Em đi khám ở một bệnh viện, họ khám rất qua quýt và bảo nó giống như bị “nhiệt”, chỉ cần uống nước ít hơn. Họ bảo em bị cận 0.5 diop và hỏi có thích đeo kính không? Em thấy thật lạ khi bác sĩ bảo vậy. Em thấy mình vẫn nhìn tương đối tốt nên chọn phương án không đeo kính. Hiện nay những dấu hiệu đó không còn.
Cách đây gần một năm, em phát hiện mắt mình nhìn vào vật gì cũng có đốm đen. Sau khi đọc một tài liệu biết rằng đó là dấu hiệu ruồi bay của bệnh đục thủy tinh thể, em đã đi khám tại Viện 103 và được biết mình bị đục thủy tinh thể. Bác sĩ kê đơn cho một vài loại thuốc. Em không mua vì cô bán thuốc bảo rằng bệnh này không chữa khỏi được. Em rất lo lắng khi không dùng thuốc.
Em muốn hỏi có nên mua thuốc điều trị không và bao giờ có thể mổ? Em cũng muốn hỏi nguyên nhân bị bệnh vì em chỉ mới 25 tuổi. Em hi vọng bác sĩ sẽ trả lời sớm. Xin cảm ơn!
Nga
- Trả lời của Phòng mạch online:
Thủy tinh thể là một bộ phận của nhãn cầu, là một thấu kính hai mặt lồi, trong suốt, dày 4mm, rộng 9mm, được bao bởi một màng bán thấm đối với nước và chất điện giải. Thủy tinh thể có chức năng điều tiết để vật thể bên ngoài mắt dù gần hay xa cũng đều có ảnh xuất hiện trên võng mạc.
Thủy tinh thể có cấu tạo chủ yếu từ nước và protein. Một số loại protein chuyên biệt bên trong thủy tinh thể chịu trách nhiệm giữ cho nó được trong sáng. Sau nhiều năm, cấu trúc của các protein này bị thay đổi cuối cùng làm cho thủy tinh thể bị đục dần.
Cũng có một số rất ít trường hợp đục thủy tinh thể xuất hiện ngay khi sinh hoặc trong những năm đầu đời do sự thiếu sót enzyme mang tính di truyền, những chấn thương nặng nề của mắt, phẫu thuật mắt hoặc viêm bên trong mắt cũng có thể gây đục thủy tinh thể khi còn trẻ tuổi. Thủy tinh thể bị đục cũng giống như tấm kính bị mờ không nhìn rõ được bên ngoài. Nếu bị đục hoàn toàn, hình ảnh sẽ không vào được võng mạc, gây mù.
Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể là thiếu oxy, tăng lượng nước quanh màng bán thấm, giảm protein. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm: tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều, đi ra nắng giữa trưa, ánh sáng nhân tạo (đèn pha sân khấu, trường quay phim, đèn cao áp...), tiếp xúc với virus, vi trùng, chất độc của môi trường, khói (thuốc lá, máy xe, nhà máy...). Sự tiếp xúc này sẽ làm tổn thương tiềm tàng thành phần protein của thủy tinh thể, làm mất dần protein và dẫn đến đục.
Chế độ dinh dưỡng có liên quan mật thiết với sự hình thành đục thủy tinh thể. Người bị đục thủy tinh thể có khuynh hướng thiếu vitamine C, đồng, mangan, kẽm. Beta-carotene. Những yếu tố này được gọi là “chất chống oxy hóa” giúp “dọn dẹp” các gốc tự do - một tác nhân gây tổn hại mắt, bảo vệ mắt không bị những tổn thương liên quan đến ánh sáng. Còn taurin là một acid amin chính trong thủy tinh thể, có khả năng làm chậm sự khởi phát của bệnh.
Ở ta còn có nguyên nhân do sử dụng thuốc không đúng. Glucocorticoid (như prednisolon, dexamethsone...) là nhóm thuốc thường gặp nhất gây đục thủy tinh thể (vụ này liên quan đến chuyện bán thuốc mà tôi hay dùng cụm từ “thuốc liều lĩnh”, cứ ra hiệu thuốc, người bán chia ra từng gói dặn uống mà không cần biết đó là thuốc gì). Tai biến này có thể xảy ra với cả đường uống, đường tiêm truyền và nhỏ mắt của glucocorticoid, thường sau một quá trình dùng thuốc kéo dài. Một số thuốc khác như busulfan, nitrogen mustards, isotretinoin và phenytoin cũng được ghi nhận có thể gây đục thủy tinh thể.
Đối với những thay đổi do đục thủy tinh thể ở giai đoạn sớm, sức nhìn có thể được cải thiện bằng cách thay kính, dùng kính phóng đại, hoặc tăng độ sáng của đèn mỗi khi cần thực hiện những việc phải quan sát kỹ. Cuối cùng, bệnh sẽ tiến triển đến mức chỉ còn cách can thiệp hiệu quả duy nhất là phẫu thuật. Quyết định phẫu thuật phụ thuộc chủ yếu vào mức độ giới hạn thị lực mà bệnh nhân cảm thấy.
Trường hợp của bạn có thể trước đây những nhiễm khuẩn ở mắt đã bị bạn mua thuốc có chứa corticoid về nhỏ nhiều lần mà không đi khám cẩn thận. Cũng có thể khói, bụi, ánh nắng như một tác nhân làm thoái hóa thủy tinh thể. Chính thoái hóa từng phần đã gây nên tình trạng bạn nhìn thấy những đốm đen. Bây giờ ra đường bạn phải đeo kính râm để tránh nắng, bụi.
Thức ăn nên dùng những loại có tác dụng chống oxy hóa. Chúng gồm: cam, chanh, bưởi cung cấp vitamin C, gấc, cà chua, đu đủ, những trái có màu đỏ hoặc cam cung cấp vitamin A, giá đậu xanh cung cấp vitamin E. Các chất chống oxy hóa sẽ làm cho tình trạng tổn thương (đục thủy tinh thể) ngừng lại chứ không thể phục hồi.
Có thể những điều này chưa làm bạn thỏa mãn. Nếu còn điều gì thắc mắc xin cứ gửi thư tôi sẽ giải đáp cho bạn. Còn chuyện ở bệnh viện tôi xin chia sẻ với bạn có bạn sĩ tận tụy, có người hững hờ.
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn. B.CHÂU thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận