Đỗ mai chào đón mùa xuân trên núi Vũng Tàu - Ảnh: Cao Cát |
Lại nhớ những ghi chú trong sách đỗ mai, đỗ đào, đào đậu hay còn hay còn gọi là cây cọc rào (vì trồng làm hàng rào), hồng mai, anh đào giả, sát thủ đốm (vỏ cây ngâm nước làm thuốc diệt chuột).
Cây Gliricidia maculata thuộc họ đậu (Fabaceae) có từ rừng tự nhiên châu Mỹ, đến Việt Nam theo con đường thực dân của người Pháp. Như nhiều loài cây khác, cuối đông là mùa của đỗ mai trụi lá để xuân đến trổ hoa và lá non.
Mùa hoa tùy theo thời tiết từng vùng mà kéo dài đến 1 - 2 tháng. Hoa có thể có các màu hồng sậm, hồng phớt và trắng, chùm thưa hay chùm dày.
Xa xưa, mỗi khi xuân về, dân di cư miền Bắc ở vùng Bảo Lộc lại ra rào bụi, cắt đỗ mai cắm cành vào lọ bình để chưng thay cho hoa đào. Nhưng cành hoa coi đẹp vậy mà khi rời cây lại rất mau tàn nên không được ưa thích nữa. Rồi có tin đây là loài hoa độc nên có lúc đã bị chặt, đốt bỏ.
Nhiều năm sau đó, đỗ mai âm thầm từ vùng núi Tây nguyên (Gia Lai, Kom Tum, Đắk Lắk) về xuôi. Ban đầu ngự trên núi cao (nơi có khí hậu lạnh) sau đó len xuống các triền núi ven biển. Rồi trở thành đặc sản hoa xuân ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Phước Hải, Long Hải, Cần Giờ...
Lý do để cây phát triển là ngoài cho hoa đẹp, cây rất dễ trồng do ưa sáng. Chỉ cầm cắt cành cắm xuống đất ẩm, chăm tưới nước là cây phát triển tốt. Tại các vùng núi đá ven biển, đỗ mai là loại cây lý tưởng vì vừa có hoa đẹp, lại có tác dụng phủ xanh.
Chạy dài theo bờ biển Phước Hải có khá nhiều triền núi trồng đỗ mai. Tháng Giêng, mùa hoa nở, giới nhiếp ảnh săn hoa lại í ới rủ nhau phóng xe máy đi ngắm những con đường hoa từ đèo cao đến xa lô ven biển Bà Rịa, Phước Hải…
Theo các học trò kỳ cựu của trường Nông Lâm Mục Súc Bảo Lộc, cách đây hơn nữa thế kỷ, giáo sư Lê Văn Ký (vị giám học đầu tiên của trường, cũng là thầy giáo đầu tiên của ngành Lâm nghiệp) trong một lần hướng dẫn môn sinh trong môn phân loại thực vật có bảo: “Hàng cây đỗ mai trồng từ cổng trường Bảo Lộc về hướng Lưu Xá D là do thầy đem từ rừng về. Thầy đặt tên là đỗ mai vì trái nó giống trái đậu và bông nó giống như bông mai”.
Thầy Ký hiện đang sống tại Đồng Tháp và vẫn còn rất minh mẫn. Trong một lần về thăm cách đây trên mười năm, khi người viết hỏi về chuyện này, ông khiêm tốn trả lời: “Thầy chỉ đặt tên cho cây hoa ấy là đỗ mai. Còn các cái tên khác như đỗ đào, anh đào giả thì ai cứ yêu thích tên gì gọi tên đó. Quan trọng là cây hoa đẹp đã được biết đến và đang được phát triển rộng khắp...”.
Ngoài chuyện người thầy đặt tên cho cây hoa đỗ mai, theo ký ức của những sinh viên Nông Lâm Mục Súc ngày đó, trong sân trường trồng rất nhiều hàng cây được đặt tên rất lãng mạn như hoàng hoa lộ (cây muồng hoa vàng), đào hoa lộ (cây đỗ mai)...
Mỗi hàng cây được trồng luôn được chăm sóc từ những lớp sinh viên gắn bó, nhưng do tác động thời gian, kinh tế, con người đã gần như mất dần vì già cỗi. Còn nếu như còn, có thể coi cội đỗ mai còn sót trong sân trường Bảo Lộc bây giờ là một trong những cụ cây có tuổi đời mang tính lịch sử phát triển lâm học.
Từ thảm rừng cây xanh được bảo tồn nầy, hướng phát triển của trường từ Quốc Gia Nông Lâm Mục đến Trung học Nông Lâm Súc, là ban Thủy lâm sẽ trồng bổ sung thêm các loài cây (ngày đó gọi là các sắc mộc) để biến không gian xanh quanh trường thành một bộ sưu tập cây rừng Việt Nam.
Nhưng việc này đã bị ngưng trệ do chiến tranh, sau này thì không còn ai tiếp nối nữa.
Ở TP.HCM, ngoài Thảo Cầm viên, khách nhàn du có thể ngắm một cây hoa đỗ mai đang nở hoa tại khu vực cà phê vườn tượng trong công viên Tao Đàn. Cây này khá cao, lại bị che khuất nên khi nở hoa ít được lưu ý.
Hoa đỗ mai chụp gần - Ảnh: Cao Cát |
Hoa đỗ mai chụp tại Bảo Lộc - Ảnh: Trân Duy |
Tháng 12, những cành đỗ mai trụi lá cuối đông - Ảnh: Trân Duy |
Hoa đỗ mai ở Bảo Lộc - Ảnh: Cao Cát |
Đỗ mai trắng ở Bà Rịa - Ảnh: Cao Cát |
Đỗ mai hồng Đà Lạt. Loại này dễ nhầm với mai anh đào. Trong khi hai loài cây hoàn toàn khác nhau - Ảnh: Cao Cát |
Đỗ mai phớt hồng ở Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: Cao Cát |
Cây hoa đỗ mai đang nở hoa trong công viên Tao Đàn. Cây này cao to, có thể rất cao tuổi. Do bị các cây khác chen chắn, lại vướng các mái bạt nơi pha chế nước giải khát gần đó nên không thể chụp toàn cảnh - Ảnh: Trân Duy |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận