12/02/2005 15:01 GMT+7

Điệu hò Việt Nam

GS- NS CA LÊ THUẦN (Báo Xuân Văn Nghệ)
GS- NS CA LÊ THUẦN (Báo Xuân Văn Nghệ)

Lao động đã tạo nên ở con người nhu cầu thẩm mĩ và cũng chính lao động đã đem lại cho nhu cầu này những hình thức biểu hiện đầu tiên.

9xLMJEpk.jpgPhóng to
Lao động đã tạo nên ở con người nhu cầu thẩm mĩ và cũng chính lao động đã đem lại cho nhu cầu này những hình thức biểu hiện đầu tiên.

Từ thời xa xưa, suốt một thời gian dài, nghệ thuật chưa tồn tại riêng biệt, chưa tách ra khỏi lao động, có mối quan hệ mật thiết với những hình thái công việc lao động. Do vậy, những bài hát lao động nói chung là một trong cội nguồn đầu tiên của âm nhạc, là một trong những thể loại có đặc trưng riêng, chiếm vị trí quan trọng trong nghệ thuật dân gian của các dân tộc trên thế giới.

Đồng thời, trong quá trình phát triển xã hội, con người luôn sống trong hai thế giới: Thế giới thực tại và thế giới của những biểu tượng. Nhờ có khả năng tư duy và trí tưởng tượng cũng như nhờ có cái thế giới biểu tượng ấy đã giúp con người sáng tạo ra âm nhạc.

Trong kho tàng dân ca Việt Nam, có một bộ phận khá lớn thuộc thể loại bài hát lao động được dân gian gọi là Hò, nhưng với sự phát triển, không phải bất cứ điệu Hò nào cũng gắn liền với chức năng cổ vũ và sinh hoạt lao động. Tuy nhiên, điều kì diệu nhất là các làn điệu Hò lại rất phổ biến khắp mọi nơi trên đất nước ta, từ “ vùng châu thổ đồng bằng cho tới miền núi cao, từ các lưu vực sông hồ cho tới các vùng ven biển”.

Có thể khẳng định: Đã là người Việt thì dường như ai cũng được nghe ít nhiều về Hò và qua Hò biết đến Lí rồi Hát kể cả Nói (nói thơ, nói vè…). Thế giới của các điệu Hò người Việt thật vô cùng phong phú và đa dạng, chứa đựng một sức sống mãnh liệt, có thể lan tỏa và thâm nhập vào Lí cũng như Hát và các thể loại âm nhạc khác.

Vì vậy, nhu cầu hiểu biết và nghiên cứu về Hò trở nên cấp thiết. Khi chúng ta muốn trở về với những cội nguồn đầu tiên của âm nhạc cũng như qua những điệu Hò lao động đích thực, chúng ta có thể khám phá một trong những giai tầng cổ nhất trong dân ca Việt Nam.

Được đọc và “ngâm nga” các làn điệu trong công trình đặc khảo về Hò trong dân ca người Việt của Lư Nhất Vũ và Lê Anh Trung, tôi như đang bồng bềnh, lang thang ngắm nhìn một bầu trời đầy sao, mà mỗi ngôi sao là một điệu Hò, và lẽ đương nhiên hoàn toàn bị choáng ngợp bởi ánh sáng lấp lánh của hơn 200 làn điệu. Có thể nói, đây là một bộ sưu tập muôn màu muôn vẻ, được nghiên cứu, sắp xếp một cách khoa học đã giúp tôi không bị đi lạc mà còn tìm được lối ra hợp lí để có thể cảm nhận cái hay, cái đẹp trong thế giới âm thanh độc đáo của Hò hòa quyện với những hình tượng văn học vô cùng phong phú, đa dạng.

Đặc biệt với Hò trong lao động sản xuất, các tác giả đã đi sâu nghiên cứu các điệu Hò trên ba bình diện khác nhau, đó là Những điệu hò lao động đích thực, những điệu hò giao thế, và những điệu hò lao động cách điệu. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể tiếp cận mỗi loại với những đặc trưng, đặc điểm riêng, từ mặt biểu hiện thực tiễn lao động đến bản chất cảm xúc và kết cấu nghệ thuật. Qua đó có thể nhận thấy về bản chất hình tượng, nghệ thuật thì Hò lao động đích thực nổi bật tính miêu tả, còn Hò giao thế lại trội hơn ở tính biểu hiện, riêng Hò lao động cách điệu thể hiện sự diễn lại, sân khấu hóa. Như vậy, chúng ta hiểu rõ hơn, mỗi loại Hò phản ánh, cổ vũ lao động theo cách riêng của mình, nhưng bên trong mỗi loại dường như đều tìm thấy bóng dáng của nhau.

Cùng với việc nghiên cứu về mặt thể loại và cấu trúc, các tác giả Lư Nhất Vũ và Lê Anh Trung còn đi vào một trong những lĩnh vực của ngôn ngữ âm nhạc, đó là thang âm và điệu thức của Hò. Theo tôi đây là phần quan trọng rất hữu ích cho những ai chuyên nghiên cứu và sáng tác. Vì điệu thức là kết quả của sự vận động về âm điệu và giai điệu nói chung, đồng thời tính độc đáo của điệu thức bao giờ cũng có mối liên hệ gắn bó với tính độc đáo của âm điệu. Bên cạnh đó, lượng thang âm và các trục âm có thể nói là “ chìa khóa” để chúng ta mở ra, tìm hiểu các tầng dân ca khác nhau và “những màu sắc đặc thù của dân ca mỗi tộc người, mỗi vùng, mỗi khu vực trên một lãnh thổ nhất định”.

Đặc biệt, trong công trình Hò trong dân ca người Việt, lần đầu tiên các tác giả đã sưu tập gần 80 ca khúc với ít nhiều có dáng dấp âm hưởng của những điệu Hò mà các nhạc sĩ của chúng ta đã sáng tác trong các thời kì lịch sử của đất nước. Qua đó, có thể khẳng định, Hò vẫn mãi mãi là nguồn cảm hứng tuyệt diệu, là cái gốc của những âm điệu và tính cách thuần Việt đã gợi mở cho chúng ta cách tư duy sáng tạo ra ngôn ngữ âm nhạc mới, vừa dân tộc lại vừa hiện đại.

Đi vào “ thế giới Hò” là đi vào một thế giới sinh động, chân thực và rất phong phú trên các mặt của đời sống lao động, cũng chính là thâm nhập vào thế giới tư tưởng, tình cảm của con người, từ xưa đến nay. Đây cũng là lần đầu Lư Nhất Vũ và Lê Anh Trung đã tập hợp các điệu Hò từ Bắc chí Nam đứng chung nhau trong một “thế giới Hò” tạo thành một “ cộng đồng Hò” hài hòa, đầy sức sống, tiềm ẩn những điều lí thú về mặt học thuật cần tiếp tục nghiên cứu.

Khi bàn về nghệ thuật dân gian, Mác đã viết : “Những tác phẩm này còn tiếp tục đưa lại cho chúng ta khoái cảm nghệ thuật và về một mặt nào đó vẫn giữ nguyên ý nghĩa của tiêu chuẩn và của mẫu mực khó vươn tới”. Và lịch sử của nền văn hóa nhân loại đã từng khẳng định rằng cái giản dị, cái hoàn thiện là cái vẫn tồn tại qua mọi thời đại, mọi thế hệ. Có thể nói, công trình Hò trong dân ca người Việt của Lư Nhất Vũ và Lê Anh Trung một lần nữa minh chứng rằng: Hò của chúng ta không chỉ vẫn tiếp tục tồn tại mà còn được khai thác và phát triển một cách sáng tạo !

Bây giờ, xin mời các bạn hãy thay tôi, tiếp tục làm người kể, người xô, cùng nhau cất giọng hò lên, làm sao cho “…hò cuộc cũng hay mà hò mép hò môi thời cũng lẹ…” giống như điệu hò cấy Đồng Tháp của anh “Sáu Chơi” ở Cao Lãnh, Tháp Mưòi nổi danh một thời!

GS- NS CA LÊ THUẦN (Báo Xuân Văn Nghệ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên