụ máu dưới da đầu và đa chấn thương phần mềm (theo kết luận của bệnh viện). |
______________
* Tin bài liên quan:
Lại thêm video clip "nữ sinh đánh nhau" gây xôn xaoNữ sinh đánh bạn, quay phim chuyền tay nhauVụ nữ sinh bị đánh hội đồng tại Hà Nội: công an đã tìm ra clip gốcYêu cầu các sở GD - ĐT ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học sinhClip nữ sinh bị đánh “hội đồng”: Công an đã xác định 2 học sinh ngồi xemSự thờ ơ dung dưỡng cho cái xấuVụ clip nữ sinh bị đánh hội đồng: Đã xác định 10 cá nhân liên quanVụ clip "nữ sinh đánh nhau": chỉ vì mâu thuẫn nhỏ!Vụ nữ sinh trong đoạn phim bị đánh “hội đồng”: Cảnh cáo, hạ hạnh kiểmSự vô cảm đang tăng lên?Người lớn vô cảm, người trẻ bắt chướcBáo động bạo lực học đường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận