Nhớ có lần tôi bạo dạn lấy chiếc thuyền ra bơi, đang loay hoay một con sóng mạnh bất ngờ đánh vào mạn thuyền làm tôi chới với, chiếc thuyền lật úp, tôi được bữa uống nước no. Nếu hôm đó không có Hằng chắc là tôi đã xuống chầu hà bá. Mẹ đánh tôi năm roi vì tội lấy cắp thuyền của làng chài. Hằng bị phạt mười roi, bị bắt nhịn ăn buổi tối vì tội cứu người chết đuối (làng chài có tục là không được cứu người chết đuối vì sợ làm phật lòng thần sông sẽ không làm ăn được).
![]() |
Minh họa: Duy Nguyên |
Tuổi thơ nông nổi dại khờ, tối ấy hai đứa kéo nhau xuống thuyền bỏ nhà trốn đi. Đêm ấy, chúng tôi co ro trên chiếc thuyền cũ nát, lạnh, đói và sợ ma. Nghe làng đồn thổi chỗ con sông Bộ này sâu nhất trong tất cả mọi dòng sông chảy về biển nên nơi này là chỗ trú ngụ của hà bá. Mỗi năm vì đói, hà bá phải bắt ba bốn người mới chịu để cho làng yên. Biết đâu đêm nay hai chúng tôi sẽ làm mồi cho hà bá ? Nghĩ thế hai đứa ôm nhau khóc ròng mà không biết sẽ về đâu khi đêm đã khuya mà con thuyền thì đã xuôi dòng cách nhà vài cây số.
Càng về khuya trời càng lạnh. Trăng buông thứ ánh sáng nhờn nhợt phủ kín dòng. Bàng bạc khắp miền sông là sương nhòa nhạt. Những cồn đất hiu hiu như những nấm mồ lớn nhỏ nhấp nhô nổi bềnh bồng trên sông. Qua làn gió thổi những bụi lau lách trên những nấm mồ hiu hắt ấy càng làm cho đêm khuya thêm huyền bí, cứ như thể chúng tôi đang lạc giữa một nghĩa địa không người. Chúng tôi không khóc nữa mà mải đưa thuyền lướt nhẹ nhàng qua những lùm lau sậy. Đang mông lung suy nghĩ sẽ đi về đâu thì bỗng nghe như có tiếng nước róc rách khe khẽ nhưng nghe rõ lắm. Như có người đang đưa nước dội lên người. Trời ạ! Ai mà giữa đêm hôm khuya khoắt như thế này lại ra tắm nhỉ.
Chợt thấp thoáng bóng người lờ mờ trong sương trắng dưới cái lạnh thấu xương của đêm thu khuya khoắt. Bóng người nhờn nhợt khi mờ khi tỏ. Ai như cô Lành nhà chú Lục, đúng rồi, không thể lẫn vào đâu được, cái dáng người thắt đáy lưng ong, người đẹp nổi tiếng của vùng sông nước này. Nhưng sao cô ấy lại ở đây?
Bao nhiêu câu hỏi cứ xoắn lấy chúng tôi làm con thuyền tròng trành. Trong chốc lát, bóng người biến mất, chỉ thấy lấp loáng phía trước mặt chúng tôi chừng vài mét bóng trăng vàng lòe nhòe thành một vũng tròn tròn rồi cứ thế lan rộng ra cùng với tiếng nước réo sôi òng ọc. "Bình bám chắc lấy thuyền! Xoáy nước đấy", tiếng Hằng vang trong đêm như một mệnh lệnh. Nhưng không còn kịp nữa, con thuyền chúc mũi xuống rồi nhanh chóng hất chúng tôi xuống dòng. May mắn thay, Hằng níu được tôi rồi đẩy tôi hướng vào bờ mà bơi mải miết. Tôi vừa bơi vừa đuối, miệng hớp bao nhiêu là nước.
Rồi chúng tôi cũng vào được bờ. Lạnh và đói và sợ làm chúng tôi run lên từng đợt. Nghĩ lại chuyện vừa qua tôi chưa hết kinh hoàng thì tiếng Hằng thì thầm bên tai " Ma cô Lành đấy!". Tôi rùng mình. Đúng rồi, cô Lành chết đuối từ cơn lũ năm ngoái mà không tìm thấy xác. Có lẽ hồn cô vẫn còn lởn vởn ở bến sông này. Chắc cô định bắt hai đứa tôi làm bạn. Hai đứa chắp tay xá lia lịa dòng sông.
Quá nửa đêm, quên cả sợ hãi chúng tôi thiếp đi. Trong giấc ngủ vẫn chập chờn bóng cô Lành và vòng xoáy nước. Khi chúng tôi tỉnh dậy, mặt trời đã lên cao. Có tiếng cười khúc khích rất gần. Chúng tôi dụi mắt cho tỉnh hẳn. Mấy đứa trẻ chăn trâu lạ hoắc đang vây quanh chúng tôi cười chế giễu "Bắt quả tang hai vợ chồng nhé! Hế hế...".
Tôi vùng dậy nắm lấy tay Hằng. Hai đứa nhặt đất ném túi bụi vào bọn chúng. Lũ trẻ bỏ chạy, để lại bầy trâu ngon lành gặm cỏ và gió sớm mai man mát thổi về. Nhìn lại mình, chúng tôi bật cười ha hả. Trời ạ! Người bê bết bùn đất như ma lem. Chuyến này chắc cha mẹ không tha cho hai đứa. Chúng tôi vội vã trở về làng. Hai đứa cúi đầu nhận tội. Nghe đâu cả đêm mọi người đã bơi thuyền đi tìm chúng tôi vì nghĩ rằng hai đứa đã chết đuối.
Tuần sau đó, chỗ chúng tôi gặp cô Lành, những người thuyền chài đã kéo được một bộ xương người. Bố mẹ cô Lành khóc ngất khi nhận ra hài cốt của con mình. Tôi mới mười tuổi chưa hiểu hết nỗi đau nhưng nghe tiếng cô Hà khóc than con, tôi cũng thấy lòng quặn thắt. Từ đấy chúng tôi không dám đi ra khỏi nhà vào ban đêm trừ những hôm có mấy anh chị bên đội tiền phong rủ đi tập văn nghệ. Ngày một buổi tới trường, chiều về tôi chăn trâu đồng cỏ, Hằng theo cha đánh cá tận đẩu đâu. Khi mặt trời sấp bóng tôi cưỡi trâu bơi về làng cũng là lúc nhà Hằng chống thuyền trở về.
Trong khoang chỉ vài ba con cá muồng, cá diếc. Cá còn tươi nguyên, giãy đành đạch trong chiếc khoang xăm xắp nước chật chội. Cuộc sống nhà Hằng là ở đó, không có khúc sông này thì chỉ có chết đói. Mẹ tôi có tính thương người cứ vài ba hôm là hỏi mua cá nhà Hằng. Mà có ăn đâu, toàn cho nhà ngoại. Mẹ là cô giáo làng, nhà không khá giả nhưng tháng cũng vài ba bữa có cơm thịt từ đồng lương ít ỏi của mẹ. Mẹ bảo, tôi và Hằng có duyên, bây giờ là bạn, ít nữa lớn lên có khi lại yêu nhau, mẹ dành cái nhà này cho hai đứa. Tôi vốn là đứa ngu, nghe nói thế chẳng hiểu gì nhưng thấy lòng cứ vui như được quà. Mà dòng sông thì vẫn thế, thao thiết một dòng chảy mãi tháng năm.
Chúng tôi vào tuổi mười sáu, vẫn thân nhau như thuở ban sơ. Ngày ngày bơi thuyền ngược sông đi học, trưa lại bơi thuyền về dưới những rặng si soi bóng. Có lần nóng quá chúng tôi bạo dạn bỏ thuyền, nhảy ùm xuống sông vẫy vùng. Sau bao nhiêu lần uống nước giờ tôi bơi cũng kha khá. Hai đứa thi nhau bơi sang cồn đất bên kia sông. Nơi ấy là có cái tên rất thơ mộng - Cồn Phố, mà lại chẳng thơ mộng tí nào vì đó là nghĩa địa của những người chết.
Đang mải mê với những niềm vui du ngoạn, bỗng có tiếng thình thịch, cành cạch như có ai đang đào xới. Vẳng có tiếng người to nhỏ, rầm rì. "Thôi chết! Bọn đào vàng" – chúng tôi vẫn thường gọi những kẻ trộm mộ là những kẻ đào vàng vì trong những ngôi mộ trên cồn đất này, có những gia đình chôn đồ trang sức cùng người chết. Bọn này nổi tiếng giết người không gớm tay. "Đi thôi! Chúng nó mà phát hiện hai đứa mình chỉ có chết" - tiếng Hằng thì thào.
Chúng tôi nhanh chóng rời cồn và bơi mải miết. Than ôi! Vừa bơi tới chỗ neo thuyền, chúng tôi sửng sốt vì sợi dây néo thuyền đã tuột và con thuyền cùng sách vở đã trôi đi. Hai đứa cuống cuồng lên bờ, len lỏi chui qua những hàng rào và những lùm cây dại tìm đường về làng. Đến cả tiếng đồng hồ mới về đến nhà tôi. Cũng may bữa ấy nhà tôi có đám giỗ, mọi người đang xăng xái xào nấu, xếp bàn ghế để đón khách tối. Mẹ lấy quần áo cho chúng tôi thay, không nói gì, lại lo ngay công việc. Hai đứa nhìn nhau rồi Hằng nhặt rau, tôi quét lại cái cổng cho sạch sẽ và lau chục cái bàn đầy bụi.
Trời xẩm tối, khách đến đông đủ. Đèn măng sông sáng trưng soi ra tận mé sông lấp loáng sóng. Bố Hằng cũng có mặt trong vài chục khách. Ông cũng không nói gì, chắc cũng tại chúng tôi lớn rồi hay ông chưa biết chuyện chúng tôi mất hết sách vở? Mặc kệ, chúng tôi vẫn ngồi mâm trẻ con. Nhưng một lát, khách đến đông quá, chúng tôi "bị mời" ăn sau. Mẹ bảo vào nhà trong ăn miếng gì rồi ra giúp mẹ.
Hai đứa vào trong, ăn hai cái đùi gà cả hai đĩa xôi đầy ú hụ. Tôi nổi hứng uống rượu. Hai ly thôi nhé, mỗi đứa một ly là đủ. Đủ thật, chúng tôi say mèm. Đầu óc quay cuồng. Nhận ra rằng những người uống rượu chẳng sung sướng gì. Cơn buồn ngủ kéo đến, chúng tôi lăn ra phản. Lờ mờ thấy ai đó đi qua kéo tấm màn che ánh đèn hắt vào. Đánh một giấc dài đến tận sáng mai khi tiếng gà eo óc gáy báo sáng. Hình như đêm qua cả nhà tôi thức suốt (vì ở quê có tục hễ làm đám là thức cả đêm tiếp khách).
Bên cạnh tôi, Hằng cuộn tròn như con gấu ngủ đông. Chiếc màn kéo rẹt một cái, tiếng cậu tôi xỉn xỉn: "Hô hô! Tụi mày thành thân từ bao giờ thế". Tiếng mọi người cười ồ lẫn trong tiếng rửa chén bát lách cách. Chúng tôi tỉnh hẳn. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy ngượng ngùng khó tả. Chẳng dám nhìn mặt nhau, hai đứa bước ra gian ngoài. Lại một ngày đi học nhưng thuyền mất rồi, chúng tôi đành ở nhà. Suốt buổi chẳng nói với nhau câu gì. Chẳng hiểu có phải vì lời chọc quê của cậu tôi hay tại chúng tôi đã lớn khôn?
Hằng mất vào tháng bảy âm lịch, giữa cơn bão số 5 gầm thét. Nước lũ tràn về nhanh chóng, nhà tôi nước xăm xắp trên thềm, chỉ một viên gạch nữa thôi là nước sẽ vào nhà. Ngói tốc từng mảng. Nhìn ra sông chỉ độc một màu trắng xóa cùng với những lùm tre đổ ngổn ngang. Nghe tiếng người kêu cứu, Hằng nhào lên thuyền chống với dòng nước xoáy sôi giận dữ. Nhưng rồi ngay lập tức cái bóng nhỏ nhoi giữa dòng bỗng dưng mất hẳn. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi đội mưa bơi ra sông. Nước chảy xiết. cây gãy trôi xuôi chọc vào tôi đau điếng. Tôi réo gọi "Hằng... ơi! Hằng!".
Nhưng chỉ dòng sông chảy ầm ào và gió thốc vào mặt người rát buốt. Mặc mưa gió, người làng bơi kín cả dòng sông nhưng Hằng vẫn mất biệt. Ngày sau đó bão tạnh, cuộc tìm kiếm cũng không ngừng. Cả tuần, rồi đến cả tháng người ta cũng không thấy xác Hằng đâu. Giờ đây tôi mới thấu hiểu nỗi đau là gì. Trời đất mênh mang một màu tang tóc. Lần đầu tiên trong đời tôi khóc, giọt nước mắt không phải là nỗi đau của những lần bị mẹ đánh đòn mà đau tận trong tim. Có cái gì đó cựa quậy, rưng rức, buốt nhói trong lòng. Đó cũng là năm gia đình tôi lên phố ở.
oOo
Một cơn gió mạnh tấp vào mặt tôi rát buốt. "Đi đò không chú em ?" - Có tiếng người hỏi làm tôi giật mình. Tôi nhận ra chú Lục - bố cô Lành, chú già trước tuổi, mới năm mươi mà cứ như ngoài sáu chục. Chú không nhận ra tôi. Mà cũng phải, mười năm rồi mới trở lại thăm làng, ít nhiều cũng thay đổi. Làng bây giờ khác xưa, nhà ngói mọc lên san sát. Thuyền máy chạy đầy sông thay cho những chiếc thuyền đuôi én cũ nát. Tôi ở nhà ba ngày, cứ quanh quẩn bên ngoại. Nói chuyện với người già thật khổ sở. Câu được câu mất. Nhưng cũng phải chiều vì ngoại già rồi, tai đã lễnh lãng.
Đến trước ngày đi, tôi quyết định xuống thuyền. Giống như cái đêm cách đây mười mấy năm về trước tôi và Hằng trốn nhà đi. Chỉ khác lần này là đầu tháng, trăng không sáng như thời thơ ấu. Màn đêm huyễn hoặc đưa tôi trôi trên sông. Vẳng nghe đâu đây tiếng cá ăn đêm đớp động. Tôi mặc cho con thuyền trôi giữa mênh mông hoài niệm. Nhớ Hằng như nhớ một người yêu, đôi mắt đen, khuôn mặt trái xoan, tóc tết thành hai dải, áo bà ba nâu sòng...
Chợt chiếc thuyền chao đảo như có ai đẩy mạnh dứt tôi ra khỏi ý nghĩ. Nhìn lại, tôi thấy mình đã trôi xa làng và đang lạc giữa những cồn đất hiu hiu gió. Trong ánh trăng đầu tháng, không thể nhìn rõ phương hướng nhưng tôi đoán biết là chính khúc sông này ngày trước chúng tôi đã gặp bóng ma cô Lành. Nghĩ vậy, tôi cảm thấy hơi chợn. Đúng rồi, ở đời này người ta sợ nhất là cái gì không phải là người. Có tiếng róc rách như người lội nước mà lại như không phải. Tôi luống cuống tay chèo. Toàn thân lạnh toát.
Trong bảng lảng sương khói, có bóng trắng nhờ nhờ phía trước, lúc mờ lúc tỏ. Tôi nhắm mắt lại mơ màng nghĩ không biết năm này hà bá đã bắt người nào chưa. Con thuyền tôi đã buông tay chèo mà chẳng hiểu sao cứ trôi đi như có lực hút vô hình. Bỗng đâu đây có tiếng người hỏi han: "Về thăm tui à?" - giọng nói mơ hồ như gió thoảng qua mà nghe quen đến lạ. Hằng à? Không phải, Hằng mất lâu rồi. Hay ai giở trò trêu tôi? Toàn thân tôi sởn ốc. Bóng trắng vẫn trước mặt tôi vài ba mét.
Chợt nhớ, tôi rút chiếc điện thoại ra. Ánh sáng xanh nhợt của chiếc điện thoại chỉ làm cho đêm thêm thăm thẳm. Tôi run run hỏi: "Ai đấy ?". Có tiếng cười khanh khách đáp trả làm dòng sông vang vang. Lại thêm cơn gió lạnh ào ào thổi qua những cồn đất đầy lau sậy nghe như ngàn tiếng cười xao xác lan mãi trong khuya. Tiếng cười đập vào trí nhớ của tôi. Đúng là tiếng cười của Hằng rồi, không thể lẫn vào đâu được. Tôi cất tiếng gọi: "Hằng ơ... ơ... ơi!".
Vẫn tiếng cười khanh khách đáp lại lan mãi trong màn đêm bảng lảng. Tôi đứng dậy. Chiếc thuyền chao đảo, ngả nghiêng rồi hất tôi bắn vào bờ. Cát mịn màng mà lạnh buốt. Thoảng nghe đâu đây mùi hoa bân ngan ngát.
Tôi tỉnh dậy, mặt trời vừa ló dạng. Xung quanh tôi là cồn cát với những cây bụi thấp còn đẫm ướt sương đêm. Tôi trở về nhà. Ngoại và cậu mợ tôi tìm suốt đêm. Ai cũng tưởng tôi bị trúng gió. Theo lời tôi thuật lại, làng đổ về bến sông nơi tôi nằm suốt đêm qua. Hài cốt của Hằng được tìm thấy dường như vẫn còn vẹn nguyên trong lớp phù sa bồi đắp.
Ngày đi, tôi một mình qua cồn Phố. Mộ Hằng nhỏ nhoi nhìn về phía làng. Dưới kia, dòng sông Bộ vẫn một dòng thao thiết chảy. Dòng nước xanh trong líu ríu như dải lụa vắt ngang giữa trời mang bao nhiêu phù sa bồi đắp. Dòng sông hiền hòa lặng lẽ, dòng sông của ký ức tuổi thơ tôi, dòng sông của phù sa kỷ niệm. Tôi gọi đó là một dòng trôi mải miết.
Áo Trắng số 4 (ra ngày 1-3-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận