Phóng to |
Có một vũng lầy bất tận
Chẳng lẽ khi đặt tên cho tác phẩm của mình là Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư lại không biết rằng đối với người Việt, cánh đồng là một biểu tượng văn hóa nhạy cảm? Chẳng phải dân tộc này, số đông đã lớn lên từ trên những cánh đồng ư?
Ngay ở đất phương Nam này, đến mãi tận cùng là đất Cà Mau, mọi người chẳng phải được sinh ra và lớn lên từ trên cánh đồng?
Chẳng phải nhờ cánh đồng mà cô, Nguyễn Ngọc Tư, đã xuất hiện trên văn đàn mấy năm qua bằng một giọng văn đặc sệt chất cánh đồng, nhờ vậy mà cô được yêu thích, được đón nhận và nổi tiếng?
Vậy hà cớ gì lần này cô phỉ nhổ vào cái cánh đồng ấy tàn tệ đến thế?
Tôi nhớ trong văn học dân gian - kho tàng trí khôn của ông bà tổ tiên bao đời, chưa thấy chuyện phỉ báng cánh đồng, mà chỉ có làm đẹp thêm thôi. Văn học nghệ thuật cận - hiện đại cũng vậy, bởi lẽ cánh đồng quê bao giờ cũng mỹ cảm lắm, tha thiết lắm, lam lũ mà anh hùng, nghèo khó mà son sắt...
Cây bút nữ xứ Cà Mau ơi, cô phải biết những cánh đồng này chứ: Cánh đồng hoang, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Đồng Chó ngáp... Những chuyện mà cô kể không còn là chuyện của cánh đồng nữa; tôi nghĩ đó là “vũng lầy bất tận” thì đúng hơn.
Mọi thứ do nhân xưng “tôi” cố ý xuyên tạc bằng trí tưởng tượng nhồi nhét, bằng thao tác lượm lặt và một mặc cảm về tính giao bệnh hoạn. Cánh đồng của Nguyễn Ngọc Tư tất cả đều dâm ô hết.
Hình ảnh nông dân Chí Phèo - Thị Nở trở nên lưu manh hóa bởi giai đoạn xã hội thối nát. Còn những hình ảnh nông dân của Ngọc Tư trở nên dâm ô hóa, ngay hôm nay bởi cái gì, vì ai mà con người chỉ còn quan hệ tính loài?
Cô chửi vào họ một cách không thương tiếc: thất học, hung hãn; nghèo đói, dốt nát tăm tối; những đứa tên Hận, tên Thù nhàu úa, cộc cằn, chửi thề là tươi rói... Cánh đồng VN sau 30 năm giải phóng phận người mà như thế?
Ở Cánh đồng bất tận không có vấn đề tính giao của người! Tác giả chỉ bêu rếu trên năm sự vụ ăn nằm, năm sự vụ mà thật tình nếu có thì ở cái xứ quê cô người dân chỉ dám rỉ tai nhau, chứ nào dám đăng (văn) đàn ong ỏng đánh “ùm” vậy.
Rõ là nhà văn nữ này không có ý viết về tình dục mà chỉ cố chiêu dụ người nghe đi đến một kết luận rằng: tất cả chỉ như chó và tệ hơn vịt; cuối cùng là một “tôi” bị cưỡng hiếp mà không hề kháng cự với cái lý lẽ trái tự nhiên là giẫy giụa chỉ kích thích thêm mấy thằng đàn ông, có ích gì!
Than ôi, nếu có ai viết về tính giao của nhân loại, sinh hoạt đàn bà - đàn ông đã thoát kiếp thú mấy triệu năm, thì chắc phải suy xét đến lẽ thường hằng của tạo hóa, đã ban cho con người một nền nã văn hóa tính dục. Không thể làm trái qui luật để được xem là một sự táo bạo của nhà văn nữ!
Cánh đồng của Ngọc Tư là ở đâu vậy; một cánh đồng bệnh hoạn về nhân cách, tồn tại không kỷ, không cương, không pháp luật. Có một thứ cánh đồng của ngày hôm nay như thế sao?
Càng khó chấp nhận hơn khi đọc mấy lời Ngọc Tư trả lời phỏng vấn trên một tờ báo, rằng viết Cánh đồng bất tận là “thấy cần đổi mới mình đi”; “chỉ là đánh ùm một tiếng thôi mà”. Ngọc Tư nghĩ “con người nên mở lòng ra, sống nhân ái với nhau”; nhưng Ngọc Tư viết thì rất độc ác, cố ý từ chối đạo lý làm người. Đọc văn thì thấy lòng người viết văn.
Xua đuổi, bôi tro trát trấu lên phận nghèo, chửi mắng bọn ngu dốt dân mình, bắt nhân vật mình ai cũng đê hèn... không có một bóng người trong tác phẩm của mình thì sao gọi là nhân ái?
Ngày xưa chị Dậu bồng con với ổ chó đi bán, đã là hiện thực phê phán tận cùng rồi nên cách mạng phải đánh đổ nó đi, xem ra nhà văn làm được vậy mới là nhân ái.
Thông điệp của Ngọc Tư trong Cánh đồng bất tận là gì, hiện thực của hôm nay mà như thế thì cô biểu mọi người phải làm sao đây hả Ngọc Tư? Có nhà giáo dạy văn học gửi thư cho các cơ quan lãnh đạo tỉnh Cà Mau cực lực lên án Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, nói rằng cô quá phản động là rất có lý!
Tôi hiểu phản động theo nghĩa: nhà văn dù trong bất cứ trạng huống nào cũng không thể hạ thấp nhân phẩm con người, nhất là không thể đứng ở cheo leo bờ vực nào đó để chống lại con người.
Không thể coi best-seller là một cái chuẩn văn học để làm tới! Nói theo kiểu dân Nam bộ là Ngọc Tư ơi chớ làm lừng. Cánh đồng bất tận đã bộc lộ sai trái quá lớn rồi, cái sai ấy thập phần nguy hại khi đang được tung hô, cổ súy. Thuốc lắc, ma túy đều là thứ hàng best-seller cả đấy thôi! Nhưng đó thuộc loại best-seller mà pháp luật phải ngăn cấm.
Ngọc Tư và những người ủng hộ Cánh đồng bất tận hãy lưu ý đất nước mình còn 80% dân số tiếp tục gắn cuộc đời trên những cánh đồng. Đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thẩm thấu trong đó là văn hóa cánh đồng.
Nếu các bạn vẫn bảo lưu đứa con bệnh hoạn này, còn định làm thành phim nữa chứ, thì tôi xin thay mặt 80% nông dân lam lũ mà trong đó có cha mẹ ông bà tôi, cha mẹ ông bà của các bạn hãy vị tình mà bỏ hai chữ “cánh đồng” đi. Nên thay vào đó là “Vũng lầy bất tận”, vì với các bạn thì “cánh đồng đã tận” rồi.
Đã từng có cánh đồng nào đó ở xứ Cà Mau cho Nguyễn Ngọc Tư một văn nghiệp; đó là cánh đồng đã làm nên một giọng văn Ngọc Tư không nhầm với Ngọc Năm, Ngọc Sáu của nơi khác. Chưa chi cô đã giẫm lầy cánh đồng, chẳng những giẫm mà còn phóng uế lên đó.
Tôi biết Nguyễn Ngọc Tư hiện đang ở Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Cà Mau, nhưng qua Cánh đồng bất tận cô đã bắt đầu lưu vong, lưu vong với chính văn nghiệp của mình!
Cà Mau, ngày 14-12-2005
------------------------------
Chúng tôi không hoài nghi những gì văn học viết...
Ông nói rằng tiến sĩ Thái Văn Long - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau - có nói không nên cho học sinh coi Cánh đồng bất tận vì đọc xong học sinh sẽ hiểu “xã hội dập dìu đĩ”.
Và ông cũng nói: “Anh hình dung xem, trẻ mới lớn lên mà đọc Cánh đồng bất tận sẽ thấy cái này sao mà quá trời vậy! Trẻ sẽ hoài nghi quá đi chứ...”.
Thưa ông, giới trẻ chúng tôi, những người đủ tri thức để phân biệt cái xấu, cái tốt. Chúng tôi không nghĩ rằng một xã hội “không có dập dìu đĩ” là một xã hội tốt hoàn toàn, nhưng chúng tôi biết rằng một xã hội mà những Bùi Tiến Dũng dễ dàng nhởn nhơ đục khoét tiền bạc nhân dân rõ ràng là một xã hội còn bất công.
Chúng tôi không hoài nghi những gì văn học viết, mà chúng tôi hoài nghi những hiện tượng tiêu cực đang xảy ra trên đất nước chúng ta. Văn học phản ánh hiện tượng xã hội mà, thưa ông.
Vì vậy tôi nghĩ ông nên tập trung đấu tranh với những cái xấu trong thực tế đang làm băng hoại xã hội, đang làm giới trẻ chúng tôi, một là sẽ bắt chước, hai là hoài nghi những gì mình được học trong nhà trường.
Còn có độc giả
Phóng to |
Ban đầu, khi báo Tuổi Trẻ khởi đăng, tôi nhận được rất nhiều dư luận xung quanh các buổi trà dư tửu hậu. Lúc đó, “mấy bác” “mấy chú” cứ điện hỏi tôi: “Tao nghe nói tụi mầy định viết bài bênh Ngọc Tư hả?”.
Tôi ngạc nhiên: “Ngọc Tư bị như thế nào mà lại bênh? Mà bênh về chuyện gì?”. Hôm nay tôi đọc bài trả lời phỏng vấn của trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau (Tuổi Trẻ ra ngày 8-4), thật tôi không thể tin được chuyện mà người ta bàn tán bấy lâu nay đã thành sự thật.
Thế hệ tôi và Ngọc Tư sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Cà Mau nên chúng tôi ngấm ngầm nỗi thiếu thốn của người nông dân. Ba mẹ tôi đã từng bán cái tivi trắng đen, chiếc xuồng nuôi chúng tôi ăn học để thoát khỏi cái quê - toàn là những người làm thuê.
Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh lúa vừa mới suốt thì bị đong trừ nợ, cảnh mẹ tôi xách nón lá đi hỏi công khi vào mùa giáp hạt...
Lớn lên đi làm báo, tôi cũng đã từng rơi nước mắt khi thấy người dân khốn khổ tột cùng đã tiêu hủy đàn vịt của mình, không ít người phải tự tử vì tôm chết kéo dài nợ ngân hàng không trả được...
Hiện thực đập trước mắt tôi là như thế. Sự thật ở một số vùng quê tôi qua là như thế. Tôi rất mừng đọc tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Mừng sự phát hiện cổ vũ của ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã kịp giới thiệu tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư đến với người đọc.
Nhưng mừng cho Tư, bây giờ tôi lại lo cho Tư không phải “Ngọc Tư mới học lớp 11, trình độ còn non kém” mà vì Tư đang đứng trước sự phản ứng gay gắt ở địa phương.
Họ là một số vị lãnh đạo tỉnh, là tiến sĩ, thạc sĩ... hơn trình độ lớp 11 của Tư rất nhiều! Gần 10 năm làm báo tại Cà Mau, tôi cứ nghĩ làm báo ở đây khó, bây giờ tôi thấy làm văn nghệ lại càng khó hơn! Nhưng Tư yên tâm.
Sau lưng Tư còn có độc giả, còn có những người đã từng thấy và chứng kiến những hiện thực nghèo khổ thiếu thốn ở vùng nông thôn. Và sự thật lúc nào cũng là chân lý không bao giờ dìm được!
Thật sự tôi chưa đọc trọn vẹn tác phẩm của chị nhưng những trang văn trên báo Tuổi Trẻ trích đăng truyện CĐBT thì tôi chưa bỏ sót trang nào. Và cũng xin thú thật là tôi rất thích CĐBT không chỉ vì ngôn từ rất sắc sảo, rất “miền Tây” của Nguyễn Ngọc Tư mà còn vì nội dung của truyện.
Tôi không phải là nhà nghiên cứu văn học nhưng tôi yêu văn chương và hiểu rõ những cảm nhận của mình về văn chương. Nhiều người bạn của tôi khi đọc CĐBT của Nguyễn Ngọc Tư đều có suy nghĩ: “Đây là truyện hay và còn mang tính nhân văn nữa”.
Đừng vội nghe những luồng khen chê đâu đó mà đã qui chụp cho CĐBT là có những nội dung đi ngược lại quan điểm, cổ súy cái xấu, làm mất niềm tin...
Mong rằng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy và những người trong Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Cà Mau cân nhắc trong việc phán xét CĐBT cũng như tác giả của nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận