![]() |
Tượng điêu khắc "Một thế giới" mang ý nghĩa hàn gắn sự chia cắt tại DMZ - Ảnh: TR.N. |
Xem videoclip Du lịch Bàn Môn Điếm
Kỳ 1: DMZ - Lời khấn nguyện hòa bình
Không dấu chân người dân
Ngôi làng Bàn Môn Điếm (Panmunjeom) chỉ rộng 800m và dài 800m song lại mang trên mình cả thân phận của dân tộc Triều Tiên hơn 50 năm qua. Trước khi hiệp định đình chiến được ký kết vào năm 1953, Bàn Môn Điếm là nơi diễn ra các cuộc đàm phán ngừng bắn. Từ đó đến nay, ngôi làng cũng như cả vùng DMZ không có dấu chân người dân. 53 năm qua, Bàn Môn Điếm có tên chính thức là khu vực an ninh hỗn hợp (JSA - joint security area), là nơi nối liền liên lạc duy nhất giữa hai miền Triều Tiên trong cả vùng DMZ.
Là khu vực an ninh hỗn hợp, Bàn Môn Điếm chỉ có những khu nhà an ninh lạnh lùng và những binh sĩ với khuôn mặt lạnh lùng. Nằm trong vùng phi quân sự nên những lính canh ở đây vẫn luôn trong tình thế lăm lăm cảnh giác, dải đất chia cắt hai miền là nơi đầy rẫy các đường ống bêtông ngầm, những bãi mìn sát thương, hàng rào dây kẽm gai, các bẫy xe thiết giáp và đường ngăn chặn xe tăng dọc theo biên giới.
Du khách đến Bàn Môn Điếm phải tuân thủ qui định về trang phục rất chặt chẽ: tuyệt đối không được mặc quần jeans, áo pull trắng tay ngắn, váy ngắn; đi dép, sandal, guốc cao gót... Nghe nói qui định trang phục như vậy nhằm tránh các hình ảnh lếch thếch chụp ở khu vực nhạy cảm, và lý do nữa còn là nếu quí bà quí cô mặc váy ngắn và guốc cao gót sẽ khó lòng chạy thoát mà không bị té ngã nếu chẳng may xảy ra các cuộc nổ súng! Ở Bàn Môn Điếm, việc chỉ trỏ, vẫy tay, ra hiệu (bằng điệu bộ) cũng không được phép. Vì vậy chúng tôi cảm thấy không khí thật nặng nề khi sắp hàng bước vào khu vực có thể quan sát được phần đất CHDCND Triều Tiên.
Chúng tôi được xem một bộ phim tài liệu ngắn ở đây. Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh một bé gái lang thang rất đáng thương nơi hàng rào kẽm gai sắt nhọn tua tủa. Em không biết đi đâu, về đâu... Sau đó lịch sử cuộc chiến Triều Tiên được tái hiện từ những ngày tháng bom đạn, khói lửa khốc liệt nhất đến ngày ký kết hiệp định đình chiến. Mãi đến ngày 13-6-2000, một cột mốc lịch sử mở ra khi lãnh đạo hai miền liên Triều gặp nhau sau hơn nửa thế kỷ để bàn thảo chính sách “Ánh dương” nhằm tiến tới việc thống nhất đất nước. Và sau đó là những cuộc đoàn tụ trong nước mắt của những người dân có bà con lưu lạc ở hai miền sau hơn nửa thế kỷ xa cách, hàng hóa giao thương giữa Bắc - Nam cũng bắt đầu hình thành...
![]() |
Du khách chụp ảnh chung với binh lính Hàn Quốc tại nhà ga Dorasan - Ảnh: TR.N. |
Ở Imjingak có một “bức tường hòa bình” độc đáo chứa bộ sưu tập những viên đá thu gom từ bãi chiến trường khắp nơi trên thế giới - “những nơi đã phải chứng kiến nỗi đau của chiến tranh”. Bức tường điêu khắc có một không hai này được dựng từ ngày đầu năm của thiên niên kỷ mới với lời tạc dạ của ông Lim Chang Yuel (thống đốc tỉnh Kyonggi): “Điều mong muốn chân thành của tôi khi thu thập những hòn đá từ 86 chiến trường ở 64 quốc gia chính là thúc đẩy sự hòa giải của dân tộc Triều Tiên và đánh dấu bước đầu kỷ nguyên hòa bình và hợp tác của nhân loại”. Nhìn thấy viên đá lấy từ Hà Nội trong chiến tranh VN được xếp ở “bức tường hòa bình” giữa vùng đất phân ly này, trong tôi ngợi lên niềm hạnh phúc và tự hào khi quê hương mình đã độc lập và thống nhất hoàn toàn.
Không phải ngẫu nhiên mà điểm tham quan cuối cùng được sắp xếp trong tour Bàn Môn Điếm là nhà ga xe lửa Dorasan. Ngày 15-6-2000, khi bản tuyên ngôn liên Triều được ký kết, hai quốc gia CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đồng ý nối lại tuyến đường sắt Gyeongui vào ngày 31-7-2000. Dưới sự kiểm soát của quân đội hai bên, hàng rào kẽm gai và mìn đã được tháo bỏ Trạm Dorasan được xây dựng và mở cửa lại vào ngày 11-4-2002. Tháng 6-2003, tuyến đường sắt Gyeogui đã thông suốt tại giới tuyến DMZ. Với Dorasan, người Triều Tiên hi vọng sẽ kết nối với con đường tơ lụa Á - Âu, đi từ Hàn Quốc qua CHDCND Triều Tiên và sang tận Trung Quốc, Nga và Tây Âu. Khi hệ thống đường sắt Hàn Quốc mở rộng sang hệ thống đường sắt Trung Quốc, hệ thống đường sắt Siberia, trạm Dorasan sẽ là cửa ngõ của khu vực Á - Âu.
Nhưng đó quả là chuyện tương lai. Còn giờ đây, ở quầy bán vé nhà ga Dorasan, du khách đổ xô mua một tấm vé tàu tượng trưng đi thủ đô Bình Nhưỡng giá 5.000 won, sau đó tự đóng dấu “xuất nhập cảnh” Seoul - Bình Nhưỡng vào hộ chiếu (cũng mang tính lưu niệm). Ông bà khách du lịch Tom và Maggie Jackson đến từ Canada đóng dấu hộ chiếu xong, nhìn lên tấm bảng điện nhấp nháy lịch trình tàu chạy với các số hiệu tàu là năm 2016, 2018, 2020... Liệu đó sẽ là những năm mà các chuyến tàu Seoul - Bình Nhưỡng lăn bánh thật sự, hay chỉ là một hành trình đến tương lai còn rất xa mà những du khách đã có tuổi như ông bà Jackson sẽ mãi mãi không còn dịp lên tàu từ ga Dorasan?
Ngay cả hành khách chỉ ghé quá cảnh tại sân bay quốc tế Incheon cũng có thể đi tour du lịch lịch sử DMZ với thời gian gói gọn chỉ 5 giờ 30 phút. Giá đi tour DMZ buổi sáng là 46.000 won (khoảng 770.000 đồng VN), buổi chiều là 48.000 won. Nội dung tour DMZ của các hãng hầu như giống nhau: đón khách từ các khách sạn ở Seoul đi Imjingak theo đường cao tốc Tự Do; đến Imjingak du khách đặt chân lên cầu Tự Do với thời gian khoảng 30 phút; sau đó lên xe đi tiếp đến đài quan sát Dora để nhìn sang CHDCND Triều Tiên; xem phim tài liệu tại nhà hát mini DMZ, bảo tàng mini về lịch sử vùng DMZ và cuộc chiến Triều Tiên; tham quan nhà ga Dorasan… Trong lộ trình này, du khách kết hợp đi thêm Bàn Môn Điếm (JSA tour), giá phải trả khoảng 120.000 - 130.000 won và thời gian gần trọn một ngày (từ 8g -17g30). DMZ tour ở Hàn Quốc thành công với cách làm du lịch lịch sử độc đáo, thường xuyên thu hút đông du khách. Thậm chí Hãng lữ hành Cosmojin Travel là đơn vị tổ chức tour đi Bàn Môn Điếm đủ cả 365 ngày/năm và nhận đặt chỗ đường dây nóng 24/24g. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận