Họa sĩ Trần Thị Thu Hà - chủ phòng tranh Tự Do (phải) và nhà báo Nguyễn Trọng Chức trong một cuộc triển lãm tại phòng tranh Tự Do - Ảnh: T.T.D. |
Khởi đầu ngày 22-6-1989 với cuộc triển lãm Phòng tranh mùa hạ hay Phòng triển lãm tắt đèn của họa sĩ Rừng tại số 142, đường Đồng Khởi, P. Bến Nghé, Q. 1, đến năm 2000, phòng tranh Tự Do chuyển về số 53, đường Hồ Tùng Mậu, P. Bến Nghé, Q.1 cho đến đến nay.
Gần 27 năm hoạt động, phòng tranh Tự Do tổ chức 197 cuộc triển lãm tranh và tượng ở TP.HCM và 17 cuộc triển lãm ở các nước: Thụy Điển, Hong Kong, Úc, Bỉ, Mỹ, Singapore…
27 năm, một khoảng thời gian tương đương 1/3 cuộc đời, chúng tôi đã dồn hết tâm trí và thời gian cho hoạt động của phòng tranh, của nghệ thuật. Chúng tôi đã may mắn được đồng hành cùng một số họa sĩ tài năng. Và nếu thiếu sự tín nhiệm và bảo trợ của các nhà sưu tầm nghệ thuật thì phòng tranh Tự Do không thể tồn tại trong suốt 28 năm vừa qua |
Phòng tranh Tự Do có hai tầng với diện tích hơn 260 mét vuông. Ngoài số tranh treo thường xuyên, chủ phòng tranh còn tổ chức trung bình mỗi tháng một triển lãm (từ 20 tác phẩm đến 30 tác phẩm/cuộc).
Đây là phòng tranh lâu đời nhất thành phố, là một "địa chỉ đỏ" của nhiều họa sĩ Việt Nam. Bởi bất kỳ họa sĩ nào muốn tổ chức triển lãm, ông bà chủ Đặng Hải Sơn - Trần Thị Thu Hà đều dang rộng vòng tay chào đón.
Họa sĩ chỉ cần mang tranh đến, chủ nhân phòng tranh treo, tổ chức triển lãm và miễn phí hoàn toàn. Chỉ đến khi bán được tác phẩm thì tỉ lệ ăn chia mới là 50-50.
Các tác phẩm của họa sĩ Chóe trong một cuộc triển lãm tại phòng tranh Tự Do - Ảnh tư liệu |
Theo bà Hà, nói rằng làm phòng tranh là lao động trí óc cũng đúng, mà lao động chân tay cũng chẳng sai. Nhìn có vẻ nhàn nhã nhưng thực ra hằng ngày bà và những người cộng sự phải làm việc từ 12 giờ đến 14 giờ. Đâu chỉ treo một bức tranh lên tường là xong. Công việc quan trọng nhất là phải làm tư liệu đầy đủ cho tác phẩm.
Theo thống kê mỗi năm, số tranh bán được ở phòng tranh của bà chiếm tỉ lệ 60% người nước ngoài, 40% người trong nước.
Theo thống kê mỗi năm, số tranh bán được ở phòng tranh cho người nước ngoài chiếm tỉ lệ 60%, 40% bán cho người trong nước.
Từ năm 2011, vợ chồng họa sĩ Trần Thị Thu Hà dự định đóng cửa phòng tranh Tự Do để sang Mỹ sinh sống với con cái. Ông bà rao bán tác phẩm quan trọng nhất của mình là bức sơn mài Trận Bạch Đằng của họa sĩ Nguyễn Gia Trí với giá 500.000 USD. Rất nhiều nhà sưu tầm nước ngoài đến hỏi mua nhưng bà đều lắc đầu.
“Tôi muốn bán cho một người Việt Nam vì như thế tranh còn là tài sản của đất nước mình chứ bán ra nước ngoài là mất. Ngặt nỗi, dù đã hạ giá xuống 200.000 USD rồi mà vẫn chưa có người Việt nào hỏi mua. Nhiều người Việt rất giàu nhưng họ không có sở thích chơi tranh thật, chơi tranh giá trị”, bà Hà buồn bã.
Tuy đóng cửa nhưng phòng tranh Tự Do vẫn hiện diện trực tuyến trên hai trang web là www.tudogallery.com và www.tudoart.com.
Họa sĩ Phan Vũ trong một cuộc triển lãm chung tại phòng tranh Tự Do - Ảnh: Bằng Vân |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận