22/01/2011 14:42 GMT+7

Dòng họ hùng binh

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTXuân - Hàng trăm năm trước, bao lớp người đã giong thuyền ra đại dương và sẵn sàng hi sinh để canh giữ quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc.

Hàng trăm năm sau, con cháu họ vẫn dũng cảm nối bước cha ông cưỡi trên đầu sóng ngọn gió. Lâu nay, các hùng binh Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh của hải đội Hoàng Sa đã được truyền tụng, nhưng ít ai biết còn có một dòng họ Võ đã âm thầm cống hiến bao lớp người cho chủ quyền Tổ quốc nơi xa.

tHjr98hq.jpgPhóng to
Hậu duệ Võ Văn Út thắp nén hương lên mộ ông Võ Văn Khiết - tổ tiên đời thứ 10 của họ Võ ở Lý Sơn - Ảnh: Quốc Việt

Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tượng đài những hùng binh của hải đội Hoàng Sa. Dưới bóng quốc kỳ, đôi mắt những tượng lính dõi thẳng ra đại dương như mang theo hồn Tổ quốc trấn giữ biên cương.

Tại nhà thờ gia tộc Võ ở thôn Tây, xã An Vĩnh, ngày đêm vẫn nghi ngút khói hương thờ tự những bậc tiền hiền đã bao phen căng buồm thẳng tiến ra Hoàng Sa. Sử xưa và trong ký ức còn truyền lưu của các bậc cao niên kể rằng họ Võ là một trong 13 tộc lớn đã ra đảo Lý Sơn mở nghiệp từ đầu thế kỷ 17. Tộc phả ố màu thời gian kể bậc tiền hiền đầu tiên đặt chân lên đảo là cụ Võ Văn Lúa và được xem là thủy tổ họ Võ ở Lý Sơn. Trải cùng dòng chảy thời gian và bao thời cuộc biến động, nấm mộ thủy tổ này vẫn còn nguyên vẹn để con cháu hương khói.

Người dẫn đường ra Hoàng Sa

Những ngày ở Lý Sơn, tôi cùng hậu duệ họ Võ lần giở lại các tài liệu cổ đang được gìn giữ, thờ cúng trang nghiêm. Những dòng chữ trên các trang giấy cổ đã phai mờ nhiều theo thời gian, cũng may là các cụ cao niên từng theo Nho học như Dương Quỳnh, Võ Hiển Đạt, tiến sĩ Nguyễn Nhã, Nguyễn Đăng Vũ… đã cố gắng giải mã được nhiều bí ẩn của lịch sử tộc họ này. Đặc biệt, không chỉ tài liệu họ Võ mà nhiều thư tịch cổ ở Lý Sơn cũng có nội dung hé lộ một gia tộc giỏi nghề đi biển, đã cống hiến nhiều mồ hôi, xương máu cho chủ quyền Tổ quốc.

Cuối xuân năm 2009, khi dịch một tờ lệnh Hoàng Sa cổ của họ Đặng có niên đại từ năm Giáp Ngọ (1834), người ta bàng hoàng phát hiện ngoài những nhân vật đã được truyền tụng như Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh, Phạm Văn Nguyên… còn có nhiều tổ tiên ở Lý Sơn cũng từng bôn ba Hoàng Sa.

Trong tờ lệnh đóng dấu triện của hai vị quan bố chánh và án sát tỉnh Quảng Ngãi ghi rất rõ những tên tuổi tham gia hải đội Hoàng Sa đợt này như Đặng Văn Siểm, Dương Văn Định, Phạm Quang Tình, Võ Văn Công, Võ Văn Hùng, Ao Văn Trâm, Trần Văn Kham… Riêng người tên Võ Văn Hùng đã nhiều lần cưỡi sóng nước Hoàng Sa, và không rõ lần cuối cùng ông có trở về được hay không.

Tại nhà ông Võ Văn Út, hậu duệ đời thứ 16 của họ Võ ở Lý Sơn, còn giữ phả tộc cổ cho thấy Võ Văn Hùng chính là một trong 10 người con của Hội nghĩa hầu Võ Văn Khiết, người từng là cai đội Hoàng Sa mà đến giờ vẫn còn nấm mộ đề bia tưởng niệm trên đảo. Tài liệu cổ của tộc họ lẫn chính sử triều Nguyễn đều ghi Võ Văn Hùng ít nhất đã ba lần vượt biển Đông ra Hoàng Sa. Năm Giáp Ngọ (1834) có thể là chuyến vượt biển lần thứ hai của Võ Văn Hùng.

Chính vì thông thạo hải trình, luồng lạch nên ông được giao nhiệm vụ dẫn đường (hay còn gọi hoa tiêu) cho hải đội ra quần đảo Hoàng Sa. Cùng đi với ông còn có em trai Võ Văn Công. Người trực tiếp cầm lái là ông Đặng Văn Siểm cùng quê Lý Sơn với anh em họ Võ. Chính ông Võ Văn Hùng cũng được tin giao nhiệm vụ tuyển chọn binh phu đi Hoàng Sa trong trai làng Lý Sơn.

Khởi hành vào năm Ất Mùi (1835), những người trực tiếp đưa đoàn thuyền ra quần đảo này như Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh được khen thưởng vì sự tận tâm với trọng trách. Hậu duệ họ Võ thời nay chưa biết chính xác tổ tiên Võ Văn Hùng đã đi Hoàng Sa tất cả bao nhiêu chuyến, nhưng họ có cơ sở để tự hào xác tín rằng ông là vị anh hùng của họ tộc. Vì thời điểm lịch sử đó, không phải ai cũng có thể ra Hoàng Sa được ít nhất ba chuyến như ông.

31aP8lIN.jpgPhóng to
Tượng đài hải đội Hoàng Sa ở Lý Sơn sừng sững nhìn ra quần đảo Hoàng Sa - Ảnh: Quốc Việt
r1TBUxjY.jpgPhóng to
Tài liệu cổ đã giúp hậu duệ Hải đội Hoàng Sa hiểu hơn công đức tổ tiên - Ảnh: Nguyễn Đăng Vũ

Khúc tráng ca của biển

Lặng nhìn những viên đá đánh dấu từng người đã khuất bóng trên nấm mộ gió chiêu hồn tập thể những người họ Võ đã hiến thân cho chủ quyền của Tổ quốc, ông Võ Văn Út bùi ngùi tâm sự: “Từ xa xưa, tổ tiên tôi đã truyền kể cho con cháu nghe tộc họ mình có rất nhiều người ái quốc đã bôn ba trên sóng gió Hoàng Sa. Và dưới nấm mộ gió này là biết bao linh hồn họ Võ đã gửi lại xác thân trên biển cả!”.

Chưa rõ ông Võ Văn Hùng trở về chuyến cuối cùng như thế nào, nhưng hậu thế thời nay đã được biết cha ông là cụ Võ Văn Khiết cũng từng nhận lãnh sứ mệnh giong thuyền đi Hoàng Sa. Cụ là tổ tiên đời thứ 10 của họ Võ ở Lý Sơn. Đến nay, nhà thờ và nấm mộ đề bia tưởng nhớ công trạng cụ vẫn đang nghi ngút khói hương ở Lý Sơn.

Chính sử cùng các tài liệu cổ của tộc họ kể rằng cụ Võ Văn Khiết đã được phong tước Hội nghĩa hầu, bổ chức cai đội Hoàng Sa để tuyển mộ binh phu giong thuyền ra Hoàng Sa từ rất sớm. Chính nhờ công đức to lớn này mà khi trở về lại Lý Sơn, cụ đã được dân làng tin tưởng giao trọng trách sáng lập đình làng An Vĩnh và vẫn còn khói hương thờ tự đến tận ngày nay.

Tuy nhiên, nhân vật lẫy lừng nhất của họ Võ đã được các pho chính sử triều Nguyễn nhiều lần nhắc đến là Phú nhuận hầu Võ Văn Phú kiêm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ và cai đội Hoàng Sa. Phả tộc họ Võ kể rằng ông là con trai cụ Võ Văn Khiết và cùng anh em với những hùng binh từng bôn ba Hoàng Sa như Võ Văn Hùng, Võ Văn Công... Và như Đại Nam thực lục chính biên đã ghi chép thì Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, mộ dân tái lập đội Hoàng Sa, để nối bước cha thực hiện trọng trách bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Hoàng Sa.

Ông Võ Văn Phước, hậu duệ đời thứ 16 và là trưởng tộc họ Võ hiện nay ở Lý Sơn, kể rất nhiều câu chuyện khó quên về bao thế hệ ông cha can trường từng cưỡi trên đầu sóng ngọn gió Hoàng Sa. Cứ tháng hai âm lịch đầu năm, sau lễ khao lề thế lính nguyện cầu bình an và lập hình nhân thế mạng, hải đội Hoàng Sa lại thẳng tiến ra biển Đông.

Họ mang theo lương thực, nước uống, củi lửa đủ dùng trong sáu tháng trên những chiếc thuyền buồm nhỏ, đặc biệt không quên mang theo nẹp tre, dây mây để bó thi thể những người hi sinh. Khoảng tháng tám, họ trở về đất liền, trình báo triều đình những sản vật thu lượm được, bản đồ đã vẽ, rồi lại chuẩn bị tiếp tục cho những chuyến đi sau.

“Lớp hậu duệ họ Võ chúng tôi hiện chưa thể thống kê chính xác có bao nhiêu cha ông đã ra đi vì đất nước. Nhưng có một điều mà chúng tôi biết chắc chắn là bản danh sách các hùng binh của biển ấy dài lắm” – lão ngư dân Võ Văn Phước bùi ngùi nhớ lại những lễ cúng mà cha ông ngày xưa đã xướng tên dài dằng dặc những tổ tiên gửi thân nơi biển cả.

Ông Phước giờ đã 71 tuổi cũng chỉ vừa chịu rời biển. Các cụ cao niên Võ Văn Hổ, Võ Noa dù đã quá tuổi 90 vẫn xúc động nhớ từng chi tiết các hòn đảo Hoàng Sa mà họ từng nối bước cha ông in dấu chân mình.

Cụ Võ Noa bồi hồi kể: “Nương theo sức gió và dòng hải lưu, nhiều chuyến đi của chúng tôi kéo dài hơn cả tháng và qua rất nhiều hòn đảo. Đi mãi rồi thân quen như lòng bàn tay, chúng tôi đã gọi những tên đảo như đảo Cát Vàng, đảo Chim, đảo Ông Già… cho dễ nhớ!”. Lòng quả cảm và khả năng đi biển tài giỏi của họ thật khó kể hết khi đến thế kỷ 20, họ vẫn đi biển bằng buồm và sức chèo trên những chiếc thuyền câu được làm bằng gỗ, thậm chí nan tre nhỏ xíu. Nhưng quần đảo Hoàng Sa khi ấy cũng thân thiện và nhiều tôm cá, chim chóc để ban tặng cho ngư dân nước Việt.

Cụ Noa, cụ Hổ giờ đã xa biển trong tuổi xế chiều, nhưng lớp con cháu ngư dân đời thứ 16, 17 của dòng họ Võ vẫn đang tiếp tục giong thuyền ra Hoàng Sa. Trong lòng can trường của họ còn có cả hồn phách bất khuất của bao lớp cha ông, để tiếp tục trang hùng sử chủ quyền của Tổ quốc.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên