Công ty kem đứng Một thời bao cấpCảm thương “thượng đế” Hà thànhHãy tôn trọng quyền tiêu dùng của người dân
Phóng to |
Hiện vật mứt tết, rượu và thuốc lá bày bán trong thời kỳ bao cấp |
- Tôi dứt khoát từ chối bước vào những chỗ có cung cách phục vụ như thế. Tôi không thể ăn mà thấy ngon khi bị người bán hàng quát tháo hay tỏ thái độ coi thường, tôi cũng hết thấy ngon khi phải xếp hàng dài đến thế mới được ăn.
Theo tôi, cung cách phục vụ ấy không phải của những nhà buôn bán chân chính. Mẹ tôi, một người buôn bán cũ của Hà Nội, cũng luôn nói với các con rằng: ngày xưa không ai buôn bán thế!
Trong quan niệm của tôi, cung cách làm dịch vụ ấy là sản phẩm của thời bao cấp, thời mà người ta kiên trì thậm chí nhẫn nhục để xếp hàng, xếp hàng mua bất cứ mặt hàng gì, từ lạng đường, cân thịt cho đến dao cạo râu, cân gạo. Thời gian xếp hàng có khi làm được bao nhiêu việc, ra gấp mấy lần tiền trị giá các thứ hàng hóa ấy, nhưng người ta vẫn xếp hàng. Mua được hàng là thấy sung sướng rồi, bất kể giá trị hàng hóa như thế nào. Và người bán thì cứ tha hồ tỏ thái độ “gia ơn” cho người mua.
* Nhưng thưa ông, bao cấp đã được xóa bỏ 20 năm nay rồi, khẩu hiệu “khách hàng là thượng đế” cũng đã được trưng lên từ rất lâu, sao người ta vẫn giữ nguyên cung cách ấy? Và kỳ lạ nhất là tại sao người tiêu dùng vẫn chấp nhận cung cách ấy?
- Chính quan hệ ban phát - cầu cạnh thời bao cấp đã sinh ra một lớp người tiêu dùng không thật sự là người tiêu dùng. Nói sâu xa hơn thì xã hội dân sự của chúng ta mới đang manh nha, từ năm 1945 đến nay chúng ta chưa bao giờ sống cuộc sống thật sự bình thường nên nhu cầu của một công dân trong xã hội dân sự của chúng ta còn chưa phát triển đầy đủ.
Chính vì thế người tiêu dùng rất thiếu tự tin khi đi mua hàng và sử dụng dịch vụ. Chúng ta khắc sâu trong tâm khảm câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” mà không biết rằng mặt khác, người trồng cây cũng phải biết ơn kẻ ăn quả, nếu không thì quả của họ trồng xong, hái xuống... chất đống. Một thời gian quá dài chúng ta sung sướng vì “có hàng mà mua là tốt rồi”, còn bây giờ vẫn có những người hăm hở xếp hàng để cho thiên hạ thấy “đông thế mà tôi vẫn chen vào được” hoặc “chỗ ấy toàn người sành điệu, trong đó có tôi”.
Thật ra, có thể tôi hơi cực đoan, nhưng đó vẫn là tâm lý thời chiến: thời chiến, chúng ta phá cái gì đó bằng mọi cách, mọi giá, bây giờ lại mua (xây dựng) cái gì đó bằng mọi cách, mọi giá. Việc xếp hàng một cách khó hiểu và chấp nhận mua đắt một cách khó hiểu một bát phở, một ly cà phê chính là những giọt thói quen đưa người ta đến việc xây dựng một công trình đắt một cách khó hiểu.
Vợ tôi có một cửa hàng bán buôn đồng hồ và đồ điện tử ở phố Đồng Xuân. Bà ấy luôn luôn ngạc nhiên nói với tôi: nói thật đúng giá khó bán hàng lắm. Người ta chỉ thích cái gì thật đắt, vì nghĩ đắt thì mới xịn.
Nghe thấy vô lý, nhưng nghĩ lại thì thấy đúng: những khách hàng đó thuộc hai loại: thích chứng tỏ mình sành điệu, nổi bật và việc mua một mặt hàng nào đó với chất lượng tốt và giá cả hợp lý không quan trọng bằng việc mua thật đắt để thể hiện đẳng cấp của mình. Loại thứ hai là mua để biếu, để đút lót và khi đó giá cả là điều đầu tiên để thể hiện “giá trị tình cảm”. Với những loại người tiêu dùng trên đây, qui luật cung cầu, qui luật giá trị của thị trường chân chính đã mất hết giá trị.
Vì thế, đừng ngạc nhiên là các cửa hàng kiểu bao cấp vẫn còn đến bây giờ, những con người của thời đó, nếp nghĩ của thời đó vẫn còn hoặc đã biến tướng về hình thức nhưng bản chất vẫn còn thì cung cách mua bán đó vẫn còn là đương nhiên thôi.
* Nhưng thưa ông, có nhiều người lại cho rằng những cảnh “xếp hàng” đó lại rất đặc trưng của Hà Nội, nó tạo sự độc đáo, thậm chí duyên dáng, lạ lẫm cho một Hà Nội xưa, đối lập với “cung cách thị trường xô bồ và hiện đại”. Và họ cho rằng nên giữ lấy nó, như là giữ gìn kiến trúc khu phố cổ vậy?
- Đó là ngụy biện. Tôi đã nói, như tôi biết, người Hà Nội xưa không buôn bán thế, nếu họ hết hàng sớm và không bán nữa là vì khách chỉ ăn chừng ấy và ăn vào giờ ấy chứ không phải họ áp đặt cho khách chỉ được ăn chừng ấy vào giờ ấy. Còn thái độ phục vụ thì không thể chê được, không chỉ là sự chu đáo và tận tình, khéo léo, được đào tạo bài bản theo tiêu chí “văn minh thương mại” như ở TP.HCM và một số thành phố nước ngoài khác, nó còn có thêm cái duyên của tình nghĩa: tình hàng xóm (cùng khu phố, quen nhau cả), tình cảm tri ân của người bán với người mua (anh mua thì tôi chóng hết hàng).
Đó mới là cái cần giữ, nhưng tiếc là nó đã bị phôi pha hết trong những năm dài bao cấp rồi. Còn cái cung cách quát tháo và vẻ mặt như đâm lê của mấy bà mấy cô bán hàng, thậm chí cả những cô bán sách trong hiệu sách quốc văn, tôi xin nói thật, chỉ làm cho chúng ta xấu hổ mỗi khi có khách đến Hà Nội. Là một người Hà Nội và rất chia sẻ với nghề buôn bán qua các thời, theo tôi, cái “cung cách mậu dịch” ấy cần được chấm dứt càng sớm càng tốt, khi đó chúng ta càng ít có nguy cơ gặp phải sự xấu hổ và bị xúc phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận