02/05/2007 05:07 GMT+7

Đối thoại về bầu cử Quốc hội

Nguyễn Nhị Thanh, 266 Đội Cấn, Hà Nội
Nguyễn Nhị Thanh, 266 Đội Cấn, Hà Nội

TTO - 8g30 sáng nay, Phó chủ tịch Quốc hội - trưởng Tiểu ban tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XII Nguyễn Văn Yểu đối thoại trực tuyến với bạn đọc báo điện tử Đảng Cộng Sản VN và báo Tuổi Trẻ về chủ đề “Một Quốc hội của dân, do dân, vì dân”.

XGhGe6qq.jpgPhóng to
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu (giữa), TBT báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam Đào Duy Quát (trái) và TBT báo Tuổi Trẻ Lê Hoàng (phải) trên bàn đối thoại trực tuyến
TTO - 8g30 sáng nay, Phó chủ tịch Quốc hội - trưởng Tiểu ban tuyên truyền bầu cử Quốc hội khóa XII Nguyễn Văn Yểu đối thoại trực tuyến với bạn đọc báo điện tử Đảng Cộng Sản VN và báo Tuổi Trẻ về chủ đề “Một Quốc hội của dân, do dân, vì dân”.

Đối thoại trực tuyến “Vì một Quốc hội của dân, do dân, vì dân”Cử tri trước ngày bầu cử: Đòi hỏi và kỳ vọngLuyện con mắt sáng tìm đại biểu Quốc hộiVì Quốc hội là của dân...

Cuộc đối thoại tập trung vào các nội dung: đánh giá hoạt động của Quốc hội khóa XI (những kết quả về thực hiện nhiệm vụ lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề lớn của đất nước); Luật bầu cử với việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII (yêu cầu chung đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, điểm mới trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung, công tác chuẩn bị và trình tự các bước cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII, vai trò của các cơ quan, ban, ngành, phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền Luật bầu cử); phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XII.

Tính đến hết giờ đối thoại, ban tổ chức đã nhận được hơn 500 câu hỏi của bạn đọc trong và ngoài nước gửi về tham gia. Các câu hỏi xoay quanh chủ đề để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội, chất lượng đại biểu Quốc hội. Nhiều bạn đọc bày tỏ sự không hài lòng với việc Quốc hội chưa thực hiện tốt chức năng giám sát; tình trạng đại biểu Quốc hội phẩm chất yếu kém, đại biểu Quốc hội không thực hiện lời hứa khi tiếp xúc cử tri, không một lần phát biểu ý kiến trong cả khóa. Một số bạn đọc là người VN sống ở nước ngoài cũng đặt câu hỏi về quyền được tham gia bầu cử, ứng cử của mình.

Sau đây là nội dung đối thoại:

* Để đại biểu Quốc hội được gần dân, hiểu dân và vì dân hơn thì các đại biểu Quốc hội chuyên trách và không chuyên trách cần được tạo điều kiện đi xuống với dân, nghe dân nói. Nhưng hiện nay tôi thấy vị thế của các đại biểu Quốc hội ở địa phương (nhất là các đại biểu không giữ vị trí lãnh đạo trong Đảng, chính quyền và MTTQ ở địa phương) không cao, không tự tổ chức được các cuộc tiếp xúc mà thường đi theo đoàn, có chuẩn bị, cử tri cũng là những “đại cử tri” đã được chuẩn bị. Để nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc, theo Phó Chủ tịch, sắp tới nên cải tiến thế nào để đúng là “Quốc hội của dân, do dân, vì dân”?

Ev3h8MSi.jpgPhóng to- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Tôi rất hoan nghênh ý kiến và sự quan tâm của bạn đọc về vấn đề này. Đại biểu Quốc hội phải gắn bó chặt chẽ với cử tri, thông qua việc tiếp xúc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Có thể tiếp xúc qua các hội nghị tiếp xúc cử tri, gặp gỡ trực tiếp, hoặc thông qua các hình thức mà tự đại biểu Quốc hội lựa chọn. Không ai hạn chế việc đại biểu tiếp xúc cử tri. Với các đại biểu Quốc hội ở địa phương, nhất là các đại biểu Quốc hội không giữ các vị trí lãnh đạo thì đúng là việc tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu đó tiếp xúc cử tri là rất cần thiết.

Văn phòng đại biểu Quốc hội, các đồng chí trưởng, phó đoàn đại biểu Quốc hội địa phương phải tạo điều kiện. Và theo tôi thì chính đại biểu Quốc hội đó cũng không nên tự ti, không nhất thiết mình phải là lãnh đạo cấp cao hay nắm một chức vụ gì ở địa phương thì việc tiếp xúc cử tri mới có trọng lượng. Đã là đại biểu Quốc hội thì dù đại biểu đó là Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh hay là giáo viên cấp 1, doanh nhân… đều bình đẳng, đều có quyền hạn và nghĩa vụ ngang nhau với tư cách là đại biểu của nhân dân.

* Theo các phương tiện thông tin đại chúng thì tại các vòng 1, 2 số ứng cử viên tự ứng cử nguyên là cán bộ cao cấp, các nhà khoa học, nhà giáo nổi tiếng khá nhiều. Nhưng đến hiệp thương vòng 3 thì hầu hết họ đã rút với nhiều lý do. Ngoài những lý do đã công bố, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết có còn những lý do nào nữa không?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Đúng là qua vòng 2 thì số người tự ứng cử nhiều hơn. Còn đến vòng 3 thì số ứng cử viên là người tự ứng cử đã được công bố chính thức ít hơn. Tôi thấy việc này cũng bình thường, vì những người tự ứng cử ở vòng 2 còn phải qua sự tín nhiệm của cử tri nơi làm việc cũng như cử tri ở nơi cư trú, và nhất là qua sự cân nhắc, xem xét của chính bản thân ứng cử viên. Do đó mà số ứng cử viên vòng 3 công bố chính thức thuộc diện tự ứng cử ít hơn vòng 2 hiệp thương.

Ở đây nguyên nhân đã rất rõ ràng, chủ yếu trên cơ sở sự tín nhiệm của cử tri và tự cân nhắc của người tự ứng cử. Đương nhiên cũng có trường hợp là đảng viên do phải tập trung vào công việc đang làm, nên cấp ủy có ý kiến chỉ đạo là không nên ứng cử, mà đã là đảng viên thì phải chấp hành theo ý kiến chỉ đạo của cấp ủy.

* Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Yểu, Phó chủ tịch Quốc hội, hiện nay tôi vừa là công dân Việt Nam, vừa là công dân Đức (bản thân có 2 quốc tịch Việt Nam và Đức) thì tôi có quyền được bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII không?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Theo quy định ở điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam, Nhà nước Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch Việt Nam và một quốc tịch thứ hai. Tuy nhiên, trong thực tiễn có những trường hợp công dân Việt Nam đã nhập quốc tịch nước ngoài thì nước sở tại yêu cầu phải thôi quốc tịch Việt Nam. Nhưng cũng có trường hợp nước sở tại không yêu cầu phải thôi quốc tịch Việt Nam. Do đó hiện nay vẫn có không ít trường hợp công dân Việt Nam đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chưa có quyết định thôi quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước, nên vẫn còn là công dân Việt Nam.

Điều này cũng là bình thường, không có gì là cá biệt. Tuy vậy, đã nhập quốc tịch nước ngoài, đồng thời vẫn còn quốc tịch Việt Nam, thì trường hợp này không đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ và mọi quyền như là công dân chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tôi ví dụ như trong trường hợp này thì không thể có điều kiện để làm nghĩa vụ quân sự, và cũng không có điều kiện để tự ứng cử đại biểu Quốc hội.

2nIi65ah.jpgPhóng to
* Quốc hội chúng ta ngày càng dân chủ tiến bộ, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng những đòi hỏi của nhân dân. Trong đó có nguyên nhân do đại biểu kiêm nhiệm nhiều, đặc biệt số đại biểu trong hệ thống chính quyền kiêm nhiệm quá nhiều. Quốc hội lần này theo ông, đại biểu là quan chức chính quyền kiêm nhiệm là bao nhiêu phần trăm? Tại sao cứ phải có kiêm nhiệm? Một người làm đúng trọng trách công chức chắc chắn sẽ rất vất vả còn thời gian và tâm trí đâu để làm nhiệm vụ đại biểu? Theo tôi số đại biểu là công chức kiêm nhiệm càng ít càng tốt, tôi muốn nhận được ý kiến của ông trong vấn đề này?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Tôi xin thông tin với bạn đọc, trên thế giới không phải tất cả các Quốc hội các nước đều có 100% đại biểu chuyên trách cả. Có những nước quy định người ứng cử đại biểu Quốc hội, tức hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ phải thôi chức vụ hiện hành trong bộ máy hành chính. Nhưng cũng nhiều nước có không ít người đảm nhiệm các chức vụ trong bộ máy hành chính là đại biểu Quốc hội.

Ở Việt Nam, qua thực tiễn phát triển của Nhà nước từ 1945 đến nay cho thấy, đại biểu Quốc hội cũng có thể chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Tuy nhiên, kể từ Quốc hội khóa VIII, khóa IX, khóa X và đặc biệt là Quốc hội khóa XI, số đại biểu chuyên trách đã tăng lên đáng kể. Ví dụ Quốc hội khóa XI đã có 25% tổng số đại biểu Quốc hội chuyên trách. Sắp tới, chúng ta sẽ nâng dần lên 30% và hơn nữa. Nhưng theo tôi, Quốc hội Việt Nam chỉ nên có tối đa 50% đại biểu chuyên trách. Số còn lại phải cấu tạo các đại biểu không chuyên trách ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Có như vậy thì Quốc hội mới đại biểu được cho ý chí của toàn dân, đại biểu cho các tầng lớp, các địa phương, các giai cấp, các tôn giáo, các dân tộc.

Vấn đề là đại biểu Quốc hội phải làm thế nào để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ. Đại biểu Quốc hội chuyên trách đương nhiên phải dành 100% thời gian làm việc cho Quốc hội, đồng thời phải tiếp tục đổi mới phong cách làm việc, phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng. Còn với đại biểu kiêm nhiệm, theo quy định của pháp luật thì ít nhất phải có 30% số thời gian trở lên làm việc cho Quốc hội. Nhưng vấn đề quan trọng là phải thu xếp công tác, thường xuyên đổi mới phương thức làm việc mới để nâng cao chất lượng hoạt động.

* Vừa qua báo chí có nêu trường hợp ông Vũ Xuân Hồng và ông Nguyễn Bá Thanh có vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, vậy sao vòng hiệp thương thứ 3 họ vẫn được giới thiệu trong danh sách ứng cử?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Vừa qua, đối với một số ứng cử viên, trong đó có ông Vũ Xuân Hồng và ông Nguyễn Bá Thanh đã có đơn khiếu nại về việc vi phạm các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Tôi xin nói rõ là không riêng hai ông này mà một số trường hợp khác cũng có đơn khiếu nại. Đối với một cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc HĐND mà các ứng cử viên có khiếu nại cũng là chuyện bình thường.

Theo quy định của Pháp luật, những trường hợp đã có khiếu nại về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội thì Hội đồng bầu cử hoặc ủy ban bầu cử các tỉnh phải giao cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xác minh để kết luận. Trước Hội nghị hiệp thương vòng 3 của MTTQ Việt Nam các tỉnh và Trung ương MTTQ Việt Nam, các trường hợp có khiếu nại đã được xác minh, kết luận, trong đó có trường hợp của hai ông Vũ Xuân Hồng và Nguyễn Bá Thanh.

Theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền thì hai ông này không vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, cũng như Trung ương MTTQ Việt Nam đã được thông tin rất đầy đủ về các tài liệu, kể cả các đơn khiếu nại cũng như các báo cáo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền. Các thành viên của ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh và các thành viên đoàn chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam đã trao đổi rất thẳng thắn, dân chủ. Thực hiện quyền hạn do pháp luật quy định, ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh và Trung ương MTTQ Việt Nam đã chính thức thông qua hiệp thương giới thiệu 876 ứng cử viên chính thức cả nước, trong đó có hai ông Vũ Xuân Hồng và Nguyễn Bá Thanh.

* Việc bầu các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSND tối cao lâu nay chúng ta chỉ giới thiệu một người, như vậy có phải là bầu hay chỉ là "bỏ phiếu tín nhiệm"?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Câu hỏi này rất lý thú. Qua nhiều kỳ bầu cử Quốc hội đã có ý kiến nêu vấn đề này. Theo quy định của pháp luật, việc bầu các chức danh lãnh đạo của Nhà nước như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện KSNDTC, Chánh án TANDTC do các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giới thiệu. Ví dụ như Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa mới sẽ chính thức giới thiệu Chủ tịch nước để Quốc hội bầu. Sau khi được bầu trúng cử thì Chủ tịch nước sẽ giới thiệu danh sách ứng cử viên Thủ tướng, Viện trưởng Viện KSNDTC, Chánh án TANDTC để Quốc hội bầu.

Việc giới thiệu ban đầu một đại biểu cộng với quyền ứng cử của đại biểu Quốc hội là theo quy định của luật, chứ không nhất thiết chỉ có một ứng cử viên. Thông thường qua các cuộc bầu cử vừa rồi có trường hợp đề cử nhưng bản thân người được đề cử đề nghị Quốc hội cho rút lui sau khi tự cân nhắc. Đó là quyền của họ, và Quốc hội xem xét quyết định cho người được đề cử rút lui thì đó quyền của Quốc hội. Đây là một việc rất bình thường

* Ta khuyến khích các đại biểu tự ứng cử. Điều này thể hiện quyền được bầu cử và ứng cử của công dân Việt Nam đã được ghi trong Hiến pháp. Nhưng ở các chi bộ đảng lại quy định những đảng viên của Đảng khi tự ứng cử phải được tập thể chi bộ đồng ý. Quy định này của Đảng có trái với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam không?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Theo quy định của Luật Bầu cử, thì công dân Việt Nam từ 21 tuổi trở lên có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật có quyền tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Việc ứng cử đại biểu Quốc hội có thể thông qua sự giới thiệu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; cũng có thể trong trường hợp không được cơ quan, tổ chức nào giới thiệu nhưng thấy mình có đủ điều kiện thì có thể tự ứng cử. Việc ứng cử đại biểu Quốc hội là quyền của công dân. Nếu công dân đó là đảng viên thì ngoài quyền và nghĩa vụ phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, còn phải tuân thủ quy định của Điều lệ Đảng.

Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau, không có gì trái ngược. Với người tự ứng cử là đảng viên thì trong nhiều trường hợp cấp ủy đồng ý cho tự ứng cử chứ không phải tất cả đảng viên đều không được ứng cử. Nhưng đã là đảng viên thì phải chấp hành mọi quy định của Điều lệ Đảng. Khi Đảng đồng ý, chấp nhận thì mới thực hiện quyền tự ứng cử. Tôi cũng muốn nói thêm là không riêng gì ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, cả các nước phương Tây theo chế độ đa đảng, thì nhất thiết đảng viên của họ phải được sự đồng ý của Đảng mới được tự ra ứng cử.

s8TN76is.jpgPhóng to

* Đại biểu QH phải là những người có năng lực và phẩm chất tốt. Tôi thây trong 5 ứng cử viên QH TP. Điện Biên thì có 2 ứng cử viên không có việc làm, 1 người là nhân viên phục vụ. Vậy làm sao họ có thể đại diện cho nhân dân?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội đã được quy định rõ trong luật. Đó là phải có phẩm chất chính trị tốt; gắn bó với cử tri; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; phải có năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ của đại biểu. Trong 876 ứng cử viên đã được Hội đồng bầu cử Trung ương chính thức công bố có 5 đại biểu ứng cử viên của thành phố Điện Biên để bầu lấy 3 đại biểu Quốc hội. Điều đó có nghĩa các ứng cử viên này đáp ứng đủ các điều kiện. Vấn đề đã có việc làm hay chưa có việc làm không phải là quyết định. Quan trọng là cử tri thành phố Điện Biên sẽ chọn ai trong 5 ứng cử viên để bầu ra 3 đại biểu Quốc hội.

* Thưa Phó chủ tịch Quốc hội, cử tri làm thế nào để biết trong các ứng cử viên ai có đức, có tài hơn để lựa chọn? Vì chỉ với một tiểu sử tóm tắt thì chưa thể là điều kiện đủ để đánh giá một người, nên những lần bầu cử trước thường bỏ phiếu theo cảm tính như bằng cấp, tuổi tác . . .

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Như tôi đã trả lời ở câu hỏi trên, giai đoạn này phải tuyên truyền, phổ biến đầu đủ về tiểu sử của các ứng cử viên. Đây cũng là giai đoạn để cử tri tìm hiểu về các ứng cử viên. Có nhiều hình thức để tuyên truyền như giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương về tiểu sử của các ứng cử viên; thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của ứng cử viên đối với cử tri ở đơn vị bầu cử; thông qua các cuộc phỏng vấn trên các báo nói, báo viết, báo hình, báo điện tử ở Trung ương và địa phương… Đặc biệt, với sự quan tâm đầy đủ của các cử tri thì chúng ta sẽ nắm được những thông tin cơ bản về ứng cử viên để phục vụ cho sự lựa chọn của mình

* Thưa ông, với công tác tuyên truyền bầu cử Quốc hội như hiện nay thì liệu rằng mọi người dân có chọn đúng được người có đức có tài thật sự? Công tác tuyên truyền bầu cử và tiếp xúc cử tri đã thực hiện đến đâu, kết quả thế nào? Ông có đồng ý rằng: “nếu không biết được thông tin đầy đủ của các ứng cử viên Quốc hội, thì nên bỏ phiếu “trắng” và công tác tiếp xúc cử tri phải “tăng tốc” và đưa lên hàng đầu trong công tác tuyên truyền”?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Trong giai đoạn đầu, chúng ta chưa tuyên truyền về ứng cử viên. Theo quy định của Luật Bầu cử, chậm nhất 25 ngày trước ngày bầu cử, tức 25 ngày trước ngày 20/5/2007, Hội đồng bầu cử Trung ương phải công bố toàn bộ danh sách ứng cử viên. Ngày 24/4/2007 vừa rồi, Hội đồng bầu cử Trung ương đã công bố danh sách của 876 ứng cử viên và hiện nay đang là giai đoạn tuyên truyền, giới thiệu về các ứng cử viên. Nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử và Ủy ban bầu cử các tỉnh là phải tuyên truyền, giới thiệu đầy đủ về tiểu sử của các ứng cử viên để cử tri hiểu rõ.

Mặt khác, các địa phương hiện nay cũng đang và sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của ứng cử viên đối với cử tri ở đơn vị bầu cử. Trong cuộc tiếp xúc cử tri đó, các ứng cử viên sẽ trình bày chương trình hoạt động của mình nếu trúng cử đại biểu Quốc hội. Các cử tri sẽ nêu câu hỏi, chất vấn yêu cầu ứng cử viên trả lời. Đó là dịp để các cử tri tiếp xúc, gặp gỡ ứng cử viên.

Ngoài ra, còn có hình thức vận động bầu cử khác là thông qua hệ thống báo chí từ Trung ương đến địa phương bằng các cuộc phỏng vấn các ứng cử viên. Như vậy giai đọan này là giai đoạn sẽ tuyên truyền về ứng cử viên một cách tập trung nhất. Tôi cũng đề nghị cử tri cả nước quan tâm, tìm hiểu về các ứng cử viên ở nơi mình bầu cử để việc lựa chọn được chính xác, đầy đủ và trách nhiệm.

wFmOgP05.jpgPhóng to
* Là một cử tri tôi biết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần này rất chú ý đến sự trong sạch và tinh thần chống tham nhũng của ứng cử viên. Bằng chứng là nhiều ứng cử viên đã lọt vào vòng 2 nhưng khi có đơn tố cáo, kiểm tra đúng đã bị loại ra khỏi danh sách. Xin Phó Chủ tích cho biết, nếu có vị sau khi trúng cử nhưng được xác minh là có tham nhũng thì sẽ xử lý như thế nào?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Chúng ta đang cố gắng để bầu được 500 đại biểu Quốc hội xứng đáng trong số 876 ứng cử viên. Ngoài năng lực tốt để hoàn thành nhiệm vụ, các ứng cử viên còn phải có phẩm chất chính trị tốt, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, đặc biệt là phải không tham nhũng và kiến quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Nếu những người qua vòng 2 mà có đơn khiếu nại và những vấn đề khiếu nại đó được kết luận là đúng thì nhất thiết đến vòng 3 sẽ bị loại khỏi danh sách ứng cử viên chính thức. Còn nếu sau khi đã được công bố chính thức, được trúng cử, trở thành đại biểu Quốc hội nhưng có đơn khiếu nại và có kết luận đúng thì đương nhiên cũng phải xem xét và xử lý.

Cần nói rõ là ngay sau khi đã bầu cử rồi, người ứng cử mới chỉ được cấp giấy chứng nhận đã trúng cử chứ chưa trở thành đại biểu Quốc hội. Chỉ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét để Quốc hội ra nghị quyết công nhận tư cách đại biểu, thì người đó mới trở thành đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp đã trở thành đại biểu Quốc hội rồi mà có hành vi tham nhũng thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Cho nên dứt khoát đại biểu Quốc hội phải đủ các tiêu chuẩn quy định, trong đó chú ý đến tiêu chuẩn không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.

* Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, tôi xin hỏi một câu mong ông trả lời thẳng thắn. Thực tế hiện nay Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất hay là Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Theo tôi ở đây có hai vấn đề không nên nhầm lẫn. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam đại diện cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, theo Điều 4 Hiến pháp 1992 của nước ta là lãnh đạo Nhà nước, xã hội. Đây là hai lĩnh vực khác nhau.

Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội nhưng Đảng không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước. Trong hệ thống Nhà nước, Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nhân dân sẽ thực hiện 3 chức năng cơ bản là lập pháp; giám sát tối cao; quyết định những vấn đề quan trọng nhất.

* Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là bầu cử Quốc hội khóa XII. Tại sao ở các khu vực bầu cử địa phương tôi vẫn chưa thấy niêm yết danh sách ứng cử viên để nhân dân được biết?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Theo chỉ đạo của Hội đồng bầu cử Trung ương và Ủy ban bầu cử các tỉnh thì các tỉnh đang tiến hành tổ chức việc tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên, niêm yết danh sách ứng cử viên để cử tri theo dõi và tuyên truyền phổ biến tiểu sử ứng cử viên. Tôi nghĩ rằng địa phương bạn chưa niêm yết thì theo luât định sẽ niêm yết danh sách đầy đủ để mọi cử tri nắm được thông tin và cân nhắc, lựa chọn trước khi bầu.

* Tôi thấy ở nước ngoài khi ứng cử họ đều cố gắng thể hiện năng lực của mình sao đó để cử tri thấy được việc bỏ phiếu cho họ là đúng đắn và có nhiều lợi ích sau này. Còn ở Việt Nam cử tri thậm chí không biết mặt người được ứng cử là ai, họ đã, đang và sẽ làm được gì cho dân, cho nước. Phải chăng nhà nước ta nên thay đổi cách thức bầu cử sao cho thiết thực và hiệu quả hơn?

- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Tôi rất hoan nghênh câu hỏi của bạn Lan Phương, nhưng ở các nước khác có chế độ tranh cử, ở Việt Nam không có tranh cử mà là vận động bầu cử và theo quy định. Bầu cử khác với tranh cử, ứng cử viên không ai tranh ai, khi thực hiện vận động thì không làm phương hại đến lợi ích chung của các cơ quan, đơn vị khác. Có thể nói tốt về các đại biểu khác hoặc các cơ quan khác nhưng ứng cử viên không được nói gì phương hại đến ứng cử viên khác. Họ có thể đề ra chương trình hành động hoặc hứa hẹn trước nhân dân, trước cử tri để vận động bầu cử.

Hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn vận động bầu cử của ứng cử viên, việc vận động bầu cử thông qua vận động cử tri, trả lời phỏng vấn báo chí nhưng vấn đề bầu cử này cần tiếp tục đổi mới để thiết thực hơn, ứng cử viên cũng phải thực hiện đầy đủ năng lực, trình độ của mình trước cử tri để cử tri biết được. Đương nhiên, cử tri của ta cũng rất tinh nên nói nhiều, hứa nhiều chưa chắc đã thành công mà quan trọng là ở hiệu quả thiết thực. Đây là bước hệ trọng để cử tri nắm đầy đủ thông tin, cân nhắc để bầu cho ứng cử viên nào làm đại biểu Quốc hội.

* Khi nào thì ở Việt Nam, Quốc hội thong qua luật thì luật đó được áp dụng ngay mà không cần có thông tư, hướng dẫn?

- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Tôi hoan nghênh câu hỏi này. Hiện nay chúng ta đang trong quá trình đổi mới Quốc hội trong đó có đổi mới luật pháp.

Chúng ta đã có chiến lược để xây dựng pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Từ nay đến năm 2020, đi đôi với công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, chúng ta phải hoàn thiện khung pháp luật.

Tôi hy vọng chúng ta cố gắng phấn đấu để hoàn thiện quá trình này. Khi luật đã cụ thể, sẽ có hướng dẫn để dân thi hành được. Đây là sự mong muốn và hướng phấn đấu của chúng ta.

aMTEpObu.jpgPhóng to
* Tôi là một cán bộ công chức nhà nước, qua theo dõi nhiều năm nhận thấy rằng nhiều đại biểu Quốc hội đi họp hầu như không phát biểu gì. Khi tiếp xúc cử tri thì hứa thật nhiều với dân nhưng chẳng thấy đề cập gì tại các kì họp làm cho dân bức xúc. Nhiều cuộc tiếp xúc cử tri chỉ có các “ông già” mà hầu như không có thanh niên đi dự. Vậy Quốc hội sắp tới phải cải tiến vấn đề này như thế nào để đáp ứng lòng mong mỏi của dân?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Đại biểu Quốc hội thì phải có trách nhiệm gắn bó mật thiết với cử tri. Nếu chỉ tiếp xúc với “đại cử tri” thì không nên. Tôi rất đồng tình với ý kiến cho rằng cần tiếp tục cải tiến mạnh mẽ việc tiếp xúc cử tri, nhất là ở các địa phương, để đại biểu đến với cử tri ở đơn vị bầu cử hoặc ở địa phương khác nếu thấy cần thiết. Một nhiệm vụ quan trọng của đại biểu Quốc hội là thay mặt nhân dân để thực hiện 3 chức năng là lập pháp, giám sát và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Muốn vậy, đại biểu Quốc hội phải tham gia đầy đủ và đóng góp vào các cuộc họp của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, ủy ban Quốc hội mà mình là thành viên; nghiên cứu đóng góp thiết thực đối với các công việc của Quốc hội. Đặc biệt, đại biểu Quốc hội phải tham gia thảo luận, tranh luận và cuối cùng, bằng sự chuẩn bị đầy đủ của mình biểu quyết thông qua quyết định. Các trường hợp đại biểu ít thảo luận thì phải khắc phục. Nhưng xin nói thêm là đại biểu Quốc hội không chỉ thảo luận tại phiên họp toàn thể mà còn thảo luận tại các diễn đàn khác như ủy ban Quốc hội, các đoàn đại biểu chuyên trách…

* Một đại biểu quốc hội do dân bầu nhưng không hoàn thành trách nhiệm thì người dân có quyền bãi nhiệm người đó không?

- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Đại biểu Quốc hội do dân bầu phải làm đầy đủ trách nhiệm của mình trước dân. Một đại biểu có sai phạm thì phải xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của họ. Còn nếu cử tri nào có thắc mắc về tư cách của đại biểu Quốc hội thì cử tri đó có quyền góp ý phê bình, thậm chí có thể khiếu nại, kiến nghị lên cơ quan cấp trên về đại biểu đó.

* Chúng ta vẫn nói rằng “Quốc hội là của dân” mà tại sao lại quy định 90% đại biểu Quốc hội là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi tổng số đảng viên chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với con số hơn 80 triệu người dân Việt Nam?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Quốc hội không quy định số đại biểu ngoài Đảng là 10%, mà quy định ít nhất là 10%. Như vậy có nghĩa là số đại biểu ngoài Đảng có thể nhiều hơn số 10%. Quy định này nhằm đảm bảo để Quốc hội có được nhiều hơn số đại biểu là người ngoài Đảng so với hiện nay. Đó là hướng phấn đấu và trong thực tiễn, chúng ta đã hiệp thương giới thiệu, vận động nhiều người ngoài Đảng tự ứng cử để tăng số đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng lên 15-20%.

* Quốc hội nước ta có ba chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Trên thực tế cho thấy những năm qua Quốc hội đã thực hiện tốt những chức năng cơ bản trên nhưng gần đây vẫn còn nhiều sai phạm trong hoạt động quản lý của nhà nước. Vậy chức năng giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của nhà nước thời gian qua phải chăng chưa tốt? Trong thời gian tới, QH có cần cải cách phương thức giám sát tối cao đối với hoạt động hành chính như thế nào?

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Có thể nói trong thực hiện 3 chức năng của mình như lập pháp, lập hiến, giám sát tối cao thì Quốc hội chúng ta trong những nhiệm kỳ vừa qua đã có nhiều cố gắng và chất lượng nâng lên rõ rệt, đặc biệt là trong nhiệm kỳ XI này.

Đối với việc giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước, đúng là trong thời gian vừa qua bên cạnh ưu điểm QH vẫn còn khuyết điểm. Chẳng hạn như việc ban hành các văn bản pháp luật ta chưa thực hiện tốt. Tới đây, ngoài việc tăng cường thực hiện 3 chức năng của mình, QH sẽ nâng cao chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương tới địa phương. Điều này không chỉ giúp nâng cao việc quản lý nhà nước có hiệu quả mà còn để phục vụ nhân dân tốt hơn.

* Về độ tuổi để tham gia Quốc hội, Luật Bầu cử quy định công chức quá 60 tuổi không được tham gia. Nhưng tại sao trong danh sách đề cử của MTTQVN vẫn giới thiệu một số vị trên 60 tuổi tham gia?

Trương Văn Tân, truongvantan@yahoo.com

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ công chức thì cán bộ công chức bao gồm công chức của các cơ quan Nhà nước, công chức của các cơ quan tư pháp, cán bộ chuyên trách ở các cơ quan dân cử, ví dụ như HĐND tỉnh, huyện; đại biểu Quốc hội chuyên trách, cán bộ chuyên trách ở các cơ quan đảng; 6 đoàn thể chính trị. Đã là cán bộ công chức thì phải thực hiện theo quy định chung về tuổi lao động, nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi thì nghỉ hưu..

Có một số trường hợp vừa rồi khi xem xét để đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đã nghỉ hưu nhưng đang tham gia các hội, đoàn thể, tổ chức xã hội. Các trường hợp này thì theo quy định, Luật bầu cử không khống chế về tuổi. Vấn đề là các ứng cử viên đó có đủ các tiêu chuẩn và có đủ sức khỏe để làm đại biểu Quốc hội.

* Thưa ông Phó chủ tịch Quốc hội, tôi xin hỏi:

Một, tính phản biện trong xã hội chưa cao hoặc phản biện nhưng chưa được tiếp thu, theo ông do đâu? Cá nhân ông có cảm thấy điều đó không?

Hai, vai trò giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội rất hạn chế vì trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thường là lãnh đạo cao nhất, nhì tại địa phương, thế thì các đại biểu có dám kiểm tra, giám sát các lĩnh vực do sếp mình quản lý hay không?

Ba, bao giờ chúng ta tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri một cách rộng rãi theo đúng nghĩa của từ này? Ông có thể cho biết lộ trình?

Anh Phong, 47 tuổi, anhphong02@gmail.com

- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Vấn đề phản biện xã hội rất quan trọng. Thực chất, chủ trương, chính sách khi đưa vào cuộc sống rất cần được phản biện để có sự đánh giá đã đúng chưa, phù hợp chưa, đầy đủ chưa. Rõ ràng, việc phản biện là để nghiên cứu, hoàn thiện chính sách và chủ trương. Về vấn đề này, chúng ta đã làm nhưng chưa nhiều, mặt khác cũng cần có cơ chế cụ thể hơn nữa để thực hiện có hiệu quả hơn.

Thứ hai, thời gian qua, các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương đã thực hiện giám sát và đã mang lại hiệu quả thiết thực nhưng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt quy định về cơ chế giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội và cá nhân đại biểu Quốc hội góp phần nâng cao chất lượng giám sát.

Thứ ba là hiện nay chúng ta đang có những cải tiến cần thiết để mở rộng quyền dân chủ như việc mở các hội nghị cử tri. Tuy nhiên, tôi đồng tình với ý kiến của ông Phong, cần bảo đảm để các đại biểu Quốc hội được gặp nhiều cử tri chứ không phải như ông nói là chỉ tiếp xúc đại cử tri.

wHXKGjzD.jpgPhóng to

* Xin hỏi bác và Uỷ ban bầu cử làm gì để tránh tình trạng một người đi bầu cho cả gia đình hay cả xóm?

Huỳnh Tài, 28 tuổi, huynhtrongtai@yahoo.com

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Có thể nói, đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội có một yêu cầu quan trọng là phải đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật. Yêu cầu này quán xuyến toàn bộ quá trình chuẩn bị nhân sự, lên danh sách, niêm yết danh sách, tổ chức bầu cử.

Theo quy định, công dân phải tự thực hiện quyền bầu cử của mình, không chấp nhận việc người này bầu cử cho người khác. Cử tri phải tự mình đến nơi bỏ phiếu, nhận phiếu bầu, cân nhắc bầu cho ai. Để thực hiện được điều này, công tác tuyên truyền là hết sức quan trọng. Làm sao để từ nay đến trước ngày bầu cử, từng cử tri phải hiểu được quyền và trách nhiệm của mình, không nhờ người đi bầu hộ. Tổ bầu cử cũng không được phát phiếu cho người bầu hộ. Không chỉ tôi, Ủy ban bầu cử mà tất cả mọi người đều phải tham gia để thực hiện điều dó

* Sau khi hiệp thương lần 3, ứng cử viên không có quyền lựa chọn đơn vị bầu cử nhưng việc phân đơn vị bầu cử cho ứng cử viên có hỏi nguyện vọng của ứng cử viên (nhất là ứng cử viên tự ứng cử), hoặc có xét đến yếu tố ưu tiên: nơi làm việc - thường trú; nơi sinh – quê quán hay không? Nếu không hỏi ứng cử viên (tự ứng cử) về nguyện vọng của họ cũng như xét đến các yếu tố nêu trên thì việc phân bổ có thực sự dân chủ, khách quan và thể hiện sự công bằng giữa các ứng cử viên hay không?

Huỳnh Quốc Huy, 32 tuổi, tieungaogiangho0203@yahoo.com

- Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu: Việc phân bố các ứng cử viên về đơn vị bầu cử là rất quan trọng và thực ra cũng rất khó, phải đảm bảo các nguyên tắc. Riêng các ứng cử viên ở Trung ương có tới 165 người. 165 người này phải được phân bổ về tất cả các tỉnh, thành phố để bầu cử. Không phải ứng cử viên nào ở địa phương nào thì về địa phương đó. Những địa phương có 1 triệu dân trở lên có 3 đơn vị bầu cử trở lên; còn dưới 1 triệu dân thì có 2 đơn vị bầu cử.

Việc phân bố ứng cử viên về các địa phương là do Hội đồng bầu cử Trung ương. Còn việc sắp xếp vào từng đơn vị bầu cử ở địa phương thì do ủy ban bầu cử các tỉnh. Theo tôi quan sát thì việc phân bố tương đối hợp lý. Nguyện vọng của ứng cử viên cũng có thể có trường hợp đạt được, có trường hợp không đạt được.

Tổng biên tập Báo điện tử ĐCSVN, Đào Duy Quát: Hai tiếng qua, đồng chí Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu đã trả lời được nhiều câu hỏi tiêu biểu trong số hơn 500 câu hỏi cho cử tri cả nước, bà con người Việt ở Úc, Bỉ, Mỹ… Cuộc đối thoại trực tuyến của chúng ta đã thành công tốt đẹp.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yểu: Tôi xin có một đôi lời. Tôi xin hết sức cảm ơn BBT Báo điện tử ĐCSVN, Ban biên tập Báo Tuổi trẻ đã tổ chức giao lưu trực tuyến để thay mặt Quốc hội nghe trực tiếp ý kiến và trả lời các câu hỏi và của các đồng chí, cử tri cả nước.

Điều này thể hiện gắn bó của cử tri cả nước với Quốc hội

Tôi cảm ơn cử tri cả nước đã nêu nhiều câu hỏi thiết thực xung quanh nội dung tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội vì sự phát triển và ổn định của đất nước.

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn các đồng chí trong BBT Báo điện tử ĐCSVN, báo Tuổi Trẻ TP.HCM và các đồng chí, cử tri cả nước tham gia cuộc giao lưu đối thoại trực tuyến này.

jJJQaaWP.jpgPhóng to

Nhóm PV TTO

Nguyễn Nhị Thanh, 266 Đội Cấn, Hà Nội
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên