20/06/2006 23:08 GMT+7

Du lịch miền Tây: Thiếu và yếu

MINH PHÚC
MINH PHÚC

TTO - Để tiếp thị hình ảnh du lịch miền Tây, chỉ có thể kể sơ qua về các điểm du lịch sinh thái và ẩm thực, còn thì khó có một hình ảnh mang tính chất khám phá nào khác để thu hút du khách (trong nước và nước ngoài) đến và ở lại lâu.

eoPzFvxl.jpgPhóng to
Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ - Ảnh: Minh Phúc
TTO - Để tiếp thị hình ảnh du lịch miền Tây, chỉ có thể kể sơ qua về các điểm du lịch sinh thái và ẩm thực, còn thì khó có một hình ảnh mang tính chất khám phá nào khác để thu hút du khách (trong nước và nước ngoài) đến và ở lại lâu.

Du lịch sinh thái miền Tây: quá giống nhau

Miền Tây dường như chỉ quen với chuyện làm du lịch sinh thái. Đi khắp các tỉnh đều có mô hình du lịch sinh thái vườn, sinh thái sông nước, sinh thái trang trại... Điều này có lẽ do điều kiện cảnh quan có sẵn của khu vực này.

Thêm nữa, hầu hết các điểm du lịch sinh thái đều giống nhau về diện mạo. Đơn cử, tại Hậu Giang, chúng tôi được mời khảo sát điểm du lịch sinh thái Tây Đô. Diện tích khu du lịch này khá rộng, khách đến đây, có thể đi ngắm vườn cây ăn trái (chủ yếu là nhãn), câu cá, tham quan vườn ươm...Tuy nhiên, các hạng mục như trên lại được đầu tư quá rời rạc, hời hợt và nhàm chán, không thể nào đủ để kéo chân du khách từ xa đến.

Còn tại Cần Thơ, khảo sát du lịch tại khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh, khách được đón từ bến Ninh Kiều, qua Cái Răng, đến Rạch Nhỏ và sau đó là đến khu du lịch Mỹ Khánh. Đoạn đường đi trên thuyền, khách được phục vụ đờn ca tài tử và giới thiệu các cảnh quan sông nước. Tour du lịch trên sông với đờn ca tài tử, Cần Thơ đã phát triển lâu, tour này cũng làm cho Cần Thơ có nét rất riêng về du lịch.

Tại khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh, cũng lại rơi vào tình trạng được đầu tư chưa kỹ và chưa hấp dẫn: có khu lưu trú cho khách ở lại đêm, khu phục dựng nhà cổ Nam Bộ, những sinh hoạt của cư dân Nam Bộ, dùng ẩm thực Nam Bộ, câu cá, nằm võng hoà mình vào thiên nhiên Nam Bộ...; tuy phong phú nhưng toàn cảnh thì chưa có gì nổi trội ngoài thiên nhiên mát mẻ và khu nhà cổ Nam Bộ.

XJYNZVxx.jpgPhóng to
Du lịch tát mương bắt cá ở Vĩnh Long - Ảnh: Minh Phúc
Tại Long An, khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập gần cửa khẩu Mộc Hoá lại mang máng giống như du lịch sinh thái Gáo Giồng - Đồng Tháp với sen, với tràm...

Một du khách cho rằng, chỉ cần đến một tỉnh miền Tây, là đã có thể khám phá được toàn bộ miền Tây: với sông nước, sinh hoạt dân dã, sen, trái cây, ẩm thực cá đồng...

Với các doanh nghiệp du lịch, thiết kế tour về miền Tây cũng rất gian nan vì quá giống nhau. Các tour ngắn ngày chỉ có thể đến Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long... Còn dài ngày thì chỉ có kết hợp đi An Giang qua Campuchia. Khách ít chịu lưu trú lại các điểm du lịch miền Tây vì thiếu nơi vui chơi, mua sắm. Thói quen đi ngủ rất sớm của miền Tây cũng ảnh hưởng đến việc lưu trú lại của khách du lịch từ xa đến. Các tour mới đây của công ty du lịch Bến Thành đã làm mới tour miền tây như về quê tát cá, gói bánh…nhưng chỉ dừng lại với số lượng khách nhất định.

Riêng các tour của các công ty du lịch ở tỉnh, việc thiết kế tour liên tuyến, liên kết các tỉnh lại cũng còn yếu. Chủ yếu chỉ đi tham quan vòng vòng các điểm du lịch, các khu di tích cách mạng trong tỉnh... chỉ thích hợp với khách địa phương, khách nội địa.

uUxO2Mzn.jpgPhóng to
Khu du lịch sinh thái Tân Lập đang trong quá trình được đầu tư ở Long An - Ảnh: Minh Phúc
Lối riêng nào?

Sở du lịch TP.HCM đã có chuyến khảo sát và kết hợp ký kết hợp tác du lịch với 4 tỉnh: Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An (trước đó đã ký với Vĩnh Long).

Trong chuyến ký kết hợp tác này, nội dung chủ yếu: hợp tác trao đổi kinh nghiệm quản lý, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển các sản phẩn du lịch và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Qua chuyến ký kết, các bên đều hy vọng du lịch miền Tây sẽ có thêm sắc màu mới. Nhiều tour tuyến mới lạ, riêng sẽ được hình thành để kết nối khách du lịch trong và ngoài nước đến với miền Tây, nhất là khách nước ngoài.

Hy vọng vậy, nhưng cái khó vẫn còn nhiều. Ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở du lịch Cần Thơ cũng thừa nhận: Sản phẩn du lịch Cần Thơ còn trùng lắp. Du lịch Cần Thơ cũng chưa định hình cụ thể sẽ phát triển mới như thế nào ngoài đẩy mạnh các sản phẩm đã có như lưu trú trên sông, xây mới các khách sạn…Ông Lê Văn Hưởng, Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Tiền Giang thì cho rằng: Tiền Giang sẽ đầu tư phát triển sinh thái miệt vườn…

Ngoài cung cách phục vụ du lịch đều yếu và chưa chuyên nghiệp, việc phát triển du lịch sinh thái các tỉnh miền Tây không thể không bàn đến môi trường du lịch: loại hình du lịch trên sông vốn nhiều, cần giáo dục ý thức làm sạch môi trường cho người địa phương để hạn chế rác thải trên sông.

Lối đi riêng cho du lịch miền Tây, ngoài việc chú trọng tìm nét độc đáo riêng cho mỗi tỉnh, thì chỉ còn có thể hy vọng vào các tuyến liên tour liên kết nối dài cánh tay giữa các tỉnh. Hiện nay, miền Tây vẫn còn thiếu các tour sông nước như: đi Cà Mau - Cần Thơ và sang Campuchia..., các tour khám phá dọc miền Tây qua tất cả các tỉnh thành và các tour đi theo mùa như: về miền Tây mùa cắt lúa, mùa nước nổi và khai thác lễ hội…

Một điểm rất quan trọng cho việc làm du lịch, là tiếp thị và quảng bá hình ảnh. Ngoại trừ Festival ĐBSCL tổ chức mới 2 năm gần đây ở miền Tây, thì quảng bá cho hình ảnh miền Tây vẫn còn nhạt nhòa, chưa chủ động. Khai thác lợi thế có sẵn, miền Tây phải bắt tay mạnh hơn cho vấn đề quảng bá, kết nối vào lợi thế du khách từ các doanh nghiệp du lịch TP.HCM.

MINH PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên