05/06/2006 06:12 GMT+7

"Độc Phước Tích": gốm cổ hồi sinh

KIM OANH
KIM OANH

TT - Sau hơn 20 năm tắt khói, nghề gốm cổ trên 500 năm tuổi ở làng Phước Tích nằm bên dòng Ô Lâu hiền hòa đã đỏ lửa trở lại cùng với Festival Huế 2006 qua tour “Hương xưa làng cổ”.

8ouWkA9i.jpgPhóng to
Chuẩn bị mẻ gốm mới sau nhiều năm tuyệt tích - Ảnh: Thái Lộc
TT - Sau hơn 20 năm tắt khói, nghề gốm cổ trên 500 năm tuổi ở làng Phước Tích nằm bên dòng Ô Lâu hiền hòa đã đỏ lửa trở lại cùng với Festival Huế 2006 qua tour “Hương xưa làng cổ”.

Những nghệ nhân cuối cùng...

Những ngày qua, Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) - ngôi làng cổ duy nhất của VN đang được đề nghị công nhận làng di sản - đang rộn ràng vào hội.

Tại cái nơi từng là Hợp tác xã gốm Phước Tích một thuở giờ chỉ còn trơ lại những chiếc cột ximăng hoang phế, người làng đã lợp tranh trở lại, phục dựng nó làm nơi trình diễn và trưng bày sản phẩm gốm trong lễ hội “Hương xưa làng cổ” diễn ra ngay tại làng.

Mệ Lê Trọng Thị Vít - 70 tuổi, hơn ba đời làm gốm - đang uốn đôi bàn tay khéo léo để xên chuốt một cái ấm đất, kể: “Hồi đó, cả làng Phước Tích đều sống bằng nghề gốm. Trên bờ thì hàng chục lò gốm. Dưới sông thuyền bè tấp nập chở gốm men theo sông Bồ, theo phá Tam Giang ra tận Quảng Bình, Quảng Trị, vào tận Quảng Ngãi, Qui Nhơn...”.

Cầm trên tay một chiếc bình vôi có hoa văn tinh xảo, cụ Trương Công Kiệm xuýt xoa: “Gốm những nơi khác không bì được gốm Phước Tích ở độ bóng mịn, độ tinh xảo và độ bền do hóa sành”. Để làm nên những vật dụng thủ công độc tôn ấy, ngoài bí quyết kỹ thuật, đôi bàn tay khéo léo, người làm gốm phải cất công lấy đất từ làng Diên Khánh của tỉnh Quảng Trị, cách Phước Tích đến 30km...

Gốm Phước Tích từng là một đặc sản nổi tiếng khắp miền Trung với danh tự “Độc Phước Tích”. Không chỉ có sản phẩm chum, ghè, thạp, thống, niêu, bình vôi... gia dụng tiêu thụ trong dân gian, gốm Phước Tích còn được trưng dụng trong hoàng cung triều Nguyễn với nhiều cổ vật tinh xảo một thuở, đến nay còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế.

Vẫn trong dòng hồi tưởng, cụ Kiệm nhớ lại: “Bao nhiêu người đỗ đạt, hàng trăm ngôi nhà rường mà Phước Tích còn giữ được cho đến ngày nay cũng chắt chiu từ gốm. Sau hòa bình, các xâu gốm được qui hoạch, chuyển đổi thành tập đoàn gốm, rồi HTX gốm... Nhưng đến năm 1985 trở về sau, nghề gốm ở Phước Tích đích thực rơi vào ngõ cụt bởi cơn lốc của hàng gốm tạp và đồ nhựa dân dụng tràn vào thị trường”.

Người dân làng gốm không thể tự trả lời

Nghề gốm cổ Phước Tích đang rục rịch hồi sinh với khoản đầu tư ít ỏi 10 triệu đồng từ kinh phí của huyện. Ông Trần Văn Bân - bí thư Đảng bộ xã Phong Hòa - cho biết bước đầu sẽ qui tụ 10 lao động nhưng hầu hết đều là ông già, bà lão. Cụ Trương Công Kiệm giải thích: “Phước Tích không có ruộng nên từ khi nghề độc chết đi, thanh niên trai tráng cũng bỏ làng đi hết”. Bởi vậy, hết thế hệ những người như cụ Kiệm, cụ Tùng, mệ Vít rồi thì ai sẽ về giữ làng?

Cũng như gốm Phước Tích, các kỳ festival Huế đã gõ cửa những làng nghề, những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, độc đáo của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân đã được hun đúc suốt 700 năm qua.

Nhưng liệu lò gốm Phước Tích có đỏ lửa được thường xuyên hay cũng chỉ lóe sáng một khoảnh khắc trong mấy ngày lễ hội rồi “hương tàn bàn lạnh” như đã từng xảy ra với nhà vườn Kim Long - Phú Mộng...? Bí thư đảng ủy Trần Văn Bân trả lời: “Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì hoạt động thường xuyên cho lò gốm”.

Đó cũng là khát vọng thầm kín trong lòng con dân làng cổ Phước Tích mấy mươi năm qua. Nhưng duy trì và phát triển bằng cách nào? Ai đầu tư hỗ trợ kinh phí cho các lớp đào tạo thợ? Ai sẽ tìm đầu ra cho gốm Phước Tích khi ngôi làng cổ như một ốc đảo nguyên sơ bên dòng sông Ô Lâu này cách Huế đến gần 50km? Những câu hỏi sống còn cho làng gốm cổ ấy, tự người dân làng gốm không thể trả lời.

KIM OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên