Những khuyến cáo của các bác sĩ về việc đội mũ bảo hiểm sẽ giảm thiểu được nguy cơ chấn thương sọ não khi tai nạn giao thông xảy ra dường như vẫn chưa đủ “đô” để trị căn bệnh “lười” đội mũ bảo hiểm của người dân. Người dân có rất nhiều lý do để không lý lẽ cho việc “lười” đội mũ bảo hiểm của mình.
Nhiều người khi ra đường vẫn còn rất ngại khi phải đội “nồi cơm điện” lên đầu. Ngoài việc không quen, một lý do khác là mũ bảo hiểm khó bảo quản và dễ bị mất. Không như những cái nón đội đầu bình thường, mũ bảo hiểm khá cồng kềnh nên không ai nhận bảo quản và cất giữ lại khó mang theo bên mình. Còn nếu như để bên ngoài bãi giữ xe thì không an toàn bởi vì mũ bảo hiểm là một vật có giá trị nên không khéo sẽ có lúc nó sẽ “không cánh mà bay”.
Một lý do khác là mức phạt cho người điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm hiện nay vẫn còn khá thấp, chỉ 15.000 – 20.000, quá nhỏ so với chi phí bỏ ra để mua 2 mũ bảo hiểm. Mức phạt đó không đủ để răn đe những người chưa chấp hành tốt luật an toàn giao thông. Một nguyên nhân khác đáng nói ra ở đây là số người sống ở hai bên đường quốc lộ khá nhiều, chính họ mới là những người không bao giờ đội mũ bảo hiểm khi ra đường với lý do là chỉ chạy ra đây một tí đội làm gì cho mệt. Điều này cho qui định bắt buộc tất cả mọi người đi xe máy trên đường quốc lộ trở nên khó thực hiện triệt để.
Một lần nữa vấn đề đội mũ bảo hiểm khi ra đường lại được các cơ quan chức năng đặt ra. Người dân có tuân thủ những qui định đó hay không? Vấn đề còn phải được thời gian trả lời. Thiết nghĩ để người dân tự giác chấp hành những qui định về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ra đường, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải quyết những bất tiện của họ khi mang theo một “nồi cơm điện” cồng kềnh và đắt tiền. Nếu không thì mọi chuyện vẫn cứ “mèo vẫn hoàn mèo” như những lần trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận