13/01/2006 05:18 GMT+7

Đoạn kết

DUY VĂN
DUY VĂN

TT - Giáo sư Hwang Woo Suk cuối cùng phải công khai nhận lỗi, hai ngày sau báo cáo của Ủy ban điều tra của Đại học Quốc gia Seoul (SNU).

dKtqQhcj.jpgPhóng to
Ông Hwang xin lỗi tại buổi họp báo hôm qua ở Seoul - Ảnh: Reuters
TT - Giáo sư Hwang Woo Suk cuối cùng phải công khai nhận lỗi, hai ngày sau báo cáo của Ủy ban điều tra của Đại học Quốc gia Seoul (SNU).

Nhà báo Han lật tẩy giáo sư Hwang

Trong cuộc họp báo cùng các đồng sự hôm qua, ông Hwang xin lỗi người dân Hàn Quốc vì dùng những dữ liệu sai trong các hồ sơ, nhìn nhận đã trả tiền cho hai người hiến trứng và sử dụng trứng của hai cộng sự khác trong nghiên cứu.

Dù ông vẫn cho rằng mình là nạn nhân của một âm mưu hạ bệ và làm mất uy tín nhưng cũng thừa nhận đã “mù quáng bởi quá sốt sắng muốn thúc đẩy các nghiên cứu tế bào mầm”.

Ngày trước đó, chủ tịch SNU Chung Un Chan cũng nói lời xin lỗi: “Tôi xin lỗi vì nỗi ô nhục do hành động sai trái của ông Hwang gây ra cho người Hàn Quốc cũng như cả cộng đồng khoa học. Việc làm giả các hồ sơ là một trọng tội khoa học không thể nào tha thứ”.

Những ngày qua, không ít người tự hỏi: “Ông Hwang làm thế vì cái gì?”. Bài xã luận mới nhất trên tờ The Korea Times viết: “Đó là sự sụp đổ của một huyền thoại được dựng nên trong suốt thập niên của một nghiên cứu giả, bị săn đuổi bởi nỗi ám ảnh thành công”. Trong nỗi ám ảnh thành công đó có sự “góp phần” của nhà nước và giới khoa học.

Không có sự giám sát và thẩm định nào, nhóm ông Hwang đã nhận khoảng 29 triệu USD (theo Korea Herald) cho các công trình nghiên cứu tế bào mầm, được coi là khoản chi lớn nhất cho một nhóm nghiên cứu ở Hàn Quốc.

e6SQAhtI.jpgPhóng to
Người Hàn Quốc tuần hành thắp nến ủng hộ ông Hwang ngày 11-1 ở Seoul - Ảnh: AFP

Giáo sư sử học Choi Jang Jip trong một hội thảo tại ĐH Sungkonghoe hôm qua cũng chỉ ra trách nhiệm của nhà nước vì tham vọng “đưa Hàn Quốc lên bản đồ quốc tế trong lĩnh vực y sinh”.

Theo ông, sự ủng hộ tuyệt đối và tài trợ mạnh tay của nhà nước đã đẩy ông Hwang đến vị thế “siêu sao”, loại trừ mọi sự tranh luận, phê bình lành mạnh.

Không ít người Hàn Quốc đã khóc khi thấy thần tượng của mình sụp đổ. Nhưng họ vẫn tha thứ.

Tối 11-1, họ vẫn còn tuần hành thắp nến mong chính phủ đừng vùi dập ông. Sự tha thứ đó lớn hơn cả nỗi thất vọng khi biết hứa hẹn điều trị những căn bệnh nan y từ “thành công” của nhóm ông Hwang mang lại chỉ là lừa dối và ảo tưởng.

Sự tha thứ có lẽ dằn vặt ông Hwang nhiều hơn những ô nhục ông đang chịu đựng. “Tôi cảm thấy khó khăn đến khổ đau khi nói lời xin lỗi. Tôi sẽ ăn năn vì điều này suốt đời mình” - ông nói khi các đồng sự và sinh viên đứng sau lưng lau nước mắt. Ông khẩn cầu mọi người cho nhóm của ông một cơ hội thứ hai.

Hình phạt cho ông Hwang sẽ là gì? Hwang và các đồng sự thân cận nhất có nguy cơ bị sa thải khỏi SNU. Ngày 11-1, Chính phủ Hàn Quốc đã tước danh hiệu “nhà khoa học tối cao” phong cho ông Hwang từ tháng 6-2005 (danh hiệu này giúp ông Hwang được trợ cấp 3 tỉ won/ năm trong năm năm và được vệ sĩ theo bảo vệ ngày đêm).

Ông còn bị điều tra những vi phạm đạo đức trong cách thu thập trứng cho việc nghiên cứu, kiểm toán việc sử dụng công quĩ. Ngược lại, bên công tố cũng sẽ điều tra cáo buộc của ông Hwang về “âm mưu” đánh tráo một số kết quả nghiên cứu để hạ bệ ông.

DUY VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên