06/02/2008 06:20 GMT+7

Đón tết ở trại phong Quy Hòa

PHẠM AN HÒA
PHẠM AN HÒA

TTO - Làng phong Quy Hòa ở thành phố Qui Nhơn (Bình Định) vẫn còn xa lạ với nhiều người bởi điều tiếng về căn bệnh quái ác và cũng bởi con đường đèo quanh co. Thế nhưng, trong những ngày xuân này, Quy Hòa ấm áp hơn bởi tình người. Chúng tôi đã có dịp thăm lại làng phong vào chiều 29 tết.

Bác sĩ Vũ Bá Toàn, trưởng phòng hành chính tổng hợp, bệnh viện phong - da liễu trung ương Quy Hòa cho biết, trên mảnh đất đau thương với 60 ha này hiện có 365 hộ gia đình sinh sống, nhiều người đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình.

Những chuyện tình đẫm nước mắt

Trong căn nhà cấp 4 ọp ẹp hướng ra làng chài của những người mắc bệnh phong, ông Hoàng Ngọc Mừng sinh năm 1940 bồi hồi nhớ lại mái ấm hạnh phúc của mình. “Năm 32 tuổi, tôi thấy có nhiều vết đỏ nơi cùi trỏ và đầu gối mình. Nhân dịp có đoàn y tế khám ở huyện Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế), tôi mạnh dạn đi khám.

Một tuần sau, có giấy báo đến trung tâm y tế và tôi biết mình đã nhiễm căn bệnh quái ác thời bây giờ: bệnh phong (hủi). Họ khuyên tôi nên ra bệnh viện phong Quy Hòa ở Bình Định để điều trị 1,2 năm rồi về vì tôi còn trẻ”. Trên chuyến xe định mệnh đến Quy Hòa đúng 7g30 tối ngày 12-9-1977 có tám người bệnh phong tại Huế lúc ấy, hai người đã về quê, năm người còn lại đã gởi nắm xương tàn cùng cát bụi vì tuổi tác.

Đến năm 1982, sau khi đã chữa khỏi bệnh, ông Mừng bén duyên với bà Nguyễn Thị Phận cũng là một bệnh nhân tại làng phong. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chàng trai Huế quyết định lập gia đình với người cùng cảnh để cảm thông, sẻ chia và chăm sóc nhau những ngày tiếp theo của cuộc đời.

SFojvCEo.jpgPhóng to
Kéo điện chuẩn bị làm sân khấu phục vụ bà con đêm giao thừa

Đám cưới tự lập của đôi bệnh nhân phong nhận được sự tán đồng của anh em đồng cảnh, mà hai bên gia đình đều phản đối. Chuyện tình của ông Mừng và bà Phận trở thành “huyền thoại” của làng phong bắt đầu từ đó. Đến bây giờ hỏi về mái ấm ấy ai cũng bồi hồi. Vài năm ông bà về thăm quê một lần, vì như đôi vợ chồng nói xa Quy Hòa một ngày lại thấy nhớ.

Trước 1975, làng phong Quy Hòa thuộc sự quản lý của các sơ dòng Phanxico. Sau giải phóng, các sơ bàn giao lại làng phong cho Bộ Y Tế, thành lập Khu điều trị phong Quy Hòa.

Đến năm 1989, Khu điều trị đổi tên thành Bệnh viện Da liễu Quy Hòa. Năm 2005, mang tên Bệnh viện Da liễu trung ương Quy Hòa, là bệnh viện chuyên khoa hạng 1.

Rời nhà ông Mừng, chúng tôi tìm về mái ấm của ông Trịnh Ngọc Tây, một bệnh nhân phong thuở nào. Ông Tây năm nay đã 72 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn, nụ cười luôn nở trên môi.

Năm 1954, ông phát hiện mình bị bệnh ngay tại quê nhà ở huyện Tam Kỳ (Quảng Nam). Người thanh niên ấy ra Huế chữa bệnh quãng năm 1958-1959. Đến năm 1960 ông vào Quy Hòa vì khi ấy ở Huế thiếu thuốc đặc trị và cũng một nỗi lo mặc cảm với người đời. Khi đặt chân đến Quy Hòa, ông cảm thấy thân thuộc bởi đồng cảm với những người bệnh từ khắp cả nước đổ về.

Căn bệnh quái ác rồi cũng khỏi dần, di chứng làm tay co lại sau khi bệnh viện mổ chỉnh hình làm ông Tây lưỡng lự trước cuộc sống của chính mình. Về quê hay ở lại? Quê nhà có chấp nhận một đứa con bị căn bệnh quái ác này không? Giữa lúc đang suy nghĩ mặc cảm như vậy thì ông quen với một bệnh nhân quê gốc Điện Bàn (Quảng Nam) cũng đang điều trị tại đây. Tình yêu đến với họ khi nào chẳng rõ, chỉ biết đám cưới của đôi bệnh nhân phong tổ chức vào cuối năm 1974 với sự hiện diện đông đảo chúc mừng của mọi người trong làng phong.

Phía trước là bầu trời

Tóc ông Mừng đã đầy sợi bạc vẫn không ngớt tự hào về hạnh phúc trên vùng đất mới, khi ông bà sinh thành một cháu trai và cháu gái rất lành lặn. Cháu trai sinh năm 1987 tên Hoàng Ngọc Mãi, hiện là sinh viên năm 2 của trường CĐSP Bình Định, có khuôn mặt rất sáng sủa. Trong những chuyến giao lưu của các tổ chức quốc tế đến với làng phong, Mãi vừa thông dịch vừa hướng dẫn viên lẫn sứ giả của bệnh nhân ở đây. Đến năm 1989, ông bà tiếp tục cho ra đời cô út Hoàng Thị Bê, có khuôn mặt rạng ngời ánh trăng.

Trong khi bà con xung quanh đang dọn nhà chuẩn bị đón đêm giao thừa thì không khí sum họp tại căn nhà xập xệ mới thật ấm cúng. Bà Phận co ro đôi tay tật nguyền sau những năm tháng chống chọi với căn bệnh phong, vuốt ve những mái đầu xanh đang làm nên sự sống tươi trẻ trên mảnh đất này.

Em Mãi ngượng ngiụ đứng dậy loay hoay lau chùi nhà cửa giúp mẹ, còn em Bê vừa mới mua chậu hoa cúc rõ to về để trưng trong nhà mấy ngày tết. Ông Mừng bảo các con: “Đêm mai (30 tết - người viết) đúng 8g tối, cả nhà nhớ tập trung ngay tiền sảnh bệnh viện để thưởng thức chương trình giao thừa do bà con mình tổ chức, sau đó nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc tết đó nghen. Chiều nay bệnh viện đã cho kéo điện làm sân khấu rồi đó!”

Lại nói về gia đình của ông Trịnh Ngọc Tây. Đến năm 1981, hai người bệnh phong có trái tim ngập tràn yêu thương sinh hạ được cô con gái duy nhất Trịnh Thị Kim Liên. Người Liên đẹp như chính cái tên mà ba mẹ đặt cho mình vậy. Em tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng xong thì được bệnh viện cử đi đào tạo cử nhân điều dưỡng để về chăm sóc lại cho bà con mình. Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi em vừa kết hôn với ông xã nguyên là con một bệnh nhân phong trong làng.

Đến tết này, Liên vừa tròn một năm lên xe hoa. Liên đang giúp ba mẹ dọn dẹp lại nhà cửa, những cây bánh tét vừa kịp vớt ra để dâng lên bàn thờ tổ tiên trong đêm 30. “Nhà em ăn ít thôi, còn lại biếu bà con trong làng mỗi hộ một cây bánh tét mừng xuân mới”- Liên hỉ hả khoe. Ông bà Tây khệ nệ sắp xếp lại những chậu cảnh trước nhà đang nở đầy hoa thời con gái, chúm chím khoe sắc hương.

Tết về thênh thang

oMq9NwLf.jpgPhóng to
Gia đình ông Tây đang chuẩn bị đêm giao thừa. Từ trái qua phải: ông Tây, bác sĩ Toàn.
Vừa dẫn tôi đi thăm làng phong, bác sĩ Toàn người đã có 7 năm gắn bó với từng bệnh nhân, từng gia đình ở đây khoe: “Tết này, mỗi người trong làng được thưởng tết 120.000đ, con em đi học thì thêm 30.000đ nữa. Ngoài ra, bệnh viện chúng tôi cho thêm mỗi suất 30.000đ để mua bánh chưng, bánh ngọt… chăm lo cho bệnh nhân”. Sau khi tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, anh đã có 10 năm công tác tại Hà Nội trước khi dẫn bà xã cũng là một đồng nghiệp vào gắn bó với vùng đất Quy Hòa.

Sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ ở đây còn phải kể đến bác sĩ Nguyễn Thanh Tân - giám đốc bệnh viện khi ông thông thuộc từng gương mặt bà con trong làng, mà không hề muốn xuất hiện trên mặt báo.

Chỉ biết rằng, bác sĩ Tân, bác sĩ Toàn cùng với 36 bác sĩ khác, và toàn thể 260 người trong bệnh viện đang giúp bệnh nhân không chỉ trong làng phong mà hiện tại cả 11 tỉnh Bắc Trung Bộ- Tây Nguyên chống chọi với căn bệnh từng một thời là nỗi khiếp đảm của mọi người, cũng như chăm sóc tất tần tật đau ốm của người dân trong làng. Để giờ này, theo lời bác sĩ Toàn thì bệnh nhân trong bệnh viện đã khỏi gần hết, xin về nhà đón tết cùng gia đình.

Chiếc xe máy cũ mèm của bác sĩ Toàn giúp chúng tôi đến thăm từng ngôi nhà bệnh nhân. Những nụ cười thật tươi, những cái bắt tay thật chặt giữa bác sĩ bệnh viện với mọi người làm cho cái lạnh của đất võ như ấm lại.

“Truyền thống nấu bánh tét, bánh chưng cũng được bà con giữ gìn thế này đây, dù bây giờ có lắm người bán sẵn nhưng góp gạo thổi cơm chung mới ấm áp tình người. Tình làng nghĩa xóm những khi trái gió trở trời của bà con ở đây quí lắm anh ạ!”- bác sĩ Toàn chỉ những nồi bánh nghi ngút khói vừa nói với tôi. Trong những căn nhà trước kia chỉ có nỗi buồn u ám vì sự tự ti với cuộc đời bây giờ đã vang ắp tiếng cười đùa của con trẻ. Sức sống mới đang tràn về nơi đây.

Ông Nguyễn Thanh Gương, trước đây là một bệnh nhân phong, giờ chỉ còn đôi tay cười lạc quan: “Bệnh nhân phong chúng tôi biết ơn nhà nước, biết ơn các y bác sĩ lắm vì cho nhà ở, chữa bệnh không tốn tiền. Ai đau yếu thì lên bệnh viện còn được miễn phí thuốc thang, ăn uống. Trong làng phong, có nhiều người tết này hơn 100 tuổi đó chứ!”.

Trong đôi mắt người đàn ông ở tuổi xưa nay hiếm ánh lên những tia hy vọng khi đêm 30 tết đang về rất gần.

PHẠM AN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên