02/10/2004 14:16 GMT+7

Đôi bạn chùa Hàn Sơn

DUYÊN TRƯỜNG
DUYÊN TRƯỜNG

TTCN - Chúng tôi có mặt nơi “xuất xứ” bài thơ Phong kiều dạ bạc vào một sáng đầu thu, khi những chiếc lá ngô đồng đầu tiên vừa lẳng lặng lìa cành và in những đốm thu vàng vào những phiến đá xanh xám trên đường phố Tô Châu.

5hem2ZoP.jpgPhóng to
TTCN - Chúng tôi có mặt nơi “xuất xứ” bài thơ Phong kiều dạ bạc vào một sáng đầu thu, khi những chiếc lá ngô đồng đầu tiên vừa lẳng lặng lìa cành và in những đốm thu vàng vào những phiến đá xanh xám trên đường phố Tô Châu.

Hơn ngàn năm trước, Trương Kế đã ghé bến thuyền này trong một đêm trăng buồn và sự cô độc không giấu được. Còn bây giờ, Hàn Sơn tự lúc nào cũng dập dìu ngựa xe...

Hương vị mát ngọt của sương thu và sông lạnh dường như tan biến đi ngay khi ta bước qua cổng chùa có giá vé 25 tệ. Trong chùa, không gian được dành cho nhang khói, cho sắc màu của đủ mọi trang phục ngắn dài, cho đủ lời thuyết minh với du khách bằng nhiều thứ tiếng có qua loa hoặc không qua loa phóng thanh cầm tay...

Lầu chuông liên hồi vang lên những âm thanh không rõ thông điệp có giá 5 tệ cho ba lần gióng chuông. Người ta cúng bái, cầu nguyện, cười nói, đi lại, nhìn ngắm, mua bán vô cùng sôi nổi. Phía sau, tháp Phổ Minh bảy tầng đang được rào chắn để đại tu. Bên hông có một bảng kê lịch thuyết pháp của các thầy, có kèm ảnh chân dung, giống như bảng kê tên và ảnh các đại phu cho bệnh nhân tự chọn mà chúng tôi từng gặp ở Bệnh viện Trung Y thành phố Côn Minh (Vân Nam).

Cổng sau của chùa có lối dẫn qua Hàn Sơn biệt viện (nơi ở của các tăng), trong đó có một quán bán trà. Trước cổng biệt viện, lố nhố nhiều người đàn ông chuyên bám đuổi và mời gọi du khách đi... xem bói! Các tăng đi lại, cười nói cũng sôi nổi không kém. Ai cũng da đỏ hồng, mặt béo tốt, miệng cười tươi, mắt mở to khắp các hướng như để thu nhận cho được hết cái cảnh chợ đang diễn ra trong chùa và quanh chùa. Sự sung túc ẩn mình trong nếp Phật y...

Chùa Hàn Sơn là ngôi chùa nhỏ nhưng nổi tiếng là nhờ tiếng chuông. Tiếng chuông chùa nổi tiếng là nhờ bài thơ của Trương Kế. Bài thơ của Trương Kế lại nổi tiếng là nhờ mấy xìcăngđan mấy trăm năm chung quanh những câu thơ tứ tuyệt đó: Có thật là có tiếng chuông chùa lúc nửa đêm không? Có phải giang phong là cây phong bên sông và ngư hỏa là đốm lửa của làng chài? Hay đó là Giang kiều, Phong kiều? Hay đó là Giang Phong sơn và Ngư Hỏa sơn? Và có không Ô Đề thôn, Sầu Miên sơn?... Nhưng thật ra Hàn Sơn tự còn nổi tiếng bởi đôi ẩn sĩ Hàn Sơn và Thập Đắc.

Theo sử sách, Hàn Sơn còn được gọi là Hàn Sơn Tử, sống vào thời Trịnh Quán, đời Đường. Là thi sĩ, tăng sĩ, cùng với Thập Đắc, Phong Can làm nên “Quốc Thanh tam ẩn”. Ông sống ẩn dật, cơ hàn trong hang đá ở núi Thiên Thai (Chiết Giang), thường đến chùa Quốc Thanh do thiền sư Phong Can trụ trì, để thăm bạn là thi tăng Thập Đắc.

Hàn Sơn hành trạng cổ quái, tính khí khác thường: “đội mũ vải gai, chân đi guốc gỗ, mặc áo choàng lam, xốc xa xốc xếch, cười hát tự nhiên...”, “chốc chốc lại kêu gào chửi bới mọi người, hoặc là ngẩng mặt lên trời mà chửi đổng”.

Còn Thập Đắc, chỉ biết là bị bỏ rơi từ nhỏ trong rừng, được sư Phong Can tìm thấy và đem về chùa nuôi dưỡng (Thập Đắc có nghĩa là nhặt được), chuyên trông nom nhà bếp trong chùa. Cả hai là đôi bạn “cuồng sĩ” thường bá vai nhau, cười la nhảy múa, đi chạy khắp nơi. Hai ông thường lui tới chùa nên thiền sư Hy Thiên đặt tên Hàn Sơn để làm kỷ niệm...

Nhưng sử sách chưa chắc đã làm hài lòng dân gian. Cho nên người ta còn truyền miệng một câu chuyện tình tay ba rất ly kỳ hấp dẫn theo môtip chuyện ba người thường thấy ở khắp mọi nơi. Đại ý là Hàn Sơn và Thập Đắc cùng yêu một cô gái. Sau khi phát hiện sự thật, Hàn Sơn thấy mình có lỗi với bạn hiền, bèn bỏ đi tu. Thập Đắc sau đó biết được chuyện bạn hi sinh vì mình, cũng bỏ đi tu nốt...

Chuyện ấy thực hư thế nào không biết được. Cũng không rõ cô gái ấy là ai, tên gì, và cũng không biết có nên đối xử với cô gái ấy như thế không? Nhưng có một điều chắc chắn: tình bạn của Hàn Sơn - Thập Đắc được dân gian khắc tạc thành một biểu tượng thiêng. Cho nên trong chùa Hàn Sơn có nhiều tranh tượng về Hàn Sơn, Thập Đắc và sau chánh điện là Hàn - Thập điện. Giữa Hàn - Thập điện là một nhóm tượng rất sinh động, thếp vàng sáng chóe đặt trên cao với Hàn Sơn đứng cầm một bông hoa sen, còn Thập Đắc ngồi cầm một cái bình. Hoa sen (liên hoa) còn được gọi là hà hoa, hà gần âm với hòa.

Cho nên, nếu nhìn từ bên phải qua, theo cách đọc của người Trung Quốc, người ta thấy hiện lên hai chữ “hòa bình”. Bây giờ, mỗi khi người Trung Quốc thấy vợ chồng, anh em, bạn bè, đối tác làm ăn với nhau mà bất hòa, xích mích thì cùng kéo nhau đến đây, quì lạy trước hai vị Hàn -Thập để hóa giải mọi mâu thuẫn, cầu mong sự thuận hòa...

Ngẫm đi, nghĩ lại, thấy tục lệ này hay thật là hay! Nếu nhị vị Hàn - Thập linh thiêng hóa giải được mọi đố kỵ, hiềm khích, tranh giành của chốn nhân sinh thì thật là phúc đức cho bá tánh, lại ích quốc lợi gia, không chỉ cho xứ sở các ngài mà còn cho láng giềng… như nước ta! Cứ nghĩ mà xem, nếu có hai sếp của một cơ quan vốn hằng ngày cơm không bao giờ lành, canh chưa bao giờ ngọt, vào họp thì đập bàn, ra làm thì đập việc, lôi cuốn cả đám thuộc hạ vào những trận cuồng phong không ngừng khiến anh em không khỏi bươu đầu sứt trán, nội bộ huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt; thanh tra kiểm thảo liên miên…

Bỗng dưng một ngày kia, sau chuyến ghé thăm Hàn SơnTự trở về, cả hai lại bá vai nhau như đôi bạn thân, cùng tôn trọng lắng nghe, cùng hợp tác làm việc thì cơ quan như được đổi dời, từ đông tàn sang xuân tươi! Nghĩ rộng ra và ước sao tới đây, hễ cơ quan, đơn vị nào mà mất đoàn kết nghiêm trọng thì cấp trên “bình chọn” ngay những cặp “đối thủ trực tiếp”, thu thập danh sách từ dưới lên gửi về cho Sở Nội vụ các tỉnh thành tổng hợp và lên kế hoạch bắt buộc lần lượt đưa từng đôi một… cùng đi viếng chùa Hàn Sơn và cúng vái Hàn-Thập! Danh sách chắc hẳn là cũng dài mấy trang A4.

Chi phí không phải là nhỏ, mỗi cặp theo thời giá hiện nay đi du lịch Tô Châu cũng tiêu tốn không dưới 1.000 đô. Nhưng thà tốn kém như thế mà tìm lại được sự đoàn kết thì còn gì đáng mừng hơn, vui sướng hơn! Xem ra đó cũng là chi phí đầu tư cho sự phát triển của đất nước. Nghĩ đến đó mà mừng lắm thay!

DUYÊN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên