29/05/2010 07:37 GMT+7

Du lịch đồng bằng sông Cửu Long: Tìm "nhạc trưởng"

ĐỨC VỊNH - TẤN THÁI
ĐỨC VỊNH - TẤN THÁI

TT - Tại hội thảo “Liên kết để phát triển du lịch biển đảo và sông vùng ĐBSCL” do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) tổ chức ngày 28-5 ở Phú Quốc, Kiên Giang, nhiều ý kiến cho rằng sự yếu kém của hạ tầng, hạn chế về nguồn nhân lực... đã làm giảm giá trị các sản phẩm du lịch ĐBSCL.

TkZ4ZbiS.jpgPhóng to
Dự kiến quý 2-2012, sân bay quốc tế Phú Quốc sẽ đi vào hoạt động, mở ra cơ hội thu hút khách du lịch đến nơi đây - Ảnh: Tấn Thái

Năm 2009 lượng khách quốc tế đến toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1,2 triệu lượt khách, khách nội địa hơn 8 triệu người. Thu nhập về du lịch toàn vùng đạt 2.000 tỉ đồng, góp phần tạo nên nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái, sự yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng, hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực đã làm giảm giá trị các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, do sự thiếu liên kết nên du lịch ĐBSCL chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; hệ thống sản phẩm du lịch chưa độc đáo, hấp dẫn, thiếu tính cạnh tranh.

Theo ông Phạm Phước Như - chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, các tỉnh trong vùng có nhiều điểm tương đồng, nhưng mỗi tỉnh có một thế mạnh, tiềm năng khác nhau. “Các địa phương cần liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, đồng thời cùng hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch chung của cụm, của vùng, để hình thành những tour chuyến chuyên đề xuyên vùng độc đáo” - ông Như nói.

TS Hà Văn Siêu - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch - cho biết sự hợp tác là giải pháp quan trọng nhằm bổ sung những hạn chế, phát huy những thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương trong vùng, nhằm tạo được sức cạnh tranh chung về du lịch của vùng so với các lãnh thổ khác. “Ngoài hợp tác vùng, cần hợp tác với những đối tác quan trọng khác. Ở trong nước là các thị trường trọng điểm, đặc biệt là TP.HCM. Với quốc tế là các nước trong tiểu vùng sông Mekong, Asean” - ông Siêu gợi ý.

Ông Vũ Duy Vũ, phó giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho rằng công tác phát triển nguồn nhân lực là một trong những thách thức lớn của ngành du lịch ĐBSCL. Do vậy, ngay từ bây giờ cần tập trung đầu tư, tăng cường năng lực các cơ sở, liên kết hình thành mạng lưới đào tạo. Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh đó cũng rất cần liên kết giữa các địa phương, giữa các trường và doanh nghiệp trong khâu đào tạo để có đủ nguồn nhân lực đáp ứng.

Tại hội thảo, ông Hiroyuki Kanzaki (du khách Nhật) nói về cảm nhận dưới góc độ một du khách về du lịch ĐBSCL: “VN là một trong 20 điểm đến đầu tiên đối với du khách Nhật. Tuy nhiên ĐBSCL chưa phải là sự lựa chọn chính của du khách Nhật. Nguyên nhân chính vì biết rất ít thông tin về du lịch ĐBSCL”.

Kết luận hội nghị, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết hiện còn nhiều ý kiến về việc liên kết phát triển du lịch ĐBSCL như thế nào, ai là “nhạc trưởng”... nên sắp tới Bộ VH-TT&DL sẽ chỉ đạo Tổng cục Du lịch vào quý 3-2010 phải có một hội nghị chuyên bàn về vấn đề này. “Thông qua đề án phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 vừa được công bố, các địa phương sẽ căn cứ vào đó để triển khai. Trước mắt, nhanh chóng xây dựng website chuyên về du lịch ĐBSCL để cung cấp những thông tin du lịch đầy đủ nhất” - ông Ái nhấn mạnh.

Nhiều thay đổi trong quy hoạch phát triển Phú Quốc

Tại hội thảo, ông Phạm Vũ Hồng, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), đã thông tin phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch lần này có những khác biệt lớn đối với quy hoạch trước đây. Cụ thể: quy hoạch sau có tầm nhìn dài hạn hơn, quy mô cũng tăng lên (tổng diện tích từ 56.324ha nâng lên 58.923ha).

Quy hoạch trước đây có tới bảy khu đô thị nay gom lại thành ba khu là Dương Đông, An Thới, Cửa Cạn. Trong đó, khu đô thị Dương Đông thay đổi lớn nhất. Trước đây trung tâm hành chính đặt ở khu đô thị Bãi Trường nhưng nay đặt tại khu đô thị Dương Đông. Do đó có nhiều dự án được phê duyệt trước đây nay không phù hợp nên phải dừng hoặc điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung.

Ngoài ra, một trong những thay đổi lớn trong quy hoạch lần này là xác định có casino trên đảo Phú Quốc. Trong đó, casino được quy hoạch tại bãi Đá Chồng (nằm ở đông bắc đảo), quy mô 135ha. “Nơi đây có địa hình rất đẹp và bằng phẳng, phía trên có rừng, dưới có biển và phong thủy rất tốt. Cho nên trong quy hoạch đã xác định đặt casino” - ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, việc quy hoạch điều chỉnh chung được phê duyệt cùng với hệ thống hạ tầng như sân bay, điện, đường trên đảo đang đẩy nhanh xây dựng và cơ bản sẽ hoàn thành vào giữa năm 2012. “Chính vì vậy các nhà đầu tư không có lý do kêu về hạ tầng trên đảo. Nếu các dự án không đẩy nhanh tiến độ, dây dưa thì chúng tôi căn cứ vào các quy định mà thu hồi dự án” - ông Hồng nhấn mạnh.

ĐỨC VỊNH - TẤN THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên