- Anh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh có thể gọi là đặc biệt, trải qua những thăng trầm, buồn nhiều hơn vui. Ba anh mất năm anh lên 4 vì bom đạn chiến tranh. Má anh đã tự kết thúc đời mình năm anh lên 7.
Anh mất cánh tay phải một năm sau đó bởi một cái té gãy tay hết sức đơn giản mà không có tiền để chữa trị đúng cách. Người anh đầu của anh cũng theo con đường của má trong những ngày anh chuẩn bị thi đại học... Nhiêu đó thôi cũng đủ biết gia cảnh của anh ngày ấy thế nào. Cũng có đôi lần anh mất phương hướng, trượt dốc và rơi vào tuyệt vọng đến cùng cực, nhưng may thay nhờ ơn đời, anh đã gượng đứng lên và đi tiếp những tháng ngày còn lại.
![]() |
Nghệ sĩ Thế Vinh - Ảnh: Gia Tiến |
Mất cánh tay lúc còn quá nhỏ nên anh chưa cảm nhận sâu sắc về nỗi mất mát lớn này, chỉ có điều hơi buồn buồn và "bực bội" mỗi khi muốn làm việc gì mà cần phải có hai tay. Anh nhớ như in một buổi chiều mưa sắp đổ, hai con bò nổi bướng, cánh tay còn lại yếu ớt không khiển nổi chúng về chuồng, đành phải đội mưa giữa cánh đồng chiều cô quạnh. Buồn quá!
Đến khi học cấp II, hơi biết biết một tí, tuy được ông bà ngoại và các cậu, dì bảo bọc, nhưng anh vẫn thấy có một nỗi cô liêu nhất định nào đó cứ quanh quẩn bên mình. Cũng hên là "sáng dạ” trốn chạy cô liêu bằng cách:
- Đọc đến khi thuộc lòng Bảy chuyến đi của Sinh Bá, Alađin và cây đèn thần, Alibaba và 40 tên cướp... để kể và "dụ” mấy đứa con nít theo mình chăn bò cho đỡ buồn.
- Hớt tóc, tập bơi, sửa xe đạp và học hiểu bài thiệt kỹ để chỉ lại cho các bạn cùng khối và các em lớp dưới, nên ngày nào nhà anh cũng rần rần hết tốp này đến tốp kia, vậy là hết cô liêu. Cũng nhờ dạy các bạn mà trong những năm trung học kiến thức anh khá vững, "vô tình" là nền tảng cho việc bước vào ngưỡng cửa Đại học Kinh tế sau này.
Ngày rời quê vô đại học chỉ có hai bộ đồ, một trên người, một trong túi xách học trò. Cũng may là được trường cho ở ký túc xá và một ít học bổng hằng tháng - điều kiện tối thiểu để tồn tại giữa cái đất Sài Gòn xa lạ. Lúc đầu anh và thằng bạn ra vỉa hè ngồi vá xe đạp, cái nghề gì đâu mà ế lên ẩm xuống. Được bốn ngày, (26-4-1990 - 30-4-1990) chán chường quá đành giải nghệ. Sau đó anh xin được một chân giữ xe đêm chung cư và tìm được mấy cua dạy kèm nên mới đỡ khổ.
Thế Vinh chọn trao quà ba bạn đọc có tên sau: Võ THỊ Như Trang (Quảng Nam), Nguyễn Tuyết Mai (Bình Dương), Nguyễn Thái Trúc Vy (ĐH Ngoại thương TP.HCM). Hai bạn ở tỉnh sẽ được gửi quà qua đường bưu điện. Riêng bạn ở TP.HCM xin vui lòng ghé Áo Trắng nhận quà. |
Học năm thứ nhất, muốn về thăm nhà mà thời đó xe cộ hiếm hoi, xếp hàng rồng rắn vài ngày chưa chắc có vé, chi phí lại đắt đỏ nên quyết định chui cổng Bà Xếp (ga Hòa Hưng). Thiệt là buồn cười, nghèo rớt mồng tơi vậy mà vẫn phải đóng 500 đồng cho các tay anh chị gác cổng đen (công các anh đục tường ga Hòa Hưng!). Lên tàu rồi vẫn chưa hết khổ, bị mấy anh chị kiểm soát viên lùa như vịt, kiểm đầu này chạy trốn đầu khác, có người trốn trong toilet vẫn bị truy tìm. Đến một ga xép, tàu ngừng lại để tránh tàu ngược chiều, anh bị một chị kiểm soát viên thẳng tay đuổi xuống. Vừa tủi thân, vừa tự ái, vừa giận nên bất cần và chẳng thèm năn nỉ. Khi tàu bắt đầu lăn bánh, không thể bị bỏ lại ở cái ga xép giữa rừng này được, anh liều mạng bám theo tàu và nhảy lên một toa khác.
"Đi đâu đây nhóc?" - anh kiểm soát viên chặn ngay cửa cầu tàu nhưng không dám đẩy xuống vì tàu bắt đầu tăng tốc.
"Dạ anh làm ơn cho em đi nhờ tới Mương Mán, em sinh viên về thăm nhà”. May sao anh này không hỏi gì nữa và kêu vô toa ngồi bệt ở lối đi. Khi nào có người đi qua thì đứng lên. 4g chiều tàu tới ga Mương Mán, cám ơn anh kiểm soát viên rồi xuống tàu, đi về phía con suối đá thả mình xuống dòng nước như muốn trút đi một cuộc hành trình liều mạng.
Con đường đau khổ vẫn còn nhiều tập ở phía trước vì từ ga về nhà còn tới 12km nữa. Nghĩ đến mà chùn chân, nhưng không thể nào khác hơn là phải thẳng tiến. Những bước đầu tiên lê trên từng thanh tà vẹt nghe sao mà nặng nề. Trong lúc đó tự nhiên trong đầu lóe lên một chân lý, một chân lý tình cờ ngộ được mà sau này mình luôn ứng dụng trong đời mỗi khi gặp khó khổ, được gọi là "chân lý đi bộ": trong mỗi bước chân mình không nghĩ đến con đường gian nan phía trước mà nghĩ rằng cứ mỗi bước đi là mình gần thêm một bước so với đích, và thiệt là kỳ diệu mình đã tìm được niềm vui cho mỗi bước đi trong suốt bốn tiếng đồng hồ của chiều tối hôm đó.
Còn động lực để anh vượt qua gian khổ chính là tình thương gia đình, thương chị em, vì anh ý thức rằng mình là đầu tàu của gia đình. Và đặc biệt là người con gái anh thương. Mỗi khi quá sức chịu đựng đâm ra chán đời chán học thì anh lại nhìn tấm hình người ấy để được nhắc nhở. Đối với anh, tình yêu là một động lực mãnh liệt, anh luôn cố làm "đẹp" mình trong con mắt người ấy, dẫu biết rằng tình yêu đó có đơn phương.
Bên cạnh đó một động lực khác do "cái tôi" thôi thúc, rằng anh phải làm được nhiều thứ để khỏa lấp những mặc cảm mất mát, đôi khi cũng là tự chứng tỏ, nhưng không dám tự mãn hay tự kiêu.
- "Đời là bể khổ", những bất trắc, gian nguy luôn rình rập và có thể ập đến bất cứ lúc nào trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Anh hiểu được rằng "có biết gì về ngày chưa tới" nên sẵn sàng đón nhận những chuyện của đời.
- Mọi thứ trong thế gian này luôn biến đổi không ngừng nghỉ để rồi sinh ra nghĩa là mất. "Dưới vành nôi mọc từng nấm mộ". Thiệt tình mà nói khi mới bắt đầu tiếp cận triết lý này anh cảm thấy mơ hồ và khó hiểu, nhưng dần dần đối nghiệm với những gì đã qua của đời mình cũng như của xung quanh, đến một lúc nào đó mình ngộ ra nên cho dù "Từng người tình bỏ ta đi" thì cũng "Như những dòng sông nhỏ” mà thôi.
Nói vậy mà không phải vậy, con người mà, làm sao không buồn khi chạm phải một mất mát, nhất là mất người mình thương. Nhưng khi đã hiểu được mất là một tất yếu thì buồn nhưng không quá bi lụy để đi đến tuyệt vọng. Trong lúc như thế này, anh bỏ đi đến một nơi nào yên tĩnh vài ngày cho nỗi buồn đến đỉnh đồng thời tìm những nguyên nhân tích cực để lý giải, sau đó quay về và lao vào công việc cho tới khuya để quên dần quên dần và trở lại cân bằng.
Nói tóm lại, anh có nhiều "chiêu" để thoát khổ nhưng đó chỉ là thực tế của anh không biết nó có lạ thường đối với người khác hay không. Tất cả đều mang tính chất tâm sự thiệt tình để đáp lại tình cảm của mọi người.
1. BÙI LÊ THÙY NHÂN (219/24 Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn, Bình Định)
* Câu 1: Anh dành cho nhạc Trịnh một niềm đam mê rất lớn. Có phải những tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có một tác động rất đặc biệt đến cuộc đời và cả con đường nghệ thuật anh đang theo? (trả lời chung cho bạn PHẠM THỊ HOÀNG LY, Đà Nẵng - cũng có câu hỏi tương tự)
- Phải, nhạc Trịnh đã an ủi, vỗ về anh và anh nghĩ rằng trong mỗi chúng ta ai cũng ít nhiều tìm thấy mình qua ca từ và giai điệu của nhạc Trịnh. Riêng anh, anh thấy nhiều nhiều lắm.
- Những tháng ngày chăn bò trên những cánh đồng cô quạnh, anh bùi ngùi nhìn "Đàn bò không luống cỏ”, "Đàn bò tìm dòng sông", "Nhưng dòng đã cạn khô”, "Đàn bò bỗng thấy buồn"... một quê hương cằn cỗi thế nào.
- "Một ngày mùa đông, trên con đường mòn, một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm, người chết hai lần, thịt da nát tan": cảnh tượng này tưởng chừng như không có nhưng thực tế đã đến với gia đình anh. Trong lúc đang tụng kinh đám tang cho bà nội thì một trái đạn từ đâu bay đến rớt thẳng vào nhà làm chết thêm nhiều người vô tội. Và một số người khác trở nên tàn tật. Ôi chiến tranh!
- Rồi đến khi lớn lên lủi thủi giữa "Trời cao đất rộng, một mình tôi đi, đời như vô tận, một mình tôi về, một mình tôi về, với tôi". Đôi khi dừng lại trên con phố khuya để ngậm ngùi "Dưới ngọn đèn một bóng chim qua".
- Rồi bất chợt "Em đến bên đời, hoa vàng một đóa..." và rồi "Em đến bên đời, bao điều chưa nói, lặng lẽ chia xa...", để ta mãi tìm "Đóa hoa vô thường" hay những "Dấu hài trên sông...".
* Câu 2: Dường như những dự định sắp đến của anh hướng đến hoạt động thiện nguyện nhiều hơn là đầu tư phát triển cho sự nghiệp nghệ thuật riêng của mình?
- Lúc đầu cô quạnh quá nên anh tìm đến âm nhạc để giải khuây, và may mắn hơn là sau này đem tâm sự của đời gửi vô tiếng đàn, tiếng kèn để cùng chia sẻ với bạn bè yêu nhạc, và đặc biệt hơn là như muốn gửi lời động viên đến các em và các bạn đang gặp khó khăn trên bước đường đi tới tương lai. Anh rất hạnh phúc vì đã đón nhận được tình cảm của mọi người yêu nhạc cũng như hiểu về cuộc đời anh.
Và điều đó đã giúp anh mạnh dạn thực hiện ước nguyện của mình. Trong giai đoạn này, việc quan trọng nhất là xây dựng trường mồ côi để ít nhiều các em thoát ra cảnh đói nghèo như anh ngày trước. Khi mọi việc tương đối ổn, anh sẽ dành thời gian cho âm nhạc nhiều hơn vì dẫu sao âm nhạc cũng là cứu cánh của anh.
2. NGUYỄN THỊ NGỌC LINH (265 ấp Hòa Phước, xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc, TP Bến Tre)
* "Được" và "mất" là hai cái luôn tồn tại song song trong cuộc sống của mỗi con người. Ai cũng thấy rất rõ cái mất và được của anh. Tuy nhiên cái được nó đền bù lại rất nhiều lần cái mất của anh. Thế thì anh có cảm thấy tự hào và hạnh phúc về những gì mình đạt được?
- Được và mất luôn tồn tại trong cuộc sống, nó như hai mặt đối lập tồn tại trong một thể thống nhất vậy. Trong cuộc sống anh mất nhiều thứ nhưng ơn đời cũng được bù đắp lại nhiều thứ. Anh là người thích làm và thích hiểu biết nên say mê và làm hết mình việc gì đó mà mình đã quyết. Chẳng hạn như chuyện làm sao để đàn, đàn để tự tâm tình và hoàn toàn không dám mơ đến một ngày nào đó đàn cho người khác nghe.
Anh không chủ đích đi tìm sự nổi tiếng, hoàn toàn chỉ có say mê và say mê rồi đến một lúc nào đó có nhiều người thương mến tiếng lòng được gửi trong tiếng đàn, người ta gọi là sự nổi tiếng còn anh thì quan tâm đến hạnh phúc được nhiều người thương mến thôi. Hay làm sao để vô đại học, ngay từ đầu anh không có ý định học để làm quan hay làm giàu mà chỉ để tìm thêm sự hiểu biết cho cuộc sống thêm phong phú...
Và rồi cuộc đời công bằng đã trả công cho anh một cách hậu hĩ. Anh đã đạt những ước nguyện và đó là niềm vui để sống. Anh xứng đáng được tự hào về nó phải không? Có, nhưng anh ít khi tự mãn bởi vì anh là con người tham lam, có rồi vẫn muốn có nữa. Và đặc biệt anh luôn tự nhủ và nhắc nhở mình cũng như những đứa em khuyết tật có chút thành công hãy thận trọng giữa tự hào và tự tôn vì rất dễ nhầm lẫn giữa chúng. "Hãy để mọi người nói về mình".
3. BÌNH TÚ NGỌC (hộp thư 24, Bưu điện Thăng Bình, Quảng Nam)
* Câu 1: Anh có một hình mẫu nào để noi theo trong quá trình khổ luyện để được thành công như hôm nay không?
- Hồi nhỏ anh thường đọc sách người xưa và đã được ảnh hưởng nhiều. Đọc Việt Vương Câu Tiễn, Hàn Tín hay vua Gia Long để học chữ nhẫn. Đọc Thủy Hử, Lữ Bố hay Từ Hải để học sự quân tử (biết là thiệt thân nhưng vẫn phải làm cho trọn đạo Quân Tử). Đọc Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức Bà Paris để cảm thông với những người cùng khổ và học sự hi sinh. Đọc Đông Ki-xốt để hiểu được sự quảng đại dẫu có chất điên rồ. Và gần gũi nhất là "đọc" người dì đã nuôi anh khi anh mồ côi trắng.
* Câu 2: Theo anh, điều gì là quan trọng nhất trong một con người?
- Luôn đấu tranh để nghiêng về phần người nhiều hơn phần con.
4. VÕ THỊ NHƯ TRANG (11/4 THPT Lương Thế Vinh, Điện Bàn, Quảng Nam)
* Trong tận cùng nỗi đau và sự tuyệt vọng, chú có bao giờ trở nên mềm lòng, buông xuôi và đầu hàng số phận?
- Đang rơi vào tuyệt vọng thì thiệt tình mà nói ít có ai đủ tâm trí để đặt và trả lời mệnh đề "buông xuôi hay đầu hàng", tùy theo sự chiêm nghiệm và sức chịu đựng của mỗi người mà sẽ hành xử khác nhau. Có người thì cứ hòa tan với niềm tuyệt vọng rồi theo thời gian tự nó sẽ suy giảm, có người thì lấy niềm vui một cách tiêu cực đôi khi pha với hiểm nguy để khỏa lấp tuyệt vọng. Còn riêng chú thì đôi khi lấy một nỗi buồn ít hơn để lấp nỗi buồn trước đó và nó được khái quát thành một chân lý tìm hạnh phúc một cách hết sức đơn giản: "Hạnh phúc nhiều khi là hiệu số của hai đau khổ". Nghe sao mà khó hiểu quá phải không Trang? Thôi thì chú lấy vài ví dụ mà chú đã ứng dụng thế này:
- Khi cảm và nghẹt mũi làm cho ta khó thở, chú bịt mũi lại và nín thở đến lúc không thể chịu nổi thì buông ra và cảm thấy rất hạnh phúc trong từng hơi thở.
- Khi bị té xe tay chân trầy hết, chú không than thở "Trời ơi đau quá” mà nghĩ ngược lại rằng: "Ồ may quá mình không bị gãy tay gãy chân hay chấn thương não". Như vậy chú đã tìm được hạnh phúc ngay cả khi gặp đau khổ.
- Chú thường biểu diễn ở Sài Gòn xong khoảng 23g là chạy xe máy 60 cây số về Bến Cát, thỉnh thoảng cán phải những cây đinh người ta rải, lúc đó chú không than thở đêm hôm gì cả mà tự nhủ ráng đẩy bộ tí nữa thôi sẽ rất hạnh phúc khi thay được ruột xe.
- Còn chuyện tình cảm thì phức tạp hơn, khó lý giải hơn. Khi mất người mình thương, đau buồn không? Buồn chứ sao không. Lúc đó chú thường nghĩ nếu không gặp nhau thì làm sao có được những tháng ngày thậm chí là khoảnh khắc thương yêu hạnh phúc bên nhau. Như vậy chỉ có lời đến lời phải không?
- Từ chân lý đó chú thường giỡn với học trò rằng "không học mà rớt là huề, học mà đậu cũng huề, học mà rớt là lỗ, chỉ có không học mà đậu là lời". Vậy chọn không học thì từ huề đến lời, còn chọn ngược lại thì... Học trò nghe xong cười bò lăn vì thấy có lý quá.
Trong cuộc sống, chú cũng đôi lần trượt dốc và rơi vào tuyệt vọng đến cùng cực, nhưng may là có được bạn bè, người thân và người thương kịp sức kéo lên, vậy là nợ đời hay ơn đời đều đúng cả. Tất nhiên trước đó chú phải làm sao để mọi người tin yêu và giúp mình khi gặp nguy khốn, như vậy "mình hãy dễ thương với mọi người trước". Đời người quá suông sẻ, quá thành công sẽ dễ sinh ra kiêu căng ngạo mạn và không biết đồng cảm với khổ đau của người khác. "Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc. Có oằn mình đớn đau, mới hiểu đời đá vàng".
5. PHẠM THỊ HOÀNG LY (lớp 09SVN, khoa ngữ văn ĐHSP Đà Nẵng, 459 Tôn Đức Thắng, Liên Chiểu, Đà Nẵng)
* Anh hay đi làm thiện nguyện. Có phải ở đó anh tìm thấy mình và có thêm nghị lực?
- Anh đi làm thiện nguyện vì thấu cảm được những người cùng khổ, đặc biệt là các em nhỏ có hoàn cảnh như anh ngày trước. Anh may mắn tạm lấp được những mất mát của mình và bây giờ anh đang trả ơn đời là lấp cho người khác trong sức hạn hẹp của mình. Vay của đời thì trả lại cho đời.
Còn nghị lực sống thì không phải từ công việc thiện nguyện mà anh có được từ nơi khác. Như anh đã trả lời chung.
6. NGUYỄN TUYẾT MAI (94 tổ 5, ấp 6, Thới Hòa, Bến Cát, Bình Dương)
* Thầy đã, đang truyền kiến thức đến các bạn học sinh, bây giờ và sau này thầy có ý định chia sẻ kiến thức, tài nghệ về âm nhạc, chơi nhạc cụ đến người khác?
- Tuyết Mai thân mến, có phải em là học sinh lớp 12A2 năm ngoái không?
Thầy luôn muốn đem những gì mình biết truyền đạt lại hết cho các em không riêng về kiến thức văn hóa mà còn ở những lĩnh vực khác nữa. Trong lúc dạy văn hóa, gặp chỗ nào hay thầy thường nhấn mạnh để các em có kinh nghiệm mà truyền đạt lại cho người sau. Đôi lúc thầy bỏ ra cả buổi để nói về cái tốt cái xấu, cái hay cái dở, cách nhìn nhận và sống trong xã hội.
Thầy thường khuyên các em hãy tự trọng, luôn biết giữ mình nếu sau này thành danh. Thầy thường kể những câu chuyện nhỏ mà trong đời thầy bắt gặp để cho các em tập có một cái nhìn sâu sắc hơn những sự việc hiện tượng. Thầy sẽ sắp xếp thời gian để ghi lại những gì mà thầy cảm thấy cho các em hay những người khác "Mua vui cũng được một vài trống canh".
7. NGUYỄN THỊ LAN VIÊN (26/1 đường 21/8 Phủ Hà, TP Phan Rang, Ninh Thuận)
* Nghệ sĩ có thể cho biết thêm kinh nghiệm dạy và luyện ôn thi cho học sinh đạt kết quả tốt?
- Vinh chỉ dạy học trò có một câu "học để quên", nghe có vẻ nghịch lý nhưng thiệt sự có lý vì kiến thức là những gì còn lại sau khi quên đi.
Đối với học trò luyện thi, Vinh cố gắng giúp các em có khả năng thiệt sự (không cần giỏi lúc này nhưng phải có óc tư duy trước đủ sức để tiếp thu và xử lý cho việc học sau này). Và điều quan trọng nữa là các em phải thực sự thích "đi xa". Vinh dạy các em theo sơ đồ: thực tiễn = tư duy trừu tượng = xây dựng quy luật, và tất cả mọi trường hợp có thể xảy ra của vấn đề một cách logic và thế là các em tự hiểu rồi tự giải quyết vấn đề.
Vinh ít khi nào giải bài tập cho các em. Nhiệm vụ của Vinh là dắt các em leo lên đỉnh núi rồi tự các em nhìn xuống bên dưới có những gì. Như vậy các em sẽ không sợ đề lạ, không những thế các em sẽ ứng dụng tư duy hệ thống để giải quyết những công việc sau này. Trong lúc học, Vinh thường lấy những ví dụ trong thực tiễn cuộc sống mặc dù đây là toán học, như vậy toán không khô khan chút nào. Từ thực tiễn xây dựng bài toán rồi toán học quay lại phục vụ cho thực tiễn.
Bên cạnh đó các em yếu được học lớp khác với một phương pháp cũng khác là không leo núi mà đi vòng vòng trái núi để hiểu hết trái núi. Vinh rất khổ sở vì các em này, nhiều em học lớp 12 mà chưa biết số âm dương, chưa biết chuyển vế hay giải các phương trình bậc 1, 2. Vinh phải dạy lại từ đầu và điều đầu tiên là dạy cho các em lòng tự tin bằng cách "chọc sườn" sau khi đã củng cố những kỹ năng toán học tối thiểu.
Vinh chọn chương nào dễ, ví dụ như khảo sát hàm số, dắt các em qua hết những vấn đề cơ bản và chắc chắn các em sẽ tự làm được, từ đó các em ngộ ra rằng học cũng không khó như mình tưởng, nếu chịu học và học đúng phương pháp. Sau đó các em thích học thật sự và đó là động lực thiết thực nhất.
Năm 2008, Vinh đã từng dạy hai em bị rớt tốt nghiệp trung học lần 1 với điểm toán 2 điểm và 2,5 điểm. Sau một tháng học tập, các em thi kỳ 2 với số điểm là 9 và 9,5 điểm.
Vinh xin chia sẻ vài kinh nghiệm dạy học của riêng mình đến với chị Lan Viên như thế, xin chị góp ý nghe.
8. TRẦN DUY PHONG (162A/6 Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
* Tôi đã đọc rất nhiều bài báo viết về anh, nhưng chưa đọc được bài viết nào nói về gia đình riêng của anh. Hôm nay xin hỏi anh: anh đã có gia đình chưa? Và nếu chưa thì một nửa của anh sẽ phải là người như thế nào?
- Cũng muốn lắm nhưng có lẽ "chưa tới số". Nếu có thì Vinh sẽ gọi đó là người con gái "dũng cảm" vì cách sống và công việc hiện nay của Vinh không phù hợp lắm cho hôn nhân, cần phải được thông cảm và sẻ chia từ phía người ấy. Hi vọng sẽ có một người con gái "dại dột" đến với "Đông Ki-xốt". Hehe.
9. NGUYỄN THÁI TRÚC VY (Đại học Ngoại thương CS2 - nguyenvyk48ftu@gmail.com)
* Anh đã từng thể hiện một câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Con tim yêu thương vô tình chợt gọi. Lại thấy trong ta hiện bóng con người". Sau tất cả những khó khăn, những chuyện không may trong cuộc sống, điều gì thôi thúc anh thành lập Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương?
- Lý do chính anh lập Trung tâm mồ côi Hướng Dương là một cách trả ơn đời. Vay thì phải trả phải không Vy, nếu không về bên kia sẽ thành con ma mang nợ!
Xin cảm ơn tất cả mọi người đã thương mến và quan tâm đến Thế Vinh. Các anh chị và các bạn có thể liên lạc với Vinh qua trang web: www.huongduong.edu.vn.
THẾ VINH
Áo Trắng số 10 (ra ngày 1/6/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận