![]() |
Minh họa: Nguyễn Thị Xuân Hiền |
Tôi quen nàng vào một ngày mưa như trút giữa mùa mưa ngâu. Mùa ngâu năm ấy, mưa nhiều đến lạ. Mưa đến thối đất thối cát, đến bồn chồn cả ruột gan và nhức nhối lòng người. Chiếc điện thoại đổ chuông khi tôi đang nằm ườn đọc một truyện ngôn tình cũ rích in từ nhiều năm trước. Đầu dây bên kia, giọng nói rụt rè:
- Chị cho em làm quen được không ạ?
- Em là....
- Em là người nghe trên đài phát thanh bài viết của chị. Vì thấy hay quá nên em gọi đến đài, xin họ số điện thoại của chị. Em ghi âm lại trong điện thoại, nghe đi nghe lại, lần nào em cũng khóc.
Giây phút ấy trong tôi lặng đi khi Bích tự giới thiệu, Bích là người khiếm thị, một người dẫn chương trình trong đoàn hát tình thương. Trong đôi mắt em chỉ có một màu đen loang loáng phủ lên vạn vật. Không cần để tôi tò mò hỏi han, em tự kể. Em là người Mường, sống ở một bản vùng xa ở Hòa Bình. Năm lên lớp bốn, không hiểu sao mắt trái em bỗng đỏ hoe. Nghèo, lạc hậu, gia đình đắp cho em thứ bùa xin được ở nhà thầy mo của bản. Mắt phải - chỗ đắp lá bùa theo mẹo bị nổ con ngươi. Con mắt trong veo của em hóa thành màu đùng đục, không còn rõ lòng đen và lòng trắng. Con mắt còn lại, con mắt đau chỉ mấy ngày sau đã nhập nhoạng sáng tối, không còn phân biệt được đêm với ngày. Đến lúc em được đưa đến bệnh viện, em đã bị mù vĩnh viễn. Em khóc khi nghe đài phát thanh đọc bài viết của tôi, bởi tình cờ bài đầu tiên em nghe tôi viết lại lá thư động viên Trần Ngọc Anh - một cậu bạn mới quen cũng là người khiếm thị.
Cuộc điện thoại với Bích kéo dài, chủ yếu em là người nói, tôi là người nghe. Em hồn nhiên như con suối cạn lâu ngày đón nhận dòng nước, khao khát được tâm sự. Em cứ cười, cứ nói, không cần biết người bên kia có nghe không, em cũng thỏa nỗi lòng. Em đã kể với tôi về nàng, Ái - một người em mới quen cũng bằng cách em làm giống như với tôi. Nhưng điều khiến tôi trăn trở mãi là bởi vì câu Bích nói: “Hai chị có cách viết và nhiều câu giống nhau quá, em tưởng hai chị là một”. Em bảo, Ái cũng viết cho một người bạn khiếm thị tên là Trần Thị Ngọc Anh (chỉ khác giới tính và chữ Thị). Bất ngờ và tò mò, tôi xin số điện thoại và gọi cho Ái. Ngoài trời, đêm vẫn tối mịt mùng và mưa vẫn rả rích rơi.
Choáng ngợp. Đó là cảm giác đầu tiên khi tôi nói chuyện với Ái. Cái cách nhấc máy "Dạ, alô ạ" với âm điệu y như sao chép nguyên bản của tôi khiến tôi giật mình. Chúng tôi trở thành bạn tâm giao nhanh hơn tôi có thể tưởng tượng được về một tình bạn gắn bó bền chặt. Tôi tránh không nói với Ái rằng mình bệnh nặng, chỉ nằm liệt giường vì một khối u chèn ép tủy sống ba năm về trước. Đầu dây bên kia, cũng chỉ có thời gian và sự chân thành mới khám phá dần dần ra điều Ái không định giấu nhưng không hề kể. Chẳng khác lắm với tôi, các khớp của Ái khô cứng, mất dần cảm giác và vận động từ năm Ái học lớp sáu. Giống như tôi, chiếc máy tính đặt bên cạnh giường, một bên là sổ thơ và bút, một bên là chiếc đài bán dẫn với chiếc ăngten cố kéo dài mà không bắt nổi nhịp sống bên ngoài, sinh hoạt của Ái cũng quẩn quanh trên chiếc giường nhỏ với lời tuyên bố vô vọng của bác sĩ. Định mệnh đã không chỉ cho chúng tôi gặp nhau mà còn ban cho hai chúng tôi một số phận gần như sinh đôi và hai tâm hồn đồng điệu đến khó tin. Những cuộc điện thoại đường dài, hai chúng tôi không bao giờ đếm xuể những câu "tớ cũng thế". Và cũng như tôi, Ái cũng yêu, vô vọng.
Những ngày mùa đông đến gần, nghe rét mướt luồn về trong gió sau mùa mưa ngâu rả rích, cuộn mình trong chăn trong cái dáng gầy gò thẳng đuột, không thể co ro vì bất động đôi chân, tôi và Ái rủ nhau đan len như những gì chúng tôi vẫn thường cùng làm trong xa cách suốt mấy tháng quen nhau. Ái nói Ái chọn khăn màu xanh, màu của hi vọng. Còn tôi, tôi chọn khăn màu cam, màu của lửa cháy. Tôi không nói cho Ái nghe, khăn tôi đan để dành cho một người con trai xa xứ mà tôi thầm thương từ ngày học cấp ba. Bằng đôi bàn tay yếu ớt, cả hai chúng tôi đều không đan khăn cho mình.
Khi tôi còn đang dang dở với chiếc khăn len màu lửa cháy mới dài được một nửa, Ái đã khoe mình sắp móc xong cả giày, bao tay và mũ.
- Gì mà như bắn tốc độ thế hả nàng? Đã lập đông đâu.
- Hihi. Người ta thức thâu đêm để làm cho xong mà lại. Phải gửi tặng gấp cho kịp.
- Ai? Anh ấy?
- Không. Con anh ấy. Chị ấy gọi điện khoe là sắp sinh cháu rồi.
- Bao giờ?
- Chắc cuối tháng này.
- Không phải chuyện đó. Chị ấy gọi điện bao giờ? À không, anh ấy cưới bao giờ?
- Hai năm rồi...
- Lúc nào, cậu cũng chỉ nói anh ấy ở xa...
- Thì cậu cũng chỉ nói người yêu cậu ở xa....
Ái làm tôi hẫng lại. Chiếc kim đan trên tay lỏng ra. Cuộn len màu lửa lăn tròn xuống đất thành một đường dài. Trong tôi rối bời những nghĩ suy và cảm xúc. Cả những thảng thốt và bất ngờ.
Bích gọi điện báo với tôi rằng em sắp lấy chồng, một người mắt sáng. Bích bảo, Ái còn chưa biết tin. Lo cho em nhưng cũng thật mừng cho em. Điện thoại của Bích vừa cúp thì chuông điện thoại lại reo, màn hình hiện tên người gọi là Ái. Đầu dây bên kia, tôi nghe Ái nhoẻn miệng cười khô khốc:
- Xong rồi nàng ạ.
- Cái gì xong cơ?
- Tặng xong, trao xong, yêu thương xong, hết tất cả... Bây giờ là mãn nguyện.
- Tại sao lại thế?
- Chị ấy chê móc sai vài chỗ, kiểu dáng quê mùa.
- Anh ấy thì sao?
- Anh ấy kể lại rằng, chị ấy tháo ra để lấy len làm tua rua cho cái khăn len mua cho anh ấy.
Tôi ngập ngừng nhìn chiếc khăn len màu lửa cháy đã chiết đến mũi cuối cùng. Trời vẫn chưa lập đông. Vài mũi len vụng về từ bàn tay còn khó khăn trong cử động. Tôi nghĩ đến những chiếc khăn len rực rỡ dệt bằng máy và người dưng nơi xứ người chưa một lần nào cất tiếng hỏi thăm mình. Nắm chắc điện thoại, tôi nói dứt khoát:
- Gửi cho tớ địa chỉ của cậu. Địa chỉ chính xác mà nhận được bưu phẩm ấy.
Lúc ấy, tôi hiểu rằng Ái cũng suy nghĩ như tôi và bắt đầu ngầm quy định rằng đừng bao giờ đan khăn, áo cho người dưng. Người dưng không bao giờ cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay của người đan nó.
Áo Trắng số 22 ra ngày 1/12/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận