![]() |
Ảnh minh họa |
Nếu tennis được coi là môn thể thao VIP dành cho các “sếp” và giới trung niên thì cầu lông hiện đang là môn thể thao thu hút rất nhiều bạn trẻ. Có dịp đến các nhà thi đấu có sân dành cho môn cầu lông, bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng đều khó có thể tìm được một vài giờ sân trống. Không khí sôi động và hào hứng tràn ngập các sân cầu.
Thời trang trên sân đấu
Đến sân cầu lông thuộc Nhà thi đấu Phú Thọ vào giờ cao điểm (sau 17 giờ), cả 8 sân cầu như muốn vỡ ra vì tiếng đánh cầu, tiếng la hét, tiếng xuýt xoa và cả tiếng vỗ tay sau mỗi pha cầu hay dở. Dường như trong không khí “chiến đấu” hết mình của các tay vợt không chuyên này, ít ai để ý đến trang phục mới nhìn qua thấy khá đơn giản của họ: áo phông, quần short, vớ và giày đế kếp. Ấy vậy mà sau một hồi quan sát và tìm hiểu, chúng tôi mới thấy hết sự đa dạng về kiểu cách, màu sắc và cả thương hiệu trong mỗi trang phục của dân chơi cầu lông.
N. Linh, 26 tuổi, nhân viên Công ty TNHH Samurai VN, một trong những tay đánh cầu khá lâu năm, cho biết trang phục “ruột” mỗi khi vào sân của anh là áo phông và quần short Adidas hoặc Lacoste. Anh mở giỏ lấy cho tôi xem 4 cái áo mà anh mang đến sân để thay đổi. Mỗi chiếc áo của N.Linh có một màu sắc khác nhau, chiếc thì đỏ pha đen, chiếc thì xanh pha trắng khá đẹp và nam tính.
Anh cho biết, chất liệu áo mà dân đánh cầu thường chọn là polyester, vì vừa bảo đảm hút mồ hôi, vừa mát, nhẹ và thoải mái. A. Phương, 30 tuổi, giám đốc trẻ của Công ty TNHH Việt Thịnh, người gắn bó với sân cầu nghiệp dư 5 năm, cho biết trang phục đánh cầu anh thích là Yonex. “Đã mua được đôi giày thì mua luôn đôi vớ”, với suy nghĩ này, A.Phương đã sắm được một loạt áo, quần, vớ và cả giày của nhãn hiệu hàng đầu dành cho cầu lông này.
Đối với phái nữ, trang phục họ mang đến sân cầu còn đa dạng và kiểu cách hơn. Không chỉ quần short, áo phông mà váy ngắn, áo kiểu cũng được các chị “tung” vào sân. Chị Thắm, 28 tuổi cùng với “hội” 6 chị em buôn bán ở chợ Bến Thành, nhiều lần làm cho các đối thủ sân bên “ngẩn ngơ” vì thân hình người mẫu cùng với cách diện rất mốt mỗi khi vào sân. Váy ngắn, hơi xòe, áo không cổ bó sát cùng tông, giày hiệu Yonex màu đỏ pha ánh bạc dưới chân khiến chị như rực rỡ hơn trên sân đấu.
Săn đồ chơi thể thao
Cửa hàng Hồng Sport trên đường Cống Quỳnh là một trong những địa chỉ dành riêng bán đồ cho dân chơi cầu lông. Trong tiệm trưng bày những cây vợt cầu lông đủ các hiệu Yonex, Proace, Kawasaki... được treo với các mức giá lên tới vài triệu đồng một chiếc. Tuy nhiên, dân chơi cầu lông thường lui tới Hồng Sport để mua giày. Những đôi giày được đặt tại vị trí dễ nhìn nhất trong tủ kính ở giữa tiệm.
Một nhân viên bán hàng cho biết, loại giày bán chạy nhất trong cửa hàng này là giày Kawasaki có mức giá 360.000 đồng đến 400.000 đồng/đôi. “Đây là loại giày đánh cầu chuyên nghiệp và mức giá không quá đắt cho nên được nhiều người tìm mua” - người bán hàng nói. Tuy nhiên, dân chơi cầu lông khá giả ưa lùng giày Yonex, mỗi đôi có giá trên 1,2 triệu đồng.
Quần áo dành cho thể thao khá dễ tìm, tuy nhiên để tìm được chiếc áo độc và vừa túi tiền thì không đơn giản. N.Linh dẫn tôi đến một cửa hàng quần áo trên đường Lý Chính Thắng, nơi anh thường xuyên đến kiếm đồ mỗi khi có hàng mới về. Cửa hàng chừng 10 m2 nhưng chất đống áo phông thể thao đủ loại. Đồ thể thao có xuất xứ Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông rất nhiều kiểu dáng và màu sắc với các nhãn hiệu Nike, Adidas, Lacoste... với giá từ 180.000 đến 300.000 đồng/chiếc.
“Mình xài hàng này quen rồi, cũng hợp túi tiền chứ không đắt như một số cửa hàng chuyên đồ hiệu thể thao ở Hai Bà Trưng hay trong Diamond Plaza” - N.Linh cho biết. Ngoài ra, giới trẻ cũng có thể tìm được những chiếc áo thể thao đẹp và hợp túi tiền tại các cửa hàng kinh doanh đồ thể thao trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Huyền Trân Công Chúa hoặc trong chợ đêm Bến Thành với giá bình dân và nhiều kiểu dáng.
Tiền triệu sắm hàng hiệu
Chị Thắm cho biết, chị thường sắm đồ hiệu Adidas “xịn” với mỗi bộ váy áo có giá xấp xỉ 1 triệu đồng mới thấy vừa ý. Còn giày chơi cầu lông thì chị vẫn trung thành với Yonex từ trước đến nay. Dường như diện hàng hiệu làm chị tự tin hơn trên sân cầu. Chị cho biết: “Dù đắt nhưng đồ hiệu lại rất bền, một đôi giày dùng được mấy năm không hư, quần áo cũng vậy, cho nên có lúc phải bỏ cả triệu đồng để mua sắm vẫn không thấy tiếc”.
A.Phương được các “bồ” trên sân phục vì sự hào phóng trong việc sắm đồ chơi thể thao. Ngoài 2 cái vợt hiệu Yonex trị giá trên 3 triệu đồng luôn sẵn sàng trong giỏ, A.Phương còn sắm 2 đôi giày Yonex mỗi đôi trị giá trên 1 triệu đồng để thay đổi khi ra sân. L2 trên đường Lý Thái Tổ là điểm đến của anh mỗi khi nảy sinh ý định mua đồ chơi thể thao. Những khi ưng ý, anh sẵn sàng bỏ tiền mua vài chiếc áo với giá từ 180.000 đến 250.000 đồng/chiếc, quần short từ 100.000 đến 150.000 đồng và vớ 70.000 đồng/đôi cùng hiệu Yonex tại cửa hàng này.
Tuy nhiên, theo ông Bình, một thầy giáo chuyên dạy đánh cầu trên sân Phú Thọ, đã nhiều năm gắn bó với môn cầu lông, ngoài việc phải đầu tư những chiếc vợt tốt, ông không bao giờ sắm đồ thể thao đắt tiền. Thầy Bình bày tỏ: “Cách đánh cầu kỹ thuật, khéo léo, hiệu quả trên sân và đặc biệt không bao giờ gắt gỏng với “bồ” dù anh ta có đánh hỏng - khi đang bị đối phương dẫn trước, ấn tượng hơn nhiều so với chuyện mặc hàng hiệu hay không”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận