17/11/2008 04:25 GMT+7

Đối đầu với yakuza

HIẾU TRUNG (Theo New York Times, The Independent)
HIẾU TRUNG (Theo New York Times, The Independent)

TT - Lần đầu tiên tại nước Nhật, tổ chức mafia - còn được biết với cái tên yakuza - bị người dân một thành phố đâm đơn kiện. Đối tượng bị người dân phản kháng là nhóm Dojin-kai, một trong những tổ chức yakuza thuộc vào loại lớn nhất ở Nhật.

Dxgyqmtc.jpgPhóng to
Ba thành viên nhóm yakuza Dojin-kai -Ảnh: The Independent
TT - Lần đầu tiên tại nước Nhật, tổ chức mafia - còn được biết với cái tên yakuza - bị người dân một thành phố đâm đơn kiện. Đối tượng bị người dân phản kháng là nhóm Dojin-kai, một trong những tổ chức yakuza thuộc vào loại lớn nhất ở Nhật.

Mới đây, 603 người dân sống tại khu vực thương mại trung tâm ở thành phố Kurume (thuộc tỉnh miền tây Fukuoka) trong phạm vi 500m từ tòa trụ sở đồ sộ cao sáu tầng của nhóm Dojin-kai đã gửi đơn kiện lên tòa án thành phố. Họ đòi chính quyền phải trục xuất các thành viên Dojin-kai ra khỏi tòa nhà này. Ngoài ra, có tới hơn 5.500 người sống quanh khu vực này đã ký lá đơn ủng hộ vụ kiện. Tổng cộng người dân đã đóng góp tới 90.000 USD cho chi phí kiện tụng. Trong quá trình kiện cáo, các thành viên Dojin-kai đã buộc phải tạm rời trụ sở, sang một tòa nhà bên cạnh. Tổ chức này cũng thông báo tạm thời chuyển trụ sở sang một văn phòng chi nhánh cách đó khoảng 3km.

Không giống như mafia Ý hay Mỹ thường hoạt động trong bí mật, các tổ chức yakuza Nhật thường sở hữu những trụ sở công khai. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với phóng viên báo New York Times, ông Nobuyuki Shinozuka, 54 tuổi, đồng chủ tịch của Dojin-kai, khẳng định: “Trụ sở là lâu đài của chúng tôi. Đó là thứ chúng tôi coi giá trị nhất, là tài sản chúng tôi quan tâm nhất”.

Nội chiến băng đảng

Trước đây tại Kurume, người dân ít khi phải than phiền về Dojin-kai. Tại khu vực nhóm này đặt trụ sở trong 12 năm qua, trẻ em có thể đi qua mà chẳng phải lo sợ gì. Các thành viên Dojin-kai tôn trọng tuyệt đối quy luật sống hòa đồng với môi trường xung quanh. Khi mới mở trụ sở, lãnh đạo Dojin-kai khi đó là Yoshihisa Matsuo đã ký một thỏa thuận với người dân địa phương. Theo đó nhóm này cam kết không đe dọa người đi qua đường, không đỗ xe trái phép, không xả rác bừa bãi, không gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em. Thời gian đầu họ vi phạm một số điều luật nhưng sau đó đã tuân thủ nghiêm ngặt.

“Chúng tôi chưa từng gặp vấn đề gì với làng xóm, bởi lãnh đạo của nhóm rất nghiêm khắc trong vấn đề đó” - đồng chủ tịch Dojin-kai là Hideki Fukui, 59 tuổi, cho biết. Trong các cuộc họp hằng tháng, các thành viên Dojin-kai thường chiếm dụng hết con phố để đỗ xe hơi nhưng cũng chỉ có vậy. Thậm chí, các thành viên Dojin-kai thỉnh thoảng còn trao quà cho người dân, gặp ai cũng chào hỏi đàng hoàng và đổ rác đúng chỗ. Khi bị than phiền họ thường nói xin lỗi. Nhiều người dân mở cửa hàng ngay bên cạnh trụ sở của Dojin-kai mà chẳng bị sách nhiễu gì. Lãnh đạo Dojin-kai cho biết muốn chung sống với người dân địa phương dù thừa nhận đôi khi những hành động của họ gây xáo trộn xã hội. “Thời đó đúng là chẳng bao giờ có vấn đề gì”, ông Kimiyo Morita, 62 tuổi, một người dân địa phương, cho biết.

Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, Dojin-kai gây ra nhiều vụ bạo lực đẫm máu. “Một đêm, vào khoảng 11g, tôi nghe thấy tiếng súng máy chát tai, sau đó là những tiếng nổ lớn” - ông Morita kể. Một cuộc chiến tranh giành quyền lực diễn ra trong nội bộ Dojin-kai vào năm 2006, khi chủ tịch Matsuo về hưu. Cuộc chiến khiến một số thành viên tách ra, thành lập một băng đảng riêng có tên Seidokai. Cuộc xung đột kéo dài suốt hai năm làm nhiều thành viên của cả hai phe thiệt mạng. Một người vô tội bị bắn chết trong một bệnh viện địa phương do bị tưởng nhầm là thành viên Dojin-kai. (Khi đó, thủ lĩnh Dojin-kai đã đến dự đám tang người bị giết, và đền tiền cho gia đình này). Có lần tòa trụ sở của Dojin-kai bị đạn bắn thủng lỗ chỗ.

Cho dù hai phe đã ký thỏa thuận ngừng bắn và cuộc chiến chấm dứt hồi đầu năm 2008, nhiều người dân địa phương vẫn lo sợ cảnh mắc kẹt giữa hai làn đạn và mất mạng một cách oan uổng. “Chúng tôi không còn được sống yên bình nữa”, ông Morita lo sợ. Ông Osamu Kabasima, luật sư đại diện cho người dân, cho biết: “Yakuza sử dụng các loại vũ khí chúng ta thấy trong cuộc chiến tranh Iraq: lựu đạn, súng có thể bắn người ta ở khoảng cách 500m”. Ông khẳng định: “Các thân chủ của tôi đã chịu đựng quá mức rồi. Họ muốn sống yên bình, và đang liều mạng để tìm kiếm sự yên bình cho con cháu”.

Tuy vậy, không phải ai cũng ủng hộ vụ kiện. “Họ cũng phải kiếm sống, do đó sẽ là không phải nếu ép họ rời đi - một người dân bình luận - Khi nào mà họ còn không gây hại đến dân thường thì mọi chuyện ổn cả”. Một người khác cho rằng việc trục xuất Dojin-kai ra khỏi trụ sở cũng chẳng có ý nghĩa gì, bởi “họ sẽ lại chuyển đến nơi khác mà thôi”. Chính quyền Kurume, dù ủng hộ vụ kiện, cũng thừa nhận khả năng này. Tuy nhiên một quan chức giấu tên bày tỏ hi vọng nếu nhóm Dojin-kai chuyển đến một địa điểm mới, người dân nơi đó cũng sẽ đứng lên phản ứng.

“Cái ác cần thiết”?

Với lực lượng khoảng 1.000 thành viên, Dojin-kai là nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất Fukuoka và cả đảo Kyushu, một trong bốn đảo chính ở Nhật. Ngoài Shinozuka và Fukui, nhóm này còn có một đồng chủ tịch nữa là Shuhei Tsutsumi, 54 tuổi. Tổng cộng nước Nhật hiện tại có khoảng 22 nhóm yakuza với 85.000 thành viên. Các nhóm tội phạm này chuyên hoạt động trong các lĩnh vực như bảo kê, cờ bạc, mại dâm... những vấn đề mà Chính phủ Nhật coi như một phần của xã hội.

Khác với mafia Ý và Mỹ, các nhóm yakuza được chính quyền Nhật chấp nhận. Bởi theo các nhà phân tích, chính quyền nhìn nhận yakuza như một “cái ác cần thiết” của xã hội. Yakuza cũng có quan hệ sâu sắc với đảng cầm quyền Dân chủ tự do. Bằng cách cho phép yakuza hoạt động tương đối tự do, chính quyền có thể theo dõi chặt chẽ hoạt động của các nhóm này. Chỉ trong những năm gần đây, khi yakuza Nhật chuyển hướng lao vào kinh doanh ma túy, thì các đạo luật chống tội phạm có tổ chức ở Nhật mới được thắt chặt lại. Tuy nhiên, các đạo luật này còn xa mới nghiêm khắc như những luật chính quyền Mỹ áp dụng để chống lại mafia.

Đối với nhóm Dojin-kai, kết quả vụ kiện không chỉ quyết định đến ngôi nhà của các thành viên trong nhóm, mà còn ảnh hưởng đến cả vị trí truyền thống của yakuza trong xã hội Nhật. “Quyết định hoàn toàn tùy thuộc vào nhà nước - thủ lĩnh Shinozuka cho biết - Nếu nhà nước cảm thấy không còn cần chúng tôi nữa, họ có thể ra một đạo luật cấm yakuza hoạt động. Tuy nhiên, nếu nhà nước còn cảm thấy, dù chỉ một chút, là cần đến chúng tôi thì chúng tôi sẽ tìm cách để tồn tại”.

HIẾU TRUNG (Theo New York Times, The Independent)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên