24/01/2007 15:45 GMT+7

Doanh nghiệp nhập khẩu phải cẩn trọng

Theo THÚY HẢI - Sài Gòn giải phóng
Theo THÚY HẢI - Sài Gòn giải phóng

Kể từ khi Việt Nam thực hiện việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (CEPT/AFTA), việc buôn lậu bằng cách dùng Giấy chứng nhận xuất xứ ASEAN (C/O form D) giả đã xuất hiện khá nhiều tại các cửa khẩu giáp biên giới như Mộc Bài, Cầu Treo, Lao Bảo…

Hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ ASEAN:

Q14LT4Pz.jpgPhóng to

Hàng điện tử tiêu dùng rất dễ làm giả C/O form D-Ảnh: ĐÀI TRANG

Kể từ khi Việt Nam thực hiện việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (CEPT/AFTA), việc buôn lậu bằng cách dùng Giấy chứng nhận xuất xứ ASEAN (C/O form D) giả đã xuất hiện khá nhiều tại các cửa khẩu giáp biên giới như Mộc Bài, Cầu Treo, Lao Bảo…

Nhiều kiểu giả C/O form D

Theo quy định, hàng hóa có C/O form D, tức trong sản phẩm phải có chứa trên 40% hàm lượng xuất xứ từ ASEAN khi xuất khẩu vào các nước trong ASEAN sẽ được hưởng mức thuế suất là 0% hoặc 10%, 15%...

Mức thuế này thấp hơn nhiều đối với trường hợp không có C/O form D vì hàng ngoài ASEAN phải chịu mức thuế suất nhập khẩu 40% - 50%.

Vụ phát hiện, kiểm tra 43 tờ khai nhập khẩu 23.886 tấn thép cán nguội từ Philippines, trị giá 206,6 tỷ đồng của 16 doanh nghiệp (DN) mở tờ khai hải quan tại Cục Hải quan TP.HCM vừa qua là một ví dụ cụ thể.

Chuyện bắt đầu từ Công ty Cổ phần HS phát hiện có nhiều DNVN nhập khẩu thép từ Philippines với mức thuế suất nhập khẩu 0%, trong khi đó mặt hàng này khi xuất khẩu từ VN vào các nước ASEAN vẫn phải chịu mức thuế suất nhập khẩu là 5%...

Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D đã được cấp không đúng theo các quy tắc và quy định hiện hành do các quốc gia thành viên của khu vực mậu dịch tự do ASEAN chấp thuận, đặc biệt tuân thủ quy tắc gốc về xử lý hàng hóa theo tỷ lệ 60% nhập khẩu và nội địa 40%.

Trong khi đó, Philippines sản xuất được thép cán nóng, không đáp ứng được những yêu cầu nêu trên.

Trong trường hợp này, để có được C/O form D, các tập đoàn không nằm trong khu vực ASEAN đã tiến hành mua lại các công ty thép cán nguội của Philippines. Sau đó, họ chuyển nguyên vật liệu từ các nước khác vào ASEAN để hợp thức hóa đầu tư và hưởng lợi thuế suất khi xuất khẩu sản phẩm vào các nước ASEAN.

Theo tính toán, khi mặt hàng này xuất khẩu vào các nước ASEAN, những lô hàng có form D giả này đã được hưởng lợi ít nhất 40 USD/tấn! Cục Hải quan TP.HCM nhìn nhận, đây là trường hợp bị phát hiện có quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng, gây bất lợi cho các DN sản xuất thép trong nước. Về phía VN, 16 DNVN nhập khẩu thép từ Philippines đã bị truy thu 15 tỷ đồng thuế.

Trước đó, Công ty Sony VN cũng đã phát hiện một số hàng nhập lậu sử dụng C/O form D giả để tuồn hàng vào VN. Ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Đối ngoại của Công ty Sony cho biết, các phiếu C/O form D hàng lậu do bộ phận bán hàng của công ty này thu giữ được tại cửa khẩu Lao Bảo đều có nội dung “100% hàm lượng ASEAN”.

Trên thực tế, điều này không thể xảy ra, bởi lẽ chỉ riêng chi phí công nghệ phải trả cho công ty mẹ tại Nhật Bản đã là 3%, bản thân đèn hình chiếm đến 50% giá trị của sản phẩm,… đã cho thấy những lô hàng này không có đủ 100% nguồn gốc từ ASEAN như C/O ghi. Phía Thái Lan cũng cho biết, các sản phẩm điện tử sản xuất tại đây cũng không thể đạt 100% hàm lượng ASEAN được…

Phải cẩn trọng khi nhập khẩu

Theo Cục Hải quan TP.HCM, gian lận thương mại thường xảy ra đối với những mặt hàng có sự chênh lệch về thuế giữa khối ASEAN và ngoài ASEAN. Tùy theo lộ trình cắt giảm thuế của các loại hàng hóa mà độ chênh lệch về thuế sẽ khác nhau, trong đó phổ biến nhất là hàng điện tử, điện lạnh, sắt thép, thực phẩm, hàng tiêu dùng…

Một cán bộ của ngành hải quan cũng cho biết, hàng giả từ biên giới về TP rất khó phát hiện, nhất là khi phía các nước thường xuyên thay đổi lãnh sự, trong khi các cơ quan chức năng VN lại không thể cập nhật kịp thời chữ ký của người có trách nhiệm nên chữ ký trên C/O rất dễ bị làm giả.

Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị Lê Văn Tới thừa nhận: “Việc kiểm tra, đối chiếu trên các bản đăng ký chữ ký trên C/O là rất khó khăn. Các tờ khai đã trải qua nhiều lần photocoppy nên rất khác so với chữ ký gốc của người có trách nhiệm”.

Nhìn chung, hiện nay việc kiểm tra thông quan tùy theo đối tượng dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro chứ không thể kiểm tra 100% lô hàng, vì vậy những sai phạm vẫn có thể lọt qua cửa khẩu hải quan! Trong trường hợp có nghi ngờ về C/O form D hàng nhập khẩu, hải quan VN phải có trách nhiệm kiểm tra lại dấu và chữ ký trên C/O, nếu phát hiện có gian lận, cơ quan hải quan sẽ gửi công văn sang cơ quan hải quan chịu trách nhiệm cấp C/O form D của nước xuất khẩu hàng có vấn đề để yêu cầu kiểm tra. Nếu cần, hải quan 2 nước sẽ phối hợp để xử lý hàng có C/O giả.

Theo ngành hải quan, trong thời điểm hiện nay, khi công cụ hỗ trợ cho việc phát hiện việc giả C/O form D còn hạn chế, các DN nhập khẩu VN cần phải hết sức thận trọng trong ký kết hợp đồng với các đối tác và phải hiểu rõ luật pháp vì thuế suất ưu đãi và không ưu đãi đối với các mặt hàng là rất lớn, nên rất dễ nảy sinh gian lận trong thương mại mà phần thiệt thòi bao giờ cũng nghiêng về phía DN nhập khẩu và kinh tế nước nhà.

Theo THÚY HẢI - Sài Gòn giải phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên