![]() |
Lớp 1/4 Trường tiểu học Trảng Dài (Biên Hòa, Đồng Nai) có đến 61 học sinh, sáu học sinh ngồi chung một bàn! -Ảnh: Nguyên An |
Diễn đàn "Đổi mới phương pháp giảng dạy"Đổi mới phương pháp giảng dạy: “Giáo viên bị ràng buộc quá nhiều”Người thầy cảm độngDạy văn bằng bản đồ tư duyNgười thu phục học trò“Đổi mới phương pháp giảng dạy”: Tháo gỡ ràng buộc
* Ở trường chúng tôi, hầu hết các lớp học tiếng Anh đều có sĩ số sinh viên từ 100 trở lên. Do số lượng sinh viên đông như vậy nên mặc dù dạy theo các giáo trình chuẩn của nước ngoài (Streamline cho hệ trung cấp, Headway cho hệ cao đẳng), phần luyện nghe và luyện nói chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi lẽ các giáo trình này được nước ngoài soạn thảo cho một lớp học tiếng Anh chuẩn chỉ gồm 15-20 học sinh.
Các phương pháp dạy tiếng Anh hiện đại theo khuynh hướng giao tiếp mà chúng tôi học được trong trường sư phạm, trong các khóa tập huấn cũng như trong các sách dạy phương pháp đều rất khó áp dụng cho một lớp học có sĩ số quá đông như vậy. Khi dạy theo các giáo trình chuẩn như Streamline, Headway… rất nhiều phần hoạt động giao tiếp chúng tôi đã phải lược bỏ hoặc dạy theo cách riêng của mình cho phù hợp. Hiệu quả của những giờ luyện nói vì thế rất thấp hay hầu như không có.
Thư từ, bài vở tham gia diễn đàn “Đổi mới phương pháp giảng dạy” gửi về tòa soạn Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM hoặc địa chỉ email: giaoduc@tuoitre.com.vn. Ngoài bì thư vui lòng ghi rõ: diễn đàn “Đổi mới phương pháp giảng dạy”. |
* Ở trường chúng tôi, sĩ số lớp lên đến hàng trăm là chuyện không lạ. Trong một lớp học đông đúc như vậy, thật là một thử thách nếu người thầy muốn áp dụng những phương pháp giảng dạy mới. Chẳng hạn, nếu học nhóm, chia nhỏ quá thì không thể đủ thời gian cho các nhóm trình bày kết quả làm việc, nhóm quá đông thì sinh viên không tham gia tích cực. Nếu thảo luận sẽ rất mất thời gian.
Thật quá khó để “lấy người học làm trung tâm” trong những lớp học quá đông. Chỉ một người thầy không đủ. Vì sĩ số quá nhiều, giáo viên không thể có cơ hội tiếp xúc với học sinh, mà chỉ có thể tiếp xúc với… tập thể. Điều này sẽ gây trở ngại cho giáo viên khi khơi dậy tính tích cực cho người học, nhất là tâm lý ỷ lại, thụ động thường có trong những lớp đông như vậy.
Có nên tháo gỡ mọi ràng buộc? Đọc ý kiến “Tháo gỡ mọi ràng buộc” của giảng viên Lâm Quang Vinh (Tuổi Trẻ ngày 6-11), tôi cảm thấy bất an với những “nguyên tắc” được tác giả nêu ra. Tác giả cho rằng tháo gỡ mà tác giả muốn là không lấy việc chạy theo chương trình làm thước đo thi đua. Quả nhiên là nhiều chương trình hiện nay quá tải nên giáo viên vì phải chạy theo chương trình làm mất cả hứng thú học của học sinh. Tuy nhiên, nếu không đặt ra yêu cầu phải hoàn thành chương trình, chẳng lẽ ai muốn dạy đến đâu thì dạy bất chấp yêu cầu chỉnh thể của chương trình? Tôi nghĩ một chương trình ban hành đã phải được các chuyên gia cân nhắc để đảm bảo yêu cầu của giáo dục nên không thể tùy tiện cắt xén. Vấn đề đáng thay đổi ở đây không phải là không cần theo chương trình mà là cần hoàn thiện chương trình cho phù hợp với thực tiễn giáo dục. Rõ ràng không thể vì bức xúc với sự quá tải của chương trình mà tùy tiện cắt xén chương trình. Điểm tháo gỡ nữa là tác giả cho rằng sử dụng giáo án viết tay có điều kiện chăm chút hơn giáo án điện tử, giáo án điện tử dẫn đến sao chép hàng loạt. Thực chất của những hiện tượng này không phụ thuộc vào sử dụng giáo án gì. Khi người dạy không có ý thức tích cực thì dù là giáo án điện tử hay viết tay đều có thể là sản phẩm sao chép, ngược lại thì không kể giáo án loại nào cũng đều được chăm chút. Trong thực tế rất nhiều người dạy giáo án điện tử có hiệu quả thấp hơn dạy giáo án viết tay, điều này không có nghĩa giáo án điện tử không bằng giáo án viết tay mà là người sử dụng giáo án điện tử chưa biết sử dụng tốt. Việc không biết vận dụng nó không phải lỗi của giáo án điện tử mà là lỗi của người sử dụng. Người ta không thể chê máy cày kém trâu cày khi không biết sử dụng máy cày. Tôi nghĩ là không thể cứ bằng lòng với trâu cày mãi khi loài người đã phát minh ra máy cày. Cách lập luận bênh vực cho giáo án viết tay phải chăng là một thái độ ngại khó trong việc tìm hiểu và nâng cao kỹ năng sử dụng giáo án điện tử của không ít giảng viên hiện nay? |
---------------------------
![]() |
Học viên Kim Cúc thực hành giảng bài theo phương pháp giáo dục chủ động -Ảnh: THÁI BÌNH |
Cứ tưởng giảng viên phải sắm nhiều phương tiện dạy học nhưng thật bất ngờ, trên bàn giảng viên chỉ có hơn chục tờ giấy trắng và bút lông xanh đỏ, cạnh đó là chiếc bảng to. Mở đầu bài học “Phương pháp làm việc nhóm”, thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh viết lên bảng ba câu hỏi: Thế nào là một cuộc thảo luận nhóm thành công? Trưởng nhóm phải là người như thế nào và anh/chị làm gì? Nhóm viên phải làm gì?
Ngay sau đó, 30 học viên được chia thành sáu nhóm, hai nhóm thảo luận một câu. Trong lúc các nhóm làm việc, giảng viên đến từng nhóm để hỗ trợ khởi động thảo luận, gợi ý, định hướng, kích thích nhóm viên e dè tích cực phát biểu. Sau năm phút, từng nhóm dán “sản phẩm” lên bảng và cử đại diện trình bày trước lớp.
Thành viên các nhóm khác giơ tay bổ sung nhiều ý kiến cho hai nhóm trình bày câu đầu tiên. Giảng viên ghi nhận tất cả ý kiến bổ sung, đồng thời phân tích sâu để học viên tự ngộ ra các ý kiến đúng, sau đó cung cấp thêm nhiều ý quan trọng: “Mỗi nhóm chỉ nên từ 3-5 người, có nam có nữ, đúng đối tượng, thảo luận mặt đối mặt”. Sau đó, giảng viên góp ý khắc phục một số hạn chế trong quá trình làm việc của các nhóm: nhập cuộc e dè, “ngôi sao” tranh nói, không có “nhạc trưởng” điều phối thảo luận… Rồi giảng viên nhấn mạnh: “Khi làm việc nhóm, tất cả ý kiến (kết quả thảo luận) của nhóm đều thuộc về ta, và đó là động lực thôi thúc ta tích cực phát biểu và sau đó hành động”.
Một trong những điều thú vị nhất của khóa huấn luyện chính là học viên được thực hành giảng bài. Giảng viên cho các nhóm thảo luận tìm đề tài, tất cả thành viên trong mỗi nhóm góp ý xây dựng “giáo án” để đại diện nhóm lên “đứng lớp”. Do chưa rành rẽ nên có “giáo viên” chỉ trong 15 phút đã vô tình áp dụng một lèo ba phương pháp là làm việc nhóm, hỏi đáp và nêu ý kiến ghi bảng. Ngay sau khi đóng vai “học trò”, học viên thoắt cái biến thành “nhà phê bình”. Họ không chỉ khen những ưu điểm mà còn giúp “giáo viên” nhận ra những hạn chế: chủ đề không rõ, chưa đúng trình tự của phương pháp, điều hành lớp kém sinh động…
Giảng viên đề nghị “giáo viên” phản biện các ý kiến rồi bổ sung nhận xét riêng. Ở phần này, các học viên học hỏi được “văn hóa phê bình” từ giảng viên: nêu ưu điểm trước nhược điểm, càng nhiều ưu điểm cụ thể càng tốt, góp ý trên tinh thần chân thành xây dựng “nên làm thế nào thì tốt hơn”.
“Trước đây tôi từng nghe nói về các phương pháp giáo dục chủ động nhưng do không biết cách thực hiện nên thôi. Sau khi học, tôi đang từng bước áp dụng và thấy lớp học sinh động hẳn” - anh Nguyễn Thành Lê, giáo viên Trường THCS & THPT Sao Việt (Q.7, TP.HCM), chia sẻ. Tuy mê mẩn cách dạy chủ động nhưng một số giáo viên cho biết chưa thể áp dụng được vì ngại lớp đông, học sinh e ngại phát biểu và “cháy” giáo án. Thạc sĩ Phạm Thị Thúy chia sẻ: “Có nhiều phương pháp áp dụng cho lớp đông như hỏi đáp, nêu ý kiến ghi bảng, hỏi chuyên gia, đóng vai... Nếu người thầy biết cách tổ chức và động viên thì chắc chắn người học sẽ tích cực tham gia. Nếu chỉ chọn nội dung cốt yếu để đào sâu thì không lo, dạy học một cách máy móc theo giáo trình mới lo trễ giờ”.
Bạn Huyền Trang cho biết: “Chúng tôi được học chứ không phải bị học, nhờ đó tiếp thu bài rất nhanh và nhớ lâu, hơn hẳn cách học thụ động một chiều trong trường ĐH mà tôi đang theo học”. Không chỉ là nội dung bài học, các học viên còn “lượm” được rất nhiều điều bổ ích để áp dụng vào công việc và cuộc sống, đặc biệt là các kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo nhóm, hòa nhập đám đông…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận