Hủy các chuyến bay đến châu Âu: Hàng hóa ùn ứ tại sân bay
![]() |
Máy bay “đắp chiếu” ở sân bay Arlanda tại Stockholm, Thụy Điển - Ảnh: Reuters |
Theo Tổ chức An ninh hàng không châu Âu (Eurocontrol), hôm qua chỉ có khoảng 8.000-9.000 chuyến bay tại châu Âu, bằng 30% lưu lượng thông thường. Bầu trời châu Âu vẫn tiếp tục thưa thớt máy bay trong những ngày tới, bởi các nước Anh, Pháp, Hà Lan, Ý... duy trì lệnh cấm bay cho đến hết hôm qua hoặc sáng nay 20-4.
Trong hai ngày qua, các hãng hàng không thế giới liên tục gây sức ép đòi các nước châu Âu mở cửa lại không phận, đặc biệt sau khi những chuyến bay thử nghiệm diễn ra êm thấm. Reuters cho biết hôm qua Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã chỉ trích phản ứng của chính quyền các nước châu Âu là “quá mức”. “Chúng ta cần bỏ tình trạng đóng cửa trùm mền này và mở lại không phận một cách linh hoạt theo từng bước - Reuters dẫn lời ông Giovanni Bisignani, lãnh đạo IATA - Chúng ta phải ra quyết định dựa theo tình hình thực tế, chứ không phải theo các mô hình lý thuyết”.
IATA cho biết thiệt hại kinh tế do lệnh cấm bay đã tăng lên tới 250 triệu USD mỗi ngày, và đánh giá mức thiệt hại hiện nay còn nghiêm trọng hơn hậu quả của vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ. Trong khi đó, Hiệp hội Hàng không châu Âu (AEA), gồm 36 hãng hàng không lớn trong khu vực, cũng kêu gọi chính quyền các nước châu Âu “lập tức đánh giá lại” lệnh cấm bay.
“Các hãng hàng không phải có quyền bay ở những nơi an toàn - AEA tuyên bố - Đó là điều mà hành khách của chúng tôi đòi hỏi”. Các hãng hàng không châu Âu cũng yêu cầu EU và chính quyền các nước khu vực đền bù thiệt hại tài chính do lệnh cấm bay gây ra.
AFP cho biết hôm qua bộ trưởng giao thông các nước Liên minh châu Âu (EU) đã họp khẩn qua video để bàn về việc duy trì hay dỡ bỏ lệnh cấm bay. Các quan chức EU tỏ ra chia rẽ về việc đóng cửa không phận. Bộ trưởng Sinh thái Pháp Jean-Louis Borloo tuyên bố các chuyến bay thử “không phải là bước tiến tới việc mở cửa lại bầu trời châu Âu”.
Ngược lại, Cao ủy Giao thông EU Siim Kallas cho rằng “không thể đợi đến khi đám mây tro bụi tản mát hết”. Bộ trưởng Giao thông Hà Lan Camiel Eurlings chỉ trích phản ứng của châu Âu là quá nghiêm trọng hóa và cho biết Mỹ không đóng cửa hoàn toàn không phận trong những vụ núi lửa phun trào tương tự. Eurocontrol cho biết chính quyền mỗi nước phải tự quyết định có mở cửa không phận hay không, và Eurocontrol chỉ có nghĩa vụ điều phối hoạt động giao thông hàng không.
Theo báo Guardian, Cơ quan bảo vệ dân sự Iceland cho biết đến hôm qua, núi lửa ở sông băng Eyjafjallajokull tại Iceland vẫn tiếp tục phun trào. Các nhà khoa học Anh cảnh báo tro bụi từ núi lửa vẫn lơ lửng ở mọi độ cao trên bầu trời châu Âu, và tình hình hiện tại vẫn rất đáng ngại.
Rất đông khách đến đổi chuyến bay Các hãng hàng không có đường bay từ TP.HCM và Hà Nội sang châu Âu cho biết do có hai ngày nghỉ cuối tuần nên ngày 19-4 có nhiều hành khách đến phòng vé của các hãng này. Đại diện Cathay Pacific tại TP.HCM cho biết trong ngày 19-4 có 300 khách, phần lớn là người nước ngoài, đã đến đăng ký lại lịch bay và ở lại VN thêm một thời gian nữa thay vì sang Hong Kong chờ. Cathay Pacific cho biết hiện chỉ có một đường bay từ Hong Kong sang Rome (Ý) mỗi ngày một chuyến và hãng này đã chuyển máy bay từ Airbus A340 sang Boeing B747 để có thể chở thêm khoảng 80 khách. Qatar Airways cho biết lượng khách đến hỏi thăm chuyến bay và đặt lại lịch bay trong ngày 19-4 cũng rất đông. Nhiều hành khách quyết định vẫn bay với Qatar sang Doha vì từ đây họ có thể đi tiếp Rome (Ý), Athens (Hi Lạp), Madrid (Tây Ban Nha), Matxcơva (Nga) nhưng các chuyến bay này cũng rất đầy. Ngày 19-4, Qatar Airways đã tăng thêm một chuyến bay Doha - Rome để đáp ứng lượng khách đang ứ đọng ở Doha. Trong khi đó, Công ty du lịch Vietravel cho biết trong ngày 19-4, một đoàn khách VN kết thúc chuyến du lịch đã về VN từ Rome (Ý). Theo kế hoạch, hôm nay 20-4 hai đoàn gồm khoảng 50 khách dự kiến lên đường bay sang Pháp đã phải dời lại ngày bay. Công ty du lịch TST, theo lịch, sẽ có các đoàn khởi hành đi châu Âu vào 28-4, nhưng khách sẽ phải chờ đến ngày 24-4 công ty mới có thể thông báo chính thức hủy tour. Các công ty du lịch khác cho biết những đoàn khách đã làm thủ tục đi du lịch châu Âu nếu muốn hủy vẫn có thể lấy lại tiền đặt cọc hoặc chấp nhận dời ngày khởi hành. Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết tiếp tục hủy các chuyến bay trong ngày 19-4: VN527 TP.HCM - Matxcơva: dự kiến khởi hành theo lịch 10g30 giờ địa phương, VN533 TP.HCM - Paris: dự kiến khởi hành 22g50 giờ địa phương, VN545 Hà Nội - Frankfurt: dự kiến khởi hành 23g35 giờ địa phương, VN526 Matxcơva - TP.HCM: dự kiến khởi hành theo lịch 20g giờ địa phương. Các chuyến bay ngày 20-4 cũng bị hủy như VN532 Paris - TP.HCM: dự kiến khởi hành 13g25 giờ địa phương, VN544 Frankfurt - Hà Nội: dự kiến khởi hành 14g40 giờ địa phương. |
.............................
Tôi đi đường bộ từ London (Anh) sang Frankfurt (Đức) dự một hội nghị về kiến trúc từ ngày 12 đến 15-4 và dự định về London bằng máy bay của Hãng hàng không Lufthansa tuyến Frankfurt - London với giá 150 bảng Anh (gần 230 USD) và không hề được thông báo gì về việc các chuyến bay bị hoãn do núi lửa phun ở Iceland.
Mãi đến chiều 15-4 tôi mới biết tin tức này qua... truyền hình. Cố gắng liên lạc với sân bay bất thành vì sân bay đã bị đóng cửa, tôi phải trực tiếp đến gặp hãng hàng không, nhưng khi đến nơi đã thấy những hàng dài người rồng rắn xếp hàng chờ nhận được câu trả lời. May mắn là tôi mua vé của Hãng Lufthansa, có trụ sở ở chính Frankfurt, chứ những hãng khác như Thai Airways hay Cathay Pacific có ít quầy trực ở sân bay Frankfurt, khách hàng của họ sẽ phải đợi rất lâu.
Chen chân vào hàng người dài dằng dặc, dù đã được xem là nhanh, tôi cũng phải đợi hơn bốn giờ, từ 19g-23g, mới nhận được câu trả lời sẽ không có chuyến bay nào cất cánh. Vì chỉ mua vé một chiều, tôi không được nhận phòng khách sạn miễn phí như các hành khách đặt vé khứ hồi.
Tôi và một người bạn phải tìm một khách sạn trú tạm tại Frankfurt và ngày hôm sau, 16-4, anh bạn được phân công ở nhà... giữ hành lý, còn tôi ra ngoài thăm dò tin tức và tìm cách về London. Sở dĩ phải để một người ở nhà vì khi đó các khách sạn ở Frankfurt đã kín phòng. Nếu cả hai người cùng đi, rất dễ lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan: không có vé để về London, cũng chẳng còn phòng để ở tại Frankfurt.
Điểm đến đầu tiên của tôi là nhà ga xe lửa Frankfurt. Nhân viên bán vé trả lời từ Frankfurt đi Brussels (Bỉ) còn vé, nhưng từ Brussels đi London đã hết vé. Lựa chọn cuối cùng của tôi và anh bạn là đi xe khách về London. Tôi đến điểm bán vé xe khách từ lúc 9g chờ đợi. Nhà xe trả lời họ đã sử dụng hết xe của hãng và đang phải huy động xe từ bên ngoài. Lại một cuộc chờ đợi tưởng không bao giờ kết thúc nữa.
Mất thêm sáu giờ xếp hàng, đến 15g tôi mới mua được vé với giá “chặt chém” 125 euro (gần 170 USD), gấp hơn ba lần so với ngày thường. Những người rủng rỉnh hơn và không muốn chờ mua vé xe khách có thể lựa chọn giải pháp taxi, nhưng các tài xế hét giá cho chỉ riêng tuyến đường Frankfurt - Calais (Pháp) đã là 840 euro. Các tay lái xe tải cũng nhân cơ hội này kiếm chác. Họ lắp thêm một kiểu ghế “súp” vào buồng lái, có thể chở được thêm bốn người, và ra giá 640 euro cho chặng Frankfurt - Calais.
Xe khởi hành lúc 16g. Sau 11 giờ trên xe khách, tôi phải đợi thêm gần bốn giờ nữa ở bến phà Calais của Pháp mới có phà vượt eo biển Manche vì kẹt phà do các phương tiện đổ về quá nhiều, nhưng xem ra tôi vẫn còn may mắn. Andy Keith, một anh bạn phải đi công tác ở Ba Lan, gọi cho tôi báo tin phải đi xe khách mất hơn 30 giờ từ Ba Lan về Paris, nhưng hiện vẫn còn mắc kẹt tại Pháp và chưa biết bao giờ mới tìm được xe đi Anh. Một cụ bà người Anh đi cùng xe nói vẫn còn gửi ôtô ở sân bay Heathrow, London, mà nếu về trễ quá sẽ bị phạt nặng.
Cuối cùng, sau 21 giờ ngồi trên xe khách và mỏi nhừ vì chờ đợi, tôi cũng về được đến nhà, cho một chuyến đi chỉ mất hai giờ nếu không vì ngọn núi lửa ở Iceland!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận