23/06/2010 22:00 GMT+7

Du thuyền trên hồ Ba Bể

 YẾN LINH
 YẾN LINH

AT - Chúng tôi đến thăm hồ Ba Bể vào một ngày hè nắng nóng. Đoạn đường từ Hà Nội lên Bắc Kạn dài hơn 240km thật sự quả là đoạn đường "ác mộng".

Đường đèo quanh co, hơn tám tiếng ngồi ôtô, chịu cảnh dằn xóc, say xe có thể làm nản lòng bất cứ ai vốn không quen đi đường dài. Nhưng khi đã vượt qua thử thách đó rồi và tìm đến được hồ Ba Bể, đứng trước khung cảnh non nước rợn ngợp thì bao nhiêu mệt mỏi dọc đường sẽ được xua tan nhanh chóng.

UYpJnWBR.jpgPhóng to

Du thuyền trên hồ Ba Bể

Trước khi mục sở thị hồ Ba Bể, tôi đã kịp tìm hiểu sơ thông tin về nơi này. Được biết hồ Ba Bể (nằm trong địa phận xã Năm Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) là một trong 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Năm 1995, hồ Ba Bể đã được hội nghị hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ.

Nằm ở độ cao cheo leo 145m so với mực nước biển, với làn nước quanh năm xanh ngăn ngắt, mát lành hồ Ba Bể được xem là "viên ngọc xanh" quý giá của Việt Nam. Thông tin ban đầu như vậy đã đủ kích thích trí tò mò ham khám phá của cả đoàn. Nhưng quả thật, thông tin thô ấy chẳng là gì so với việc đứng trước hồ Ba Bể, tận mắt chứng kiến sự kỳ vĩ của thiên nhiên.

Đứng bên bờ hồ Ba Bể, đập ngay vào mắt là cảnh hùng vĩ của tầng tầng lớp lớp núi, của mặt nước rộng lớn trải dài tít tắp chiếm trọn các giác quan. Sự hùng vĩ ấy khiến tôi không thể không òa lên kinh ngạc. Quả thật, không hùng vĩ sao được khi hồ Ba Bể dài tới hơn 8km và rộng hơn 3km, được xem là hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam. Hồ Ba Bể được hợp thành từ ba nhánh lớn Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng thông với nhau, có diện tích tổng cộng 5km2, độ sâu 25-35m.

Muốn thăm trọn vẹn hồ Ba Bể phải biết sắp xếp thời gian. Tham quan kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" có thể chỉ mất khoảng bốn giờ vừa đi vừa về bằng xuồng máy. Nếu muốn thưởng ngoạn đầy đủ, sống với không khí Ba Bể thì có thể thuê xuồng độc mộc.

Sẽ có các cô gái Tày chèo xuồng độc mộc đưa ta đi tham quan khắp hồ, kể cho ta nghe huyền thoại hồ Ba Bể xa xưa mang đầy màu sắc thần thoại. Vì không có thời gian nhiều, chúng tôi đã chọn cách thuê xuồng máy tham quan hồ Ba Bể trong suốt buổi chiều. Xuồng đưa chúng tôi đi trên làn nước trong vắt, mát lành, tận hưởng không khí tinh tươm ngọt ngào chốn núi rừng.

Theo dòng nước, chúng tôi ngắm nhìn những ngôi nhà của người dân tộc Tày, HMông... nép mình vào núi, những cánh đồng ngô xanh ngắt, bầy lợn thong dong đứng nhìn du khách đi qua, những cô gái Tày chèo xuồng độc mộc, những người đàn ông thong thả gỡ lưới đánh cá giữa lòng hồ... Mọi thứ thật yên bình khiến người ta muốn mình cứ ở mãi nơi này, trôi mãi trên dòng nước lặng lẽ này, chẳng phải lo nghĩ gì đến cuộc sống xô bồ nơi phố thị.

Trôi trên dòng nước, ta còn được ngắm dãy núi đá vôi được kiến tạo từ hàng triệu năm trước, lừng lững, hùng vĩ, bao bọc lấy bốn bề. Trên những rặng núi đá vôi ấy là hệ động vật quý giá, thực vật nguyên sinh vô cùng phong phú: đinh, trai, nghiến, lát... Đặc biệt là loài trúc dây nép mình sát tảng đá vôi, rủ mình xuống nước, chỉ có duy nhất ở hồ Ba Bể này. Xuôi dài theo dòng nước, xuồng trôi trên dòng sông Năng, thăm thác nước hùng vĩ cuồn cuộn chảy mang tên Đầu Đẳng dài hơn 1.000m.

Nằm trong quần thể khu du lịch hồ Ba Bể còn có ao Tiên với làn nước trong vắt in hình dáng núi rõ mồn một, tựa núi đang mọc dưới nước và gò Bà Góa mọc chơi vơi giữa hồ - nơi ghi lại truyền thuyết về sự hình thành Ba Bể. Ngoài ra, trên các rặng núi đá vôi còn có hệ thống hang động hoang sơ. Trong các hang đó, có hang đã là nơi tổ tiên loài người thời tiền sử sinh sống.

Đi chung đoàn thăm hồ Ba Bể hôm ấy có nhiều nhạc sĩ. Trong lúc chuyện trò, nghe nói ngày trước nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác bài Hồ trên núi là lấy cảm hứng từ chính hồ Ba Bể này. Không biết có đúng hay không? Song quả thực, hồ Ba Bể khiến lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản nên khi rời khỏi đã không tránh khỏi cảm giác luyến tiếc. Nhớ quá đỗi buổi chiều ngồi bên hồ ăn món rau dớn, thịt rừng, cơm lam và ngắm hoàng hôn xuống lành lạnh, nghe giọng hát cô gái Tày vọng vào núi rừng.

v5EXlKNF.jpgPhóng to

Áo Trắng số 11 (ra ngày 15/6/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 YẾN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên