Phóng toẢnh: VIỆT DŨNG
Vì cũng là lính vượt Trường Sơn cuối năm 1968 sau lứa anh Duật một chút, chúng tôi hồi đó mới rời ghế nhà trường. Ai cũng đềumơ trở thành Pavel Korchagin với dũng sĩ diệt Mỹ, mơ mộng thế nên đến trạm nào, con dốc nào cũng hóng nghe tin nhà văn này, nhà thơ nọ, dũng sĩ kia đi qua, thậm chí ai đã nói chuyện, đọc thơ ở đây. Thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật với những câu chuyện truyền miệng về anh cũng là những tâm điểm săn lùng của cánh lính yêu văn chương thời ấy.
Tôi nhớ hồi giáp Tết Mậu Thân ở Bệnh viện 559, khu vực giáp giữa Quảng Nam và Lào, chúng tôi bị một trận bom B52 chần nát bét cả rừng. Vậy mà khi vừa thoát ra khỏi vùng bom, tới trạm tiếp theo đã thấy có bài báo tường, không hiểu ai đó tìm ở đâu ra chép tay bài thơ Lửa đèn và bài Tiếng bom ở Seng Phan của Phạm Tiến Duật. Thơ anh Duật đến trực tiếp với chiến sĩ Trường Sơn trước khi lên báo, lên đài.
Sau này tôi có đôi lần nói với bạn bè cùng lứa rằng nếu làm một ông to có thể quyết định được đôi ba chục tỉ đồng, tôi sẽ ra quyết định làm một tượng đài - một quần thể tượng đài mà nhà thơ của chúng ta lẫn trong những người lính Trường Sơn. Tuy nhiên trong quần thể tượng đài ấy, Phạm Tiến Duật không khó nhận ra vì anh luôn được những người lính tôn vinh là người lính đặc biệt, người lính làm thơ, một nhà thơ cổ động siêu hạng, một người lĩnh xướng trong dàn nhạc, dàn thơ ca suốt cả thời chống Mỹ.
Sách do NXB Hội Nhà Văn ấn hành, dày 1.112 trang, được chia làm hai phần: phần 1 là Phạm Tiến Duật viết (thơ ngắn, thơ dài và trường ca, văn xuôi), phần hai là Viết về Phạm Tiến Duật, tập hợp 62 bài viết về Phạm Tiến Duật của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình. |
Phạm Tiến Duật còn là một nhà văn, nhà phê bình văn học tinh đời, tinh nghề. Những tạp văn "vừa làm vừa nghĩ" về nghề, về bạn nghề, bạn đời của anh vừa có nét tinh quái, mộc mạc vừa rất sâu sắc uyên thâm. Ðặc biệt là những bài ký họa chân dung bạn bè của anh thật sống động, thẳng thắn và trân trọng giống như cách sống suồng sã, gần gũi và cách kể chuyện tinh tế hóm hỉnh của anh. Trên tất cả, anh có tấm lòng của người nghệ sĩ dung dị hiền hòa. Trong mọi hoàn cảnh anh luôn là người có khát vọng sống và viết mãnh liệt.
Ðọc Toàn tập Phạm Tiến Duật ta không chỉ biết các chặng đường đời, các chặng đường sáng tác của anh mà còn hiểu anh hơn thế. Khi với công việc viết văn thì anh gọi tên nó giản dị là "vừa làm vừa nghĩ", khi sống với bạn bè đồng nghiệp thì anh gọi là "kim cương bất hoại"...
Anh sống, làm thơ, viết văn với quan niệm giản dị: "Dù vật đổi sao dời thì định nghĩa về thơ vẫn còn đó, trong các bài ca dao dân gian từ ngàn đời truyền lại. Các cụ ngàn xưa làm ca dao để truyền khẩu thế thôi, chẳng ai để lại tên tuổi gì. Tên tuổi không truyền nhưng các bài ca thì truyền mãi. Bây giờ tên người rất nhiều mà câu thơ thì khó nhớ. Thì ra thơ với đời là một. Thơ muốn xưng hùng xưng bá tách ra khỏi đời thì thơ không còn là thơ nữa... Sang vì thơ, đúng. Hèn vì cái na ná như thơ". Phạm Tiến Duật viết như thế. Và tôi cũng tin đúng như thế.
(*) Nhà văn Trung Trung Ðỉnh hiện là giám đốc NXB Hội Nhà Văn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận