![]() |
Những tác phẩm tại Busan Biennale 2004 tổ chức ở Hàn Quốc (có họa sĩ VN góp mặt) |
Chúng tôi phỏng vấn bà Đỗ Thị Tuyết Mai - GĐ dự án:
* Nhìn từ góc độ xã hội. Chị thấy mỹ thuật đương đại VN đang tồn tại trong sự thiếu hụt những gì?
- Sau ít nhất là 10 năm kể từ khi xuất hiện những hình thức mỹ thuật mới ở VN, tôi thấy nó vẫn thiếu thốn rất nhiều về cơ sở hạ tầng xã hội. Thứ nhất, chưa có một trung tâm hoạt động, nơi giống như một địa chỉ sinh hoạt, như ngôi nhà chung của mỹ thuật đương đại VN để hỗ trợ sáng tạo và triển lãm cho nghệ sĩ, cung cấp thông tin cho giới nghiên cứu phê bình, nghệ sĩ và công chúng.
Thứ hai, chưa từng có triển lãm của loại hình này ở cấp độ quốc gia để thu hút sự quan tâm của xã hội cũng như để "chính thức" hoá sự tồn tại của nó bên cạnh các nhánh mỹ thuật cố hữu như hội hoạ, điêu khắc, đồ hoạ.
Thứ ba, công chúng mỹ thuật đương đại đúng ra sẽ là tất cả mọi người, không phân biệt học vấn, kinh tế, thẩm mỹ, nhưng ở VN, cho đến tận hôm nay, công chúng của mỹ thuật đương đại vẫn là một nhóm hạn hẹp gồm những cá nhân trong giới nghề nghiệp hoặc có liên quan về nghề nghiệp.
* Còn chính các nghệ sĩ thì sao?
- Thứ nhất, họ cần công cụ thông tin đầy đủ, toàn diện và cập nhật về nghệ thuật đương đại thế giới.
Thứ hai, họ cần công cụ tinh thần là sự chủ động và tự chủ trong kết nối mình với cộng đồng trong nước rồi sau đó là cộng đồng nghệ thuật thế giới thông qua nhiều kênh giao tiếp khác nhau, đặc biệt hữu hiệu là internet.
Thứ ba, họ cần công cụ tài chính - ta có thể thấy nhiều hoạt động triển lãm, giao lưu văn hoá nghệ thuật trong nước nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tại sao mỹ thuật lại không?
* Vậy Saigon Biennale được bắt đầu như thế nào?
- Triển lãm sẽ có khoảng 20 nghệ sĩ trong và ngoài nước. Sau rất nhiều cuộc bàn thảo và thay đổi kế hoạch, chúng tôi sẽ chính thức có bước đi đầu tiên ra bên ngoài phạm vi công ty bằng một chuyến khảo sát và gặp gỡ nghệ sĩ từ Nam ra Bắc, nhóm khảo sát này có nghệ sĩ Jun- Nguyễn Hatsushiba và một nhân viên truyền thông của công ty.
Họ sẽ bắt đầu chuyến đi từ cuối tháng 7 này. Sau chuyến đi, chúng tôi sẽ có sự lựa chọn ai là nghệ sĩ VN tham gia triển lãm. Về các nghệ sĩ nước ngoài, chúng tôi phải cần tới sự giúp đỡ của một sồ nhà tổ chức các Biennale quốc tế chuyên nghiệp để lựa chọn. Các nghệ sĩ là hạt nhân của hoạt động nên chúng tôi phải chuẩn bị rất cẩn thận.
* Mô hình triển lãm như thế nào sẽ phù hợp với bối cảnh xã hội VN đồng thời vẫn đảm bảo được mục đích biến Saigon Innovation (dự định diễn ra cuối tháng 3-2006-tương lai là Saigon Biennale) trở thành một địa chỉ đồng thời của nghệ thuật - kinh tế và du lịch?
- Saigon Innovation sẽ bao gồm tất cả các loại hình mỹ thuật hiện có ở VN cũng như thế giới. Ngoài trung tâm triển lãm chính, sẽ có những gallery vệ tinh xung quanh là nơi trưng bày triển lãm, tổ chức hội thảo. Sẽ có những kế hoạch hợp tác với các trường học để đưa học sinh phổ thông đến tham gia triển lãm, được nghe hướng dẫn về các sáng tác mỹ thuật một cách đầy đủ và thú vị.
Chúng tôi muốn cụm từ mỹ thuật đương đại sẽ được bọn trẻ nhắc đến một cách say mê với ba mẹ của chúng, khiến họ tò mò mà đến xem theo (cười). Địa điểm triển lãm cũng sẽ có trong các tour du lịch quốc tế của một số công ty du lịch lớn.
Chúng tôi muốn có thật nhiều bandrole về triển lãm được treo dọc theo các đại lộ lớn của thành phố cũng như trên con đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm để gây chú ý với du khách.
* Như vậy, hẳn là chị đã có các chương trình làm việc với ngành du lịch, giáo dục và nhất là với chính quyền thành phố? Thái độ của họ ra sao?
- Tất cả đều đồng tình và khuyến khích tôi, tuy mới chỉ dừng lại ở các trao đổi trực tiếp, chưa thành văn bản giấy trắng mực đen. Họ làm tôi tin tưởng rằng nếu kế hoạch tổ chức của chúng tôi tốt, việc họ bắt tay với mình là chắc chắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận